'Khóc Giữa Sài Gòn' - ám ảnh Và Day Dứt Về Nỗi Cô đơn - VnExpress

Gần đây, yếu tố sex xuất hiện khá nhiều trong sách của các nhà văn trẻ. Tuy nhiên, để đưa chất liệu nhạy cảm này vào tác phẩm một cách khéo léo và tinh tế không phải chuyện dễ. Nguyễn Ngọc Thạch đã thành công khi theo hướng này. Sau Đời Callboy, Lòng dạ đàn bà, Chuyển giới, Mẹ ơi con đồng tính, Chênh vênh hai lăm, Một giọt đàn bà, Khóc giữa Sài Gòn là cuốn sách tiếp theo Nguyễn Ngọc Thạch viết về những đề tài gai góc của xã hội. Thạch như đang thuật lại những câu chuyện đời thường mà anh là một phần trong số đó. Thạch có một biệt tài khác nữa: hiểu đàn bà hơn chính đàn bà. Anh biết họ cần gì, muốn gì, và đau đớn vì điều gì. Cứ thế, Thạch chỉ việc khắc họa nhân vật thôi, và người đọc - nhất là phái nữ - tự nhiên sẽ tìm thấy mình trong các đứa con tinh thần của Thạch.

body-Khoc-giua-9955-1401762124.jpg

Sách Khóc giữa Sài Gòn.

Cái nhìn của Thạch trong Khóc giữa Sài Gòn không chỉ về tình yêu đơn thuần mà còn về sự hy sinh và nỗ lực kéo người mình yêu khỏi nỗi đau của đời họ, như Phan "đã nguyện dùng phần đời còn lại để giúp Nam lau hết nước mắt đau thương". Dưới con mắt của Thạch, tình dục trở nên thơ và đẹp hơn bao giờ hết. Không trần trụi, cũng không bóng bẩy. Thạch khiến ta có cái nhìn khác hơn về những người đồng tính, về những khát khao tình yêu của họ, về cả những nỗi đau. Họ cũng yêu, đau và chấp nhận hy sinh. Họ cũng có những ước mơ hạnh phúc nhưng bị vướng vào những thị phi của xã hội. Họ bị dư luận nhấn chìm. Nguyễn Ngọc Thạch đã cho người đồng tính quyền được sống, được yêu và có thể ngẩng cao đầu với tất cả mọi người. Chỉ tiếc, những gì đi ngược với quy luật tạo hóa đều có một cái kết buồn...

Những nhân vật Thạch chọn - họ có những công việc tưởng như rất đàng hoàng, chuẩn mực nhưng lại khiến người ta ghê sợ, xót xa.

Thạch để cho Thụy - một gã trai "thẳng" - làm nghề massage ở một sauna dành cho những người đồng tính, để rồi anh phải chơi vơi giữa hai bờ giới tính, không biết bản thân mình thực sự là ai.

Thạch để cho Tú - một chàng trai tỉnh lẻ - lên Sài Gòn kiếm tiền trả nợ cho ba mẹ bằng việc bẻ cong ngòi bút của mình, rồi buôn hàng lậu qua biên giới. Để rồi kết cuộc là những ngày sống chui lủi bên cạnh người đàn bà anh yêu, tới khi người đàn bà ấy thực sự nắm lấy tay anh, anh lại quyết định ra tự thú.

Thạch để cho Mễ - một người đàn bà từng trải qua nỗi đau tâm lý, đau đớn đến khôn cùng - làm nghề tư vấn tâm lý. Để rồi chính cô cũng phải sợ hãi khi phát hiện ra những sự thật mà mình tìm kiếm được. Cô cũng không thể thoát khỏi những chấn thương tâm lý của chính mình.

Và Thạch để cho Phan - một người đàn ông với cái đầu siêu nhanh nhạy, biết tính toán, thông minh, đầy tham vọng - làm nghề báo. Anh luôn muốn chinh phục những cái khó, luôn muốn mình là người làm chủ mọi dư luận xã hội. Anh là quản lý của tờ báo mang tên "Thiên Đường". Tuy nhiên, để "Thiên Đường" sống, anh đã tự tay biến nó thành địa ngục.

Những con người ấy, dù có trải qua mất mát hay không, dù có độc ác hay không, dù có đáng thương hay không, thì cũng đã một lần từng "khóc giữa Sài Gòn". Như những dòng đầu trang sách, Thạch viết: "Sài Gòn của tôi, có những người dám sống vì nhau, dám chết vì nhau, và dám khóc vì nhau”. Với Nguyễn Ngọc Thạch, văn chương không bao giờ hoa mỹ, nhưng chính cái mộc mạc và chân thực trong từng câu chữ ấy lại khiến người ta đau đáu và ám ảnh đến mãi sau này...

Nguyễn Đức Thảo Vy

  • Rưng rưng 'Một giọt đàn bà'

Từ khóa » Khóc Giua Sai Gon