Khoa học công nghệ và "sĩ, nông, công, thương" thời hiện đại Trương Văn Tân “Knowing is not enough, we must apply. Willing is not enough, we must do.” (Biết thôi chưa đủ, ta phải áp dụng. Quyết tâm thôi chưa đủ, ta phải làm) (J. W. von Goethe) Điện thoại di động Chiếc điện thoại di động iPhone Apple, Galaxy Samsung hay Xiaomi bình dân hơn của Trung Quốc đang thống trị lĩnh vực truyền thông thế giới. Thuật ngữ ''điện thoại di động" được gán cho công cụ điện tử này có lẽ không còn đúng nữa vì nó còn nhiều chức năng khác như chụp ảnh, định vị GPS, điện thư, đọc báo, nhắn tin, quay phim, la bàn, calculator, chơi game, nghe nhạc, dự báo thời tiết v.v… Nó cũng đang trở thành một vật trang sức của giới trẻ sành điệu ai mà không sở hữu thì dễ bị người xem như là dân miệt vườn. Nó là một phát minh tổng hợp của nhiều công cụ cổ điển được làm nhỏ hơn mà ta chỉ cần làm vài tác động "chấm chấm quẹt quẹt" trên cái màn hình nho nhỏ là tìm được những chức năng mới lạ. Đúng là một sản phẩm công nghệ cao vừa hấp dẫn vừa tiện lợi nhưng ít người tiêu dùng hiểu đây là kết quả của những lý thuyết khoa học trừu tượng như cơ học lượng tử được thành hình cách đây hơn 100 năm hay phương trình sóng điện từ của James Maxwell ở thế kỷ 19. Cơ học lượng tử khởi đầu chỉ là sân chơi của các nhà toán học đượm màu triết gia hay lý thuyết gia vật lý có nhiều hứng thú với việc "đi đứng" của các loại hạt cực nhỏ. Từ khái niệm bó năng lượng (lượng tử) của Planck đến tính nhị nguyên sóng và hạt, nguyên lý bất định Heisenberg, phương trình sóng Schrödinger rồi đến chuyện con mèo Schrödinger, vướng víu lượng tử (quantum entanglement), viễn tải lượng tử (quantum teleportation), cơ học lượng tử cho thấy đặc tính kỳ bí của thế giới vi hạt tưởng chừng như không liên quan đến cuộc sống thường nhật trong một môi trường vĩ mô trông thấy được bằng con mắt phàm phu. Cơ học lượng tử cho con người thấy một thế giới khác không tồn tại trong ý thức con người. Cho nên nó trở nên kỳ bí. Sự kỳ bí này đã khiến cho Eisntein nghi ngờ và làm Richard Feynman phải thốt lên "Nếu bạn bảo rằng bạn đã hiểu cơ học lượng tử thì bạn chưa hiểu gì về nó cả!". Hơn 100 năm qua kể từ bó năng lượng của Planck, những khái niệm kỳ bí của lượng tử được giải mã bằng thực nghiệm và nhanh chóng đưa vào các ứng dụng cũng không kém ly kỳ như tia laser hay vi mạch chứa vài trăm triệu transistor có kích cỡ nanomét trong chiếc điện thoại di động, máy tính và những công cụ điện tử, quang điện tử càng lúc càng được thu nhỏ và đa năng. Ngày nay, con người được "tắm" trong sóng điện từ. Không gian sinh hoạt của chúng ta tràn ngập sóng radio cho việc truyền thanh, truyền hình, sóng radar, vi ba, sóng điện thoại và ánh sáng, tia hồng ngoại, tử ngoại từ mặt trời. Nếu không có phương trình sóng Maxwell có lẽ sẽ không có tia X, hồng ngoại y học, thiên văn học hiện đại và cũng sẽ không có những công cụ viễn thông từ những đài thu phát sóng khổng lồ, những tháp ăng-ten cao ngất ngưởng đến chiếc điện thoại di động nhỏ bé. Nó đã tạo một cuộc cách mạng trong các phương thức liên thông giữa con người và đồng loại mà còn nối kết con người với vũ trụ bao la. Nhưng dự đoán vĩ đại của Maxwell đối với cuộc sống bình lặng của thế kỷ 19 chỉ được bàng dân thiên hạ đón nhận một cách thờ ơ nếu không có thí nghiệm của Heinrich Hertz, một nhà thực nghiệm vật lý người Đức. Hertz tìm ra sóng radio bằng dụng cụ thí nghiệm đơn giản phát sóng đầu này bắt sóng đầu kia. Ông đo đạc vận tốc của sóng radio và cho câu trả lời gần con số 300.000 km/giây như dự đoán của Maxwell. Thí nghiệm Hertz mở ra thời đại vô tuyến mà chiếc điện thoại và đài radio là hai công cụ đầu tiên loài người hoan hỉ tiếp nhận. Cơ học lượng tử và phương trình sóng Maxwell không đứng lại ở chiếc điện thoại cầm tay xinh xắn. Giải Nobel Vật Lý 2012 được trao cho Serge Haroche và David J. Wineland, cho công trình nghiên cứu liên quan đến việc quan sát và chế ngự một vài vi hạt hay nguyên tử để mở đường cho vi tính lượng tử với vận tốc xử lý siêu việt. Mặt khác, phương trình Maxwell là nền tảng lý thuyết cho việc chế tạo siêu vật liệu (metamaterials), được xem là một cột mốc quan trọng trong vật lý hiện đại, với khả năng làm vật tàng hình, chế tạo ăng ten cực mạnh thu nhỏ, công cụ hấp thụ nhiệt, vi ba, sóng terahertz, hay vật liệu có chiết suất âm hay chiết suất cực to với nhiều tiềm năng áp dụng trong quang học. Cũng như cơ học lượng tử và phương trình sóng Maxwell những ứng dụng của nhiều lý thuyết khoa học khác cũng lặng lẽ đi vào cuộc sống đời thường dần dần thay đổi bộ mặt của xã hội loài người. Chỉ một đơn cử về chiếc điện thoại di động, người ta nhận ngay sự đóng góp to lớn của khoa học. Nhưng biến khoa học thành công nghệ không phải là một quá trình tự phát chờ sung rụng mà là kết quả của sự quản lý khoa học chặt chẽ trong một chiến lược triển khai và nghiên cứu có tầm nhìn xa rộng để làm giàu đất nước. Trật tự phong kiến "sĩ, nông, công, thương" trong xã hội phương Đông có thể là cái rào cản ngoan cố hay là chất xúc tác mạnh mẽ cho cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Điều này tùy vào sự nhạy cảm trước thời thế, phương pháp bồi dưỡng nhân tài và chính sách phát triển khoa học của một chính phủ. Thăng trầm của tôn ti "sĩ, nông, công, thương" "Sĩ, nông, công, thương" là một phản ánh thực tế trong xã hội của tư tưởng Nho giáo. "Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt. Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên" … Uy viễn Tướng công đã khẳng định như đinh đóng cột rằng sĩ là một giai cấp tiên phong cự phách của xã hội phong kiến và phải có nhiều trọng trách hơn các giai cấp khác. Thỉnh thoảng khi thiên không thời, địa không lợi khiến cho mùa màng thất bát thì "nông" tạm thời trở thành "nhất nông nhì sĩ". Trong tư duy Nho giáo, kẻ sĩ chỉ loanh quanh ở cái việc trả nợ "tang bồng hồ thỉ" cho nên khi phải đối đấu với nền văn minh cơ khí phương Tây thì kẻ sĩ trở nên lúng túng, loay hoay không đối sách. "Công, thương" dù trong hoàn cảnh nào cũng ở hàng thứ chót. Tư tưởng "phi thương bất phú" vì vậy thoạt nghe thì phảng phất mùi tiền con buôn. Nhưng ở thời hiện đại làm "thương" trên cơ sở biến lý thuyết khoa học thành sản phẩm thương trường quả thật không đơn giản. Khoa học xuất phát từ tính hiếu kỳ của con người, nhưng công nghệ lại đi từ nhu cầu của con người. Công nghệ có thể xem như giai đoạn cuối của quá trình nghiên cứu khoa học, măc dù không phải phát hiện khoa học nào cũng có thể trở thành thương phẩm. Từ tiếng kêu khoái trá "Eureka!" (tìm ra rồi) trong phòng thí nghiệm đến sản phẩm trên thương trường không phải là con đường đầy hoa thơm cỏ lạ mà là con đường dài gian truân thậm chí chỉ là lối mòn vào ngõ cụt. Theo thống kê, trong 5000 đề tài khoa học sẽ có 1000 đề tài khả thi trên phương diện thực nghiệm. Trong 1000 đề tài nầy sẽ đưa đến 100 đề tài có khả năng ứng dụng. Và trong 100 đề tài này nhiều nhất chỉ có 5 đề tài đưa đến thành phẩm. Như vậy, xác suất thành công sẽ ít hơn 0,1 %. Hơn nữa, thành phẩm có làm thay đổi sinh hoạt con người, được khách hàng yêu thích và được những nhà đầu tư ưa chuộng hay chăng lại là những yêu cầu khác. Từ những tiêu chí này thí dụ về chiếc điện thoại di động cho thấy sự thành công mỹ mãn của việc kết hợp khoa học vào công nghệ kéo dài từ phòng nghiên cứu đến sàn chứng khoán. Và cũng từ những tiêu chí này, những nhân vật như Steve Jobs hay Bill Gates biết dùng tri thức của "sĩ" và kỹ thuật của "công" để biến chúng thành sản phẩm "thương", vừa quản lý sản xuất vừa khai thác tâm lý khách hàng và cải tạo bộ mặt xã hội loài người quả là bậc kỳ tài hiếm hoi trong thiên hạ! Nền tảng nội lực của một quốc gia là khoa học công nghệ. Công nghiệp hóa một quốc gia không phải chỉ dựa dẫm vào việc đầu tư của nước ngoài mà còn là sự tập trung vào việc phát huy tính ứng dụng cuả khoa học, quản lý nghiên cứu khoa học và tạo môi trường kích thích sự sáng tạo và năng động của những nhà nghiên cứu. Việc phát triển công nghệ của một quốc gia đi sau để bắt kịp các nước tiên tiên tiến, dù là dân dụng hay quốc phòng, thường đi qua ba phương cách là "mua, tự chế và… ăn cắp". Hai phương pháp đầu rất tốn kém nhưng phương pháp thứ ba rẻ tiền và nhanh chóng dù là việc thập thò phi pháp! Những kỹ xảo công nghệ từ việc bình thường như các phương pháp thực nghiệm trong phòng nghiên cứu đến quá trình phức tạp chế tạo sản phẩm bán ra tiền ít được hé lộ trên các bài báo cáo khoa học và nếu có công khai thì chỉ nói một cách bao quát chung chung với vài thí dụ thực nghiệm nhằm đánh lạc hướng người đọc trên các đăng ký phát minh. Cho đến ngày hôm nay công thức chế tạo Coca-Cola hay các hương vị trong món gà nướng Kentucky vẫn là những thông tin thương mãi cực mật. Khi có người rắp tâm cất giấu thì cũng sẽ có người quyết tâm tìm kiếm. Những James Bond với biệt tài đạo chích khi thì có dung mạo điển trai lịch lãm khi thì có dáng dấp thật thà như anh gù nhà thờ Notre Dame có thể xuất hiện ở bất cứ ngõ ngách nào trên thế giới và bất cứ thời gian nào trong lịch sử. Chưa kể đến những kẻ không mặt mũi có đôi tay dài liên lục địa mò mẫm vào những nơi cực mật của thế giới cyber hay những điệp vụ "mỹ nhân kế" từ cổ chí kim đã làm gục ngã bao anh hùng từng bách chiến bách thắng chốn sa trường. Truyền thuyết "Trọng Thủy - Mỵ Châu" và cái nỏ thần An Dương Vương có thể xem là vụ "chôm" công nghệ quốc phòng nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Nhưng dù trong tình huống nào của "mua, tự chế và ăn cắp" nó đều đòi hỏi một trình độ hiểu biết cao cấp về khoa học công nghệ. Năm xưa, Anh và Pháp chế tạo máy bay Concord, thì Liên Xô (cũ) cũng nhanh chóng trình làng chiếc Tupolev Tu-144. Nhật Bản có xe lửa siêu tốc Shinkansen thì bây giờ Trung Quốc cũng sản xuất xe lửa tương tự mang tên "Hòa Giải". Đầu óc thực tiễn của các doanh nhân Nhật Bản với chủ trương áp dụng khoa học vào việc chế tạo và bán sản phẩm lấy ngoại tệ để phục hồi kinh tế sau đệ nhị thế chiến là việc chính danh hơn thập thò "ăn cắp" và cũng là tấm gương xán lạn cho các quốc gia đang phát triển như Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore. Morita Akio là một thí dụ điển hình biết ứng dụng khoa học tiên tiến phương Tây vào việc chế tạo sản phẩm công nghiệp. Ông từ bỏ chức vụ giảng viên tại trường Đại học Công nghiệp Tokyo (Tokyo Institute of Technology) danh giá để xông pha vào thương trường lập ra hãng Sony. Là một ngưòi tốt nghiệp ngành vật lý, ông nhận thấy sự ứng dụng to lớn và kỳ diệu của transistor. Trong khi ba người phát minh là John Bardeen, William Shockley and Walter Brattain (giải Nobel Vật Lý 1956) vẫn chưa thấy được tầm ứng dụng của transistor của mình thì Morita sang Mỹ mua bản quyền để làm radio transistor bán ra toàn thế giới. Morita đã mở ra nền công nghiệp điện tử thu nhỏ biến chiếc radio diode cồng kềnh cổ lỗ thành radio transistor bỏ túi thời thượng. Những trí thức với đầu óc thực dụng và ham học hỏi như Morita Akio kế tục con đường khai sáng của kẻ sĩ Nhật Bản thời Minh Trị Duy Tân đã mang ảnh hưởng sâu sắc đến hai nước láng giềng Hàn Quốc và Đài Loan còn nặng lòng với Nho học. Trong khi giai cấp sĩ tại đại lục Trung Quốc bị hạ phóng làm nông ở những vùng quê heo hút trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa thì "sĩ" đã trở thành "công, thương" tại Đài Loan và Hàn Quốc và biến hai nước này thành những con rồng châu Á. Đài Loan trong thập niên 70 của thế kỷ trước dưới sự lãnh đạo của Tưởng Kinh Quốc kêu gọi các khoa học gia người Hoa thành đạt ở nước ngoài trở về nước tham gia vào sự nghiệp công nghiệp hóa Đài Loan mà mũi nhọn là công nghiệp điện tử. Khu khoa học và công nghệ Hsinchu (Tân Trúc) được thành lập năm 1980 tại một địa điểm kề cận hai đại học hàng đầu của Đài Loan là đại học Quốc gia Thanh Hoa và đại học Quốc gia Giao Thông. Sự hợp tác giữa khu công nghệ và đại học tại Đài Loan chẳng qua là mô phỏng sự liên thông giữa đại học và các chương trình nghiên cứu và triển khai của các công ty tại Mỹ mà điển hình là đại học Stanford và Thung lũng Silicon tại California. Những sản phẩm công nghệ cao như vi mạch, linh kiện và công cụ điện tử của Đài Loan đã biến quốc đảo nhỏ bé này thành nơi dự trữ ngoại tệ đứng thứ hai trên thế giới trong hai thập niên 70, 80 của thế kỷ trước. Cũng vào thập niên 70, tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee đưa ra lộ trình phát triển công nghiệp chế tạo hàng hóa xuất khẩu đồng thời chú trọng vào khoa học công nghệ. Chính phủ Park Chung-hee theo mô hình các công ty Nhật Bản như Hitachi, Mitsubishi, Toyota, đặt nền móng cho các tập đoàn đa công nghiệp Hàn Quốc chế tạo từ những vật nhỏ nhất như linh kiện điện tử đến việc to tát, nặng nề nhất như công nghiệp đóng tàu. Vào năm 1971 chính phủ Park Chung-hee thành lập Korea Advanced Institute of Science and Technology (KAIST, Hàn Quốc Khoa học Kỹ thuật Viện), đầu tàu của nền khoa học kỹ thuật Hàn Quốc với mục đích đào tạo các nhà khoa học và kỹ sư cho việc nghiên cứu khoa học và các tập đoàn công nghiệp như Samsung, Hyundai. Hơn 40 năm qua, KAIST đã tạo một ảnh hưởng vô cùng sâu rộng cho nền khoa học công nghệ Hàn Quốc và thế giới. Những nước đi sau khi đạt đến một trình độ có khả năng làm chủ công nghệ và bán những sản phẩm công nghệ hay chế tạo khí tài quân sự thì việc thặng dư tài chính trong kinh thương được tái đầu tư vào việc nghiên cứu cơ bản. Một quốc gia phát triển có chiến lược không ngừng ở trình độ bắt chước hay sao chép công nghệ lẽo đẽo theo sau các nước tiên tiến mà cần phải chủ động làm khoa học, nền tảng của công nghệ. Sau 40 năm, thương hiệu của xứ sở "kim chi" lừng danh thế giới nhưng lộ trình khoa học công nghệ của Hàn Quốc không dừng ở chỗ chỉ chế tạo sản phẩm. Khi kho bạc nhà nước đã đầy tiền, cơ sở hạ tầng đã vững chắc, chính phủ Hàn bắt đầu đầu tư vào nghiên cứu cơ bản. Tháng 5, 2012 Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản Hàn Quốc (Institute for Basic Science, IBS) được thành lập với kinh phí hằng năm là 600 triệu đô la, một phần trong kinh phí 15 tỷ đô la mà chính phủ Hàn Quốc cung cấp hằng năm cho các dự án R&D cả nước. Mười trung tâm IBS đầu tiên đưọc thành lập bao gồm các bộ môn cơ bản là sinh học, hóa học, vật lý và toán. Số trung tâm sẽ tăng đến 25 (năm 2013) và 50 (năm 2017) [1]. Những trung tâm này thu hút tài năng trên toàn thế giới để các nhân tài thi đua làm nghiên cứu cơ bản tạo nền tảng khoa học cho các ứng dụng công nghệ tương lai, công bố thành quả trên các tạp chí quyền uy và cuối cùng tìm kiếm vài giải Nobel khoa học. Sự hiếu học truyền thống của "sĩ" trong Nho giáo được tích cực triển khai và lòng tự hào dân tộc đã đưa Hàn Quốc trở thành thương hiệu được thế giới tin dùng và giờ đây sở hữu một trung tâm nghiên cứu khoa học có đẳng cấp quốc tế. Trong lúc những con rồng châu Á đứng đầu là Đài Loan và Hàn Quốc đang vẫy vùng trong ngàn mây thì đại lục Trung Quốc còn quay cuồng lặn ngụp trong Cách mạng Văn hóa. "Sĩ" trong cuộc đấu tranh giai cấp là tầng lớp khó dạy có mùi phân lại thêm cái tội làm tay sai của giai cấp tư bản "thương" bốc lột. "Công nông" trở thành giai cấp tiên phong, nhưng ở đây "nông" là bần nông không phải chuyên gia nông nghiệp làm những việc như cải biến gene hạt giống chống sâu rầy, "công" là công nhân nhà máy không phải kỹ sư hay chuyên gia kỹ thuật. Giai cấp "công nông" được chính quyền cách mạng cho phép đăng ký tự do học "đại học" để một đêm sáng ngày ù té biến thành "sĩ". Các trường danh giá như đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa phải hạ trình độ giảng dạy đến bậc trung học cấp hai cấp ba. Khuôn viên hoa lệ của đại học trở nên nơi trồng rau cải nuôi dưỡng giai cấp tiên phong. May thay Cách mạng Văn hoá chấm dứt vào năm 1976, kẻ sĩ hơn 10 năm bị hạ phóng làm nông nay mới được giải phóng lụt tụt khăn gói trở về thành. Từ đó đến nay hơn 30 năm khoa học công nghệ Trung Quốc bùng phát như lửa rừng. Hiện nay các đại học Trung Quốc xuất bản các bài báo cáo khoa học có số lượng tương đương với đại học Mỹ. Trong năm 2008, đại học và cơ quan nghiên cứu có hơn 6073 đăng ký phát minh trong và ngoài nước so với 346 đăng ký năm 1999. Cơ quan đăng ký phát minh Mỹ ghi nhận sự gia tăng đăng ký tại Mỹ các phát minh Trung Quốc từ 41 năm 1992 đến 1874 năm 2008 [2]. Đằng sau những con số này là những quốc sách cải cách giáo dục, khoa học công nghệ toàn diện và quyết liệt. Năm 2008 chính phủ Trung Quốc đưa ra chương trình "Nghìn nhân tài" chiêu mộ những cựu du học sinh Trung Quốc thành đạt ở nước ngoài trở về với thù lao hậu hỉ. Trong công cuộc cải cách khoa học công nghệ, đặc điểm thứ nhất là họ học tập những nước đi trước để thiết lập một lộ trình phát triển phù hợp với hoàn cảnh Trung Quốc [3]. Đặc điểm thứ hai là sự thành hình của liên mạng các khoa học gia người Hoa trên toàn thế giới chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong, Singapore, và hân hoan đón nhận các nhà khoa học nước ngoài làm nghiên cứu tại Trung Quốc. Đặc điểm thứ ba là sự quyết tâm làm chủ công nghệ qua phương thức "mua" rồi "tự chế" bằng công nghệ ngược (reverse engineering) từ chiếc máy bay tàng hình đến những linh kiện điện tử nhỏ bé như vi mạch chứa hàng tỷ transistor. Cái bóng dài "hủ nho" Đã có nhiều tiếng nói của các bậc thức giả ưu thời mẫn thế lo lắng cho tiền đồ giáo dục Việt Nam. Những bất cập trong giáo dục đại học khiến cho viễn ảnh khoa học công nghệ thêm phần ảm đạm. Sự thiếu vắng một bộ óc lớn biết lãnh đạo, một chính sách, lộ trình khoa học công nghệ năng động và sự quyết tâm thực hiện để đáp ứng với thực tế khiến cho nền khoa học công nghệ Việt Nam như căn nhà tranh vốn ộp ẹp lại thường xuyên dột nước… Những nghị quyết giống nhau được sao chép từ đại hội lớn đến đại hội nhỏ lặp lại điệp khúc cũ rích "em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé …" đã gặm nhắm lòng người từ lâu lắm rồi. Điều lo ngại hơn là một số thuộc giai cấp "sĩ" vốn tha hoá lại thừa nước đục thả câu bởi kế hoạch "20.000 tiến sĩ ở năm 2020" từ chỗ hiếu học đến chỗ hiếu danh, hiếu chức. Cuối cùng để có chức có quan có tiền bằng con đường ngắn nhất thì không có gì hơn con đường học giả bằng thật, mua danh bán tước. Lại có một số "sĩ " học thật nhưng có mốt suy tư kiểu "giỏi toán là người thông minh". Nó khá phổ biến trong giới sinh viên thậm chí trong giới học thuật Việt Nam mặc dù trên thực tế đời thường "người thông minh chưa chắc đã giỏi toán" và trong việc tính toán không ít người làm toán giỏi nhưng tính chuyện đời không giỏi. Sự lệch lạc này đưa đến tình trạng là người làm lý thuyết "xem thường" người làm thực nghiệm hay có kỹ năng tay nghề. Chuyện "xem thường" đã có từ thời Ernest Rutherford trong câu nói "Tất cả mọi khoa học là vật lý hay chỉ là sưu tầm tem" (All science is either physics or stamp collecting). Câu nói làm phật lòng không ít các đồng nghiệp hóa hay sinh học. Thậm chí ngày nay trong khoa vật lý vẫn còn sự phân biệt của người làm lý thuyết và người làm thực nghiệm. Dù sao, phát ngôn của Ernest Rutherford là một bộc phát ngẫu hứng và sự phân biệt giữa "thực nghiệm" và "lý thuyết" chỉ là một thành kiến ấu trĩ của một thiểu số vì sự hài hòa giữa lý thuyết và thực nghiệm, sự liên thông và bổ túc giữa các ngành khoa học là một yếu tố then chốt của sự phát triển khoa học công nghệ. Nhưng khi sự phân biệt này lẩn khuất trong khuôn viên đại học hay cộng đồng khoa học Việt Nam thì nó cho thấy một thực trạng phũ phàng là tư duy của ta phản ánh nguồn gene "sĩ" lỗi nhịp với thời đại mà kết quả là ta có nhiều trường đại học để cấp học vị hơn là trường kỹ thuật dạy nghề. Có phải đây là con đường nối dài của giai cấp "sĩ" hủ nho sống trong tháp ngà mà hậu quả là con số các báo cáo công trình trên tạp chí quốc tế và đăng ký bằng phát minh hằng năm rất khiêm tốn? Một hệ luận hiển nhiên là ta không gầy dựng được một nền công nghiệp dân tộc làm giàu đất nước dù hệ thống đã đào tạo ra nhiều lý thuyết gia trong toán học, vật lý lý thuyết, cơ học tính toán nhưng hiếm thấy những nhà công nghệ tầm cỡ như Thomas Edison, Henry Ford hay Matsushita Konosuke (hãng Panasonic), Honda Shoichiro (hãng Honda), Morita Akio (hãng Sony) vừa có tài năng chế tác (manufacturing) vừa có đầu óc kinh doanh. "Sĩ, nông, công, thương" thời hiện đại không còn là một tôn ti trên dưới mà là biểu hiện của sự bổ túc ngang hàng cần thiết để phát triển nội lực quốc gia. Nguyên khí một nước thường tỉ lệ vào con số nhiều ít của các bậc thức giả hiền tài vì con người là vốn cơ bản. Nhưng bậc hiền tài ngày nay cũng thực tế như loài chim; đất không lành thì chim không đậu… Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đã cách tân quan niệm phong kiến "sĩ, nông, công, thương" thu hút nhân tài không phân biệt quốc tịch trên toàn thế giới và quốc tế hóa khoa học công nghệ để biến thế kỷ 21 thành thế kỷ châu Á. Người khổng lồ Trung Quốc cũng chợt tỉnh giấc mộng "thiên đàng utopia" quay về với hiện thực với một quyết tâm rũ bỏ một xã hội nông nghiệp tay lấm chân bùn di sản của ngàn năm phong kiến để tạo nên một xã hội giàu có văn minh theo con đường phát triển khoa học công nghệ. Lộ trình phát triển của ta vẫn chưa thoát ra khỏi bóng tối của hủ nho, tư duy của ta còn ôm chân quá khứ bám víu vào con đường khoa bảng trọng danh hơn trọng thực. Chúng ta đang tụt hậu trầm trọng và chỉ còn một con đường thoát duy nhất: cải cách toàn diện từ con người đến hệ thống, nếu không muốn sống như con ếch trong cái giếng làng. Tài liệu tham khảo 1. "South Korea invests big in basic research", Physics Today, October 2012, pp. 26. 2. P.G. Altbach and Q. Wang, "Can China keep rising?", Scientific American, Oct. 2012, pp. 46. 3. "Science & Technology in China: A Roadmap to 2050", Yongxiang Lu (Editor-in-Chief), Springer Verlag, Berlin Heidelberg, 2010. Tháng 11, 2012 (Bài viết đã đăng trong quyển "Hạt Higss và Mô Hình Chuẩn", nxb Tri Thức, Hà Nội) |