Khoa Học Bật Mí Bí Kíp Bắt Ruồi Muỗi Bằng Tay Không - GenK

Như trong bài viết “Sự thật tác dụng đuổi muỗi thần thánh của các ứng dụng di động”, chúng ta đã biết các ứng dụng đuổi muỗi trên smartphone hoàn toàn không có tác dụng, thậm chí những ứng dụng này còn có thể thu hút thêm đám muỗi đến để đốt bạn. Vậy làm thế nào để tiêu diệt được đám côn trùng khó chịu này?

Cách đơn giản và hiệu quả nhất là đập chúng bằng tay. Mặc dù không phải lúc nào cũng hiệu quả, vì đám côn trùng này phản xạ rất nhanh, khi chúng ta có động tĩnh muốn hạ thủ chúng là ngay lập tức đã không thấy hình bóng của chúng đâu nữa rồi. Do đó mà đã có các nhà khoa học chuyên nghiên cứu cơ chế bay của các loài côn trùng, mà từ đó tìm ra một bí kíp bắt ruồi muỗi bằng tay không có cơ sở khoa học. Với bí kíp này thì chắc chắn đám côn trùng sẽ không còn là đối thủ của bạn.

Tuy nhiên ông cha ta có câu “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”, vì vậy mà trước khi học bí kíp diệt muỗi chúng ta cần phải biết vì sao mà đám côn trùng này lại có “thân thủ” phi phàm như vậy.

Vì sao ruồi muỗi rất khó bị đập trúng

Loài muỗi có tốc độ bay vào khoảng 2 km/h, nghe có vẻ chúng khá chậm chạm tuy nhiên nếu một con muỗi to bằng kích thước con người thì có nghĩa là nó có thể chạy nhanh hơn chúng ta gấp 100 lần. Tuy nhiên tốc độ không phải vấn đề quan trọng nhất, mà một trong những lý do là ruồi muỗi có thị lực rất tốt, chúng nhìn thấy bạn khi bạn chuẩn bị “ra tay”.

Thị lực của chúng rất tốt với đôi mắt lớn, giúp chúng phát hiện mối nguy hiểm từ rất sớm.

Thị lực của chúng rất tốt với đôi mắt lớn, giúp chúng phát hiện mối nguy hiểm từ rất sớm.

Mắt của ruồi và muỗi là mắt lồi, có kích thước lớn và giúp chúng có tầm quan sát rất rộng. Đừng tưởng rằng bạn đập chúng từ phía sau mà chúng không biết. Với mắt cầu lồi, chúng có khả năng nhìn thấy cả phía trên đầu và một phần phía sau cơ thể. Do đó mà tấn công từ phía sau không phải bí kíp giúp bạn tiêu diệt được chúng.

Tiêu diệt đám côn trùng này không dễ như chúng ta nghĩ.

Tiêu diệt đám côn trùng này không dễ như chúng ta nghĩ.

Thị lực tốt là một phần, nhưng vẫn chưa phải quan trọng nhất giúp đám côn trùng này sống sót trước kẻ thù. Nhà côn trùng học Michael Dickinson đã nghiên cứu cơ chế di chuyển của các loài côn trùng trong 20 năm và rút ra được rất nhiều điều thú vị từ các thử nghiệm của mình.

Ông đã tiến hành thử nghiệm bằng cách quay video tốc độ cao với loài ruồi giấm, khi chúng phản ứng lại một chiếc vỉ ruồi chuẩn bị đập xuống đầu chúng.

Khi mà chiếc vỉ chuẩn bị đập xuống, con ruồi không chỉ nhìn thấy bằng mắt mà còn cảm nhận được áp lực di chuyển xuống trong không khí. Nó biết có mối đe dọa lớn ở trên đầu và cần phải nhanh chóng thoát thân. Bộ não ra lệnh cho các chi chuẩn bị vị trí thuận lợi nhất để có thể tẩu thoát.

Đôi khi chúng khiến cho chúng ta phát điên.

Đôi khi chúng khiến cho chúng ta phát điên.

Trong thử nghiệm của Michael, ông thay đổi các góc độ của chiếc vỉ và phát hiện ra rằng con ruồi luôn tìm được hướng thoát thân an toàn nhất, ngược lại với mối nguy hiểm. Như khi đập chiếc vỉ từ phía trước con ruồi, nó ngay lập tức bật người về phía sau để có thể thoát thân.

Michael rút ra kết luận rằng bộ não của loài ruồi có phản xạ rất nhanh, mà từ khi phát hiện ra hướng mà nguy hiểm đang đến gần, bộ não gửi tín hiệu tới các chi để có thể bật lên và bay thoát thân theo hướng ngược lại. Đó cũng là lý do vì sao khi bạn dùng vỉ đập ruồi và nhắm vào vị trí hiện tại con ruồi đang đậu thì 90% bạn không thể hạ gục được nó.

Và đây là cách để đập ruồi "bách phát bách trúng".

Và đây là cách để đập ruồi "bách phát bách trúng".

Bí kíp bắt ruồi muỗi

Như vậy, theo nhà côn trùng học Michael thì để đập trúng được một con ruồi thì chúng ta cần phải biết được hướng mà chúng sẽ thoát thân khi nhận thấy nguy hiểm. Giả dụ nếu chúng ta tiến tới con ruồi từ phía trước, thì thông thường nếu cảm thấy nguy hiểm nó sẽ thoát thân về phía sau. Do đó bạn không nên nhắm vào vị trí hiện tại mà nó đang đậu, hãy nhắm vào vị trí phía sau một khoảng để chặn hướng bay thoát thân của con ruồi.

Đối với loài muỗi thì có hơi khác, vì chúng không có khả năng bật nhanh để thoát thân như ruồi, mặc dù chúng cũng có phản xạ và khả năng phát hiện mối đe dọa rất tốt. Theo nhà vật lý động lực học Jim Brasseur thì cách tốt nhất để bắt được muỗi là dùng cả hai bàn tay và đập từ hai phía lại.

Vì muỗi có kích thước và trọng lượng nhỏ hơn, chúng cũng bị tác động nhiều từ các áp lực trong không khí. Mà khi bạn chỉ sử dụng một tay để bắt, áp lực không khí sinh ra trong khi bạn di chuyển bàn tay phần nào sẽ cảnh báo cho con muỗi biết mối nguy hiểm, thậm chí áp lực này còn đẩy con muỗi ra khỏi tầm tay của bạn. Chính vì vậy mà việc sử dụng cả hai bàn tay và ép từ hai hướng lại sẽ khiến áp lực cân bằng và giúp bạn dễ tiêu diệt được con muỗi hơn. Một mẹo nhỏ khác là hãy đợi đến khi con muỗi đang hút máu của bạn, vì lúc đó phản xạ của nó giảm đi đáng kể và dễ dàng hơn để đập trúng.

Như vậy với một vài mẹo nhỏ này, hy vọng các bạn có thể tránh khỏi sự quấy rầy của đám côn trùng khó chịu này. Tuy nhiên để hiệu quả nhất, có lẽ bạn nên trang bị cho mình các loại vũ khí thay vì chỉ sử dụng tay không, một chiếc vợt muỗi điện sẽ cực kỳ hiệu quả vì nó không tạo ra áp lực, diện tích rộng và tiêu diệt ngay khi chúng chạm vào lưới.

Tham khảo: livescience, slate, phys.org

>>Những lý do bất ngờ khiến bạn bị muỗi cắn nhiều hơn những người khác

Từ khóa » Tốc độ Bay Của Ruồi Giấm