Khổ, Cực Rồi Cực Sướng… - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

  • Thơ và ca dao

Đụn là đống cao, thường nói về rơm rạ như đụn rơm, đụn thóc; sụn là khuỵu xuống, lún, sụp. Vậy, khó trong câu trên nghĩa là gì? Thỉnh thoảng khi đọc ca dao, thành ngữ, lại bắt gặp từ khó này, tỷ như “Người khôn của khó”, “Khó muốn giàu, đau muốn dã”; “Khó giữ đầu, giàu giữ của”; “Giàu ăn khó chịu”; “Con chẳng chê cha mẹ khó, chó chẳng chê chủ nghèo”; “Khó chó cắn thêm”; “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”…

Khó ở trong các câu này, hàm nghĩa là nghèo ngặt, túng bấn, nghèo rớt mồng tơi, nghèo xơ nghèo xác...

Tuy nhiên không chỉ có thế. Đọc lại các văn bản ngày trước, ta gặp những từ liên quan đến khó như khăn khó - liệu có phải là cách nói ngược của… khó khăn? Không, khăn khó là khăn bịt đầu bằng vải trắng trong việc tang. Khó là từ chỉ việc tang chế, đôi khi người ta chỉ dùng mỗi từ chế - như truyện thơ nôm “Phạm Công Cúc Hoa” có câu: “Ba năm thủ chế cứ nằm gường không”. Khăn khó cũng là khăn chế. “Bậu để chế cho ai mà tóc mai rành rạnh/ Để chế mẹ chồng vậy hiếu hạnh ở đâu? (ca dao). Tùy vùng miền, ngoài từ khăn khó/ khăn tang/ khăn chế, còn có cả khăn trắng, “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) ghi nhận và còn cho biết thêm: “Khăn đẹp: Khăn tang, theo cách nói tránh đi đối với người già chết”.

Còn từ tương đương nào nữa không?

Ta hãy đọc câu ca dao: “Hàng xóm còn trở ba ngày/ Chồng cô, vợ cậu một ngày cũng không”, ta chú ý từ trở. “Việt Nam tự điển” (1931) giải thích: “Dùng trong tiếng Nam có nghĩa là có tang, bị ngăn cấm không được dự vào tiệc vui mừng: Nguời có trở không được đi ăn cưới”. Do từ trở này phai nghĩa theo thời gian, vì thế câu ca dao trên bèn được nhiều người ghi nhận: “Hàng xóm còn để ba ngày”. Nhân đây xin nói luôn, từ câu này khiến ta liên tưởng đến câu: “Chồng cô, vợ cậu, chồng dì/ Trong ba người ấy chết thì không tang”, thiết nghĩ quan niệm này cần thay đổi.

Ai cũng thừa biết rằng, khó còn là từ dùng để chỉ việc rắc rối, phức tạp, nhọc công nhọc sức, phải vất vả nhưng chắc gì đã làm được, hiểu được, thực hiện xong. Một loạt câu có từ khó theo nghĩa này, có thể kể đến To đầu khó chơi; Kén dâu thì dễ, kén rể thì khó; “Đạo cang thường khó lắm bạn ơi/ Chẳng dễ như ong bướm đậu rồi lại bay” v.v… Thế nhưng dù cũng là khó nhưng lại được sử dụng để nói về tính tình, tính nết, tâm trạng...

Thí dụ, anh A nhận xét: “Thằng chả mặt khó đăm đăm, coi bộ khó ăn khó nuốt đây”, ta hiểu là người đó mang bộ mặt cau có khó ưa; và khó ăn khó nuốt ở đây chẳng liên quan gì đến ăn với uống mà ngụ ý về công việc nào đó sắp bàn đến có thể sẽ gặp khó khăn. Nghe thế, chị B đáp: “Đúng thế, thiệt khó ăn khó nói”, cũng chẳng hề có ăn uống gì sất mà chỉ là bày tỏ sự phân vân chưa biết nói làm sao với “thằng chả”. Ngần ngừ một lúc, anh A suy đoán: “Đừng trông mặt mà bắt hình dong, chẳng qua, thằng chả đang khó ở đấy thôi”. Câu này ý muốn nói sự biểu hiện bề ngoài trông khó coi, chẳng qua vì người đó đang khó chịu, mệt mỏi trong người, có thể đau ốm nhẹ gì đó. Chị B gật gù đồng tình.

Sau khi cả hai tiếp cận với “thằng chả”, anh A nhận xét: “Biết ngay mà, hắn ta thuộc loại khó người dễ ta. Khó chơi quá. Hễ nói ra câu nào là khó nghe, khó ngửi câu đó. Khó tính thiệt”. Khó người dễ ta là ám chỉ kẻ ích kỷ, khắt khe, “Của mình thì giữ bo bo/ Của người thì để cho bò nó xơi”, không thèm đoái hoài quan tâm đến người khác, còn đối với mình lại dễ dãi. Chơi trong ngữ cảnh này chẳng phải chơi bời, đàn đúm mà ngầm ý kẻ đó khó kết thân, không dễ hợp cạ; khó nghe cũng không phải do kẻ đó nói nhỏ, nói lí nhí trong miệng mà nói năng vô lý, ngược ngạo khiến người đối diện khó nghe khó ngửi, tức là không thể chấp nhận được.

Vế cuối của câu này: “Khó tính thiệt”, ta có thể hiểu là nhận xét kẻ đó thuộc loại khó tính khó nết; nhưng cũng có thể là kết luận sau khi trao đổi khiến họ ngắt ngứ chưa biết tính toán những bước tiếp theo sao cho xuôi chèo mát mái. Nghe thế, chị B thở dài: “Đến nước này, khó lòng thiệt”. Khó lòng lại là câu nói biểu hiện tâm trạng thừa biết tỏng sự việc vừa bàn bạc rất khó thành công. Tuy nhiên, anh A vẫn lạc quan: “Khó thì khó. Cái khó ló cái khôn”, tức là trong lúc khó khăn dẫu đến đâu đi nữa thì người ta cũng nảy ra sáng kiến mới, ý kiến hay để tháo gỡ cho hanh thông…

Tùy theo nghĩa của từ khó, nếu khó hiểu theo nghĩa nghèo nàn, túng bấn thì từ trái nghĩa là giàu. Tục ngữ, thành ngữ đã so sánh cực kỳ chính xác, có thể kể đến: Giàu lo bạc, khó lo cơm; Giàu cơm ăn ba bữa, khó cũng đỏ lửa ba lần; Giàu chuộng, khó vong; Số giàu trồng lau hóa mía, số nghèo trồng củ tía hóa bồ nâu v.v… Tất nhiên, giàu không chỉ trái nghĩa với khó mà còn với nghèo nữa như Giàu khó tìm, nghèo khó lánh; Nghèo ngáy sâu, giàu lâu ngáy…; thậm chí còn trái nghĩa với bần như Giàu hay mần, bần hay ăn…

Trái nghĩa với khó/ khó khăn lập tức ta nghĩ đến từ thuận lợi hoặc dễ/ dễ dàng. Dễ có nhiều cách diễn đạt như dễ ợt, dễ ẹt, dễ như lật bàn tay, dễ như bỡn, dễ như ăn gỏi, dễ như chẻ tre, dễ như chơi… Có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ đến sự đối lập dễ - khó trong câu thơ của Thanh Tịnh viết năm 1951: “Dễ vạn lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, câu này thời nào cũng đúng.

Khó, trong ngữ cảnh nào đó cũng có thể hiểu là cực, là khổ, là nghèo. Với từ cực, ta nhớ MV “Trời hôm nay nhiều mây cực” của Đen Vâu đã từng giữ vị trí top 1 trending YouTube. Thử hỏi, “mây cực” là loại mây gì? Lâu nay, ta chỉ mới nghe đến “Trên trời có đám mây xanh/ Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng” (ca dao); hoặc “Mây hồng ngừng lại sau đèo/ Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi” (Thế Lữ) v.v…

Ảnh: L.G

Còn “mây cực”, nó ra làm sao?

Trước hết, với từ cực, hẳn nhiều người còn nhớ đến câu: “Gánh cực mà đổ lên non/ Còng lưng mà chạy, cực còn đuổi theo”. Cực có chân à? Nếu không, làm sao có thể chạy? Chỉ là nhân cách hóa về nỗi cực khổ, cực nhọc cứ bám riết lấy thân phận nghèo khó cực kỳ, muốn thoát ra khỏi nó cũng trần ai khoai củ, chứ không dễ. Dù vậy, với sự lạc quan vốn có, dám vượt qua số phận, người Việt còn có những câu động viên nhau như: “Gừng già gừng rụi gừng cay/ Anh hùng càng cực càng dày nghĩa nhơn”, dẫu có cơ cực đến đâu cũng giữ lấy nhân cách, tư cách, tự nhủ Đói cho sạch rách cho thơm, chứ không Đói ăn vụng túng làm liều…

Đã cực thì khổ, do đó, còn có từ khổ cực/ cực khổ. Vậy, xỏ khổ khác gì với cực khổ? Hỏi thế, bởi đọc ca dao này hẳn ta ngắc ngứ: “Cái nghề xỏ khổ, tra go/ Nó mất một mối con lo tối ngày”. Khổ ở đây là “Cơ quan trong khung vải, có răng như răng lược, để làm ngữ chiều ngang tấm hàng trong khi dệt” (“Việt Nam tự điển” - 1931). Không chỉ có khổ mà còn có cả go nữa, tức go khổ - theo “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895): “Tiếng kêu chung hai món đồ dùng mà dệt, một thứ kết bằng chỉ đánh để mà lấy chỉ sợi, có thể đưa lên xuống; một thứ làm bằng cây như răng lược, phần đàng chỉ, dập đàng canh”. Với văn bản trên, ta hiểu “xỏ khổ”/ “xỏ khổ tra go” trong câu dao vừa nêu là lấy sợi chỉ luồn qua, xâu vào một bộ phận trong khung cửi của thợ dệt. Chứ xỏ khổ hoàn toàn không liên quan gì đến cực khổ nhằm chỉ sự khó khăn, thiếu trước hụt sau, thiếu thốn hay bị giày vò về tinh thần...

Khi bình thơ, nhiều nhà nghiên cứu cho biết, đại khái, bài này có 4 khổ, thì khổ lại là mỗi đoạn ngắn được tác giả ngăn/ chia trong một bài thơ. Khổ còn có nghĩa là đắng. “Khổ qua xanh khổ qua trắng/ Khổ qua mắc nắng khổ qua đèo/ Anh có thương em thì mần giấy giao kèo/ Dù sanh, dù tử, dù nghèo em cũng theo”. Khổ qua là mướp đắng. Khổ qua đèo là thứ trái èo uột khó lớn được. Tuy nhiên, cũng là đèo, tỷ như “Kẻ sao sung sướng cười reo/ Người sao cực khổ lên đèo xuống hang” thì đèo này lại là đường đi qua núi trong ngữ cảnh lên dốc xuống đèo, trèo đèo vượt suối… Cũng là đèo, một người bảo: “Tớ đèo cậu” thì đèo này lại là chở, cũng hàm nghĩa như cách nói: “Tớ lai cậu”.

Ai cũng biết trái nghĩa với cực khổ là sung sướng. Sướng có nhiều kiểu sướng như sướng rơn, sướng nhu tiên, sướng bằng đỗ trạng… nhưng sướng mạ lại là chỗ ruộng dành để gieo mạ. Không những thế, nếu đọc truyện thơ nôm “Trinh thử”, ta gặp câu: “Cửa nhà lo lắng sớm khuya/ Sướng se mạ cạn đi về xiết bao”. Vậy, sướng se là sướng ra làm sao? Nhà nghiên cứu Nguyễn Thạch Giang cho biết: “Sướng se là ruộng hết nước, mạ bị cạn không đủ nước. Chỉ sự cần mẫn chăm lo ruộng đồng” (“Tiếng Việt trong thư tịch cổ” T.2, NXB Văn hóa Thông tin - 2012, tr. 974).

Nếu sướng có nhiều trạng thái thì cực/ cực khổ cũng thế. Có lẽ oái ăm nhất vẫn là cực chẳng đã, tức là khi đứng trước một tình huống éo le nào đó, dù không muốn nhưng cũng phải nghiến răng, buộc phải làm. Chẳng hạn nhà thơ Tú Mỡ tâm sự lúc làm nghề cạo giấy tại Sở Tài chính: “Lương càng cao càng như cái nút dây thắt chặt thêm, cột mình vào cái nghề làm thuê viết mướn. Tôi vào đời, cực chẳng đã mà phải làm cái nghề này, thôi thì miễn là đủ sống”. Do túng quẫn, thiếu tiền đóng thuế sưu cho chồng, chị Dậu cực chẳng đã phải bán cái Tý cho nhà Nghị Quế v.v…

Đôi khi vì lý do gì đó khiến mình khổ tâm, không ưng ý nhưng phải chịu đựng thì cũng là cực nhưng là cực lòng. “Cực lòng thiếp lắm chàng ơi/ Biết rằng lên ngược xuống xuôi đàng nào” là một thí dụ. “Từ điển Việt - Bồ - La” (1651) ghi “cực lão” và giải thích “sầu não”. Cực lòng nhằm chỉ về một trạng thái nội tâm, khó có thể cân, đong, đo, đếm cụ thể - khác với cực thân là nhằm chỉ nỗi vất vả tấm thân, nó lồ lộ ra bề ngoài, chẳng hạn Tham thực cực thân. Cố ăn, cố ních, cố đớp cho sướng cái miệng đến khi bội thực thì kêu ai?

Dẫu dùng từ cực thân nhưng tùy ngữ cảnh lại có cách hiểu khác, chẳng hạn một người bảo: “Tớ và X cực thân” là hai người cực kỳ thân thiết, thân tình như anh em bồ tèo… Hiểu theo nghĩa này, cực không phải chỉ sự khốn khổ, nghèo cực mà có nghĩa “Rất, chỗ tột” (“Đại Nam quấc âm tự vị” -1895), “Rất mực, đến thế là cùng: Cực rộng, cực đẹp (“Việt Nam tự điển” 1931), “Ở mức độ tột cùng, không thể hơn được nữa: đẹp cực, hát hay cực” (“Đại từ điển tiếng Việt”, 1999) v.v… Với thí dụ dẫn chứng vừa nêu, ta quan sát sát thấy vị trí của từ cực theo thời gian đã hoán đổi vị trí nhưng người nghe/ người đọc vẫn hiểu y chang: cực đẹp/ đẹp cực.

Sự hoán đổi này nói lên điều gì? Có thể nói, là nhằm đẩy tính chất của sự vật, sự việc nào đó lên mức độ cao hơn nữa. Nếu nói “Trời hôm nay cực nhiều mây” là đã nhiều mây, nhiều mây lắm lắm nhưng “Trời hôm nay nhiều mây cực” còn là sự khẳng định chắc nịch, không phải bàn cãi lôi thôi gì nữa. Mà “cực” này, lại là cách nói gọn của “cực kỳ”. Ông Huình Tịnh Paulus Của giải thích: “Tiếng nói đôi chỉ nghĩa là rất, thường là tiếng trợ từ, hay là giúp sức. Như nói “cực kỳ khôn ngoan, thì là khôn ngoan lắm; cực kỳ giàu sang, thì là giàu sang lắm”. Mà thôi, “mây cực” à, nói thế cũng chẳng sao, ai cũng hiểu nhưng một khi nói “nắng cực” thì sao? Thì ai biết làm sao, thôi kệ, năm mới năm me rồi, ai cũng ước mơ mọi việc hành thông, tốt đẹp, gió thuận mưa hòa, không còn hạn hán khiến bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương phải thốt lên: “Đang cơn nắng cực chửa mưa tè/ Rủ chị em ra tát nước khe”. Đại khái, “nắng cực” là đó.

Từ khóa » Sướng Khổ Là Gì