Khoảng Cách Giàu Nghèo Gia Tăng Trong đại Dịch - NHK

Theo Oxfam, một tổ chức đấu tranh chống đói nghèo trên toàn cầu, tổng tài sản của 10 người giàu nhất thế giới đã tăng gấp đôi trong 2 năm vừa qua, từ 700 tỷ đôla lên thành 1,5 nghìn tỷ đôla.

Báo cáo của Oxfam viết rằng "các ngân hàng trung ương bơm hàng nghìn tỷ đôla vào thị trường chứng khoán để cứu vãn nền kinh tế, nhưng phần nhiều trong số đó lại rơi vào túi những tỷ phú kiếm lời từ sự bùng nổ của thị trường chứng khoán".

"Báo cáo Bất bình đẳng Toàn cầu 2022" do Viện nghiên cứu Bất bình đẳng Thế giới thuộc Trường Kinh tế Paris công bố cũng nhấn mạnh tới khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng. Tổ chức này cho biết 10% những người giàu nhất kiểm soát 76% tài sản của toàn thế giới.

Nhật Bản không phải ngoại lệ

Ngay cả ở Nhật Bản, nơi hầu hết mọi người coi mình thuộc tầng lớp trung lưu, khoảng cách giàu nghèo cũng đang lớn dần.

Một khảo sát của Viện Nghiên cứu và Công nghệ Mizuho cho thấy các hộ gia đình có thu nhập hằng năm dưới 3 triệu yên (26.000 đôla) chịu ảnh hưởng lớn nhất của đại dịch so với năm 2019, trước khi đại dịch xảy ra.

Những hộ gia đình này có thu nhập giảm so với 2 năm trước. Trong số những người chịu ảnh hưởng nặng nề có nhiều người là nhân viên không chính thức tại các nhà hàng, khách sạn và ngành giải trí. Đại dịch đã buộc các ngành nghề này phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động hoặc giảm quy mô kinh doanh.

Đối với những người vốn đã giàu thì tình hình lại khác. Những gia đình có thu nhập hằng năm ở khoảng 6 triệu tới 7 triệu yên (52.000 tới 61.000 đôla) kiếm được nhiều hơn một chút trong năm 2021. Thu nhập hồi phục mạnh ở những hộ vốn nằm trong mức 10 triệu yên (87.000 đôla).

Trong năm 2021, những người trong ngành xe hơi, điện tử và công nghệ thông tin nhận khoản tiền thưởng lớn hơn nhiều so với năm 2020 và 2019.

graph: Impact of Pandemic on Annual Household Income

Lạm phát ảnh hưởng nhiều hơn tới người nghèo

Lạm phát gia tăng ở Nhật Bản giáng thêm một đòn nữa vào các gia đình thu nhập thấp. Dự báo vào tháng 3, tiền điện sinh hoạt sẽ lên mức cao nhất trong 5 năm.

Một loạt các sản phẩm, trong có có các mặt hàng thông dụng như bột mỳ, cà phê, sốt mayonnaise và nước tương, đang tăng giá.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu và Công nghệ Mizuho, gánh nặng chi phí sinh hoạt so với thu nhập ở các hộ gia đình nghèo nhất là 1,8 điểm phần trăm. Con số này ở các hộ gia đình có thu nhập vào mức trung bình là 0,9 điểm phần trăm, còn ở người giàu là 0,5 điểm phần trăm.

Nhà kinh tế Shimanaka Yuriko, người tiến hành nghiên cứu này, cho biết gánh nặng của lạm phát đối với các hộ gia đình thu nhập thấp "được cho là tương đương với việc thuế tiêu dùng tăng 2%".

Cô dự báo: "Những gia đình như vậy sẽ chịu tác động của cả tình trạng kinh tế suy giảm do đại dịch lẫn chi phí sinh hoạt gia tăng".

Bất bình đẳng về giáo dục gia tăng

Nhà phân tích Minami Rikuto, cũng thuộc viện nghiên cứu của Mizuho, quan ngại rằng khoảng cách giàu nghèo gia tăng có thể tác động tới các thế hệ tương lai.

Theo tính toán của ông, trong năm 2021, các gia đình thu nhập thấp đã cắt giảm 15,1% chi phí cho giáo dục so với năm 2019. Trong cùng năm, chi phí này ở các gia đình thu nhập cao tăng 4,8%.

Đây được coi là vấn đề đặc biệt đáng quan ngại, bởi bất bình đẳng về giáo dục làm giảm cơ hội thoát nghèo.

Bộ giáo dục Nhật Bản cho biết đại dịch làm gia tăng khoảng cách về cơ hội giữa những học sinh - sinh viên có thể và không thể mua thiết bị kỹ thuật số.

Trong bối cảnh nhiều người giàu nhất thế giới kêu gọi chính phủ can thiệp, giới chức Nhật Bản nằm trong số những lãnh đạo thế giới đang cân nhắc cách hỗ trợ các gia đình thu nhập thấp, song song với việc xây dựng chế độ đánh thuế công bằng để khoảng cách giàu nghèo không trở thành vấn đề cố hữu.

Từ khóa » Hình Giàu Nghèo