Khi Thơ- Nhạc Cổ Vũ Tinh Thần Phòng Chống Covid-19

Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn phải đóng băng, tuy nhiên dường như đối với thơ ca và âm nhạc thì vẫn ngoại lệ. Nhiều bài thơ vẫn ra đời, nhiều ca khúc mới vẫn không ngừng cất lên cổ vũ tinh thần chống dịch, như một nguồn sức mạnh mềm góp phần đưa mọi người xích lại gần nhau, quyết tâm chiến thắng đại dịch.

Ca sĩ Khánh Thơ thể hiện ca khúc "Nếu một ngày mẹ phải cách ly", nhạc Đỗ Hòa An, thơ Hà Ngọc Hoàng, trong chương trình Thơ - Nhạc Những lá chắn thép.

Trong tất cả các loại hình thì văn học luôn bắt nhịp được những vấn đề thời sự và có sức mạnh lan tỏa nhanh nhạy và sâu rộng. Có lẽ bởi tất cả những bài thơ ra đời đều đã được thai nghén, thành hình từ chính trách nhiệm xã hội và rung cảm sâu sắc trước hiện thực cuộc sống của người sáng tác.

Hai năm qua, thơ Quảng Ninh ghi nhận sự xuất hiện của một đề tài mới: Phòng chống dịch Covid-19. Hàng loạt tác giả đã say sưa thể hiện đề tài này như: Nguyễn Thị Hoàng Hòa, Nguyễn Tiến Du, Lê Thu Hương, Phan Thị Thu Hường, Phạm Công Hương, Nguyễn Thị Minh Đức, Nguyễn Thị Nguyệt, Dương Tuyết Nhung, Vũ Thảo Ngọc v.v..

Có thể kể ra những bài thơ tiêu biểu như: “Ngọn lửa Việt Nam” của Nguyễn Tiến Du, “Đêm tuần tra Phình Hồ” của Nguyễn Thị Minh Đức, “Lời gửi mẹ từ tâm dịch” của Nguyễn Thị Nguyệt, “Nếu một ngày mẹ phải cách ly” của Hà Ngọc Hoàng, “Đón năm hổ, tiễn năm trâu” của Đào Thị Tròn, “Lỡ hẹn” của Nguyễn Thị Hoàng Hòa, “Xuân này ba vắng nhà” của Hoàng Cương v.v.. Đặc biệt, có những bài thơ ra đời ngay trên chốt, ngay ở bệnh viện dã chiến khi cùng đồng đội chiến đấu với đại dịch Covid-19.

Nhằm động viên, cổ vũ tinh thần phòng, chống dịch Covid-19, thời gian gần đây, các nhạc sĩ Quảng Ninh đã cho ra mắt công chúng yêu nhạc nhiều ca khúc về chủ đề này, không ít bài hát đã được phổ nhạc từ thơ. Nhạc sĩ Lê Đăng Vệ sáng tác ca khúc “Y tế Quảng Ninh: Bài ca lên đường” tri ân những cán bộ, y, bác sĩ ngành Y tế Quảng Ninh đang ngày đêm căng mình trên tuyến đầu chống dịch Covid-19, ngày đêm vì sức khỏe của nhân dân.

Nhạc sĩ Đỗ Hòa An thì phổ nhạc một bài thơ của tác giả Hà Ngọc Hoàng có tựa đề là “Nếu một ngày mẹ cách ly”, chia sẻ nỗi niềm của một người mẹ làm ngành y ở tuyến đầu, đối diện với nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19. Nhạc sĩ Phạm Khải sáng tác ca khúc “Đại dịch rồi sẽ qua” gửi đến người nghe một thông điệp rằng, hãy vững tin, tự nâng cao ý thức, thực hiện tốt phòng dịch rồi đại dịch sẽ qua đi.

Trong số đó, có những ca khúc mới được các nghệ sĩ trẻ sáng tác bằng ngôn ngữ âm nhạc hiện đại, đã nhận được sự yêu thích của đông đảo công chúng trẻ. Có thể kể đến như: Nhạc sĩ Trần Toàn với ca khúc “Những người lính trên tuyến đầu chống dịch”; nhạc sĩ Xuân Tích có ca khúc “Nếu anh không về”; nhạc sĩ Vũ Đức Tạo với ca khúc “Hãy vững tin ngày mai chiến thắng”; nhạc sĩ Phùng Hữu Đức Hùng với “Mệnh lệnh trái tim” phổ thơ Phạm Công Hương; nhạc sĩ Ngọc Lý với "Đường biên giới" phổ thơ Phong Lan.

Nhạc sĩ Tuấn Đạt có ca khúc “Bài hát Quảng Ninh tự tin chiến thắng” với những giai điệu mạnh mẽ đã tiếp thêm niềm tin, động lực cho những lực lượng tuyến đầu. Nhạc sĩ Bùi Vân Anh viết ca khúc "Tự hào lắm Việt Nam ơi” như một sự tri ân đến lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là những chiến sĩ áo trắng đi vào tâm dịch để giành giật sự sống về cho bao người.

Tốp ca thể hiện ca khúc “Bài hát Quảng Ninh tự tin chiến thắng” của nhạc sĩ Tuấn Đạt, trong chương trình Thơ - Nhạc Những lá chắn thép.

Trong số những sáng tác phòng chống dịch, có ca khúc được tác giả ấp ủ thực hiện nhiều ngày, cũng có ca khúc ra đời ngẫu hứng; có trường hợp là sản phẩm của nhạc sĩ chuyên nghiệp, cũng có nhiều bài của tác giả tay ngang. Song tất cả đã góp phần làm nên cuốn nhật ký âm nhạc ghi lại sự cống hiến, hy sinh đầy trách nhiệm của lực lượng tuyến đầu.

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, những người chiến sĩ công an nhân dân cũng đã phát huy truyền thống và tinh thần chống dịch như chống giặc để góp phần mang lại màu xanh cho quê hương. Cảm xúc từ những đóng góp thầm lặng đó, Thượng tá công an Nguyễn Văn Hải đã viết ca khúc "Người chiến sĩ công an trên tuyến đầu chống dịch".

Vì ra đời trong bối cảnh đại dịch khiến điều kiện dàn dựng, thu âm, ghi hình gặp nhiều khó khăn nên nhiều ca khúc đều được thể hiện giản đơn, không sử dụng những kỹ thuật âm thanh hiện đại. Nhưng chính sự mộc mạc đó lại làm cho những sáng tác âm nhạc thời gian qua dường như dễ chạm đến trái tim người nghe hơn, dễ tạo ra sự rung động, đồng cảm hơn.

Từ khóa » Thơ Bộ đội Chống Covid