Khi 'ớt' Không Cay - Ngôi Sao

Vậy khi sống cùng một quả “ớt không cay”, đàn ông liệu có cảm thấy hạnh phúc?

Anh Liên, một kiểm toán viên, lấy vợ năm 38 tuổi. Lý do anh lập gia đình muộn vì suốt thời tuổi trẻ, anh trải qua ba mối tình sâu sắc, gắn bó đến mức tưởng như đã chạm được đến hôn nhân nhưng cuối cùng lại bị rớt bịch bởi mỗi khi tình yêu đang vào độ chín thì anh lại phải đi công tác ở các tỉnh xa triền miên nhiều ngày. Trong thời gian đó, từng cô gái của anh đều thể hiện tính ghen tuông triệt để.

42-15968301-1368014184_500x0.jpg

Họ nghi ngờ, cãi vã, dằn vặt và cuối cùng thì anh không thể chịu đựng được vì những áp lực do họ gây nên. Anh cho rằng họ như thế là không hiểu anh và quá nhỏ nhen. Anh phát khùng lên vì họ và thế là tình yêu đều kết thúc.

Cho đến tận ba năm về trước, khi anh gặp được Hạnh, một cô gái đã 30 tuổi, sống cởi mở và rất thấu hiểu công việc của anh. Họ tìm hiểu nhau được gần một năm và anh Liên vững vàng tiến tới cuộc hôn nhân của mình.

Khi mới cưới nhau, những lần xa nhà, anh cảm thấy dễ chịu vì không còn bị các cuộc điện thoại tra hỏi, lục vấn. Khi về nhà, anh không bị những lời trách móc “Đi gì mà biền biệt thế” của vợ. Nhưng rồi dần dần, vì công ty mở thêm nhiều chi nhánh, càng ngày anh càng phải đi xa nhà nhiều hơn. Có dạo, đi cả tháng anh mới về. Thế nhưng trong suốt thời gian đó, nếu anh không chủ động gọi điện về thì hầu như chị Hạnh cũng không hề gọi điện hỏi thăm anh trước lấy một lần.

Có hôm, đang ngồi bù khú với đồng nghiệp ở bãi biển, anh bấm máy gọi cho vợ. Khi nghe được tiếng léo nhéo của những cô phục vụ trong máy, vợ anh nghe điện chỉ bảo chắc là anh đang bận, em cúp máy nhé.

Có chuyến công tác anh được trở về nhà sớm hơn kế hoạch một tuần. Vợ anh ra mở cửa với một lời đón chào bình thản nhất "Sao anh về sớm vậy?”. Anh Liên thoáng nét buồn “Anh đi xa lâu, em không nghi ngờ gì à?”. Chị Hạnh chỉ hỏi lại với thái độ thờ ơ “Tại sao lại phải thế?”.

Sự chờ đợi một tâm trạng mong ngóng chồng không hề xuất hiện ở vợ làm tính tự ái của đàn ông dâng lên. Anh lẳng lặng bỏ vào nhà nằm xoài ra và tự hỏi như là đang thất vọng “Hình như mình không phải là người quan trọng với cô ấy”.

Anh Nam làm trưởng phòng kinh doanh của công ty chuyên về quảng cáo. Công việc của anh hay làm việc và tiếp xúc với các người đẹp. Là đàn ông, lại sẵn có tính tự do, hoa lá nên khi mới cưới vợ, anh chưa quên được thói quen thời trẻ tự do của mình, nên có đôi khi dấm dúi cặp kè với một vài cô người mẫu. Nhưng rồi sau ngày cưới được một năm thì vợ chồng họ có con. Kể từ đó, anh bớt đi tính trăng gió của mình và thường xuyên có mặt ở nhà nhiều hơn.

Cái cảm giác đầm ấm bên vợ, bên con làm anh thấy mình hạnh phúc. Tuy nhiên, từ khi cô con gái nhỏ bước vào tuổi thứ ba và đến nhà trẻ thì vợ anh bắt đầu đi làm về muộn. Mọi việc chị đều giao phó cho người giúp việc.

Khi thấy tần suất vắng nhà của vợ ngày một nhiều, anh thoáng thắc mắc và kín đáo tìm hiểu nhưng chưa phát hiện được điều gì. Một hôm, anh về nhà, thấy cô con gái đang thút thít và thi thoảng khóc nấc lên vì đói và nhớ mẹ. Anh gọi điện cho vợ và buộc phải hỏi: “Em đang làm gì mờ ám vậy? Sao hay về nhà muộn thế?”. Vợ anh trả lời qua điện thoại một cách điềm nhiên “Em đang ăn tối với một anh bạn. Về muộn. Anh cứ cho con ăn trước đi”.

Tối đó, vợ về, anh Nam vừa tức giận, vừa gào lên tra hỏi, căn vặn mọi điều về các mối quan hệ như là bất chính của vợ. Vợ anh chỉ mở to đôi mắt, nhìn anh như nhìn một người từ hành tinh khác đến: “Này, anh bị làm sao thế? Khi anh đi cặp kè với các cô người mẫu, tôi đâu có tính ghen tuông. Tôi tôn trọng tự do của anh. Vậy nên, khi tôi đi cùng ai đó, cũng là bình thường. Anh không được quyền tức giận vì điều đó nhé”.

Anh Huy cũng lấy vợ, một người vợ được anh cho là văn minh, lịch sự và không có nhiều chuyện như bao phụ nữ khác. Cũng như anh Liên và anh Nam, ban đầu, anh Huy từng trải qua cảm giác dễ chịu và hài lòng về vợ.

Mỗi khi anh đi chơi xa với người bạn gái thân thiết, anh đi công tác lâu lâu với cô thư ký xinh đẹp, anh gửi tin nhắn à ơi với người nào đó mới quen, anh chát chít trên net với cô nào giấu mặt, anh chở vợ trên đường và vẫn buông lời khen ngợi cái váy, mái tóc của một bóng hồng thì vợ anh đều biết hết nhưng hầu như cô ấy không hề có một biểu hiện của sự ghen tuông nào.

Khi anh hỏi về điều đó, vợ anh chỉ mỉm cười bảo “Phụ nữ cũng là cái đẹp. Khi anh thích cái đẹp, chiêm ngưỡng, khen ngợi cái đẹp đâu phải là điều xấu”. Anh Huy tiu nghỉu hỏi vợ: “Em không sợ anh bỏ em theo cô nào khác à?”. Vợ anh cũng trả lời thăng thắn đầy tỉnh táo: “Nếu có trường hợp đó xảy ra thì em cũng không nên giữ anh lại bởi, nếu có giữ thì chắc là cũng khó”.

Thái độ này của vợ khiến anh Huy chỉ còn biết ngậm ngùi, đôi khi ao ước: “Giá mà em biết ghen một chút, anh sẽ cảm thấy hạnh phúc và gắn bó hơn”.

Như vậy, thói ghen tuông không phải lúc nào cũng là nguyên nhân khiến đàn ông khổ sở và làm gia đình đổ vỡ. Đôi khi, sống bên cạnh một người vợ không có tính ghen cũng dễ khiến cho người đàn ông không cảm nhận được tình cảm, tình yêu thương thực sự mà người bạn đời dành cho họ.

Vì thế, là người phụ nữ, muốn giữ được hạnh phúc của mình thì đôi khi cũng nên biết sử dụng tính ghen một cách hợp lý, tựa như cần phải dùng một chút gia vị “ớt cay” thì mới tạo được một “món ăn” đậm đà và sâu sắc.

(Theo Phụ Nữ Việt Nam)

Từ khóa » đâm ớt Cay Là Người Như Thế Nào