Khó Khăn Chống Cháy Rừng Trong Mùa Dịch - Báo Chính Phủ

Đoàn Cục Kiểm lâm kiểm tra phương án tác chiến chữa cháy rừng tại huyện Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Cục Kiểm lâm
Năm 2020, cả nước đã xảy ra 179 vụ cháy rừng, giảm 92 vụ (35%) so với năm 2019. Diện tích rừng thiệt hại do cháy là 645 ha, giảm 1.331 ha (giảm 68%) so với cùng kỳ năm 2019. Để bảo đảm cao nhất việc không xảy ra thiệt hại do cháy rừng, toàn ngành kiểm lâm đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp ứng phó.

Theo thống kê của ngành Kiểm lâm, khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ, mùa cháy rừng từ tháng 4 đến hết tháng 9, cao điểm là các tháng 6 đến tháng 8. Vì thế, lực lượng kiểm lâm khuyến cáo người dân tuyệt đối không được xử lý thực bì, đốt nương làm rẫy, đồng thời tổ chức lực lượng thường trực 24/24h canh phòng lửa rừng, phát hiện sớm điểm cháy để chữa cháy kịp thời.

Theo Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT), từ cuối tháng 5 đến nay tại các tỉnh miền Trung thời tiết nắng nóng gay gắt, không có mưa, nhiệt độ ban ngày có thể đạt trên 40 độ C (có khi đến 43 độ C), độ ẩm dưới 40% (có khi xuống 38%), hạn hán xảy ra trên diện rộng, kết hợp với gió Tây Nam khô nóng nguy cơ xảy ra cháy rừng và cháy lớn rất cao.

Ông Lê Duy Hượng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng II (Cục Kiểm lâm) cho biết, đơn vị hiện đang quản lý 3.450.074 ha rừng trên địa bàn 12 tỉnh, gồm: TP. Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình và 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Trong đó, có khoảng 1/3 diện tích rừng có nguy cơ cháy rừng cao, chủ yếu là diện tích rừng trồng bạch đàn, các loài keo, thông, tre nứa.

Trực tiếp kiểm tra vùng trọng điểm cháy tại huyện Nghi Lộc, Diễn Châu (Nghệ An); huyện Can Lộc, Lộc Hà, Nghi Xuân, Vũ Quang, Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Thiện nhận xét: Năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thực hiện nghiêm các lệnh giãn cách, nên các chủ rừng nhiều khi không thể bố trí đủ lực lượng để ứng trực do vậy ảnh hưởng tới quá trình chữa cháy khi cháy rừng xảy ra. Có thể thấy gần đây các vụ cháy rừng nhỏ ở tỉnh Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Bình... cũng mất nhiều thời gian mới dập tắt được”.

Ngoài lý do vì dịch thì khó khăn lớn nhất là ý thức trong công tác PCCCR của một bộ phận người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc sống trong rừng và ven rừng còn hạn chế, trình độ dân trí thấp, cùng với thói quen đốt nương làm rẫy dẫn đến cháy lan vào rừng, chưa có lực lượng và phương tiện chữa cháy rừng chuyên nghiệp, tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng các thôn, bản chưa thường xuyên được tập huấn; địa hình hiểm trở, xa nguồn nước ảnh hưởng tới quá trình chữa cháy rừng

Kinh phí cho công tác PCCCR còn thấp, chưa bảo đảm cho việc trang bị những dụng cụ phương tiện có thể dập tắt những đám cháy lớn, thiết bị chữa cháy rừng chủ yếu thủ công, thô sơ.

Phần lớn các vụ cháy tuy xác định được nguyên nhân gây cháy nhưng chưa truy tìm được thủ phạm để xử lý theo quy định của pháp luật, do vậy không có tác dụng răn đe, giáo dục trong cộng đồng...

Đỗ Hương

Từ khóa » Những Vụ Cháy Rừng ở Việt Nam