Khoác Lên Mình Màu Xanh áo Lính Là Niềm Tự Hào Của Bất Kỳ Ai

Khoác lên mình màu xanh áo lính là niềm tự hào của bất kỳ ai

“KHOÁC LÊN MÌNH MÀU XANH ÁO LÍNH LÀ NIỀM TỰ HÀO CỦA BẤT KỲ AI

Thượng tướng, Viện sỹ, AHLLVT Nguyễn Huy Hiệu

“Từ nông thôn đến thành thị, từ nông thôn đến trường học, ai cũng xác định “gác bút nghiên” để lên đường. Có người đã nhận được giấy báo vào đại học. Nhưng tất cả vì lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc mà lên đường” – Thượng tướng, Viện sỹ, AHLLVT Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại khí thế sục sôi của lớp lớp thanh niên tình nguyện lên đường nhập ngũ hơn nửa thể kỷ trước.

Mùa xuân gắn với nhiều sự kiện quan trọng, trong đó dấu mốc lịch sử về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Thưa Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, là người trưởng thành và đi lên trong môi trường quân ngũ, đã trực tiếp cầm súng và có mặt trong những thời khắc ác liệt nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc, ông có hồi tưởng gì về giai đoạn ấy?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Cách đây 52 năm, tôi cũng như các bạn trẻ bây giờ, theo tiếng gọi của Tổ quốc, lên đường nhập ngũ. Năm ấy tôi mới 18 tuổi. Suốt những chặng đường đó, tôi cũng như nhiều thanh niên lên đường với tinh thần tuổi trẻ “xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ”. Tôi đã tham gia 4 chiến dịch lớn là Mậu Thân 1968, chiến dịch đường 9 Nam Lào 1971, chiến dịch Quảng Trị 1972 và chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Tuy nhiên, ký ức tôi nhớ rõ nhất là mùa xuân năm 1987. Khi ấy tôi là Phó Tư lệnh thứ nhất Quân đoàn 1. Sau khi dự kỷ niệm 20 năm Tết Mậu Thân, tôi được Đại tướng Đoàn Khuê, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi ấy giao nhiệm vụ dẫn các tổ chức, đoàn thể lên thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ bảo vệ ở Đồi Đài, Vị Xuyên, Hà Giang. Nhắc đến địa danh Đồi Đài ai cũng biết là “lò vôi của thế kỷ”, vì đối phương oanh tạc ngọn đồi bằng những trận pháo đến độ cả đồi trắng xóa như một lò vôi. Khi trở lại nơi đó, tôi không khỏi xúc động. Tôi đã ở lại ăn Tết và đón giao thừa cùng các chiến sỹ. Đó là kỷ niệm tôi không bao giờ quên được trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Ở nơi mà khi đất nước hòa bình vẫn có thể vang tiếng súng, ở nơi địa đầu Tổ quốc nên ý chí thật sắt đá, kiên cường. Và với một lòng kiên quyết giữ vững từng tấc đất, nên dù thời khắc giao thừa vẫn luôn nhắc nhở một nhiệm vụ, một nhiệm vụ vì sự bình yên biên giới.

Tâm trạng của một người lính trẻ khi mới nhập ngũ là như thế nào, ông còn nhớ không ạ?

Tôi cũng như nhiều thanh niên thế hệ ấy, ra mặt trận là hừng hực khí thế, bởi chúng tôi tin tưởng vào một thắng lợi hoàn toàn giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tuổi trẻ hồi ấy ra trận “phơi phới niềm tin”, coi “cái chết nhẹ như lông hồng”, thậm chí còn tâm niệm đó là thời kỳ đẹp nhất của đời người. Từ nông thôn đến thành thị, từ nông thôn đến trường học, ai cũng xác định “gác bút nghiên” để lên đường. Có người đã nhận được giấy báo vào đại học. Nhưng tất cả vì lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc mà lên đường. Chúng tôi biết trở thành người lính là dấn thân vào gian khổ, nhưng chúng tôi chấp nhận sự gian khổ, sự hy sinh đó. Nói hy sinh vì không phải riêng nam giới, cả những cô gái cũng sẵn sàng lên đường. Trên khắp các nẻo đường tràn ngập dấu chân của các nữ thanh niên xung phong.

Bây giờ khi chiến tranh đã lùi xa, sống trong một đất nước hòa bình, thì tinh thần yêu nước và sự biểu hiện của tinh thần ấy của người trẻ, liệu khác gì so với thế hệ trước, thế hệ của những anh bộ đội, những cô thanh niên xung phong ngày ấy, thưa ông?

Tất nhiên không nên có sự so sánh nào giữa cái thời của chúng tôi những người lính hơn 50 năm về trước với thế hệ trẻ bây giờ, so sánh như vậy là khập khiễng. Tuổi trẻ bây giờ hơn chúng tôi ngày đó, về mặt học thức, về tiếp cận thông tin, tiếp cận công nghệ. Nhưng người trẻ bây giờ họ có trí tuệ, có bản lĩnh, có lý tưởng. Để nói về tuổi trẻ hôm nay, tôi khẳng định đó là những con người sáng tạo và có tinh thần yêu nước. Nhờ yêu nước thì những người trẻ hôm nay mới khẳng định mình trên nhiều mặt trận khoa học, từ kinh tế, y học, vật lý, thể thao… trong đó lực lượng quân đội cũng đóng góp những gương mặt nổi trội. Chẳng hạn như Đại tá - xạ thủ Hoàng Xuân Vinh với 2 HCV tại Olympic hay Nguyễn Thị Ánh Viên, niềm tự hào của chúng ta ở môn bơi lội cũng trở thành Đại úy từ khi rất trẻ…

Mùa xuân cũng là mùa giao quân. Khắp các vùng miền Tổ quốc, hàng vạn thanh niên đang chuẩn bị rời xa mái nhà, rời xa gia đình để thực hiện nghĩa vụ với đất nước. Có người coi đây là niềm tự hào, nhưng bên cạnh đó cũng có những người né tránh, vì coi rằng đây là sự đứt đoạn tương lai, cản trở bước tiến của họ. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

Những người trẻ bây giờ họ có trí tuệ, có bản lĩnh, có lý tưởng, có ý chí thì họ được phân biệt được cái đúng, sai thật giả. Tôi không lo lắng về những người như thế. Còn đương nhiên có những số ít. Có những người trẻ đã suy nghĩ khác về sự cống hiến. Khi mà nếu không thấy lợi lộc, hay không được gì thì họ không làm. Bên cạnh đó, còn có những người trẻ thờ ơ với thời cuộc, thờ ơ với biến động xã hội, thậm chí là quên đi mất lịch sử, quên đi mất quá khứ.

Được khoác trên mình màu xanh áo lính là niềm tự hào đối với bất kỳ công dân Việt Nam nào. Nhà nước đang có đợt tuyển nghĩa vụ quân sự hàng năm và những đợt tuyển này được thực thi dưới những quy định chặt chẽ. Bởi vậy, không phải ai cũng được nhập ngũ. Tuy nhiên, vào quân đội không phải là bắt buộc. Có những người được tuyển đi nghĩa vụ quân sự, nhưng cũng có người được hoãn theo luật quy định để tiếp tục học lên hoặc cống hiến cho đất nước bằng những cách khác. Tôi cho rằng dù khoác trên mình màu xanh áo lính, hay là trở thành bác sĩ, thầy giáo, nhà khoa học, …. Nếu luôn mang một niềm tin và phấn đấu vì đất nước, thì đó đều là những khát khao thế hệ trẻ nên thực hiện.

Ông có lời gửi gắm gì với những người trẻ?

Tuổi trẻ có lý tưởng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhưng họ luôn phải đặt lợi ích của Tổ quốc và của đồng bào lên trên hết. Bởi lợi ích quốc gia, dân tộc chính là lợi ích của mỗi cá nhân. Khi Tổ quốc, đất nước giàu mạnh thì người dân no ấm, mới yên tâm phát triển kinh tế. Tôi chỉ muốn nói rằng, mỗi thời điểm lịch sử lại sản sinh ra những con người lịch sử khác nhau như câu nói thời thế tạo anh hùng. Nhưng điểm chung của họ là những con người yêu nước. Có lòng yêu nước thì có điểm tựa để làm nên những điều lớn lao, kỳ vĩ.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

MAI ANH (thực hiện)

Từ khóa » Tự Hào Màu Xanh áo Lính