“Kho Thạch Sanh” ở Sài Gòn: Người Nghèo được ăn, Mua Quần áo ...

img

Cửa hàng 0 đồng của lưu xá sinh viên các sơ Dòng Mến Thánh Giá tại số 380/41 đường Phạm Văn Chiêu, phường 9, quận Gò Vấp.

Đây là cửa hàng của các sơ Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp. Trong 4 tuần mở cửa, nơi đây đã phục vụ hàng nghìn suất ăn và quần áo cho người lao động nghèo trong khu vực.

“Ai dư đến cho, ai thiếu đến nhận”

Chúng tôi đến thăm cửa hàng 0 đồng vào một buổi sáng chủ nhật, mới 8 giờ sáng nhưng các suất điểm tâm đã gần hết veo và rất đông người đang chăm chú lựa quần áo phù hợp với mình.

img

Những khách hàng tới đây nhận điểm tâm sáng và quần áo chủ yếu là người lao động nghèo.

Chị Lê Thị Nguyên (P.9, Q.Gò Vấp) vừa tranh thủ sửa quần áo cho mọi người vừa trò chuyện với tôi. “Ở đây khi có người tài trợ, ủng hộ, các sơ sẽ đứng ra nhận rồi lại chia sẻ cho những người cần. Đồ cho người ta người ta mặc không vừa thì mình sửa giúp. Nhà có tiệm may nên cũng nhiều việc, nhưng nhiều người hoàn cảnh khó khăn lắm, mình giúp được gì thì giúp thôi”, chị Nguyên vui vẻ nói.

Cửa hàng hoạt động vào sáng chủ nhật hàng tuần, điểm tâm sáng từ 6h30 đến 8h, và phiên chợ quần áo từ 6h30 đến 10h. Người tới cho đồ ở nhiều lứa tuổi.

img

Chị Lê Thị Nguyên (P.9, Q.Gò Vấp) là chủ tiệm may, công việc bận rộn nhưng mỗi sáng chủ nhật chị lại đến giúp mọi người sửa quần áo.

img

Một người khuyết tật đến nhận điểm tâm từ sáng sớm.

Cô Phạm Thị Vân (P9, Q.Gò Vấp) cho biết: “Nhiều người không có áo quần mặc, còn mình để quần áo cả đống không dùng đến, tôi thấy đăng trên mạng và đi ngang thấy tấm biển nên thi thoảng lại mang đồ đến ủng hộ".

img

Dù mới tổ chức được 4 tuần nhưng cửa hàng 0 đồng đã nhận được khá nhiều quần áo ủng hộ, có cả quần áo được gửi về từ các tỉnh, TP khác.

Những người có hoàn cảnh khó khăn tới lựa đồ được đón tiếp và tư vấn nhiệt tình từ các sơ và tình nguyện viên nơi đây.

Theo sơ Nguyễn Thị Mỹ Duyên, người sáng lập cửa hàng 0 đồng, ban đầu lưu xá chỉ có kế hoạch mở phiên chợ mỗi tháng một lần, nhưng sau buổi đầu tiên đã có rất nhiều người tham gia. Nhận thấy nhu cầu từ cộng đồng nên sơ quyết định mở cửa vào tất cả các ngày chủ nhật.

“Người nhận cũng nhiều mà người chia sẻ cũng không ít, mọi người vẫn hay nói đùa đây là “cái kho của Thạch Sanh” không khi nào hết, ai muốn nhận bao nhiêu thì cứ nhận”, sơ Duyên chia sẻ.

Trân trọng người nghèo

Là tình nguyện viên thường xuyên của cửa hàng 0 đồng, cứ tối thứ 7 anh Đào Đức Ngọc (P.Thạnh Lộc, Q.12) lại đến lưu xá để phụ việc, chuẩn bị cho phiên chợ vào ngày hôm sau.

img

Các suất điểm tâm sáng được phục vụ từ 6h30 đến 8h và rất nhanh hết.

Anh Ngọc cho biết, khi mới khai trương cửa hàng, các sơ hướng dẫn các sinh viên đi gửi thiệp mời đến những người vô gia cư, người bán hàng rong... Về các bữa ăn, tuy là điểm tâm 0 đồng nhưng các sơ làm rất kỹ, phải ngon và đẹp mới phát chứ không phải "làm đại cho xong".

Để có những bữa ăn ngon, những bộ quần áo tươm tất cho người nghèo vào chủ nhật, sơ Duyên và mọi người phải cặm cụi chuẩn bị từ trước đó 2-3 ngày.

img

Các em sinh viên trú tại lưu xá giúp các sơ phục vụ đồ ăn cho mọi người.

Em Trần Thị Bạch Dương (ĐH Công nghiệp TP.HCM), sinh viên sống tại lưu xá kể: "Chúng em ở đây đều là sinh viên nhà nghèo ở tỉnh lên thành phố học, nhưng lên đây mới biết nhiều người còn khó khăn hơn mình. Các sơ giỏi và khéo tay lắm, chúng em được sơ dạy làm bánh, nấu ăn và biết cách chia sẻ, quan tâm với mọi người".

Sáng 1/12, cô Trần Thị Thanh Trúc (Q.Hóc Môn) đi hết một tiếng mới lên tới cửa hàng 0 đồng. Khi cô lên lên đến nơi thì điểm tâm sáng trong quầy đã hết, sơ Duyên vội vào trong chuẩn bị thêm phần đồ ăn cho cô Trúc.

Nhiều “khách hàng” đến nhận đồ ăn trễ cũng được sơ Duyên lấy thêm, từ cụ già đi xe đạp ở bệnh viện ra, cô bán vé số đến mấy bác thợ đi lắp đèn Noel cho khu phố, ai nấy khi nhận được phần điểm tâm sáng đều nở một nụ cười vui vẻ, hạnh phúc.

img

Sơ Nguyễn Thị Mỹ Duyên (người mặc áo tím) trực tiếp mang đồ ăn do mình chế biến mời những người ghé cửa hàng.

Sơ Duyên cho biết, cửa hàng hoạt động tốt không chỉ nhờ sơ và các bạn sinh viên lưu trú mà còn có rất nhiều các tình nguyện viên. Rất nhiều người tốt, tuy công việc bận nhưng cứ rảnh là đến, không kể một giờ hay nửa giờ, sơ đón nhận với tất cả lòng trân trọng dành cho họ.

Sơ Duyên ao ước trong tương lai mình có thể làm tốt hơn nữa, đẹp hơn nữa, nếu có sức khỏe. Sơ muốn ý thức cộng đồng chia sẻ chứ không phải cho hay ban phát, chia sẻ có nghĩa chia đi những gì thân thích với mình, là được hạnh phúc khi làm điều đó. “Sơ vẫn nói với các em sinh viên phải trân trọng người nghèo. Quần áo không được đổ đống cho người ta đến lấy, mà sơ muốn làm thành một shop quần áo, để dù họ không có tiền nhưng họ vẫn cảm thấy được trân trọng giống như những người có tiền”, sơ Duyên chia sẻ.

img

Quần áo ủng hộ là quần áo đã qua sử dụng nhưng được treo lên rất gọn gàng, đẹp mắt.

img

Theo sơ Mỹ Duyên, làm việc thiện không phải ban phát, mà là chia sẻ, yêu thương giữa con người với con người trong cộng đồng.

“Cái kho của Thạch Sanh” ở lưu xá trong con ngõ này không chỉ có cơm, có bánh, có quần áo chưa hết lại đầy, mà đó còn là tấm lòng thơm thảo của sơ Duyên, của các tình nguyện viên và biết bao người Sài Gòn đáng mến.

Địa chỉ nhận quyên góp cho Phiên chợ 0 đồng: Lưu xá sinh viên của các sơ Dòng Mến Thánh Giá, 380/41 đường Phạm Văn Chiêu, phường 9, quận Gò Vấp. Thời gian nhận quyên góp: 6h30 - 20h tất cả các ngày trong tuần.

Từ khóa » Nơi Nhận Quần áo Cũ ở Gò Vấp