Khó Thở, Hụt Hơi Sau Khi Mắc COVID-19, Khi Nào Cần Khám?

Khó thở, hụt hơi sau khi mắc COVID-19, khi nào cần khám? - Ảnh 1.

Bà L. đến thăm khám hậu COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Di chứng phổi sau khi mắc COVID-19

Đến Bệnh viện Bạch Mai thăm khám sau khi nhiễm COVID-19 gần 1 tháng, anh Nguyễn Hải A. (36 tuổi, Hà Nội) có biểu hiện hụt hơi khi nói vài câu, khó thở khi đi lại. Qua thăm khám, chụp phim và đánh giá chức năng hô hấp, anh A. được chẩn đoán tổn thương phổi kẽ, khả năng liên quan đến COVID-19 có rối loạn thông khí hạn chế.

Còn bà L. (81 tuổi, Hà Nội) phải nằm viện điều trị COVID-19 trong 1 tháng. Sau khi khỏi, bà thường xuyên bị khó thở, đau họng, khó nuốt. Bà L. đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương thăm khám và được chẩn đoán rối loạn chức năng hô hấp do điều trị COVID-19 kéo dài.

Theo ThS.BS Trần Minh Quân - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 5-10 bệnh nhân, những ngày đông có khoảng 20 bệnh nhân đến khám. Các bệnh nhân thuộc nhóm bệnh nhân nặng như phải điều trị viêm phổi, lọc máu, thở máy hoặc các bác cao tuổi có nhiều bệnh lý nền từ trước hoặc phụ nữ có thai.

PGS.TS Phan Thu Phương, giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết một số nghiên cứu cho thấy ho khan kéo dài, hụt hơi, khó thở là những triệu chứng dai dẳng và phổ biến ở những bệnh nhân sau nhiễm COVID-9. Tỉ lệ bệnh nhân gặp tình trạng này chiếm khoảng 42-66% số ca mắc khảo sát được trong vòng 3 tháng sau nhiễm COVID-19.

Ngoài ra, sau giai đoạn COVID-19 cấp tính, 25% số bệnh nhân giảm hoạt động thể lực bằng việc khoảng cách đi bộ 6 phút thấp hơn giá trị tham chiếu bình thường. 50-60% những bệnh nhân sau nhiễm COVID-19 với triệu chứng hô hấp kéo dài đến khám được chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực thấy có tổn thương.

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết theo một số nghiên cứu, sau khi khỏi COVID-19, bệnh nhân có triệu chứng khó thở chiếm 10-71%, kéo dài 2 - 3 tháng hoặc lâu hơn. Triệu chứng khó chịu ở ngực chiếm 12-44%, kéo dài 2 - 3 tháng. Ho chiếm 17-34%, kéo dài 2 - 3 tháng hoặc lâu hơn.

Những tổn thương hay gặp nhất là hình kính mờ, xơ hóa phổi, viêm phổi tổ chức, dày các vách liên tiểu thùy, khí phế thũng... Những bất thường này có thể bị bỏ sót trên phim X-quang ngực thẳng thông thường.

Hiện chưa có những nghiên cứu và thống kê đầy đủ tỉ lệ mắc di chứng COVID-19 trên cả nước.

Khi nào cần khám, điều trị hậu COVID-19?

Theo bác sĩ Phương, những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc hội chứng hậu COVID-19 bao gồm: những người trên 60 tuổi, có các bệnh lý nền kèm theo như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen, bệnh thận mãn tính, bệnh gan mãn tính, bệnh máu mãn tính, ung thư, suy giảm miễn dịch… ; những người bệnh có chỉ định liệu pháp oxy tại nhà, đặc biệt là nhóm người bệnh nặng phải hỗ trợ thở máy trong thời gian bị nhiễm COVID-19; những người chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 cơ bản.

"Tuy nhiên, không phải ai mắc COVID-19 cũng cần khám hậu COVID-19. Người bệnh khi có bất thường về sức khỏe sau khi nhiễm COVID-19 cần liên hệ với nhân viên y tế để được hỗ trợ tư vấn. Ngoài ra cần theo dõi sức khỏe, không nên quá lo lắng", bác sĩ Phương khuyến cáo.

Theo bác sĩ Khiêm, đối tượng cần được khám đánh giá hô hấp hậu COVID19 là những bệnh nhân có tiền sử mắc COVID-19, có các biểu hiện rối loạn chức năng hô hấp. Tốt nhất các bệnh nhân nguy cơ cao nên được tái khám lại ít nhất 1 lần trong vòng 3 tháng kể từ khi xuất viện hoặc có những biểu hiện của rối loạn chức năng hô hấp.

Khi nào mới đưa trẻ khám hậu COVID-19? Khi nào mới đưa trẻ khám hậu COVID-19?

TTO - Số trẻ em nhiễm COVID-19 đang tăng. Trẻ sau khi khỏi bệnh, phụ huynh lại lo lắng đến hội chứng hậu COVID-19 nên vội đưa trẻ đi khám dù trẻ không có biểu hiện nào.

Từ khóa » Khó Thở Khi Mắc Covid Phải Làm Sao