'Khổ Chung Thân' Với Chồng Keo Kiệt - VnExpress

Nếu chọn giữa một ông chồng tiêu xài phóng túng và một người ky bo, có lẽ theo quán tính, nhiều chị em sẽ chọn anh chàng thứ hai. Dù sao biết giữ được tiền cho gia đình còn hơn là tiêu xài mất hút.

Lại nói, nếu như một đàn ông rượu chè be bét, đánh mắng vợ con, cộc tính, thích cờ bạc với một người keo kiệt, nhiều chị em có thiên hướng chọn anh chàng thứ hai làm chồng hơn. Bởi dù sao keo kiệt nghe cũng có vẻ tốt hơn so với những tật xấu trên. Nếu bạn chọn như vậy, xem ra bạn đã nhầm. Lấy phải ông chồng keo kiệt đôi khi còn thảm hơn nhiều lần.

Tôi đã dính "bản án chung thân" với ông chồng keo kiệt như Thạch Sùng. Phải nói trước, chồng của tôi không xấu trai, không hút thuốc, không nhậu nhẹt, không cờ bạc, chăm thể thao, nhưng lại là tuýp đàn ông "đong lọ nước mắm, đếm củ dưa hành", tính toán chi li. Bình thường, anh là người hiền lành, điềm đạm nhưng đụng đến chuyện tiền nong thì nhân cách thứ hai của anh trỗi dậy khiến vợ con sống rất khổ.

Cũng vì cái nhân cách thứ hai đó mà tôi đã lầm. Lúc mới hẹn hò và ngỏ lời yêu, tôi cứ tưởng đó là do anh tiết kiệm. Hẹn hò lần đầu, anh bảo trời nóng nực nên mua hai ly nước mía rồi ra công viên ngồi cho mát. Lúc đó tôi đã thấy ngồ ngộ, chỉ nghĩ anh là người tiết kiệm dù tôi có gợi ý là cứ đi những quán có máy lạnh để thoải mái, tôi sẽ cưa đôi tiền với anh. Tới tận lúc cưới, tôi chỉ nghĩ anh là người tiết kiệm. Lúc cưới về rồi mới bật ngửa ra anh là người keo kiệt.

Lễ, Tết, vợ chồng em gái tôi vừa lì xì tiền cho bố mẹ, vừa biếu ông bà giỏ bánh thơm ngon, còn vợ chồng tôi thì chỉ biếu giỏ bánh...của công ty anh tặng. Tôi mà muốn đổi giỏ bánh xịn hơn hoặc thêm ít tiền mừng tuổi ông bà, là kiểu nào cũng bị mặt nặng mày nhẹ rồi bảo "chỉ biết đem tiền về cho bên ngoại".

Tôi nhớ có lần anh dắt vợ con đi ăn, đó là quán bò né mới khai trương, được giảm giá 40%. Hôm đó quán có khuyến mãi hai chai nước ngọt, do đến hơi muộn, hết phần khuyến mãi nên chẳng có nước ngọt. Anh chép miệng gọi hai chai nước suối và kỳ kèo mãi với nhân viên về việc hết nước ngọt. Tôi xấu hổ vô cùng. Ôi thôi còn muôn vàn vấn đề khác khắt nghiệt tiền bạc với vợ con nhưng hễ nói ra là anh chống chế nào là "tiết kiệm để lo cho gia đình, vợ con", "tiêu xài đúng chứ không lãng phí"...

Nếu như đàn ông ham nhậu, rượu chè, cờ bạc nhìn vào là biết ngay. Người khác sẵn sàng lên án cũng như cảm thông cho người vợ. Nhưng với một người keo kiệt, phải tiếp xúc và sống chung mới biết. Vì thế, những người vợ, trong đó có tôi, ít nhận được sự cảm thông. Nếu thổ lộ hoặc tâm sự với ai thì bị nói ngay là keo kiệt nhưng tiền vẫn nằm trong gia đình chứ có mất đi đâu mà sợ, hoặc còn đỡ hơn lấy chồng hoang phí.

Hương

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

  • Những người chồng không rửa bát
  • Những người đàn ông 'gia trưởng rởm'
  • Nữ quyền hiện đại không cào bằng vai trò của hai giới
  • Nước mắt của phái yếu
  • 'Đàn ông gia trưởng sợ vợ độc lập tài chính'

Từ khóa » Kẹt Xỉ Hay Kẹt Xỉn