Khổ Với Phần Mềm Học Trực Tuyến: Liên Tục Bị Out, Lúc Nghe Lúc Không

Khổ với phần mềm học trực tuyến: Liên tục bị out, lúc nghe lúc không - Ảnh 1.

Học sinh TP.HCM học trực tuyến tại nhà - Ảnh: TỰ TRUNG

Em T.H., học sinh Trường tiểu học - THCS - THPT Nam Sài Gòn (quận 7, TP.HCM), kể trong hai ngày 13 và 14-9 lớp của em có nhiều bạn vào học trực tuyến bằng phần mềm K12 Online nhưng không vào được, có khi vào được lại bị "out" ra.

Sở GD-ĐT TP.HCM không yêu cầu các trường phải dùng một phần mềm nhất định nào trong dạy học mà phải dựa trên tình hình thực tế để có quyết định sử dụng phần mềm phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Hiếu (giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

Liên tục bị "out" ra

"Tuần trước, trường em học rất ít tiết nhưng phần mềm này chạy cũng không được. Còn tuần này dù có đỡ hơn một chút nhưng vẫn lúc được lúc không, đăng nhập luôn báo lỗi... Khi vào được thì đường truyền không ổn định và học sinh, giáo viên thường bị "out" ra liên tục. Loay hoay với phần mềm K12 Online không được, cô giáo đành gửi link phầm mềm khác để chúng em học" - em T.H. cho biết.

Cũng học bằng phần mềm K12 Online, N.L. - học sinh tại quận 10 (TP.HCM) - kể sau nhiều ngày thầy trò không thể vào được phần mềm này, giáo viên đã đổi sang học phần mềm khác.

"Thầy cô nói là phần mềm K12 Online hiện nay không thể tổ chức lớp học ảo trên đó được. Nên hơn một tuần nay thầy cô phải dùng phần mềm khác để dạy. Còn phần mềm K12 Online nay chỉ để vào đó điểm danh, lấy bài tập về thôi, chứ dùng lâu là không được", N.L. chia sẻ.

Ông Phạm Thanh Nam, hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS - THPT Nam Sài Gòn, cho biết trường đã tập huấn phần mềm K12 Online cho giáo viên.

"Khi chúng tôi mời bên cung cấp phần mềm đến và tập huấn cho giáo viên thì rất ổn, nhưng giờ lại không ổn chút nào. Cả ban giám hiệu, giáo viên, học sinh đều khổ với việc học như thế này. Chúng tôi cũng có báo với đơn vị cung cấp phần mềm và có các phương án sử dụng phầm mềm khác để dạy học. Nếu hết tuần này mà không được, chúng tôi buộc phải có những phương án khác để đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh" - ông Nam cho biết.

Một số phụ huynh cho biết con họ học với những phần mềm khác như Zoom, Google Meet... cũng gặp những trục trặc tương tự.

"Con tôi đã học được 15 tiết học trực tuyến. Giáo viên của con tôi chuyển từ dùng Zoom rồi Google Meet nhưng mỗi phần mềm một kiểu. Tình trạng không vào được "out" ra của Google Meet tuy không nhiều nhưng vẫn có nhiều học sinh "out" ra và cô giáo cũng vậy. Âm thanh thì lúc được lúc không..." - chị Thanh, một phụ huynh có con học lớp 8 tại quận 1 (TP.HCM), chia sẻ.

Sở GD-ĐT TP.HCM nói gì?

Ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết sở đã có văn bản gửi Sở Thông tin truyền thông TP.HCM, Công ty phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) và trao đổi với các đơn vị cung cấp phần mềm nhằm tìm kiếm giải pháp phù hợp cho việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, chất lượng.

Đồng thời, Sở GD-ĐT TP.HCM giao cho hiệu trưởng các trường chủ động trong việc sắp xếp thời khóa biểu học trực tuyến không quá 50% so với thời lượng dạy học trực tiếp. Thời khóa biểu dạy học trực tuyến phải không cứng nhắc, để tránh hệ thống gây quá tải khi học sinh đăng nhập đồng loạt.

"Sở GD-ĐT TP.HCM giao các phòng GD-ĐT quận, huyện điều phối thời điểm đăng nhập các hệ thống để thực hiện thời khóa biểu trực tuyến, khuyến khích học sinh học theo thời khóa biểu tự học cá nhân trên các hệ thống quản lý học tập do nhà trường triển khai trong ngày theo sự hướng dẫn của các thầy cô trên hệ thống LMS" - ông Hiếu nói.

Ông Ngô Văn Tuyên - trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Tân (TP.HCM) - cho biết hiện quận này tập huấn dự phòng hầu hết các phần mềm dạy học trực tuyến để giáo viên có thể xoay xở được trong các tình huống.

"Chúng tôi cũng biết rằng việc sử dụng phần mềm miễn phí có thể sẽ khiến đường truyền mạng không ổn định nên cũng động viên hiệu trưởng các trường xem xét việc mua phần mềm học trực tuyến trên cơ sở cân nhắc xem xét phần mềm phù hợp" - ông nói.

Ông Vũ Anh Tuấn - tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM - cho biết các nền tảng trực tuyến (cả quốc tế và Việt Nam) khi hoạt động đều dựa vào đường truyền (Internet). Internet quyết định chính việc ứng dụng sẽ chạy ổn định hay không.

Hiện nay, hai đường truyền Internet quốc tế của Việt Nam bị sự cố kỹ thuật đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động trên môi trường mạng như làm việc từ xa, họp, học trực tuyến... làm cho tín hiệu chập chờn, lúc có lúc không. Điều này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc người dùng Internet truy cập khó hay bị thoát ra khi đang họp/học...

Bên cạnh đó, các thiết bị đầu cuối - trong đó có bộ phát WiFi tại gia đình - cũng là nguyên nhân thứ hai gây ảnh hưởng tới việc gián đoạn tín hiệu. Thời gian trước, bộ phát WiFi được nhà mạng tặng cho khách hàng khi đấu nối Internet có dung lượng truyền dẫn nhỏ (chỉ phát cho khoảng 2 đến 3 thiết bị sử dụng cùng lúc) dù chúng ta thấy tín hiệu sóng đến 5 mức, qua thời gian sử dụng lại bị giảm bớt khả năng truyền dẫn.

Nhiều lúc trong gia đình có nhiều thiết bị cùng truy cập sẽ dẫn đến tắc/nghẽn mạng. Thời gian gần đây, với các gói Internet dung lượng lớn và thiết bị phát sóng được lắp đặt tốt hơn, khả năng truyền dẫn mạnh hơn đã khắc phục được việc này.

Tuy nhiên để đảm bảo việc không bị gián đoạn buổi học, tốt nhất phụ huynh nên kéo thêm một sợi cáp từ bộ phát WiFi ra và cắm vào máy tính/laptop hay mua và thay thế bộ phát WiFi khác có khả năng phát sóng mạnh hơn (với các gia đình đang sử dụng bộ phát WiFi thế hệ cũ).

"Tội nhất là học sinh lớp 12"

Một giáo viên THPT cho biết: "Học trực tuyến đã phải cắt giảm thời lượng mà phần mềm thì chập chờn cả tuần khiến chúng tôi phải linh hoạt thay đổi phần mềm, rất cực khổ cho cả học trò lẫn giáo viên. Tội nhất là học sinh khối 12, vào học không được thì không đủ kiến thức để sau này thi tốt nghiệp. Không hiểu vì sao lại như vậy? Phải chăng phần mềm này chúng tôi đang dùng miễn phí?".

Những lưu ý khi chọn phần mềm dạy học

Là đơn vị đào tạo, tập huấn cho giáo viên về dạy học trực tuyến, GS.TS Huỳnh Văn Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - nói trên thực tế mỗi phần mềm hiện nay đều có tính năng cơ bản và đáp ứng yêu cầu cơ bản để phục vụ dạy học.

Từ đó, việc lựa chọn phần mềm, theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn, cần phải dựa vào các tiêu chí sau: Thứ nhất, cần định hướng chọn lựa phần mềm tương đối nhất quán trong trường dựa trên năng lực của giáo viên, điều kiện, khả năng của học sinh và nhất là nên lắng nghe chuyên gia tư vấn; Thứ hai, khi đã chọn phần mềm, cần có hoạt động bồi dưỡng và tư vấn cho thầy cô và cả học sinh cũng như phụ huynh.

Thứ ba, trường cần định hướng công tác tổ chức dạy học dựa trên các yêu cầu chung về quản trị nhà trường, quản trị dạy học thay vì quản lý quá chi tiết hoặc buông lơi. Thứ tư, trường cần động viên thầy cô và cả học sinh đầu tư về thời gian, tâm trí cho kịch bản sư phạm trực tuyến nhất là kế hoạch bài dạy được tổ chức dưới dạng trực tuyến. Thứ năm, trường cần chú ý kiểm tra, đánh giá hoạt động dạy học này để nhắc nhở, động viên và nhất là tư vấn cho thầy cô và học sinh làm việc hiệu quả.

Những điều cha mẹ cần lưu ý để con học trực tuyến an toàn Những điều cha mẹ cần lưu ý để con học trực tuyến an toàn

TTO - Một học sinh 9 tuổi ở Hà Nội đã tử vong do dùng kéo chọc vào ổ điện khi đang học trực tuyến. Sau sự việc thương tâm này, các chuyên gia cho rằng việc giữ an toàn cho trẻ khi học trực tuyến cần được quan tâm hơn.

Từ khóa » đăng Nhập K12online Bị Lỗi