​Khi Nào Công An Có Quyền Dùng Súng? - Tuổi Trẻ Online

Vỏ hai viên đạn cao su đang được gia đình anh Lê Văn Thảo giữ chờ cơ quan chức năng đến giải quyết - ẢNH: NGUYỄN NAM

Vỏ hai viên đạn cao su đang được gia đình anh Lê Văn Thảo giữ chờ cơ quan chức năng đến giải quyết - ẢNH: NGUYỄN NAM

Mới đây, thiếu tá Bùi Chí Hiếu, trưởng Công an xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, Bình Thuận, ký giấy mời anh Lê Văn Thảo (25 tuổi, ngụ xã Tiến Thành) đến cơ quan công an làm việc lúc 8g ngày 6-8. Tuy nhiên anh Thảo không đến.

Chiều 22-8, thiếu tá Bùi Chí Hiếu cầm súng đến nhà anh Thảo và bắn hai phát đạn cao su vào lưng anh. Sau đó, lực lượng công an đã áp giải anh Thảo đi.

Chỉ được dùng súng trong trường hợp bắt buộc

Theo luật sư Lê Cao, súng bắn đạn cao su của công an xã là một trong những loại công cụ hỗ trợ được quy định trong pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011.

Pháp lệnh quy định chặt chẽ các trường hợp được nổ súng và nghiêm cấm hành vi lạm dụng việc sử dụng vũ khí để xâm phạm sức khỏe, tính mạng của công dân.

Cụ thể hơn, điều 22 pháp lệnh nêu trên có quy định rõ: khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo.

Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay.

Điều 22 và Điều 33 của pháp lệnh cũng nêu rõ những trường hợp cụ thể được phép nổ súng, ví dụ như khi đối tượng đang đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác, đe dọa sự an toàn của các công trình quan trọng, đang giải cứu, đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng,…

Ngoài ra còn được phép bắn vào phương tiện giao thông của các đối tượng trong một số trường hợp, bắn động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác,…

Trên lưng anh Lê Văn Thảo còn thương tích của 2 viên đạn cao su bị thiếu tá Bùi Chí Hiếu bắn vào chiều 22-8 - ẢNH: NGUYỄN NAM

Trên lưng anh Lê Văn Thảo còn thương tích của hai viên đạn cao su bị thiếu tá Bùi Chí Hiếu bắn vào chiều 22-8 - ẢNH: NGUYỄN NAM

“Như vậy, các quy định đã nêu rõ người có thẩm quyền chỉ được phép sử dụng súng trong những trường hợp cụ thể và phải ở trong tình thế bắt buộc không còn cách nào khác. Không được phép tùy tiện nổ súng bắn dân khi không được pháp luật cho phép.

Hiện nay việc sử dụng vũ khí và các công cụ hỗ trợ được pháp luật quy định rất chặt chẽ nhằm tránh gây ra những hậu quả lớn về mặt sức khỏe và tính mạng của công dân cũng như tránh gây bất ổn xã hội”, LS Lê Cao kết luận.

Người vi phạm quy định về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, theo quy định tại Điều 234 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi năm 2009 đang có hiệu lực) sẽ bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Tùy vào hậu quả, nếu nghiêm trọng hơn có thể bị phạt tù đến 15 năm và còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Tội lạm quyền xử lý thế nào?

Theo LS Phạm Công Út, hành vi của thiếu tá Bùi Chí Hiếu thuộc tội danh lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

“Thiếu tá Bùi Chí Hiếu công tác ở đơn vị cấp xã, do vậy không có thẩm quyền tố tụng hoặc điều tra, hơn nữa vụ án này cũng chưa được khởi tố, vậy mà vị công an này lại dùng các biện pháp mạnh để buộc người dân phải đến cơ quan điều tra trình báo, cung cấp lời khai, như vậy là lạm quyền” - LS Phạm Công Út nói.

Ông Phạm Công Út cho biết hiện đang có dự thảo sửa đổi bổ sung các quy định dành cho công an ở đơn vị cấp xã, phường, mở rộng quyền hạn, cho phép họ có các thẩm quyền tiền tố tụng như lấy lời khai, tạm giữ người,…

Tuy vậy, các quy định hiện hành về quyền hạn của công an cấp xã, phường chưa có những quy định này. Do đó hành vi của thiếu tá Bùi Chí Hiếu là vượt quá quyền hạn của một công an viên, hơn nữa còn gây thiệt hại về sức khỏe cho người dân.

“Không thể nào chối cãi hành vi của vị công an trên đã vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng”, LS Phạm Công Út khẳng định.

Theo Điều 282, Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi năm 2009), tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ có thể bị phạt tù từ 1 đến 20 năm. Ngoài ra người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ một đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ 3-30 triệu đồng.

Mặt khác, về trách nhiệm dân sự, cơ quan công an xã phải là đơn vị bồi thường chi phí chữa trị và khắc phục về vật chất và tinh thần cho nạn nhân.

Mở rộng vấn đề, theo LS Phạm Công Út, ngoài lạm quyền, hành vi của thiếu tá Bùi Chí Hiếu còn có nhiều dấu hiệu của các tội danh khác như sử dụng trái phép vũ khí quân dụng và cố ý gây thương tích.

Cần điều tra rõ mục đích vị thiếu tá này bắn dân là gì, có yếu tố uẩn khúc hay không, có “đơn đặt hàng”, có được ai thuê mướn hay nhờ vả không…

Ngoài ra cũng cần giám định tỉ lệ thương tích của nạn nhân. Nếu tỉ lệ thương tích là từ 11% trở lên thì thiếu tá Bùi Chí Hiếu có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự theo yêu cầu khởi tố của người bị hại.

“Một hành vi xét dưới nhiều góc độ hình sự có thể xâm phạm tới nhiều nhóm tội danh khác nhau. Các cơ quan tiến hành tố tụng nếu xem xét thấu đáo vụ án này sẽ có nhiều góc độ để bàn cãi xung quanh hành vi của vị thiếu tá nêu trên”, LS Phạm Công Út nói.

Giấy mời không phải là mệnh lệnh hành chính

Theo LS Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM), trong những vụ án tranh chấp dân sự, trách nhiệm của cơ quan công an cấp xã, phường chỉ dừng lại ở mức hòa giải.

Do đó, giấy mời của cơ quan này cũng chỉ mang tính chất hòa giải, không phải là mệnh lệnh hành chính có tính chất bắt buộc.

Nếu gửi giấy mời nhiều lần mà đương sự vẫn không xuất hiện thì cơ quan công an cấp xã, phường phải lập biên bản vắng mặt và chuyển hồ sơ lên tòa án có thẩm quyền về tranh chấp dân sự thụ lý giải quyết chứ không có quyền cưỡng bức người dân.

Bàn luận thêm về vấn đề này, LS Phạm Công Út cho biết giấy mời là hình thức mang tính chất tôn trọng, chứ không phải đe dọa hay bắt buộc. Sử dụng hình thức giấy mời thì có nghĩa là người được mời có quyền đến hoặc không đến.

Sử dụng súng không có tâm rất dễ lạm quyền

Một công an có thâm niên trong ngành cho rằng súng và các công cụ hỗ trợ cũng chỉ là phương tiện giúp người có thẩm quyền sử dụng thực thi công việc của mình.

Khi sử dụng súng và các công cụ hỗ trợ, người công an, cảnh sát không những cần có kỹ thuật tốt, tinh thần thép mà còn cần cái tâm để không sử dụng vào những mục đích sai trái.

Theo chia sẻ của vị này, tất cả cảnh sát, công an đều được huấn luyện bài bản về kỹ thuật sử dụng súng và các công cụ hỗ trợ cũng như đều được biết rất rõ trường hợp nào được phép sử dụng súng, trường hợp nào không.

“Sử dụng những phương tiện ấy vào mục đích đúng hay sai, tốt hay xấu, tất cả là phụ thuộc vào đạo đức và ý thức luật pháp của mỗi cảnh sát, công an. Nếu không biết sợ pháp luật, nếu có tâm lý tự xem mình là “bề trên” của thiên hạ, của người dân thì rất dễ có những hành vi lạm quyền”, vị này nói.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> LS Phạm Công Út:

>> LS Trần Ngọc Quý:

Từ khóa » Công An được Dùng Súng Khi Nào