Khi Nào Nên Súc Miệng Bằng Nước Muối? - VnExpress Sức Khỏe

Súc miệng bằng nước muối là phương pháp hỗ trợ điều trị tại nhà phổ biến giúp cải thiện đau họng, cảm lạnh và loét miệng. Súc miệng bằng nước muối có thể giảm đau và kích ứng cổ họng bằng cách giảm viêm, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn.

Phó giáo sư Michael Lerner (trường Y Đại học Yale, Mỹ) cho biết, ưu điểm của nước muối so với nước súc miệng có cồn là nước muối ít mài mòn hoặc gây kích ứng niêm mạc cổ họng. Nước muối tự nhiên và không đắt tiền.

Bạn có thể súc miệng bằng nước muối trong khoảng 10-15 giây, 2-3 lần một ngày. Để thực hiện, bạn hớp một ngụm nước muối lớn, vừa đủ để có thể khò nước trong họng thuận tiện. Ngửa đầu ra sau một chút và súc họng bằng dung dịch nước muối trong khoảng 10-15 giây. Bạn có thể đảo nước muối quanh răng và nướu trước khi nhổ ra. Súc miệng bằng nước muối 3-4 lần, sau đó, súc miệng lại với nước sạch.

Súc miệng bằng nước muối giúp giảm viêm họng, phòng các bệnh đường hô hấp. Ảnh: Freepik

Súc miệng bằng nước muối giúp giảm viêm họng, phòng các bệnh đường hô hấp. Ảnh: Freepik

Phó giáo sư Michael Lerner liệt kê 4 lợi ích khi súc miệng bằng nước muối đúng cách tại nhà như sau:

Giảm viêm họng và thông đường mũi: Các tình trạng như nhiễm trùng xoang, tắc nghẽn và viêm amidan có thể gây viêm và đau họng. Theo phó giáo sư Michael Lerner, súc miệng bằng nước muối ấm có thể giúp làm loãng chất nhầy, giảm sưng và nhiễm trùng hoặc các chất gây dị ứng gây ra tình trạng viêm.

Phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp trên: Phó giáo sư Michael Lerner khuyến nghị súc miệng bằng nước muối ấm cho những người bị các triệu chứng của đau họng, đặc biệt là đối với những người nghi ngờ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus hoặc viêm họng do virus. Ngay cả súc miệng bằng nước cũng có thể làm giảm viêm và phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Giảm vi khuẩn có hại trong miệng: Súc miệng bằng muối có thể làm giảm số lượng vi khuẩn trong miệng và nguy cơ sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu và viêm lợi. Nó thường hữu ích cho sức khỏe răng miệng và nướu bởi giữ cho miệng sạch sẽ và giảm khó chịu do lở miệng.

Làm sạch các mảnh thức ăn còn sót lại: Tương tự như nước súc miệng, súc miệng nước muối có thể loại bỏ các mảnh thức ăn trong miệng sau khi ăn và hạn chế mảng bám răng, lớp màng không màu hoặc màu vàng của vi khuẩn trên răng.

Súc miệng bằng nước muối sau bữa ăn có thể giúp rửa sạch các mảnh vụn thức ăn ra khỏi amidan, đôi khi có thể ngăn ngừa sự hình thành sỏi amidan.

Để pha nước muối tại nhà, bạn nên sử dụng nước tinh khiết, nước lọc hoặc nước cất vì nước máy có thể có chất gây ô nhiễm. Không cho quá nhiều muối vì nồng độ quá mặn có thể ảnh hưởng đến cổ họng. Bạn có thể hòa tan 1/2 thìa cà phê muối trong một cốc (30 ml) nước ấm. Tuy nhiên, tốt nhất là bạn mua dung dịch nước muối đã được pha sẵn tại các nhà thuốc.

Một số người pha thêm thêm gừng, chanh hoặc mật ong để cải thiện mùi vị. Tuy nhiên, không có dữ liệu cho thấy sự kết hợp này có thể ảnh hưởng đến lợi ích của súc miệng bằng nước muối hay không.

Mặc dù dung dịch nước muối có thể an toàn nếu nuốt phải nhưng tốt nhất là bạn nên nhổ nó ra. Để đạt hiệu quả tối đa, bạn nên súc miệng bằng nước muối 1-2 lần một ngày.

Theo tờ Medical News Today (Mỹ), những người đang phục hồi sau các thủ thuật nha khoa có thể dùng dung dịch nước muối để súc miệng. Tuy nhiên, trong vài ngày đầu, họ nên súc miệng nhẹ nhàng và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ nha khoa. Những người bị huyết áp cao hoặc những người mắc các bệnh lý khác cần hạn chế lượng natri nên nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng.

Kim Uyên (Theo Insider, Medical News Today)

Từ khóa » Súc Miệng Bằng Nước Muối Khi Nào