Khi Người Yêu Của Chúng Ta Quá Lý Trí - Tâm Lý Học Tội Phạm

Thoạt đầu có vẻ kỳ quặc khi tưởng tượng rằng chúng ta có thể tức giận, thậm chí nổi điên trước người yêu vì họ tỏ ra quá lý trí và quá logic trong cuộc thảo luận. Chúng ta từng đánh giá cao lý trí và logic. Chúng ta thường không phải là kẻ thù của lý tính và bằng chứng. Làm sao mà những yếu tố ấy lại trở thành vấn đề trong chuyện yêu đương? Nhưng khi được xét lại với đủ trí tưởng tượng thì sự ngờ vực của chúng ta có thể rất hợp lý.

Khi chúng ta gặp khó khăn, thứ mà ta chủ yếu kiếm tìm từ người yêu, người bạn đời của mình là cảm giác họ hiểu được chúng ta đang trải qua những gì. Chúng ta không tìm kiếm các câu trả lời (vấn đề có thể quá lớn để có được câu trả lời rõ ràng) nhiều bằng sự trấn an, an ủi và cảm thông. Trong những trường hợp đó, việc thể hiện một lập trường quá lý trí có thể không phải là một hành động tử tế, mà được xem như một sự thiếu kiên nhẫn trá hình.

Hãy tưởng tượng một ai đó tìm đến người yêu của họ để than thở về cảm giác sợ độ cao. Nỗi sợ độ cao thường hiển nhiên là vô lý: ban công rõ ràng là đâu có dễ sập, có một lan can bằng sắt chắc chắn giữa chúng ta và vực thẳm, độ kiên cố của tòa nhà thì được các chuyên gia kiểm định thường xuyên. Chúng ta có thể đều hiểu điều này về mặt lý trí, nhưng nó không thể xoa dịu nỗi lo lắng đến phát bệnh của chúng ta trong thực tế. Nếu người ấy kiên nhẫn giảng giải về các định luật vật lý cho ta thì chúng ta cũng không thấy biết ơn họ: mà chỉ đơn giản cảm thấy họ không hiểu ta.

©Flickr/Hernán Piñera

Nhiều thứ gây rắc rối cho chúng ta có một cấu trúc tương tự với chứng chóng mặt; nỗi lo lắng của ta không hợp lý nhưng chúng ta xem tất cả đều như nhau. Ví dụ, chúng ta có thể tiếp tục cảm thấy áy náy vì đã làm cha mẹ ta thất vọng, bất kể chúng ta đối xử tốt với họ đến đâu. Hoặc chúng ta có thể thấy rất lo lắng về tiền bạc ngay cả khi tình hình tài chính của ta vẫn khá an toàn một cách khách quan. Chúng ta có thể thấy khiếp đảm trước ngoại hình của mình, ngay cả khi chẳng có ai đánh giá khắt khe khuôn mặt hay cơ thể của ta. Hoặc chúng ta có thể tin chắc rằng ta là kẻ thất bại đã làm rối tung hết mọi thứ mà chúng ta đã làm–ngay cả khi, về mặt khách quan, dường như chúng ta đang làm khá tốt. Chúng ta có thể sốt ruột không nguôi rằng ta đã quên đóng gói hành lý một thứ gì đó dù ta đã rất cẩn thận và có thể, dù sao đi nữa, ở thái cực khác là ta mua gần như tất cả mọi thứ. Hoặc chúng ta có thể cảm thấy cuộc đời mình sẽ sụp đổ nếu chúng ta phải thực hiện một bài thuyết trình ngắn mặc dù hàng ngàn người có những bài thuyết trình không hay mỗi ngày mà cuộc sống của họ vẫn tiếp tục như bình thường.

Khi chúng ta kể lại những lo âu của mình với người yêu, chúng ta có thể nhận về một loạt câu trả lời lý trí, chí công vô tư–chúng ta trước giờ vẫn luôn hiếu thuận với cha mẹ, chúng ta đã mang đủ kem đánh răng v.v..–những câu trả lời hoàn toàn đúng song lại chẳng hề hữu ích, và chọc ta nổi điên theo cách của chúng. Cảm giác như thể tính lý trí thái quá của đối phương khiến họ xem thường những mối bận tâm của chúng ta. Bởi vì về lý trí mà nói, chúng ta không nên sợ hãi hay lo lắng, ngụ ý là chẳng có người tỉnh táo, lành mạnh nào lại có chúng; người yêu khiến chúng ta cảm thấy mình có chút hâm dở.

Người đưa ra quan điểm ‘lý trí’ không nên ngạc nhiên trước phản ứng đầy giận dữ mà họ nhận được. Họ chưa tính đến chuyện tâm trí con người có thể kỳ quặc, trái khoáy và vượt xa những quy tắc thông thường của lý trí như thế nào, kể cả của họ. Thứ logic mà họ đang áp dụng quả thực là một kiểu lý lẽ thường tình cục súc, chối bỏ những hiểu biết của tâm lý học. Tất nhiên tâm trí của chúng ta là nạn nhân của những tưởng tượng, ảo tưởng, những phóng chiếu và nỗi khiếp sợ ám ảnh. Tất nhiên là chúng ta sợ hãi trước nhiều thứ không tồn tại trong cái gọi là thế giới thực. Nhưng những hiện tượng như vậy không hẳn là phi lý trí. Nó xứng đáng nhận được lý trí sâu sắc hơn dựa trên sự cảm thông đối với những phức tạp của đời sống cảm xúc. Cảm giác liệu chúng ta có quyến rũ hay không thực sự không nằm ở ngoại hình của ta, mà nó tuân theo một cái gọi là logic quay ngược lại về thời thơ ấu và chúng ta cảm thấy mình được yêu thương như thế nào bởi những người mà chúng ta dựa vào. Nỗi sợ nói chuyện trước đám đông gắn liền với những cảm xúc xấu hổ đầy uẩn khúc bị chôn vùi từ rất lâu và một nỗi sợ xoay quanh chuyện cạnh tranh và ứng phó với tính đố kỵ của người khác.

©Flickr/Steve C

Một cách tiếp cận quá lý trí trước nỗi sợ tức là coi nhẹ nguồn gốc của chúng và thay vào đó là sự tập trung vào việc tại sao chúng ta không nên có chúng: điều đó làm ta phát điên khi chúng ta đang đau khổ. Không phải là ta muốn người yêu đừng lý trí nữa; mà chúng ta muốn họ dùng trí tuệ của họ vào nhiệm vụ an ủi vỗ về. Chúng ta muốn họ thấu hiểu những trải nghiệm quái gở của chúng ta bằng cách nhớ về những trải nghiệm quái gở của riêng họ. Chúng ta muốn được thấu hiểu cho tất cả chúng ta đều là những động vật điên rồ và sau đó được an ủi vỗ về rằng dù gì đi nữa thì chuyện đó (có lẽ) sẽ KHÔNG SAO ĐÂU.

Và một lần nữa, có thể việc dùng đến lý trí quá trớn không phải vì vô tình hay một dạng ngu ngốc. Mà nó có thể chỉ là một hành động trả đũa. Có lẽ người ấy đưa ra những câu trả lời lý trí cộc lốc cho những nỗi lo lắng của chúng ta bởi những nỗ lực của họ để trở nên thấu cảm hơn đối với chúng ta trong quá khứ chẳng đi đến đâu. Có lẽ chúng ta đã phớt lờ những nhu cầu của họ. Nếu hai người trở nên ‘lý trí’ đúng mức theo nghĩa sâu sắc nhất của từ này–tức là, thực sự sống cùng tất cả những phức tạp của hoạt động cảm xúc–thay vì cãi nhau xung quanh câu hỏi ‘Tại sao anh lại quá lý trí như vậy khi em đang khổ sở?’, thì người kia nên nhẹ nhàng thay đổi chủ đề và hỏi: ‘Có phải anh đã làm gì gây tổn thương hay phớt lờ em không?’ Đó mới là lý trí đích thực.

Nguồn: The Book of Life

Từ khóa » Con Gái Yêu Bằng Lý Trí