KHI NÀO CÓ THỂ BỎ BỈM ( TÃ ) CHO BÉ ĐƯỢC?

( BS LƯU HỒNG VÂN- PK Nhi khoa Sunshine )

Nhiều bậc cha mẹ không chắc chắn khi nào nên bắt đầu tập cho bé dùng bô hay vào nhà vệ sinh để giải quyết “nhu cầu cá nhân”. Có nhiều lời khuyên khác nhau! Ba mẹ hãy cứ thoải mái nếu bé hàng xóm nhỏ hơn bé yêu nhà mình nhưng lại có thể ngồi bô thuần thục, trong khi mình đã dày công hướng dẫn nhưng bé lại không hợp tác. Không phải tất cả trẻ em đều có thể thể hiện nhu cầu thầm kín này vào cùng một lứa tuổi như nhau, vì vậy điều quan trọng là cần theo dõi khi nào bé có dấu hiệu sẵn sàng như sau:

  • Bé có thể làm theo được các hướng dẫn đơn giản
  • Hiểu và nói được các từ liên quan tới vệ sinh: tè, ị, pee pee, poo poo
  • Giữ tã khô từ 2 giờ trở lên
  • Có thể ngồi trên bô ( dù chỉ chơi ) đủ một khoảng thời gian ( chưa tới 1 phút cho việc đi tiểu, hoặc 5-10 phút cho việc đi cầu )
  • Thể hiện sự quan tâm đến việc dùng bô hoặc mặc quần lót

Hầu hết trẻ em bắt đầu có những dấu hiệu này khi bé trong khoảng 18 đến 24 tháng tuổi, mặc dù một số có thể trễ hơn-  khoảng 3 tuổi. Bé trai thường bắt đầu trễ hơn và mất nhiều thời gian hơn để học cách dùng bô hơn so với bé gái. Ở các thế hệ trước, các bậc cha mẹ có xu hướng tập cho bé ngồi bô sớm, vì thời đó chưa có tã. Cái lợi là không phải nhiều lần trong ngày đi lau dọn phòng và giặt quần, rửa ráy cho bé. Tuy nhiên, bất lợi là căng thẳng, lo lắng không đáng có và kể cả một cuộc chiến không cần thiết cho cả gia đình.

VIỆC “HUẤN LUYỆN” DÙNG BÔ/ NHÀ VỆ SINH MẤT BAO LÂU?

Dạy trẻ mới biết đi sử dụng bô không phải là một công việc dễ dàng. Trung bình cần từ ​​3 đến 6 tháng, nhưng có thể mất nhiều thời gian hơn hoặc ít hơn đối với một số trẻ. Nếu bạn bắt đầu quá sớm, quá trình có khả năng kéo dài hơn. Và có thể mất vài tháng đến thậm chí nhiều năm để bé không cần dùng tới tã vào ban đêm.  [ Xem bài tè dầm ban đêm  https://nhikhoasunshine.com/te-dam-o-tre-em/ ]

Thông thường cách tốt nhất cho bé trai học cách sử dụng nhà vệ sinh là tập bé ngồi xuống trước khi học cách đứng để tiểu. Có những bé sẽ cảm thấy sợ hãi khi đứng trên ghế để đi tiểu trong nhà vệ sinh thì việc có một chiếc bô là lựa chọn tốt hơn.

961110928

Có hai loại bô để giới thiệu cho bé: chiếc bô độc lập, “di động” được hoặc miếng lót đặt trên bồn cầu. Ngoài ra, còn có quần tập có hình dạng tương tự như quần nhỏ của bé, nhưng được may bằng loại vải mềm, thấm hút tốt, dùng thay cho tã. Đây là một bước đệm hữu ích khi bạn có ý định bỏ tã cho bé. Một khi quần tập vẫn khô trong vài ngày, trẻ có thể chuyển sang mặc quần nhỏ mà không cần có tã. Nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng quần tập có thể khiến trẻ em nghĩ rằng sử dụng chúng như tã lót, do đó làm chậm quá trình dạy đi vệ sinh.

TRƯỚC KHI DÙNG BÔ:

  • Ngay cả trước khi tập bô, ba mẹ hãy dùng các từ để diễn tả hành động sử dụng nhà vệ sinh (“đi tiểu”, “ị” và “bô”), day bé cho bạn biết khi tã ướt hoặc dơ.
  • Tập cho bé quen với bô. Lúc đầu, con bạn có thể ngồi trên đó, vẫn mặc quần áo hoặc tã. Khi sẵn sàng, con bạn có thể bắt đầu cởi quần ra và tiểu vào bô.

KHI TẬP NGỒI BÔ:

  • Kiên nhẫn và dành thời gian hướng dẫn bé.
  • Đừng ép bé ngồi bô nếu bé không muốn.
  • Chỉ cho bé cách bạn ngồi trong nhà vệ sinh và giải thích những gì bạn đang làm (bởi vì con bạn học theo bạn). Bạn cũng có thể cho con ngồi trên bô và quan sát trong khi bạn (hoặc anh chị của bé) sử dụng nhà vệ sinh.
  • Thiết lập một thói quen. Ví dụ, bé sẽ ngồi bô vào mỗi sáng sau khi thức dậy, hoặc trong vòng 45 phút đến một giờ sau khi uống nhiều nước. Chỉ cho bé ngồi bô trong vài phút, và một vài lần một ngày, để bé đứng dậy nếu muốn.
  • Cho bé ngồi bô trong vòng 15 đến 30 phút sau bữa ăn để tận dụng xu hướng tự nhiên của cơ thể ( bé dễ đi cầu sau bữa ăn ).
  • Đề nghị bé ngồi bô nếu bạn thấy các dấu hiệu rõ ràng về việc cần phải đi vệ sinh, chẳng hạn như bắt chéo chân, sờ tay vào vùng bên dưới của bé hoặc ngồi xổm.
  • Tránh quần áo khó cởi ra, chẳng hạn như áo liền quần. Những em bé đang tập bô cần có khả năng tự cởi quần được.
  • Tặng bé những phần thưởng nhỏ, như những hình dán ngộ nghĩnh mỗi khi bé ngồi bô thành công.
  • Những người chăm sóc – bao gồm người giữ trẻ, ông bà và ba mẹ sử dụng cùng một tên cho việc đi tiểu, đi cầu, và kể cả bộ phận sinh dục để bé không bị nhầm lẫn. Người nói “tiểu”, người nói “pi pi”, người nói “tè” thì bé sẽ dễ bị rối.
  • Khen ngợi tất cả các nỗ lực của bé. Và hãy nhớ rằng bé chưa thể thuần thuc được như mong muốn của ba mẹ. Điều quan trọng là không trừng phạt trẻ, không thể hiện sự thất vọng khi bé ướt hoặc làm bẩn sàn nhà hay nệm. Thay vào đó, hãy trấn an, hỗ trợ bé ngay.

Vấn đề thường gặp trong quá trình hướng dẫn bé:

  • Nhiều trẻ em đã sử dụng bô/ bồn cầu thuần thục vẫn gặp một số rắc rối trong một số giai đoạn “khó ở” nào đó, như khi bé có em, khi bé bắt đầu đi học.
  • Hãy nói chuyện với BS:

Nếu bé đã được tập bô nhưng vẫn thường xuyên “bất ổn”

Nếu bé thường xuyên bị táo bón khi tập dùng bô.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi về việc tập sử dụng bô hoặc con bạn 4 tuổi trở lên và chưa dùng bô.

Từ khóa » Bỏ Bỉm Khi Nào