Khoảng Trống Nhân Viên Y Tế Học đường - Bài Cuối - Báo Bình Phước

VÌ SỨC KHỎE VÀ AN TOÀN CỦA HỌC SINH

BPO - Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và chưa biết khi nào chấm dứt. Trong khi đó, việc đến trường là nhu cầu chính đáng của học sinh. Điều đó đặt ra yêu cầu với các cơ sở giáo dục phải quan tâm hơn nữa tới công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, giúp học sinh có kiến thức, kỹ năng chủ động phòng, chống dịch bệnh và các tệ nạn xã hội khác. Lúc này, việc quan tâm đầu tư cho y tế học đường (YTHĐ) là hết sức cần thiết nhằm giúp các em phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ.

Linh động thực hiện

Trước đây, các trường học trên địa bàn tỉnh đều được bố trí định biên 1 nhân viên YTHĐ. Sau này thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, nhiều địa phương đã cắt hợp đồng đối với nhân viên YTHĐ. Một trong những địa phương ít ỏi còn giữ lại được nhân viên YTHĐ cho bậc học mầm non là huyện Hớn Quản. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hớn Quản Bùi Duy Dũng cho biết: Hiện nay, huyện chỉ sắp xếp YTHĐ ở bậc học mầm non, còn lại các bậc tiểu học, THCS, THPT đều không được bố trí nhân viên YTHĐ. Thay vào đó, các trường này phải linh động thực hiện để đảm bảo theo dõi sức khỏe cho học sinh.

“Dịch Covid-19 vừa qua, các trường học thiếu nhân viên YTHĐ gặp rất nhiều khó khăn trong phòng, chống dịch. Nhiều trường phải huy động cả giáo viên đứng lớp hỗ trợ tham gia chống dịch. Tuy nhiên, một phần do không có chuyên môn, nghiệp vụ về y tế, phần khác do còn phải thực hiện nhiệm vụ giảng dạy nên hiệu quả không cao” - ông Bùi Duy Dũng cho biết thêm.

Hiện các trường học trên địa bàn huyện Bù Gia Mập không còn chức danh y tế học đường. Trong ảnh: Một tiết học của cô, trò Trường tiểu học Trương Định, xã Đắk Ơ (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

Trong khi đó, với đặc thù là địa phương trung tâm của tỉnh, nơi có số lượng học sinh bán trú lớn, TP. Đồng Xoài còn giữ được nhân viên YTHĐ cho bậc mầm non và tiểu học. Bà Dương Thị Thảo, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Đồng Xoài chia sẻ: Thực tế theo Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, các trường đều được định biên nhóm vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ như kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ. Tuy nhiên, căn cứ vào khối lượng, tính chất công việc của nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, các vị trí việc làm này đều phải thực hiện kiêm nhiệm. Do đó, việc có bố trí nhân viên YTHĐ hay không là do các đơn vị xây dựng đề án vị trí việc làm, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Cũng theo bà Thảo, thực tế YTHĐ là một trong những tiêu chí để đánh giá trường chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, đối với Bình Phước do nhiều trường đã tinh giản biên chế nên không còn chức danh YTHĐ chuyên trách. Do đó, trong quá trình kiểm tra, đánh giá trường chuẩn thường phải linh động tiêu chí này, miễn sao các đơn vị có 50% nhân viên thuộc nhóm vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ như kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ.

Toàn tỉnh hiện có 388 trường học công lập các cấp với gần 250 ngàn học sinh. Đại diện Sở GD&ĐT cho biết, đến nay ngoài huyện Hớn Quản có nhân viên YTHĐ ở bậc mầm non, TP. Đồng Xoài có nhân viên YTHĐ bậc mầm non, tiểu học và một số đơn vị do trong thời gian thực hiện cắt giảm đang nuôi con nhỏ hoặc một số lý do khác chưa thực hiện cắt giảm được thì giữ lại nhân viên YTHĐ, còn phần lớn không còn nhân viên YTHĐ chuyên trách. Hiện công tác YTHĐ được chuyển về trạm y tế các xã, phường phụ trách. Tuy nhiên, tại các trạm y tế xã, phường nhân lực hạn chế, thời gian qua, dịch Covid-19 bùng phát nên không có thời gian để theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Để giải quyết bài toán về nhân viên YTHĐ, nhiều trường đã cử thủ quỹ, kế toán, nhân viên thư viện kiêm công tác theo dõi sức khỏe học sinh, trong khi đó, những người này không có chuyên môn, nghiệp vụ về y tế.

“Các trường học thuộc bậc mầm non và tiểu học có số lượng học sinh lớn với hơn 1.000 học sinh/trường. Các đơn vị còn tổ chức bán trú, các em ăn bữa trưa tại trường nên trong xây dựng đề án vị trí việc làm, chúng tôi quyết tâm giữ lại chức danh YTHĐ đối với bậc mầm non và tiểu học. Bởi thực tế cho thấy, YTHĐ có vai trò rất quan trọng trong việc tư vấn về sức khỏe, tâm lý, sơ, cấp cứu ban đầu, đảm bảo vệ sinh học đường, đặc biệt là trong mùa dịch Covid-19 vừa qua” - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Đồng Xoài Dương Thị Thảo bày tỏ.

Cần sự đầu tư đồng bộ, bài bản

Tại khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT giữa Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT nêu rõ: Các trường học phải có phòng y tế riêng, bảo đảm diện tích, ở vị trí thuận tiện cho công tác sơ, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh. Phòng y tế các trường tiểu học, THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên biệt được trang bị tối thiểu 1 giường khám bệnh và lưu bệnh nhân, bàn làm việc, ghế, tủ đựng dụng cụ, thiết bị làm việc thông thường, cân, thước đo, huyết áp kế, nhiệt kế, bảng kiểm tra thị lực, bộ nẹp chân, tay và một số thuốc thiết yếu phục vụ công tác sơ, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh theo quy định của Bộ Y tế.

Đối với nhân viên y tế trường học phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên. Căn cứ điều kiện thực tiễn tại địa phương, các trường học bố trí nhân viên y tế trường học đáp ứng quy định tại điểm này hoặc ký hợp đồng với trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc cơ sở khám, chữa bệnh từ hình thức phòng khám đa khoa trở lên để chăm sóc sức khỏe học sinh.

Anh Nguyễn Ngọc Thái, nhân viên bảo vệ Trường THPT Phước Bình, thị xã Phước Long làm nhân viên y tế bất đắc dĩ khi nhà trường không có nhân viên YTHĐ

Như vậy, nhà trường không bắt buộc phải bố trí nhân viên YTHĐ. Trường hợp nhà trường không bố trí nhân viên YTHĐ thì có thể ký kết hợp đồng với trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở khám, chữa bệnh là phòng khám đa khoa trở lên để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Có lẽ vì những quy định này nên nhiều trường không có nhân viên y tế mà ký hợp đồng với trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu được biết, việc ký hợp đồng với trạm y tế xã, phường, thị trấn chủ yếu để khám sức khỏe định kỳ cho học sinh 2 lần/năm học nhưng cả năm nay gần như nhân viên trạm y tế không có mặt tại trường. Đó là chưa kể nhân lực các trạm y tế còn hạn chế, trong khi thời gian qua họ còn phải "căng mình" làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đánh giá của một số giáo viên, việc thiếu nhân viên YTHĐ có trình độ chuyên môn đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và làm nảy sinh nhiều vấn đề đối với học sinh bậc học cao hơn. Bởi thời gian các em ở trường chiếm phần lớn trong ngày, nhất là khi công tác bán trú đang ngày càng mở rộng, nếu không được chăm sóc chu đáo, các em rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, các bệnh về răng miệng, tai nạn thương tích... Nhiều ý kiến cho rằng, trường học không có nhân viên YTHĐ chuyên trách sẽ là “kẽ hở” để mầm bệnh phát triển, nhất là trong tình hình hiện nay, khi dịch bệnh truyền nhiễm đang có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Thực tế cũng chỉ ra rằng, hoạt động YTHĐ không đơn giản chỉ là sơ, cấp cứu mà còn là tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe; triển khai các chương trình phòng, chống dịch bệnh cho học sinh; xây dựng khung dinh dưỡng hợp lý, góp phần cải thiện sức khỏe, tinh thần cho các em. Dù hằng năm, lãnh đạo ngành giáo dục có tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt. Về lâu dài, cần có sự đầu tư đồng bộ, bài bản cùng sự chung tay của các cấp, ngành. Trong đó, chính quyền các địa phương, ngành chức năng cần quan tâm bổ sung chỉ tiêu YTHĐ chuyên trách cho các trường. Ngành y tế cũng cần hỗ trợ tốt hơn cho các trường học, từ việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên YTHĐ đến việc cung cấp các loại thuốc, trang thiết bị, dụng cụ y tế, để học sinh được hưởng quyền lợi của mình. Qua đó, góp phần chăm sóc tốt nhất cả thể chất lẫn tinh thần cho thế hệ tương lai của đất nước.

Từ khóa » Hình ảnh Trang Trí Phòng Y Tế Học đường