“Khôi Phục Rừng: Con đường Dẫn Tới Khôi Phục Kinh Tế Và Hạnh Phúc ...

Ngày 28/11/2012, Liên hợp quốc chọn ngày 21 tháng 3 hàng năm là Ngày Quốc tế về Rừng (IDF – International Day of Forests), mục đích nhằm kêu gọi các quốc gia cùng chung tay phục hồi lại những cánh rừng đã mất, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng và đưa ra các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Năm 2021, Ngày Quốc tế về Rừng có chủ đề: “Khôi phục rừng: con đường dẫn tới khôi phục kinh tế và hạnh phúc”.

Rừng là nơi sinh sống của khoảng 80% đa dạng sinh học trên cạn của thế giới, với hơn 60.000 loài cây[1]. Quan trọng nhất, rừng đóng vai trò hấp thụ khí CO2, trả lại oxy cho sinh giới cũng như giảm hiệu ứng nhà kính do tích tụ CO2 là yếu tố gây ra sự nóng lên toàn cầu. Có khoảng 1,6 tỷ người phụ thuộc trực tiếp vào rừng để kiếm nguồn thức ăn, nơi ở, năng lượng, thuốc men và thu nhập. Thế giới đang dần mất đi 10 triệu ha rừng mỗi năm (tương đương với diện tích của Ai-xơ-len) – thiệt hại này bằng 12%-20% lượng khí thải nhà kính toàn cầu góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Ngày nay, hơn 1 triệu trong số 8 triệu loài động, thực vật trên hành tinh đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Có gần 2 tỷ ha diện tích đất bị suy thoái – tương đương với một khu vực lớn hơn cả Nam Mỹ.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), rừng có 5 vai trò chính gồm nuôi dưỡng đất, lưu trữ các-bon, cung cấp thực phẩm lành mạnh cho hàng triệu người, điều tiết nước và là nhà của khoảng 80% các giống loài sống trên cạn. Quản lý rừng bền vững kết hợp sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên từ rừng là cách tốt nhất chống lại sự biến đổi khí hậu và đóng góp vào sự thịnh vượng, hạnh phúc của các thế hệ hiện tại và tương lai.

Đối với Việt Nam, theo số liệu thống kê năm 2019, đất lâm nghiệp có khoảng 15 triệu ha[2], chiếm 45,5% tổng diện tích nước ta, trong đó rừng sản xuất là 7,5 triệu ha, rừng phòng hộ 5,2 triệu ha, rừng đặc dụng 2,2 triệu ha; rừng tự nhiên có diện tích 1.0292,4 nghìn ha, rừng trồng là 4316,8 nghìn ha; Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, tỷ lệ che phủ rừng nước ta năm 2020 ước đạt 42% (bình quân thế giới chỉ 31%). Mặc dù tỷ lệ che phủ rừng nước ta có tăng lên[3], nhưng chất lượng rừng tự nhiên vẫn chưa cao, rừng phòng hộ chưa phát huy đầy đủ chức năng, tỷ lệ cây xanh/người dân đô thị và nhiều khu vực nông thôn vẫn còn thấp, tại các đô thị lớn của Việt Nam tỷ lệ cây xanh/người ở mức từ 2 – 3 m2/người, bằng 1/5 đến 1/10 so với thế giới (tỷ lệ này tại các thành phố hiện đại trên thế giới phổ biến từ 20 – 25 m2/người).

Phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, ngày 01/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”. Theo Đề án, mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Ước tính 4 tháng đầu năm 2021, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước đạt 62 nghìn ha, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 35 triệu cây, tăng 2,8%.

Việc phục hồi và quản lý rừng bền vững không chỉ giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học, mà còn mang đến tiềm năng sản xuất hàng hóa và dịch vụ để phát triển bền vững, thúc đẩy hoạt động kinh tế, tạo việc làm và cải thiện cuộc sống. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, sản lượng gỗ khai thác đạt 4.159,9 nghìn m3, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4.988 triệu USD, tăng 50,5%; trị giá xuất khẩu giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 486 triệu USD, tăng 5,3%.

Hưởng ứng ngày Ngày Quốc tế về Rừng năm nay, ngày 20/3/2021, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đã tiếp nhận và thả 92 cá thể của 17 loài động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng về với tự nhiên tại vườn quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình[4]. Đây cũng là lần đầu tiên vườn quốc gia Cúc Phương cho phép du khách và những người dân gần đó cùng tham gia tái thả động vật hoang dã trở về với thiên nhiên, mục đích nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng về công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã. Việt Nam cũng thể hiện quyết tâm của mình trong việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong “Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam” vào tháng 7 năm 2020. Theo đó, nước ta phấn đấu tới năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) của quốc gia, tương đương 83,9 triệu tấn CO2; và nếu có sự hợp tác hiệu quả của quốc tế, Việt Nam có thể giảm giảm 27%, tương đương 250,8 triệu tấn CO2.

Về sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) dự kiến đóng góp việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính từ 9,3 – 21,2 triệu tấn CO2, thông qua các giải pháp: bảo vệ, bảo tồn và sử dụng bền vững rừng và đất lâm nghiệp để tăng lượng hấp thụ các-bon và chứng chỉ rừng; trồng rừng, phát triển rừng, ưu tiên rừng sản xuất, rừng gỗ lớn và rừng ven biển; phục hồi rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên, xúc tiến tái sinh và làm giàu rừng trên các vùng đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; nâng cao chất lượng và trữ lượng các-bon rừng; phát triển các mô hình nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng các-bon, bảo tồn đất.

Năm 2021 đánh dấu sự khởi đầu của Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc, kêu gọi hành động để ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của rừng và các hệ sinh thái khác. Trong những năm qua, con người vì lợi ích kinh tế ngắn hạn trước mắt, đã tác động tiêu cực tới hệ sinh thái về rừng, có những thiệt hại không thể cứu vãn, có những thiệt hại cần phải mất rất nhiều năm mới có thể khôi phục lại trạng thái ban đầu. Bây giờ vẫn chưa phải là quá muộn để con người kịp thời sửa chữa, khôi phục những mất mát, thiệt hại về rừng. Giữ những gì còn lại là mục tiêu cấp thiết để bảo vệ môi trường sống của chúng ta. Hàng năm, các sự kiện khác nhau được phát động trên toàn thế giới và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai. Nhân Ngày Quốc tế về Rừng, chúng ta hãy gieo mầm cho một tương lai bền vững bằng cách cam kết khôi phục và bảo tồn rừng của chúng ta vì lợi ích của con người và hành tinh./.

[1] Nguồn:  https://www.un.org/en/observances/forests-and-trees-day

[2] Niên giám thống kê 2019, Tổng cục Thống kê

[3] Tỷ lệ che phủ rừng các năm từ 2010-2020 như sau: 39,5%; 39,7%; 40,7%; 41%; 40,4%; 40,8; 41,2%; 41,5%; 41,7%; 41,9%; 42%

[4]Nguồn: http://cucphuongtourism.com.vn/index.php/vi/tin-tc/385-bn-mun-tn-thy-tai-th-ng-vt-hoang-da-v-rng.html

Từ khóa » Diện Tích Rừng Việt Năm 2019