Khi Người Nổi Tiếng Ra… Hầu đồng - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

Mỗi một vị được hiển thánh là một cốt truyện khác nhau được dân gian truyền tụng từ đời này sang đời khác qua tiếng hát, cung đàn gieo vào lòng người cảm xúc sâu sắc mà không ngôn từ nào có thể miêu tả hết được tâm trạng chộn rộn đa sầu, đa cảm ấy. Nhiều nghệ sĩ (NS) nổi tiếng sau khi tìm hiểu nét đẹp văn hóa dân gian huyền bí này, hoặc một cơ duyên, rồi như bị dẫn dụ, thôi miên đều nhất tâm ra hầu đồng, hát văn dâng Thánh.

NS cải lương Thoại Mỹ, NS hát quan họ Thúy Hường, hay NSND Lan Hương "Em bé Hà Nội", diễn viên trẻ Thiên Bảo, danh hài Hoài Linh, danh hài NSƯT Xuân Hinh… đều đã ra đồng hầu cửa Thánh từ lâu. Nhân dịp đầu xuân mới, khi tiếng hát cung đàn ngân nga, dập dìu trong khắp các đền, các phủ, mùi nhang khói mịt mù gợi nhớ hồn vấn vương, vương vấn, cùng nghe các NS trải lòng.

NSND Lan Hương: Cuộc đời đôi khi cũng tùy duyên định đoạt

Chị nhận mình là thanh đồng, là người có căn. Chị kể chị sinh vào giờ tý. Giờ của quan đi chấm đồng. Chị năng đi lễ khắp đền to, phủ lớn trong Bắc ngoài Nam, xuống biển lên ngàn vi vu miền sơn cước. Chị nói chị yêu tha thiết ông Hoàng Bẩy Bảo Hà, ông Hoàng Mười xứ Nghệ, yêu cô Chín Sòng Sơn, cô Bơ đất Thanh Hóa… yêu cả ông Chín Cờn, yêu mẫu Kỳ Anh ngụ ở dải đất miền Trung nắng gió.

Kỳ cạch tự mình lái xe trên tuyến đường Nam - Bắc qua cầu Bến Thủy vào đèo Ngang để lễ mẫu Đệ nhất Thiên Tiên, bà chúa Liễu Hạnh có đền hương khói nghi ngút quanh năm bên sườn đèo. NSND Lan Hương ra hầu đồng đã từ lâu lắm. Cô Mười, đồng thầy của chị, hai người có mặt khắp chốn cùng nơi những ngôi đền thiêng. Lần đầu tiên, dự giá hầu của chị tại một ngồi đền trên phố cổ Hà Nội, phố Hàng Quạt, chị mặc tấm áo lụa trắng tinh, khuôn mặt tươi tắn rạng ngời, thay trang phục xiêm y vào các vấn hầu, lúc các giá quan oai phong lẫm liệt uy vũ, lúc thỉnh mời chầu bà về dung mạo mê hoặc khác thường, lúc các giá cô hiện đến nồng nàn quyến rũ đắm say, khi cô bé nhí nhảnh tươi vui lí lắc…

Tiếng đàn, điệu hát ngân nga, khi khoan khi nhặt, khi trầm khi bổng, tiếng hát của cung văn Trọng Bình: “Trên ngàn gió cuốn rung cây/ Dưới khe cá lặn chim bay về ngàn/ Canh khuya nguyệt lặn sao tàn/ Chiếc thoi bán nguyệt khoan khoan chèo vào…”. NSND Lan Hương nhập đồng Công chúa Thiên Thai, vẻ đẹp của chị như được tả trong văn: “Da ngà mắt phượng long lanh/ Mày hoa tươi tốt mai xanh mượt mà”. Ngắm dung nhan phủ bóng các giá hầu của chị càng ngắm càng yêu, càng nhìn lại càng say, bàn tay được tả: “Tay tiên múa lượn khúc ròng”, đôi chân lướt nhẹ trên sập ban công đồng phủ chúa hình ảnh của cô Chín Sòng Sơn: “Hằng Nga cung cấm Quảng Hàn/ Rẽ mây cô xuống dương gian ngự đồng”.

Chị nói các Thánh, các Mẫu đã chấm đồng chị từ khi rất bé, nếu chị đã ra hầu đồng là có một đấng tối linh chỉ dẫn, thanh đồng phải là người có cốt cách nhân duyên để ra làm việc hầu Thánh. Chị có niềm tin mạnh mẽ với vũ trụ bao la đầy huyền bí, những vì sao tinh tú và con người là một hạt cát li ti trên sa mạc mênh mông vô bờ. Chị tin mọi chuyện đều có khởi thủy vào nhân duyên, nên cuộc đời đôi khi cũng tùy duyên định đoạt.

NSƯT Xuân Hinh: Đừng lợi dụng biến hầu đồng thành mê tín dị đoan

Cách đây hơn 20 năm, hồi còn học tại Trường Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội, tôi đi dự một vấn hầu tự nhiên bị cuốn hút luôn bởi lời ca tiếng hát văn rất hay, đi vào lòng người. Hầu đồng là một sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật giữa ca, nhạc, múa, diễn, là loại hình tổng hợp của văn hóa dân gian.

Những bài hát văn có lời ca tiếng hát gần gũi với cuộc sống, ca ngợi ông hoàng bà chúa: ông Hoàng Bẩy, ông Hoàng Mười, các quan đệ Nhất, đệ Tam, đệ Tứ, các chầu, các cô… đồng thời răn dạy con người hướng tới những điều tốt đẹp. Dạy con người thì dạy bằng sự trừng phạt cũng là một cách dạy. Dạy bằng tâm linh cũng là một cách dạy. Dạy bằng thuyết nhân quả cũng là một cách.

Và rồi mình quyết tâm đi học, lúc đấy thật may mắn vì được tiếp xúc với nhiều nghệ nhân dân gian giỏi nghề còn sống, như thầy Bùi Trọng Đan, một số các thầy khác trải qua thời gian cho đến nay hầu hết các cụ đều đã quy tiên.

Đây là văn hóa dân gian nên, cụ này có thể sáng tạo cái này, cụ kia có thể sáng tạo cái kia, mình góp nhặt câu hát của tất cả các vùng miền. Tôi học tất cả các làn điệu về hát văn, tôi đi dự rất nhiều các vấn hầu và mình cứ bị ngấm dần. Mình đã hát, đã diễn rồi thu lại vì sợ nay mai có tuổi không hát, không diễn được, chứ không phải nguyện vọng hát văn hầu đồng để kiếm tiền. Nhiều khi muốn diễn hài là để nuôi bản thân và lấy ngắn nuôi dài, chứ mình làm gì có tiền, ai cho mình đâu, bây giờ mình có nhiều đĩa hát văn, hầu đồng rất quý nhưng quý so với mình còn người ta nhìn nhận thế nào thì mình không biết.

NSƯT Xuân Hinh trong một giá đồng.

Đã đến hầu cửa Thánh, cửa Mẫu thì phải nghiêm ngắn quy củ, trang phục phải đẹp, đủ, đúng. Trau chuốt cẩn thận từ cái khăn đai, áo mũ, váy áo, trâm cài… Tất cả các giá hầu mình cũng đã nghiên cứu và khi hầu luôn cố gắng làm thế nào phả được nhân vật đó có hồn, có bóng, có cốt cách của các giá mà mình thỉnh về. Khi hầu đồng, thanh đồng từ quần áo, trang phục diện mạo để lên một giá đồng được tỏa bóng thì đấy mới là cao cấp.

Chỉ cần dự hầu là mình biết người này ở ngoài cuộc sống, sống thế nào. Khi vào các giá hầu mình luôn cố làm thế nào để cho hay nhất, mang hình ảnh đẹp nhất. Hầu đồng là một nét văn hóa nghệ thuật tâm linh, nói đến nghệ thuật thì việc đầu tiên là người đấy phải có tố chất bẩm sinh, có giọng hát, lối diễn xuất duyên, chứ không như các nghề khác. Nghề khác có thể đào tạo thành công nhân cơ khí, công nhân xây dựng… Chứ làm việc này mà không yêu, không có tố chất bẩm sinh, thì có tập, có học, thực hành xong thì cũng chẳng thành cái giống gì.

Tôi nhất tâm ngồi cửa Phật, cửa Thánh, dù đi xa, đi gần, mình cũng nhất tâm. Mình tâm niệm thuyết nhân quả, nhân nào thì quả nấy. Sống thế nào thì sẽ gặp thế đấy nên mình cứ làm điều gì cho tốt. Hầu đồng dễ thì một bó, khó thì một nén. Ngồi ở cửa Phật, cửa Thánh mình hát, mình diễn, mình nhất tâm. Nhất là việc trước cửa Thánh, cửa Mẫu, mình mua hương hoa kim ngân đẳng vật, các cụ sẽ chứng tâm, phù hộ độ trì cho. Mình sống thế nào ở ngoài đời mọi người còn biết huống hồ là cửa Phật, cửa Thánh. Giả dối thì gặp giả dối. Trước cửa Phật, cửa Thánh mà giả dối là chết ngay chứ.

Đồng tiền của Phật, Thánh có gai, khó nhai lắm, không giả dối được. Thế nên mình nhất tâm, mình làm kể cả tiền không có, mình sẽ cố lấy cái nọ nuôi cái kia, trong cuộc sống có nhiều người giúp cái này, cái khác. Đã không làm thì thôi, chứ khi hầu, khi múa, khi hát thì luôn cố gắng làm tốt nhất có thể. Mình không buôn thần, bán thánh, không có nhu cầu kinh doanh, kiếm tiền bao nhiêu cho nó đủ cuộc đời. Sinh ra hai bàn tay trắng, chết đi cũng hai cái trắng tay.

Mình luôn tâm nguyện, con dân đứng trước tâm linh của đất nước cũng phải quỳ lạy, mà vua đứng trước ban thờ ông bà tổ tiên cũng phải quỳ lạy. Mọi người sinh ra phải có tổ tông, gốc rễ. Hầu đồng là một nét văn hóa của Việt Nam. Đằng sau hầu đồng, hầu bóng cũng có những mặt trái. Đằng sau tấm huy chương bao giờ cũng có mặt trái hay một bài hát có đạo nhạc.

Trong thời buổi kinh tế thị trường phát triển như thế này thì mình phải chấp nhận. Hầu đồng là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng tâm linh. Nhưng bây giờ mà có kẻ lợi dụng biến hầu đồng thành mê tín dị đoan, bảo thánh phán truyền, khiến người ta phải bán nhà cửa để có tiền ra đồng thì đó là mặt trái.

Diễn viên Thiên Bảo: Cách đây 10 năm, tôi đã ra hầu đồng

Khi lớn lên tôi bị ảnh hưởng nhiều phong tục văn hóa của Việt Nam, bị ảnh hưởng đạo Phật. Hồi còn nhỏ tôi hay đi chùa, vào nghe các nhà sư giảng đạo thuyết pháp và bản thân mình chưa quy y cũng đã tụng kinh, bẵng đi một thời gian vì công việc bận rộn tôi ít có thời gian để đến chùa.

Sau này có cơ duyên gặp anh, một hôm anh Hoài Linh nói với tôi: "Hôm nay anh đi hầu đồng em đến dự đi". Tôi nghe thấy lạ và không hiểu: "Hầu đồng là cái gì ta?", nên tò mò tới để xem chơi.

Tôi đến ngồi dự từ đầu cho tới cuối buổi hầu thì không hiểu lắm, thấy đạo gì mà sao trông lạ vậy? Từ trước đến nay chưa thấy bao giờ. Thanh đồng thay rất nhiều trang phục, làm các động tác nhún nhảy, múa lượn. Người ta nói hầu đồng là bị nhập. Sau này cứ đi riết dự các buổi hầu đồng rồi ảnh hưởng vào mình lúc nào không hay.

Quan trọng nhất, người hầu đồng nghe thấy tiếng chầu văn người ta cảm thấy trong mình thật khác, giai điệu tiếng hát, tiếng đàn du dương, ngân nga vang lên đi vào trong tâm hồn mình nhiều cung bậc tình cảm, vừa xót xa, thương cảm nuối tiếc, lúc tươi vui réo rắt nhí nhảnh, lúc lại oai hùng, lẫm liệt. Rồi khi không đi dự hầu nữa tôi thấy nhớ tiếng chầu văn, cung đàn tiếng hát đầy cảm xúc. Khi hiểu lời ca của những giá đồng tôi nhận thấy trong thân phận của những ông Hoàng, những vị chầu, các mẫu, các cô, các cậu cảm xúc trong mình chộn rộn rất khó tả.

Theo cảm nhận của riêng tôi thì những con người đó không hề siêu thoát mà vẫn ở lại trần gian, ở bên cạnh người trần giúp mọi người, làm công việc như hồi còn sống. Tôi cảm nhận đây là tổ tiên ông bà của mình, những người đã khai sáng, giúp dân giúp nước, sống trọn vẹn với những tình nghĩa, yêu thương, làm cho mình cảm thấy rất gần gũi, và nghĩ đây là một đạo của dân tộc Việt Nam, từ đó tôi đi theo tìm hiểu và ra đàn.

Diễn viên Thiên Bảo trong một giá đồng Thanh đồng.

Anh Hoài Linh hướng dẫn đưa đến đền Sòng Sơn ở đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, TP HCM, tôi trình đồng luôn. Khi trình đồng ở nơi nào đầu tiên thì người trình cũng phải trình đồng ở đó 3 năm liền, sau mới đi hầu ở những nơi khác. Nhiều khi đồng thầy cũng dẫn tôi ra Bắc hầu một số đền chính như mẫu Sòng Sơn ở Thanh Hóa. Thường thì một năm tôi hầu hai vấn, đầu năm và cuối năm, có khi hầu giữa năm. Ở mỗi vấn hầu có khoảng 20 đến 22 giá, từ giá mẫu quan lớn, giá trầu, giá mẫu, giá ông Hoàng, giá cô, giá cậu…

Có những giá hầu mà người ta gọi là sát căn của một người nào đó. Thanh đồng hầu lên một giá nào đó thì tự nhiên có diện mạo, phong thái, cử chỉ dáng điệu, và gương mặt biểu cảm lộ rõ lên, người đấy biến đổi hoàn toàn. Những người ở bên ngoài đến dự hầu thấy thanh đồng đó sát căn của ai? Căn quan, căn chầu, căn cô, căn cậu, hay căn ai. Như Thiên Bảo sát căn chầu đệ Tứ mặc áo vàng, và ông Quan lớn đệ Ngũ mặc áo xanh, khi mình cầm thanh long đao lên múa hầu thì ai ở ngoài cũng nói mình sát căn quan lớn đệ Ngũ. Hay như khi mình dự hầu của các thanh đồng khác thì thấy thanh đồng hầu đến giá đó tự nhiên mình thấy thích, nghe nhìn không chớp mắt

Từ khóa » đền Sòng Nguyễn Thiện Thuật