Khó Khăn Với Chi Phí Chữa Trị Ung Thư - Báo Người Lao động

Hiện mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 150.000 người mắc bệnh ung thư và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư. Theo nghiên cứu mới nhất của Bộ Y tế, ung thư là 1 trong 10 nguyên nhân gây nên gánh nặng bệnh tật hàng đầu ở Việt Nam với khoảng 200.000 bệnh nhân đang điều trị. Trong số ca mắc mới, nam chiếm khoảng 56,8%, nữ 43,2%.

Kiệt quệ

Qua các năm, số lượng bệnh nhân nam mắc ung thư tại Việt Nam đều tăng. Đơn cử như ung thư phổi, năm 2000 là 29,3 ca/100.000 dân, đến 2010 đã tăng lên 35,1 ca/100.000 dân; ung thư gan tăng từ 22,6 lên 23,6; ung thư đại trực tràng từ 11,4 lên 19; ung thư thực quản từ 3,7 lên 9,9...

PGS-TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, chỉ rõ phần lớn người bệnh khám và điều trị khi đã ở giai đoạn muộn (khoảng 80%) nên chi phí điều trị lớn nhưng tỉ lệ tử vong cao, trên 70%. Giới chuyên môn cũng cho biết mặc dù người bệnh được nhận sự hỗ trợ không nhỏ từ quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) và các nguồn tài trợ khác nhưng chi phí điều trị và khả năng tiếp cận các loại thuốc mới vẫn là vấn đề khó khăn.

Năm 2014, quỹ BHYT đã chi hơn 3.800 tỉ đồng và năm 2015 chi khoảng 4.400 tỉ đồng cho bệnh nhân ung thư, trong đó chiếm 65%-70% dùng mua máu và thuốc. Ung thư cũng khiến người bệnh kiệt quệ chỉ sau một thời gian ngắn mắc bệnh. Kết quả nghiên cứu với gần 2.000 bệnh nhân tại 3 trung tâm điều trị ung thư lớn nhất cả nước là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K Trung ương và BV Ung bướu TP HCM cho thấy sau 1 năm phát hiện bệnh, có 22,36% bệnh nhân bị khó khăn về kinh tế. Trong đó có gần 34% bệnh nhân không thể mua thuốc; 24% bệnh nhân không thể thanh toán tiền gas, điện, nước; 21% không thể thanh toán chi phí đi lại và có tới 15,2% không thể mua nổi đồ ăn. Để giải quyết vấn đề trên, gần 67% bệnh nhân phải vay tiền, 22% phải bán tài sản…

Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) mỗi ngày tiếp nhận hàng ngàn bệnh nhân tới khám và điều trị các bệnh về ung thư Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) mỗi ngày tiếp nhận hàng ngàn bệnh nhân tới khám và điều trị các bệnh về ung thư

Những bệnh nhân ung thư cho biết chi phí trung bình cho lần khám đầu tiên là 6,8 triệu đồng nhưng cũng có bệnh nhân phải chi đến 100 triệu đồng. Điều đáng nói là tổng số tiền chi cho 6 bệnh ung thư gồm: ung thư vú, cổ tử cung, gan, đại trực tràng, dạ dày, khoang miệng mỗi năm đã lên tới gần 26.000 tỉ đồng.

Quỹ BHYT cũng “khốn đốn”

Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), do đa phần bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối nên chi phí điều trị tăng cao. Riêng chi phí thuốc điều trị hằng năm chiếm khoảng 10% tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT. Hiện Quỹ BHYT đang chi trả cho 65 loại thuốc điều trị ung thư, trong đó có những loại thuốc rất đắt như: Glivec (trị ung thư bạch cầu và u mô đệm đường tiêu hóa): hơn 40 triệu đồng/tháng; Erlotinib: 40 triệu đồng/tháng, Sorafenib (trị ung thư gan): 118 triệu đồng/tháng, Cetuximab (trị ung thư đại trực tràng): 90 triệu đồng/tháng…

Chỉ tính riêng 2 loại thuốc Glivec và Tasigna, mỗi năm quỹ BHYT đã chi trả khoảng 200 tỉ đồng cho hơn 900 bệnh nhân đang điều trị. Với các loại thuốc trên, năm 2015, Quỹ BHYT đã giảm việc chi trả từ 100% xuống còn 50%. Theo bà Hương, hiện Bộ Y tế tiếp tục kêu gọi hỗ trợ chi phí cho bệnh nhân ung thư từ các nguồn tài trợ, đồng thời nghiên cứu nâng mức chi trả từ quỹ BHYT.

Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết trên thế giới, hiện có 37 loại thuốc điều trị ung thư tiên tiến cho hiệu quả điều trị cao, kéo dài thời gian sống, ít tác dụng phụ... nhưng ở Việt Nam hiện chỉ có 13 loại. Tại BV Ung bướu TP HCM, hiện có 9 loại thuốc như trên nhưng do chi phí điều trị đắt đỏ nên không phải bệnh nhân nào cũng được tiếp cận phương pháp điều trị này. Do đó, bác sĩ Dũng cho rằng về lâu dài phải phòng ngừa ung thư để giảm gánh nặng về chi phí.

Nói về mức chi trả cho bệnh nhân ung thư, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, dẫn chứng các nhóm có chi phí lớn nhất năm 2015 là bướu ác của phế quản và phổi (620 tỉ đồng); bướu ác vú (490 tỉ đồng); bệnh bạch cầu tủy (350 tỉ đồng)… Ông Thảo cho rằng các quốc gia có quỹ BHYT chi trả cho nhiều loại thuốc mới là do nguồn quỹ dồi dào, trong khi với nguồn quỹ hạn hẹp như ở Việt Nam muốn dùng nhiều loại thuốc hiện đại, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao thì còn cần nhiều sự nỗ lực của các tổ chức, cá nhân.

Siết chặt việc chẩn đoán, điều trị

Ông Nguyễn Minh Thảo cho biết hiện cả nước có 56 bệnh viện, trung tâm ung bướu được phép chẩn đoán, chữa trị ung thư. Tuy quy trình chẩn đoán đã được Bộ Y tế quy định nhưng việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng của các chẩn đoán này chưa được chú trọng và làm thường xuyên. Điều đó có thể dẫn đến nguy cơ chẩn đoán không chính xác, chỉ định thuốc điều trị ung thư không đúng. Ông Thảo đề nghị Bộ Y tế siết chặt chất lượng của các cơ sở chẩn đoán, điều trị ung thư, tránh việc kiểm soát sai, không chính xác dẫn đến tốn kém cho người bệnh và quỹ BHYT.

Từ khóa » Tổng Chi Phí điều Trị Ung Thư