Kho Tàng Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam - Trinh Vương Qui Nhơn

Kho Tàng Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam Phạm Thiên Thu Đăng ngày 05 Tháng 12 2020 Lượt xem: 839

Chắc chắn đa số chúng ta, những người được may mắn sinh trưởng và giáo dục dưới thời Việt Nam Cộng Hòa đều không thể quên được những gì chúng ta được các thày cô dạy dỗ ngày chúng ta mới đến trường. Ngay khi vừa bước vào lớp, bên trên tấm bảng đen hay xanh lá cây luôn là câu : “Tiên Học Lễ - Hậu Học Văn”. Đó chính là bằng chứng cho thấy nền tảng giáo dục luôn lấy chữ Đức làm trọng. Đức dục song song cùng Trí dục và Thể dục. Con người có lễ phép và đạo đức thì luôn biết cư xử đúng chừng mực, biết kính trên nhường dưới, tạo nền tảng tốt từ trong gia đình ra đến xã hội, điều này không cần nói thì ai cũng đều biết như vậy.

Hệ thống và chương trình giáo dục thời chính phủ Miền Nam Việt Nam Cộng Hòa chắc cũng không ai quên được, ngay tên gọi của những môn học cũng cho thấy một nền giáo dục nhằm phát triển con người về nhiều phương diện, cung cấp những kiến thức căn bản và đạo đức. Tôi còn nhớ những năm ở bậc tiểu học, ngoài những mộn học như Toán, Chính Tả, Tập Làm Văn, dạy cho học sinh phát triển những kỹ năng căn bản, học sinh còn được học Sử Ký, Địa Lý, Vệ Sinh, Tập Viết, Thủ Công, Nữ Công, Khoa Học Thường Thức, và đặc biệt hai môn học được dạy xen kẽ nhau trong suốt tuần, trước mỗi buổi học là môn Công Dân Giáo Dục và Đức Dục. Hai môn học này không chỉ dạy cho học những khái niệm căn bản mà còn giúp học sinh ý thức hơn về trách nhiệm và bổn phận của mình đối với thày cô, gia đình và xã hội, mỗi bài học đều kết thúc bằng một câu tục ngữ, ca dao nhằm minh họa cho bài vừa học. Những câu này có thể là Văn Chương Bác Học, hay được rút ra từ kho tàng Văn Chương Bình Dân Việt Nam, là những kinh nghiệm được đúc kết từ bao đời cha ông để lại . . . Và có lẽ các nhà soạn chương trình thấy chưa đủ khi chỉ học một số ít câu dưới các bài học nên đã cho học thêm kho tàng Văn Chương Bình Dân Việt Nam ở bậc Trung Học

Như chúng ta đã biết, hệ thống giáo dục trước đây của VNCH theo khuôn mẫu của Pháp quốc nên nặng về thi cử. Cũng một phần vì ngày trước, khi người Pháp đô hộ đất nước ta, không muốn người bản xứ học và hiểu biết nhiều sẽ gây trở ngại cho việc cai trị nên lập ra nhiều kỳ thi để hạn chế việc học của người dân Việt chúng ta. Ví dụ khi học xong lớp ba ở bậc tiểu học thì phải thi bằng “Sơ Học Yếu Lược”, đâu bằng này mới tiếp tục học thêm hai năm lớp nhì và lớp nhất ( lớp Bốn và lớp Năm sau này) phải thi văn bằng tiểu học ( ngày xưa gọi là bằng Primaire), rồi thi tuyển vào lớp đệ Thất ( lớp sáu sau này), học xong lớp đệ Tứ ( lớp chín sau này thì phải thi bằng Trung Học). Đậu bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, có nhiều anh chị, có thể nghỉ học đi làm Thư Ký hoặc ở nhà học Nữ Công Gia Chánh chờ ngày “ lên xe bông về nhà chồng”, vì quan niệm con gái không cần phải học nhiều, mai mốt lấy chồng ở nhà lo tề gia nội trợ là đủ rồi. Tuy nhiên cũng có một số các anh chị tiếp tục theo học đệ nhị cấp, và cả đại học. Ba năm Đệ nhị Cấp thì năm Đệ Tam được học sinh xem là năm “ Hưởng Nhàn” vì năm nay không phải thi cử gì vào cuối năm, năm đệ nhị phải thi tú tài phần I, đâu xong lên đệ nhất tiếp tục thi tú tài phần II hay còn gọi là Tú Tài Toàn Phần, anh chị nào chọn ngành dược thì lại thi tuyển ngay, còn các trường khác thì phải thi đậu chứng chỉ dự bị đại học tùy theo ngành mình chọn thi vào sau này. Chương trình năm đệ tam về các môn toán và vậtt lý cũng là nền tảng cho các năm sau, thế nên nhiều anh chị cứ cho là “Hưởng Nhàn” thì thế nào cũng phải vất vả cho những năm cuối khi thi tú tài, và hậu quả thường là : “rớt tú tài anh đi trung sĩ”, phải đeo “ cánh gà ” bên tay áo, thay vì “Quai Chảo”( chuẩn úy) hay hoa mai trên cổ áo.

Tuy nhiên chương trình Việt Văn thì tương đối nhẹ hơn chút xíu, ngoài hai tác phẩm : “Chinh Phụ Ngâm Khúc “ của tác giả Đặng Trần Côn và bản dịch chữ nôm của bà Đoàn Thị Điểm, cùng tác phẩm “Cung oán Ngâm Khúc” của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, thì học sinh được học rất nhiều văn chương bình dân, đặc biệt tục ngữ, ca dao . . . Những bài thơ hay những câu ca dao, tục ngữ được đúc kết từ những kinh nghiệm trong đời sống hàng ngày của cha ông chúng ta, thường là truyền khẩu, nên đôi khi có những thay đổi đôi chút tùy theo vùng miền, hay kinh nghiệm sống, ví dụ ta thường nghe :

Mấy đời bánh đúc có xương

Mấy đời dì ghẻ có thương con chồng

Biến thể thành:

Mấy đời bánh đúc có xương

Mấy đời giặc cướp có thương dân nghèo

Kho tàng văn chương bình dân Việt Nam rất phong phú; ngoài kho tàng ca dao, tục ngữ phổ thông được phổ biến trong cả nước, lại còn có những câu ca dao tục ngữ của từng vùng miền, thậm chí của từng tỉnh thành . . . Những câu ca dao, tục ngữ này không chỉ nói đến kinh nghiệm sống mà còn đề cập đến những thắng cảnh, đặc điểm của con người hay những vị anh hùng của riêng địa phương đó, ví dụ như ca dao tục ngữ của Bình Định, nói đến những đặc điểm riêng, những thắng cảnh hay những anh hùng của đất nước xuất thân từ quê hương Bình Định chẳng hạn, có những câu trở thành quen thuộc, nhiều người trong cả nước cũng đều biết, ví dụ như :

Gió đưa mười sáu lá xoài

Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi

Hay, nói về những miền đất giỏi võ của Bình Đinh như:

Trai An Thái, gái An Vinh

Hoặc

Ai về Bình Định mà coi

Con gái Bình Định múa roi, đi quyền

Câu này cũng bị biến thể khi anh chàng gặp phải nàng Bình Định, đã kết duyên giai ngẫu mà còn léng phéng, về nhà bảo đảm sẽ bị:

Ai về Bình Định mà coi

Con gái Bình Định cầm roi đánh chồng

Hoặc khi anh cháng muốn tán tỉnh cô em gái nào ở Qui Nhơn, nên nói cho nàng nghe:

Câu Đôi, nằm cạnh Tháp Đôi

Vật vô tri nọ còn đôi nữa hai đứa mình

Hay như câu ca dao, nói về tình trạng buôn lậu đưới thời Pháp thuộc:

Đầu phồng đá lửa, bụng chửa kaki

Thai ở Bồng Sơn, ra Tam Kỳ đẻ

Hay như câu :

Ai về nhắn với Nậu nguồn

Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên

Hoặc câu nói về vị anh hùng trong dân gian của Bình Định :

Chiều chiều én liệng Truông Mây

Cảm thương chú Lía bị vây trong thành

Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến những câu ca dao tục ngữ chung chung được nhiều người biết đến, nhưng từ sau năm 1975 ít khi được nhắc đến, thậm chí rất nhiều sinh viên quốc nội cũng không biết đến vì không được học, hay được nghe nói, huống chi các em Việt Nam sống ở ngoại quốc, những em cháu được sinh ra và trưởng thành nơi xứ người. Với ước mong được giúp các em cháu biết được phần nào trong kho tàng văn chương bình dân Việt Nam, nhất là tục ngữ ca dao, với ước mong “Gìn vàng Giữ Ngọc” cho ngôn ngữ của quê hương vì “ Tiếng Việt Còn, Dân Việt Còn”

Chắc chắn là trí nhớ của chúng tôi sẽ không được đầy đủ như mong muốn, chỉ mong góp phần khơi gợi lại để các bậc trưởng thượng đọc và đóng góp thêm cho kho tàng văn chương bình dân Việt Nam không bị mai một, để con cháu chúng ta mỗi khi muốn tìm hiểu về cội nguồn còn có thể tự hào về những gì mà cha ông đã góp nhặt và để lại cho đời, bởi ca dao, tục ngữ thương được viết lại theo vần điệu cho dễ nhớ vì đó là những kinh nghiệm sống thực tế, do cha ông chúng ta tích lũy được; ví dụ như câu nói về thời tiết, vì ngày xưa, cha ông ta đâu có những phương tiện khảo sát, nhưng chỉ nhìn trời, nghe gió mà có thể đoán biết :

Vàng Gió, Đỏ Mưa

Ngày xưa khi vừa bước vào lớp vỡ lòng hay còn gọi là lớp mẫu giáo, bài học đầu tiên các học sinh được học thuộc lòng là những câu về gia đình, về hiếu đạo, về công ơn cha mẹ :

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Hay :

Công cha như núi ngất trời

Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển đông

Núi Cao biển rộng mênh mông

Cù lao chín chữ ghi lòng ai ơi

Hay : “Cha sanh không bằng mẹ dưỡng”

Hoặc : “ Sinh dưỡng đạo đồng”

Để nhắc nhở cho con cháu về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ

Ơn cha nặng lắm cha ơi

Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang

Thà rằng ăn bắp ăn khoai

Còn hơn thịt cá mồ côi một mình

Sinh con ai nỡ sinh lòng

Sinh con ai chẳng vun trồng cho con

Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng

Con nuôi cha mẹ, tính tháng tính ngày

Hay:

Mẹ già như chuối ba hương

Như xôi nếp mật, như đường mía lau

Để nhắc nhở cho con cháu về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, cho dẫu đó chỉ là cha mẹ nuôi chứ không phải là người đã có công sinh thành ra mình chăng nữa, hay nói đến nỗi cô đơn của người đã mất mẹ cha, hay không may khi sinh ra đời đã không được mẹ cha thừa nhận vì một lý do riêng nào đó :

Có cha có mẹ thì hơn

Không cha không mẹ như đờn đứt dây

Đờn đứt dây anh còn nối được

Cha mẹ mất rồi khổ lắm ai ơi

Hay so sánh tình trạng khác biệt giữa mồ côi cha và mồ côi mẹ

Mồ côi cha ăn cơm với cá

Mồ côi mẹ liếm lá gặm xương

(Mồ côi cha ăn cơm với cá

Mồ côi mẹ lót lá mà nằm)

Hoặc

Mẹ già như chuối chín cây

Gió lay mẹ rụng con rày mồ côi

Mồ côi tôi lắm ai ơi

Đói cơm khát nước biết người nào lo

Hay:

Thà rằng ăn bắp ăn khoai

Còn hơn thịt cá mồ côi một mình

Hoặc những câu, nói đến nỗi lòng người con khi ở xa cha mẹ, nhất là những người con gái ngày xưa khi đã “xuất giá tòng phu” thì chuyện đi về thăm cha mẹ ở xa là phải xin phép gia đình nhà chồng nên cho dù cho nhớ cha thương mẹ thì cũng đành ngậm ngùi :

Nuôi con mới biết sự tình

Thầm thương cha mẹ nuôi mình khi xưa

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều

Hoặc

Chiều chiều chim vịt kêu chiều

Ngậm ngùi nhớ mẹ chín chiều ruột đau

Hay :

Gió đưa cây cải ly hương

Xa cha xa mẹ, thất thường bữa ăn

Sầu riêng cơm chẳng muốn ăn

Đã bưng lấy bát lại dằn xuống mâm

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ

Năm canh chày thức đủ vừa năm

Chim trời ai dễ đếm lông

Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày

Có vàng, vàng chẳng hay phô

Có con, con nói trầm trồ mẹ nghe

Hoặc

Chim đa đa đậu nhánh đa đa

Chồng gần không lấy, lấy chồng xa

Một mai cha yếu mẹ già

Chén cơm đôi đũa, kỷ trà ai dâng

Hoặc :

Chiều chiều ngó ngược ngó xuôi

Ngó không thấy mẹ, ngùi ngùi nhớ thương

Những câu nói lên lòng biết ơn cha mẹ và lòng hiếu đạo của người con :

Trứng rồng lại nở ra rồng

Hạt thông lại nở cây thông rườm rà

Có cha mới sinh ra ta

Làm nên thời bởi mẹ cha vun trồng

Hay :

Thờ cha mẹ, ở hết lòng

Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường

Hoặc những câu dạy cho chúng ta biết vì sao phải ăn ở cho có hiếu đạo với mẹ cha

Cây khô đâu dễ mọc chồi

Bác mẹ đâu dễ ở đời với ta

Non xanh bao tuổi mà già

Bởi vì sương tuyết hóa ra bạc đầu

Hay :

Công cha đức mẹ cao dầy

Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ

Nuôi con khó nhọc đến giờ

Trưởng thành con phải kính thờ hai thân

Thức khuya dậy sớm chuyên cần

Quạt nồng ấp lạnh giữ phần đạo con

Đêm đêm thắp ngọn đèn trời

Cầu cho cha mẹ sống đời với con

Hay :

Tôm càng bóc vỏ bỏ đuôi

Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già

Hoặc :

Mẹ già đầu bạc như tơ

Lưng đau con đỡ, mắt mờ con nuôi

Ngoài ra còn có những câu dạy cho con người về tình nghĩa anh em, họ hàng trong gia đình như

Một giọt máu đào hơn ao nước lã

Xảy cha còn chú, xảy mẹ bú dì

Dì ruột thương cháu như con

Rủi mà không mẹ cháu còn cậy trông

Lại có những người sớm mất đi cha mẹ nên ông bà ngoại, nội phải lo còm cõi thân già thay con, nuôi cháu. Vì thế người cháu không thể không nhớ đến bàn tay gầy gò của ngoại hay nội đã chăm bẵm cho cháu, thay cho những người con của mình chẳng may vì tai nạn hay chiến tranh mà qua đời :

Thứ nhất phải có ông bà

Thứ hai kế đến chính là mẹ cha

Con người có tổ có tông

Như cây có cội, như sông có nguồn

Chính nhờ sự chăm lo của ông bà, nhất là bà ngoại nên cũng có câu:

Cháu bà nội, tội bà ngoại

Và cũng vì vậy, nên có những người cháu được ông bà nuôi nấng từ những ngày còn thơ, lòng luôn cánh cánh tình yêu thương dành cho ông bà mình :

Ngó lên nuộc lạt mái nhà

Bao nhiêu nuộc lạt thương bà bấy nhiêu

Hay những câu thơ của ai đó viết về công ơn của bà ngoại mình, tình yêu thương thân thuộc, gần gũi và tự nhiên đến độ cũng được xếp vào kho tàng văn học dân gian bởi hình ảnh “Bà Ngoại Việt Nam Tiêu Biểu”:

Thân cò lặn lội sớm trưa

Ngược xuôi bóng ngoại nắng trưa mưa dầm

Tảo tần khuya sớm âm thầm

Cháo rau nuôi cháu lớn dần yêu thương

Tiếng bà ru cháu ngủ vào những đêm mưa buồn, cô đơn vì thiếu mẹ đã theo cháu đi suốt cuộc đời

Tiếng bà ru cháu ầu ơ

Yêu thương còn đến bây giờ ngoại ơi

Thương con xót mấy cho vừa

Nuôi đàn cháu nhỏ còn chưa nên người

Đói no ấm lạnh ngoại ơi

Miếng cơm nhường cháu mặn mòi cá dưa

Sự hy sinh và lòng yêu thương của người bà khiến cho đứa cháu suốt đời không bao giờ quên

Ngoại ơi mỗi sớm khi chiều

Cuộc đời con nhớ thương nhiều ngoại ơi

Ngoài ra còn những câu ca dao nói về tình anh em trong gia đình như :

Anh em như thể tay chân

Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần

Hoặc

Anh em nào phải người xa

Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân

Yêu nhau như thể tay chân

Anh em hòa thuận hai thân vui vầy

Hay như :

Chị ngã, em nâng

Khôn ngoan đối đáp người ngoài

Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau

Anh em ăn ở thuận hòa

Chớ điều chiếu lệch người ta chê cười

Anh em trên kính dưới nhường

Là nhà có phúc mọi đường yên vui

Anh em chín họ mười đời

Hai đàng cùng có chẳng rời nhau ra

Cắt dây bầu dây bí

Ai cắt dây chị dây em

Khi nói đến những mối dây liên kết trong thân tộc, dòng họ . .. .cũng thường cho rằng họ nội ( nghĩa là bà con anh em phía bên cha) mang tính huyết thống gần gũi hơn họ ngoại ( bà con phía mẹ ) như câu:

Con cô, con cậu thì xa

Con chú con bác, thật là anh em

Bởi ý nghĩ cho rằng người con gái khi đã lấy chồng thì “ Xuất giá tòng phu” do ảnh hưởng ngàn năm bắc thuộc , nhiều tư tưởng còn ảnh hưởng sự phong kiến của tàu, trọng nam khinh nữ, nên có những câu như:

Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô

Có một người con trai đã là Có, còn có mười người con gái cũng là không, thế nên để phản đối sự bất công này, kho tàng văn chương Việt Nam có câu :

Ba đồng một chục đàn ông

Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha

Ba trăm một vị đàn bà

Mang về mà trải chiếu hoa cho ngồi

Hay câu :

Trai mà chi, gái mà chi

Ai mà có nghĩa, có nghì thì hơn

Thật ra, đã sinh ra làm người thì ai cũng phải biết giữ đạo hiếu với cha, mẹ, ông bà, bởi có cha mẹ ông bà thì mới có ta, và nên vóc nên hình như ngày hôm nay, hoặc được học hành để trở thành người hữu dụng cho xã hội, có danh vọng với đời đều phải nhờ vào: “ Cơm Cha, Áo mẹ, Chữ Thầy”. Và Hiếu với cha mẹ, ông bà cũng là cách dạy dỗ cho con cháu của chính mình, bởi “Giáo dục chính là làm gương”, nếu mình bất hiếu với ông bà cha mẹ thì sau này, chính bản thân mình cũng sẽ gánh chịu những hậu quả như vậy, thế nên cũng có câu răn dạy như sau :

Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó

Ngoài tình thân gia đình còn có tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Chia sẻ nhau trong cơn hoạn nạn như :

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng

Hay như:

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

Tình nghĩa làng xóm, tối lửa tắt đèn phải cần đến nhau trong cơn yếu đau, hoạn nạn như :

Bán anh em xa mua láng giềng gần

Hay:

Thương người như thể thương thân

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

Những câu ca dao tục ngữ nói về công việc đồng áng, thời tiết, những kinh nghiệm nhận xét về con người và trong cuộc sống nói chung như :

Gió đàng đông, giông đàng tây

Chuồn chuồn bay thấp thì mưa

Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm

Mấy đời sấm trước có mưa

Mấy đời dì ghẻ mà ưa con chồng

Nói đến sự khó nhọc của nhà nông, quanh năm “ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”

Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cầy

Con trâu là cả gia tài đối với người làm ruộng ngày xưa, con trâu giúp nhà nông cày bừa, không có con trâu thì những người nhà nghèo phải kéo cày thay trâu, như một số tỉnh ở miền trung “có người bừa thay trâu cày”

Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cầy với ta

Cấy cầy vốn nghiệp nông gia

Ta đây trâu đấy ai mà quản công

Bao giờ cây lúa trổ bông

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn

Làm ruộng thì ra, làm nhà thì tốn

Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang

Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu

Nói đến sự vất vả của người phụ nữ nông thôn

Cái ngủ mày ngủ cho lâu

Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về

Hay

Cái ngủ mày ngủ cho say

Mẹ mày vất vả chân tay suốt ngày

Đề có được những hạt gạo cho chúng ta ăn hàng ngày là một công việc vất vả, trải qua nhiều công đoạn của nhà nông như chọn giống, gieo giống, nhổ mạ, cây lúa, đó là chỉ nói mọi việc suông sẻ chứ không nói đến khi gặp hạn hán mất mùa để nhắc cho mọi người công lao vất vả của người làm ra hạt gạo chứ đừng nghĩ cứ có tiền ra chợ mua về rồi tha hồ phung phí

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo ngon từng hạt đắng cay muôn phần

Cơm kể ngày, cày kể buổi

Hay nói về cách ăn uống, mối quan hệ xóm làng, và cũng để giáo dục con người phải biết khi ăn uống nơi chốn đông người, hay trong các buổi tiệc tùng phải biết ăn uống sao cho mọi người thấy mình là người có giáo dục, lịch sự trong cách ăn uống

Một miếng giữa làng

Bằng một xàng xó bếp

Miếng ăn là miếng tồi tàn

Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu

Miếng ăn là miếng nhục

Ăn lấy hương lấy hoa

Ai ăn lấy no lấy béo

Ăn thanh ăn cảnh

Ăn trông nồi, ngồi trông hướng

Ngoài ra còn khuyên bảo con người cho dẫu trong hoàn cảnh nào chăng nữa thì cũng phải biết giữ lấy nếp nhà, giữ gìn đạo đức cho chính bản thân và gia đình mình :

Giấy rách phải giữ lấy lề

Hay:

Lành cho sạch, rách cho thơm

Tháng giêng là tháng ăn chơi

Tháng hai trồng đậu

Tháng ba trồng cà

Tháng tư cày vỡ ruộng ra

Nhưng cũng có bài vè ngược lại như:

Tháng giêng là tháng ăn chơi

Tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè

Tháng tư đong đậu nấu chè

Đoan ngọ trở về ăn tết tháng năm

Tháng sáu buôn nhãn bán trăm

Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân

Tháng tám chơi đèn kéo quân

Tháng chín chong lưng buôn hồng

Tháng mười buôn bấc bán bông

Tháng một, tháng chạp lại về ăn tết giáp năm

Nhận xét về người phụ nữ :

Những người thắt đáy lưng ong

Vừa khéo chiều chồng, lại khéo nuôi con

Những người béo trục béo tròn

Ăn vụng như chớp, đánh con suốt ngày

Hay phê phán về sự khen chê của người đời như:

Ở sao cho vùa lòng người

Ở rộng người cười, ở hẹp người chê

Cao chể ngỏng, thấp chê lùn

Béo chê béo trục, béo tròn

Gầy chê xương sống, xường sườn nhô ra

hoặc chế điễu những người làm những chuyện ngớ ngẩn như :

Con kiến mày ở trong nhà

Tao đóng cửa lại mày ra đàng nào

Con cá mày ở dưới ao

Tao tát nước vào mày lội đàng nao

Hay những câu tục ngữ ca dao nói về những người làm những chuyện ngớ ngẩn, hay những chuyện khó có thể xảy ra, ví dụ như:

Mò kim đáy biển

Nhè sư mượn lược

Lo bò trắng răng

Chạy về mua thuốc nhuộm răng cho bò

Con kiến mà kiện củ khoai

Mày chê tao khó lấy ai cho giầu

Nhà tao chin đụn mười trâu

Lại thêm ao cá bắc cầu rửa chân

Cầu này cầu ái cầu ân

Một trăm con gái rửa chân cầu này

Tục ngữ, ca dao diễn tả rất nhiều điều trong cuộc sống quanh ta, từ Nụ Cười, Hạnh Phúc, Niềm Vui đến những Khổ Đau gặp phải trong đời, và nhất là trong Tình Yêu thì tưởng chừng như vô tận, không có sức đâu mà nhớ nổi . . . Bài cũng khá dài, nếu các bạn vẫn còn muốn biết thêm thì tôi sẽ viết tiếp vào những bài sau, đặc biệt là những câu ca dao nói về tình yêu, cũng như những câu “Ca Dao Biến Thể ” của Ca Dao

Phạm Thiên Thu

Thêm bình luận

Tên (bắt buộc cung cấp)

E-mail

Tiêu đề

Gửi Cancel JComments

Từ khóa » Kho Tàng Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam