Khi Rêu Và Dương Xỉ Bị úa Lá, đen Lá, Cháy Lá

Các bạn đã chơi hai loại cây dễ tính này chắc hẳn đã đôi lần thấy hiện tượng úa lá, đen lá mà có người thường gọi là “cháy lá”. Vậy đâu nguyên nhân của hiện tượng này và cách khắc phục chúng ra sao?

lá dương xỉ bị đen
Dương xỉ bị đen lá là vấn đề thường gặp

Ánh sáng và nhiệt độ

Đây là hai yếu tố có thể nói là quan trọng nhất tác động tới khả năng sinh trưởng của rêu và dương xỉ. Nhiều người cho rằng dư ánh sáng dẫn đến hiện tượng cháy lá, dương xỉ thì bị đen còn rêu thì bị vàng úa. Ý kiến này đúng mà không đúng, chúng ta cần phải hiểu rõ một số khía cạnh liên quan.

Rêu và dương xỉ là hai loài có môi trường sống tương đồng, do vậy chúng thường được ông Amano kết hợp với nhau trong cùng một hồ thủy sinh. Trong tự nhiên thì rêu và dương xỉ hầu hết đều phân bố ở khu vực ít ánh sáng, gần nguồn nước, bouaqua nói là “hầu hết” bởi không thiếu những trường hợp chúng vẫn phát triển mạnh ở nơi có ánh nắng mặt trời chiếu sáng mạnh mẽ, xa nguồn nước, lý do là bởi nhiệt độ. Rêu và dương xỉ ưa nhiệt độ lạnh tới mát(20~25ºC), không ưa nhiệt độ cao (>26ºC), chúng có khả năng thích nghi với mọi mức độ ánh sáng (từ rất yếu cho tới rất mạnh). Khi bạn đảm bảo được yếu tố nhiệt độ thì ánh sáng càng nhiều chúng càng sinh trưởng mạnh mẽ.

Hãy cùng nhìn vào một số hồ thủy sinh nước ngoài, việc trồng rêu và dương xỉ xanh tốt dưới ánh sáng mạnh không phải là vấn đề đáng ngạc nhiên

bể thủy sinh chơi rêu đẹp
Hồ này 38L nhưng sử dụng tới 60W T5HO (Tây Ban Nha)
hồ rêu và dương xỉ nhỏ để bàn
Hồ rêu và dương xỉ nhỏ
hồ thủy sinh dương xỉ và cỏ
Hồ 76L , 110W ánh sáng, 8 tiếng/ngày (Mỹ)
bể thủy sinh ánh sáng rất mạnh
Hồ 192L với 324W ánh sáng (Hồng Kông)

Và đơn giản nhất là bạn hãy nhìn vào chính hồ của mình, rêu và dương xỉ của bạn èo uột qua cả một mùa hè nóng bức rồi đến mùa đông sẽ lại có thể đâm chồi nảy lộc. Đây chúng là lúc bạn có thể tăng lượng ánh sáng để kích cho chúng phát triển mạnh mẽ hơn.

Dinh dưỡng

Thực vật thủy sinh nào cũng cần dinh dưỡng, chỉ khác nhau ở chỗ nhu cầu ít hay nhiều mà thôi. Rêu và dương xỉ là loài lớn chậm (thật sai lầm khi trồng chúng trong một môi trường không dinh dưỡng) nên khả năng bị rêu hại khá cao, do đó việc kiểm soát tốt dinh dưỡng là cần thiết. Trong hồ trồng những loài này thì dinh dưỡng nước quan trọng hơn dinh dưỡng nền, đặc biệt là rêu (là loài có rễ giả, không thể hút dinh dưỡng qua rễ), vậy nên các bạn đừng ngạc nhiên khi hồ mới làm được vài tháng nhưng hai loài này dường như đã phát triển chậm hẳn lại.

Dòng chảy

Dương xỉ là loài ưa dòng chảy nên nếu có thể hãy bố trí dòng chảy nhẹ đi qua khóm dương xỉ. Dòng chảy của nước trong hồ cần được chú trọng, không có góc chết (nước hầu như không chuyển động), điều này giúp luân chuyển dinh dưỡng nước tốt hơn, tránh bị rêu hại cục bộ. Chú ý cân bằng dinh dưỡng và ánh sáng để không tạo cơ hội cho rêu tóc, rêu sợi phát triển.

Có khả năng khác?

Khả năng khác là lá cây chỉ bị rêu hại bám đen chứ không phải cháy lá. Rêu và dương xỉ hầu hết đều có phiến lá mỏng manh nên cần lựa chọn loài ăn rêu phù hợp (bouaqua khuyến cáo sử dụng cá Otto).

Cách xử lý

Nhất thiết phải đưa nhiệt độ xuống mức thấp nhất mà bạn có thể. Kiểm tra lại đèn xem có phả hơi nóng xuống mặt nước quá nhiều hay không, nếu có thì phải giảm số lượng đèn (đây là lý do nhiều người lầm tưởng đèn là nguyên nhân), kết hợp với quạt thổi mặt nước sẽ là một phương pháp hạ nhiệt đơn giản, phổ biến. Trong những ngày hè quá nóng bạn có thể phải sử dụng cả nước đá hoặc các loại chiller tự chế. Còn nếu bạn có thể sắm một chiller đúng nghĩa thì không còn gì tuyệt hơn. Cuối cùng, cách phòng chống hữu hiệu nhất là chọn vị trí trồng một cách hợp lý

Còn các bạn, các bạn đã có những kinh nghiệm gì trong khi chơi hai loài cây dễ tính này, hãy bình luận bên dưới để chúng ta cùng thảo luận.

-bouaqua-

3.1/5 - (10 bình chọn)

Từ khóa » Cây Thủy Sinh Bị úa Lá