Kho Báu Vùng đất Phèn - Báo Sức Khỏe & Đời Sống

(SKDS) - Không chỉ là vựa lúa lớn nhất Việt Nam, giữa vùng “rốn” Đồng Tháp Mười quanh năm ngập nước phèn chua, mặn này, có một kho thuốc quý với hàng trăm loại cây dược liệu khác nhau được trồng trên diện tích hơn một ngàn ha và được chăm sóc, nâng niu, gìn giữ, bảo tồn...

Đường vào Đồng Tháp Mười mênh mông phèn mặn

Trong chuyến công tác này, chúng tôi quyết định về trung tâm vùng Đồng Tháp Mười, nơi mênh mông phèn mặn. Hỏi người dân địa phương, không ai là không biết đường đến Khu bảo tồn tràm gió nhưng để vào được “đại bản doanh” khu bảo tồn lại là vấn đề. Men theo quốc lộ 62 từ TP. Tân An (Long An) chừng hơn 50km theo hướng biên giới Việt Nam-Campuchia, tới bến đò Hồng Đức, đoạn gần thị trấn Mộc Hóa rồi dừng lại, đi xuồng ba lá ngược sông Vàm Cỏ Tây chừng 15km nữa trước khi ghé vào con rạch nhỏ Mồi Gọ chừng 5 phút là tới Công ty cổ phần nghiên cứu, bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười.

Rừng tràm.

Dọc đường đi, hai bên bờ Vàm Cỏ Tây yên bình với những mái nhà nằm nép sát dưới những lùm cây. Anh Tấn, người chở đò cười bảo, mùa này chưa có mưa lũ nên đi ngược Vàm Cỏ cũng dễ dàng chứ mấy tháng nữa rất khó chạy xuồng bởi vì những dề lục bình kín cả dòng sông và nước lại chảy rất xiết. Nằm giữa vùng đồng nước mênh mông, trụ sở của Công ty vẫn chưa có đường bộ dẫn vào. Nói vậy không có nghĩa công ty này nhỏ mà bởi vì Giám đốc công ty - ông Nguyễn Văn Bé không muốn phá vỡ các hệ sinh thái sông nước đặc trưng ở đây. Ông muốn ai đến đây cũng phải đi thuyền ba lá, như một phần của cuộc sống, văn hóa người dân vùng Tháp Mười này.

Trong khi ngồi chờ ông Giám đốc, tôi uống vội ngụm nước đá mà cô bé Nhàn vừa đặt trên bàn. Một mùi hương như lạ, như quen xâm chiếm hoàn toàn khứu giác mình. Bao nhiêu mệt nhọc của quãng đường gần 200 cây số từ TP. Hồ Chí Minh xuống đây bỗng tan biến hết. Cảm giác mát dịu sảng khoái làm mình như bừng tỉnh. Ông Ba Bé (tên thân mật của ông) nhìn tôi, cười: “Mình sinh năm 1950, quê Bến Tre, nhưng vào sống và chiến đấu ở vùng Đồng Tháp Mười này từ năm 16 tuổi. Từng chứng kiến rất nhiều cái chết của đồng đội, bà con nhân dân giữa vùng mênh mông nước phèn mặn này, mình nảy ra ý định muốn học nghề thuốc để cứu người”.

Nhớ lại những ngày đầu tiên ở đây, ông nhìn xa xa ra phía rừng cây tràm gió mà trầm tư nói: “Khi ấy ở đây còn chưa có gì, chỉ phèn mặn với phèn chua, mùa lũ nước ngập mênh mông cả. Tuy nhiên, với quyết tâm bảo vệ và đi lên từ cây tràm gió, một loài thuốc quý hiếm chữa bệnh cảm, ho sổ mũi, nhức đầu… nên mình kiên trì bám đất. Bằng nghị lực phi thường, tâm huyết vô hạn nên mấy chục năm qua đã có hàng ngàn tấn đất được đắp bờ làm thủy lợi, hàng trăm cây số được khoanh vùng để hiện nay diện tích rừng của công ty đã lên đến 1.041ha, nằm giữa trung tâm Đồng Tháp Mười, giáp với biên giới nước bạn Campuchia”.

Tuy nhiên, đáng trân trọng nhất là trong hơn 300 loại cây thuốc ở đây, chủ yếu là các cây thuốc được bảo tồn, phát triển từ hệ sinh thái ngập mặn của địa phương. Với ông Ba Bé, cái khó nhất là bảo tồn, phát huy những tinh túy có sẵn của vùng Đồng Tháp Mười.

Kho thuốc quý nơi biên cươngĐược sự giúp đỡ của hai người bạn cùng chiến đấu (tiến sĩ Nguyễn Duy Cương - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cùng dược sĩ Nguyễn Văn Én - Giám đốc Công ty Dược liệu Trung ương 2), hiện nay, công ty của ông Ba Bé đang tự chiết xuất, nghiên cứu một số loại tinh dầu, thuốc nam và tìm tòi thêm những công dụng khác của các loại cây ở đây. Nhiều người dân ở vùng biên giới Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa (Long An) này thường ví ông với lương y Tuệ Tĩnh bởi kho thuốc quý với hàng trăm loại dược liệu cùng rất nhiều công dụng khác nhau phục vụ chữa bệnh cho con người. Tuy ở giữa rừng sâu heo hút nhưng ông lại là người ghiền internet, thường xuyên cập nhật các kiến thức, tin tức cũng như tiến bộ y học thế giới. Cộng thêm sự ham học hỏi nên mỗi lần đi nước ngoài công tác, ông cũng mang về bổ sung cho bảo tàng cây xanh của mình nhiều loại cây mới, công dụng lạ như cây tràm gió Úc, cây chanh Brasil... Trong câu chuyện về những loài cây thuốc quý trong “bảo tàng thuốc” của mình, ông bảo: “Mỗi cây có một loại công dụng nhưng cái quan trọng là phải biết và dùng đúng công dụng của chúng. Vùng Tháp Mười này có rất nhiều loại cây thuốc quý mà người dân trước kia không biết hết công dụng. Ví dụ, cây sen được cho là có nhiều ở vùng Tháp Mười nhưng công dụng làm thuốc của nó thì không nhiều người biết. Cây sen mọc lên từ bùn nhưng từ thân, gốc lá, hoa đều thơm tho, vì vậy, nó là một vị thuốc quý, có nhiều công dụng như làm hương liệu, thuốc an thần, thuốc bổ âm…”.

Hay như cây bông súng, mọc hoang, nhiều vô số ở vùng này, trước đây, người dân thường lấy làm rau ăn trong bữa cơm gia đình mà qua tay ông lại có nhiều công dụng như chữa di tinh, bạch đới, ho, viêm đường tiết niệu… Vừa nói, ông vừa chỉ tay về phía những bụi cây hà thủ ô rồi tiếp, cây này có tác dụng bổ máu, nhuận tràng, an thần, kiềm chế lão hóa.

Tuy nhiên, nhiều nhất ở đây chính là cây tràm gió. Loài thuốc quý chỉ có ở vùng Tháp Mười này được ông quy hoạch lên đến hơn 800ha. Có thể nói, đây chính là “vương quốc” tràm gió lớn nhất cả nước, nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, giáp với tỉnh Svây Riêng của Campuchia. Ngoài việc chiết xuất tinh dầu tràm thì theo ông, cái quan trọng nhất của công ty chính là bảo tồn và phát triển hệ sinh thái cũng như rừng tràm tự nhiên nơi đây. Ngoài những cây thuốc quý, vùng Đồng Tháp Mười còn rất nhiều các loài động vật độc đáo như điên điển, giang xen và một số loài chim quý thuộc họ hạc... cũng đang sống và phát triển ở đây.

Chăm sóc cây thuốc quý. Ảnh: Đoàn Xá

Du lịch chữa bệnh - Hướng đi mới?

Hiện nay, ngoài việc chính là bảo tồn, phát triển, lưu giữ và thí nghiệm để tìm ra các công dụng mới của các loại cây ở đây thì với việc thành lập công ty, ông còn có kế hoạch đưa mọi người đến du lịch, nghỉ dưỡng để…chữa bệnh. Có lẽ đây là một loại mô hình du lịch độc đáo và khá mới mẻ ở Việt Nam.

Với vóc dáng, vẻ bề ngoài hiền hậu cùng dáng đi hơi khó khăn do gánh nặng của tuổi tác và dấu vết đạn bom chiến tranh, trông ông Ba Bé có vẻ nông dân đặc sệt vùng Nam bộ hơn là giám đốc một công ty tầm cỡ quốc gia như vậy. Ông phân tích, nhiều người Việt Nam sống ngay trên những cây thuốc mà không biết, thêm nữa, khi đi du lịch, nghỉ mát, nhiều người vẫn thấy gò bó vì các dịch vụ cứ na ná như nhau. Thế nên việc kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng, chữa bệnh kiểu… sinh thái như thế này sẽ khiến nhiều người chú ý, thích thú.

Nhân đây, cũng xin nói luôn là ông Ba Bé làm thế không phải vì tiền bởi nếu kiếm tiền thì công ty của ông có rất nhiều cách. Ấy là các đoàn sinh viên thực tập của nước ngoài thường về đây nhờ ông hướng dẫn, các công ty mỹ phẩm, nước hoa, đông tây y đều có ý định liên doanh hợp tác với ông. Ông làm thế hoàn toàn với mục đích trị bệnh cho những người có nhu cầu. Dẫn tôi xung quanh khu vực công ty với nhiều xưởng chế biến, khu chế xuất cùng các phòng thí nghiệm hiện đại, ông bảo tài sản quý giá nhất của công ty không phải ở đây mà là kia, vừa nói, ông vừa chỉ tay về những cánh rừng tràm xanh ngút ngàn với ánh mắt đầy tự hào xen lẫn niềm vui hân hoan như một đứa trẻ. Tôi biết, công sức và nỗ lực mấy chục năm trời của ông ở đó, cái ông cần là chia sẻ với mọi người, là giúp những ai cần đến nó.

Đang đi dạo cùng ông thì trời chuyển mưa, gió lạnh thổi về ào ạt. Tôi bèn cáo từ vì sợ không kịp về thành phố nên ông gọi người chở thuyền cho tôi về lại nơi gửi xe. Ông bảo, mưa ở Đồng Tháp Mười khủng khiếp lắm, có thể còn mất điện nữa vì đường dây điện dẫn vào không được kiên cố lắm. Chia tay ông, rời xa bảo tàng xanh khổng lồ đầy thuốc quý giữa vùng đồng đất Tháp Mười này, cái tôi còn lưu giữ nguyên vẹn nhất chính là màu xanh bạt ngàn của tràm gió và mùi hương thoang thoảng đến nao lòng.

Đoàn Xá

Từ khóa » én Phèn Là Ai