Khó Thở: Nguyên Nhân Và Cách Ngăn Ngừa Tình Trạng Này - Hello Bacsi

Khó thở là triệu chứng của một số bệnh thường gặp như cảm lạnh, dị ứng. Tuy nhiên, người mắc các bệnh lý nghiêm trọng hơn như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim hoặc ung thư phổi cũng có thể bị khó thở.  

Khó thở có thể xảy ra cấp tính hoặc mạn tính. Nếu khó thở là cấp tính, diễn ra trong một thời gian ngắn và đột ngột với mức độ nặng thì cần làm xét nghiệm chẩn đoán. Nếu khó thở mạn tính kéo dài thì chắc chắn là một triệu chứng liên quan đến bệnh lý nào đó.

Bạn đã bao giờ cảm thấy khó thở chưa, có phải khi đó khó thở là bệnh gì hay không? Trong bài viết dưới đây, mời bạn cùng tìm hiểu về những nguyên nhân gây khó thở và cách phòng ngừa tình trạng này nhé.

Khó thở là bệnh gì hay bị gì?

Dưới đây là một số nguyên nhân có thể khiến bạn bị khó thở:

1. Cảm lạnh và các vấn đề xoang mũi

Khó thở là bệnh gì phải nghĩ ngay đến vấn đề về đường thở đầu tiên. Trong nhiễm trùng xoang dẫn đến viêm xoang, các loại virus và vi khuẩn có thể gây tắc nghẽn đường mũi, làm bạn khó hít thở một cách bình thường. Khi bạn bị cảm lạnh, lượng nước mũi dày đặc hơn sẽ gây cản trở quá trình hô hấp.

Các triệu chứng khác của nhiễm trùng xoang, bao gồm:

  • Nước mũi màu xanh
  • Đau nhức vùng mặt
  • Đau đầu
  • Ho
  • Sốt
  • Mệt mỏi
  • Hôi miệng

Các triệu chứng khác khi bị cảm lạnh bao gồm:

  • Sổ mũi
  • Hắt hơi
  • Ho
  • Đau họng
  • Nhức đầu hoặc đau nhức người
  • Sốt nhẹ

2. Dị ứng

Dị ứng là phản ứng của hệ miễn dịch đối với các chất gây kích ứng trong môi trường như phấn hoa, lông vật nuôi… Khi bị dị ứng, bạn sẽ có cảm giác như mình đang bị cảm cúm. Phản ứng dị ứng gây ra các triệu chứng như sau:

  • Hắt hơi
  • Khó thở
  • Nghẹt mũi và chảy nước mũi
  • Ra nước mắt
  • Phát ban, mẩn đỏ
  • Buồn nôn
  • Tiêu chảy

Phản ứng dị ứng nghiêm trọng nhất được gọi là sốc phản vệ, làm cho cổ họng và miệng sưng lên, gây khó thở cho người bệnh. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện để cấp cứu ngay.

3. Khó thở là bệnh gì? Hen suyễn là nguyên nhân phổ biến

Hen suyễn gây khó thở

Hen suyễn là một bệnh viêm đường hô hấp mạn tính. Khi đường thở bị viêm, nó bị sưng và dễ bị co thắt khi gặp tác nhân kích thích, làm cho người bệnh xuất hiện các triệu chứng như ho, nặng ngực, khò khè và khó thở. Bạn có thể dùng thuốc hen suyễn hàng ngày để cải thiện tình trạng này.

4. Nhiễm trùng đường hô hấp

Viêm phổi, viêm phế quản và lao phổi là những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Khó thở là bị gì thì các bệnh lý này đều có thể là thủ phạm. Các triệu chứng khác bạn có thể gặp phải khi bị nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm:

  • Ho ra chất nhầy hoặc máu
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Mệt mỏi
  • Nhức đầu
  • Tức ngực
  • Chán ăn

Các bệnh nhiễm trùng thường được điều trị bằng kháng sinh, virus hay vi khuẩn thường sẽ bị tiêu diệt trong vòng 1–2 tuần.

5. Lo âu có thể gây khó thở

Đôi khi, khó thở không phải là bệnh gì mà chỉ do bạn lo âu quá mức. Khi bạn lo lắng, cơ thể trở nên căng thẳng và bạn bắt đầu hít thở nhanh hơn bình thường. Hành động thở nhanh, dồn dập này còn được gọi là thở dốc. Bạn cũng có thể cảm thấy đau ngực và thường bị nhầm lẫn với cơn nhồi máu cơ tim.

Các triệu chứng lo âu khác bao gồm:

  • Nhịp tim nhanh
  • Chóng mặt
  • Đổ mồ hôi
  • Run rẩy
  • Nôn nao
  • Tiêu chảy

Bạn có thể giảm bớt lo lắng với các bài tập thư giãn và thuốc chống lo âu.

6. Thừa cân, béo phì

Béo phì có thể gây khó thở

Thừa quá nhiều cân sẽ gây áp lực lên phổi và buộc cơ quan này phải hoạt động nhiều hơn. Nếu có chỉ số BMI lớn hơn 30, bạn có thể gặp khó khăn khi thở, đặc biệt khi tập thể dục hoặc hoạt động thể chất.

Béo phì cũng có thể dẫn đến:

  • Vấn đề tim mạch
  • Đái tháo đường
  • Ngưng thở khi ngủ
  • Các vấn đề sức khỏe khác

Giảm cân bằng cách áp dụng chế độ ăn kiêng và tập thể dục là điều bất kì người thừa cân, béo phì nào cũng nên thực hiện ngay.

7. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những nguyên nhân có thể khiến cho người bệnh bị khó thở. Thủ phạm gây nên bệnh lý này chính là thói quen hút thuốc lá. Các triệu chứng của COPD bao gồm:

  • Ho mạn tính
  • Thở dốc
  • Mệt mỏi
  • Sinh đờm
  • Thở khò khè

Bạn nên uống thuốc, tập các bài tập phục hồi phổi và tăng cường lượng oxy để điều trị các triệu chứng của bệnh lý này.

8. Suy tim

Suy tim là bệnh mà cơ tim suy yếu, không thể bơm đủ lượng máu từ tim tới các cơ quan trong cơ thể nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp máu và oxy. Chính vì lý do này, oxy không được cung cấp đủ cho phổi và dễ khiến bạn bị khó thở.

Các triệu chứng khác của suy tim bao gồm:

  • Đau ngực
  • Nhịp tim nhanh (đánh trống ngực)
  • Ho
  • Chóng mặt
  • Sưng chân hoặc mắt cá chân
  • Tăng cân nhanh

9. Khó thở là bệnh gì? Đừng bỏ qua nguy cơ ung thư phổi

Khó thở có thể là một trong những triệu chứng của ung thư phổi, đặc biệt là ở giai đoạn cuối của bệnh. Khi bị ung thư phổi, triệu chứng khó thở có thể đi kèm với một số tình trạng khác như ho, đau ngực, sinh đờm, khàn giọng và ho ra máu.

Bạn đã từng khó thở khi đang ngủ hay chưa?

Ngừng thở khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Biểu hiện của tình trạng này là nhịp thở bị ngừng nhiều lần trong giấc ngủ. Ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn là tình trạng xảy ra phổ biến khi cơ ở thành sau họng bị giãn. Các cơ này nâng đỡ vòm miệng mềm, lưỡi gà, amidan và lưỡi. Do cơ giãn, đường thở bị hẹp hoặc tắc nghẽn, khi đó hô hấp bị gián đoạn trong chốc lát. Tình trạng này có thể biểu hiện bởi các dấu hiệu khác như:

  • Ngáy lớn
  • Đau đầu vào buổi sáng
  • Buồn ngủ trong ngày
  • Khó chịu
  • Khó nhớ hoặc mất tập trung

Các nguyên nhân khác gây khó thở trong khi ngủ bao gồm:

  • Tắc nghẽn mũi do nhiễm trùng đường hô hấp hoặc cảm lạnh
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
  • Suy tim
  • Béo phì

Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?

Gặp bác sĩ khi bị khó thở

Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn thường xuyên bị khó thở trong vòng 1–2 tuần. Bên cạnh đó, bạn cần đi bệnh viện gấp khi phát hiện các triệu chứng sau:

  • Hụt hơi khi thở
  • Đau ngực hoặc đau thắt lung
  • Trong đờm có máu khi ho
  • Sưng miệng hoặc cổ họng
  • Chóng mặt, ngất xỉu

Làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng khó thở?

Một số nguyên nhân gây khó thở như béo phì và ngưng thở khi ngủ có thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, các nguyên nhân khác như nhiễm trùng hô hấp sẽ khó khắc phục hơn. Dưới đây là một vài cách có thể giúp bạn bảo vệ đường hô hấp:

  • Giảm cân nếu bạn bị thừa cân
  • Rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc với người đang ốm
  • Bỏ thói quen hút thuốc lá
  • Nếu bạn bị dị ứng, bạn cần được theo dõi sức khỏe và điều trị

Triệu chứng khó thở có thể là biểu hiện của nhiều bệnh nguy hiểm. Vì vậy, bạn cần lưu ý để phòng ngừa cũng như phát hiện bệnh sớm nhé.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Khó Thở Có đờm Là Bệnh Gì