Khối Schengen, EU, Eurozone & Những điều Có Thể Bạn Chưa Biết
Có thể bạn quan tâm
Khái niệm khối Schengen, các nước EU và Eurozone
Khối EU, Eurozone và khu vực Schengen là 3 khái niệm khá quen thuộc với mọi người. Tuy vậy nhiều người vẫn hay thường có sự nhầm lẫn giữa 3 khái niệm này.
Khối EU, Eurozone và Khối Schengen mặc dù có mối quan hệ mật thiết với nhau nhưng thật ra đây chính là ba khái niệm hoàn toàn khác nhau.
- EU thường được mọi người nhắc đến để nói về khu vực địa lý và lầm tưởng EU là Châu Âu. Tuy nhiên đây là một sự nhầm lẫn vì: không phải tất cả các quốc gia Châu Âu (bao gồm 50 nước) đều thuộc khối EU.
- Eurozone là khái niệm về đồng tiền chung mà các quốc gia thuộc khối EU này sử dụng. Cũng có một hiểu lầm khá phổ biến cũng như nhầm lẫn như ở trên là các quốc gia thuộc EU tức là các quốc gia Châu Âu và các quốc gia này đều dùng chung đồng Euro.
- Schengen là khu vực địa lý bao gồm 26 quốc gia Châu Âu thực hiện bãi bỏ chế độ kiểm tra hộ chiếu và thị thực xuất nhập cảnh giữa các nước thành viên. Khu vực này đóng vai trò không gian chung phục vụ nhu cầu du lịch, trên cơ sở chính sách thị thực đồng nhất
Có những hiểu lầm là khu vực Schengen bao gồm tất cả các nước EU; đều dùng chung đồng Euro. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai vì:
- Không phải tất cả các quốc gia thuộc EU đều là thành viên của Schengen; và
- Không phải tất cả các quốc gia thuộc Schengen đều dùng chung đồng Euro; và đồng thời
- Có những quốc gia thuộc EU nhưng không dùng đồng Euro và cũng không thuộc khu vực Schengen.
Các hiểu lầm phổ biến trên nhìn chung đã thường gây ra một số khó khăn và nhầm lẫn cho nhiều người khi đi đến Châu Âu hoặc tìm hiểu về Châu Âu.
Để giúp mọi người nắm rõ hơn và tránh những nhầm lẫn về 3 khái niệm này, Kornova sẽ tổng hợp chi tiết thông tin cho các anh chị về EU, Eurozon và Khu Vực Schengen.
Kiến thức quý báu: Quốc tịch và thẻ xanh Mỹ được miễn visa đến những nước nào?
Liên Minh Châu Âu (Các nước EU)
Liên Minh Châu Âu (EU) là liên minh kinh tế chính trị gồm 28 nước thành viên ở khu vực địa lý Châu Âu. EU ra đời nhằm xây dựng 1 liên minh các nước hòa bình, ổn định ở lục địa bị chiến tranh tàn phá và chia rẽ qua hai cuộc chiến tranh thế giới.
Nguồn gốc của ý tưởng thành lập EU xuất phát từ sau Thế Chiến thứ 2, các chính khách Châu Âu là Pháp, Đức, Ý nhận thấy nếu giữa các quốc gia Châu Âu có sự ràng buộc – liên kết với nhau chặt chẽ về lợi ích/ kinh tế thì sẽ giúp các quốc gia không xảy ra xung đột dẫn đến chiến tranh nữa. Vì thế ý tưởng trên đã được hiện thực hoá bằng Hiệp ước Than đá & Thép với Cộng Đồng Than Thép Châu Âu (ECSC) vào năm 1951. Đây chính là tiền thân của Liên Minh Châu Âu (Các nước EU) ngày nay.
Ngoài ra, sau Thế chiến thứ 2, các nước Châu Âu bị mất đi các thuộc địa dẫn nên mất đi vị thế cường quốc của họ trên thế giới. Cho nên nhu cầu cần thiết có sự hỗ trợ kinh tế – an ninh chung cho khu vực; giúp Châu Âu thành 1 khu vực cường quốc thứ 3 sau Liên Xô & Mỹ cũng đã thúc đẩy các nước Châu Âu thực hiện việc mở rộng hiệp ước ECSC trên và thành lập ra Liên Minh Châu Âu.
Vào ngày 7/2/1992, Hiệp ước Maastricht, tên chính thức: Hiệp ước về Liên Minh Châu Âu, (Treaty on European Union – TEU) được chính thức ký kết ở Maastricht – Hà Lan và có hiệu lực từ ngày 01.11.1993. Liên Minh Châu Âu (EU) chính thức được ra đời. Hiệp ước Maastricht ghi rõ, để trở thành thành viên của EU, điều kiện tiên quyết là quốc gia đó phải có vị trí địa lý thuộc Châu Âu. Điều này có nghĩa là Nhật Bản, Úc … hay Việt Nam không bao giờ có thể trở thành thành viên EU do vị trí địa lý khu vực. Hiệp ước Maastricht ra đời dẫn tới việc lập ra đồng Euro (€).
Từ năm 2007, Khối EU được mở rộng hiện nay đã có 28 quốc gia thuộc khu vực địa lý Châu Âu là thành viên của EU bao gồm: Áo, Bỉ, Bulgaria, Croatia, Cộng Hoà Síp, Cộng Hoà Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ai-len, Ý, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển và Anh (tuy nhiên Anh sẽ rời khỏi EU – Brexit – vào năm 2021).
Dù vậy, không phải tất cả 50 quốc gia Châu Âu đều thuộc Liên Minh Châu Âu (EU).
- Các quốc gia thuộc Liên bang Soviet cũ đa số đều chưa là thành viên EU trừ 3 nước: Lithuania, Estonia và Latvia.
- Đa số các quốc gia thuộc Liên Bang Nam Tư cũ đều chưa vào EU trừ Slovenia và mới đây là Croatia.
- Nauy và Thuỵ Sỹ lựa chọn không tham gia EU.
- Thổ Nhĩ Kỳ và Albania đã nộp đơn xin vào EU và đang được xem xét.
Khu vực đồng tiền chung Euro – Eurozone
Khu vực đồng Euro (Eurozone) là từ dùng để chỉ khu vực các quốc gia là thành viên của Liên Minh Châu Âu sử dụng chung đồng tiền Euro (€) làm đơn vị tiền tệ chính thức cho cả khu vực.
Eurozone là ý tưởng vô cùng táo bạo của các chính khách Châu Âu với mục đích thống nhất tiền tệ giữa các quốc gia EU. Một đồng tiền chung sẽ giúp cho thương mại trong nội bộ khối EU trở nên dễ dàng, giảm thiểu lợi thế cạnh tranh của các quốc gia, duy trì được tỷ giá hối đoái thấp và tạo nên lợi ích cho việc xuất khẩu của các quốc gia EU.
Tuy vậy không phải toàn bộ các quốc gia EU đều tán thành ý tưởng này do điểm bất lợi của việc gia nhập Eurozone là Ngân Hàng Trung Ương (nơi phát hành tiền) của quốc gia thành viên sẽ đó sẽ mất chức năng và trở thành một cơ quan thực thi các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đặt tại Đức.
Trước sự không thống nhất này, nhiều quốc gia EU đã lựa chọn việc đứng ngoài (opt out) nghĩa là vẫn duy trì quyền thành viên EU nhưng không trở thành thành viên của Eurozone. Hiện nay khu vực Eurozone bao gồm: các quốc gia EU và các nước không thuộc EU:
- Các nước (quốc gia) EU tham gia Eurozone: Có 19 nước gồm: Áo, Bỉ, Cộng Hoà Síp, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ai-len, Ý, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Slovakia và Slovania.
- Các quốc gia không thuộc EU tham gia Eurozone:
- Một vài quốc gia khác cũng đã tham gia đầu tư định cư vào liên minh tiền tệ với tư cách là thành viên chính thức trong khu vực đồng Euro sử dụng Euro là tiền tệ chính thức. Các quốc gia này là: Monaco, San Marino và Tòa thánh Vatican.
- Bên cạnh các thành viên chính thức, một số quốc gia & vùng lãnh thổ khác cũng đã quyết định chọn Euro làm đồng tiền chuẩn dù không có quyết định của EU và các nước này được coi như những thành viên không chính thức. Ví dụ như: Andorra (phát hành và sử dụng tiền kim loại Euro, cho đến nay vẫn không có sự đồng ý của EU); Kosovo và Montenegro. Các thành viên không chính thức này đã từ bỏ hoàn toàn hoặc 1 phần tiền tệ riêng của nước họ trước đây và dùng Euro thay vào đó. Các thành viên này tuy sử dụng đồng Euro nhưng không có ảnh hưởng đến chính sách lãi suất của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (ECB).
- Một số nước EU chọn lựa việc đứng ngoài Eurozone (opt out Eurozone) gồm 10 nước: Anh (đồng Pound), Thuỵ Điển (Krona), Đan Mạch (Krone), Bulgaria (Lev), Romania (Leu), Hungary (Forint), Cộng hoà Czech (Koruna), Latvia (Lats), Lithuania (Litas), và Balan (Zloty). Lý do là vì e ngại việc các nước EU không có xuất phát điểm đồng đều về kinh tế nên có thể dẫn đến tình trạng các nước khá hơn sẽ phải lo cho các nước có kinh tế yếu hơn.
Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra vào năm 2007 -2008, đã có đề xuất cho Hy Lạp ra khỏi Eurozone vì tỉ lệ nợ công bị tăng rất cao, tuy nhiên, Hiệp ước Maastricht đã ghi rõ “Các quốc gia khi đã gia nhập Eurozone thì không thể chọn việc ra khỏi nó”. Do vậy cách duy nhất để Hy Lạp ra khỏi Eurozone đó là phải ra khỏi EU hoặc thuyết phục tất cả các quốc gia còn lại bỏ phiếu sửa Hiệp ước Maastricht cho phép Hy Lạp ra khỏi Eurozone.
Đây là 1 việc vô cùng phức tạp và có những hệ luỵ đan xen do ảnh hưởng kinh tế chồng chéo lên nhau, vì vậy việc đề xuất trên vẫn không có kết quả cuối cùng.
Và trong vài năm trở lại đây, Hy Lạp đã từng bước phục hồi kinh tế, tỉ lệ nợ công sụt giảm, kinh tế du lịch phát triển mạnh mẽ đã giúp cho Hy Lạp đi qua được tâm bão khủng hoảng kinh tế quốc gia và hồi phục dần. Vì vậy mà đề xuất để Hy Lạp ra khỏi Eurozone đã không còn nhiều người nhắc đến và EU hiện đang tiếp tục thực hiện các bước hỗ trợ – tài trợ cho Hy Lạp.
Khu vực tự do đi lại ở Liên Minh Châu Âu – khối Schengen
Có rất nhiều người đầu tư định cư tại nơi này rất hay nhầm lẫn về khu vực Schengen này ví dụ:
- Các quốc gia thuộc EU đều thuộc Schengen ngoại trừ Anh.
- Các quốc gia dùng đồng tiền Euro đều thuộc khối Schengen hoặc
- Các quốc gia thuộc lục địa Châu Âu đều thuộc Schengen.
Đây là những hiểu lầm phổ biến trong đa số chúng ta vì Khối Schengen, Khối EU và Eurozone là 3 khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Schengen là hiệp định về việc tạo ra Khu Vực Tự Do Đi Lại giữa 1 số nước Châu Âu thành viên của hiệp ước. Hiệp định Schengen bao gồm 2 thỏa thuận khác nhau đã được phê chuẩn vào năm 1985 và 1990 giúp bãi bỏ việc kiểm soát xuất nhập cảnh các nước thành viên ở biên giới và giúp thực hiện quá cảnh qua Châu Âu dễ dàng hơn rất nhiều.
- Hiệp định Schengen năm 1985 được ký vào ngày 14 tháng 6 năm 1985, ở thị trấn Schengen – Luxembourg. Các chính phủ ký hiệp định đồng ý xóa bỏ việc kiểm tra ở biên giới. Thay vì dừng lại để làm thủ tục kiểm tra, phương tiện di chuyển qua biên giới sẽ có 1 đĩa thị thực xanh ở kính chắn gió và có thể lái xe qua 1 cách đơn giản. Tuy nhiên vẫn còn lực lượng bảo vệ túc trực ở biên giới để kiểm tra bằng trực quan các phương tiện di chuyển qua biên giới vào nước khác. Hiệp định này thường được gọi là Schengen I.
- Hiệp định Schengen năm 1990, còn được gọi là Schengen II, là 1 bước tiến triển mạnh khi đã đưa ra các điều khoản để loại bỏ hoàn toàn việc kiểm tra ở biên giới.
Khi khối EU được thành lập, hiệp định Schengen trở thành một phần thuộc Hiệp ước Maastricht nghĩa là gia nhập vào EU, các quốc gia sẽ phải đồng ý vào Schengen và không được quyền lựa chọn việc không tham gia (opt-out) trừ 2 trường hợp đặc biệt: Anh và Ireland.
Hiện nay có 26 quốc gia Châu Âu tham gia hiệp định Schengen (hay còn gọi là các nước khối Schengen) bao gồm: Ba Lan, Cộng Hoà Séc, Hungary, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia, Litva, Malta, Iceland, Na Uy, Thuỵ Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Áo, Thuỵ Sĩ, Ý, Hy Lạp, Liechtenstein. Trong số 26 nước Schengen này, có 22 nước thuộc EU. Trong khu vực này việc kiểm soát hộ chiếu – kiểm soát xuất nhập cảnh ở biên giới chung của các nước trong khu vực được chính thức bãi bỏ. Khu vực Schengen chủ yếu hoạt động như 1 khu vực tài phán duy nhất cho mục đích du lịch quốc tế với 1 chính sách thị thực chung gọi là visa Schengen.
Việc các quốc gia trong cùng 1 khối áp dụng việc đơn giản hoá thủ tục nhập cảnh cho công dân của nhau cũng đã có từ lâu thể hiện qua những hiệp ước song phương, đa phương (ví dụ khối ASEAN), tuy nhiên đơn giản thủ tục và xoá bỏ cả đường biên giới trên thực tế; áp dụng việc cho phép 1 người có visa của một quốc gia thành viên trong khối cấp được tự do đi lại trong khu vực thì Schengen là điều hiếm có.
Tuy nhiên hiện nay khu vực Schengen cũng đang đối phó với vấn đề làn sóng dân nhập cư đổ từ các quốc gia Châu Âu có nền kinh tế yếu hơn như: Bulgaria, Romania sang các quốc gia giàu như Pháp, Đức. Vì thế để khu vực Schengen có thể duy trì được lòng tin của cơ quan nhập cảnh quốc gia của từng nước thành viên khu vực thì cần có những nỗ lực để kiểm soát sát sao hơn.
Sự khác nhau giữa Khối Schengen, Liên Minh Châu Âu (Các nước EU) và Eurozone
Kết thúc bài viết để giúp cho các anh/chị không bị nhầm lẫn giữa 3 khái niệm trên thì Kornova xin lưu ý 1 số điểm khác nhau cơ bản sau:
- Khác biệt giữa Eurozone và khối Schengen: trong khi Eurozone nhấn mạnh đến sự Thống nhất tiền tệ với 1 đồng tiền chung cho cả khu vực, là một ý tưởng táo bạo và chưa có tiền lệ thì Schengen nhấn mạnh đến Quyền tự do đi lại của công dân các nước EU được ghi nhận trong Hiệp ước Maastricht và lại mang tính lịch sử. Chính vì thế Eurozone cho phép lựa chọn việc không tham gia (opt-out) còn Schengen thì không.
- Một điểm khác biệt nữa là khi Eurozone nhấn mạnh đến “sự lưu chuyển tiền tệ” trong khối thì Schengen nhấn mạnh đến khái niệm “Người Châu Âu”. Người Châu Âu có thể không phải là người mang hộ chiếu EU, nhưng nếu họ có mặt ở Châu Âu thì là người Châu Âu. Chính vì thế, Schengen cho phép sự tham gia của các quốc gia không thuộc EU (Thuỵ Sỹ, Nauy, Liechtenstein và Ireland). Ngoài ra cũng có 5 nước thuộc EU nhưng không thuộc khối Schengen là Anh, Ireland (opt-outs), Romania, Bulgaria và Cộng Hoà Síp (chưa đủ điều kiện).
Xem thêm: Quy tắc vàng giúp chọn được công ty tư vấn định cư uy tín
(Kornova – Tư vấn định cư Châu Âu)
Để được tư vấn các chương trình định cư Châu Âu, các anh chị liên hệ:
Tel: (028) 38.290.430 | Email: vietnam@kornova.com
Từ khóa » Slovenia Có Thuộc Eu Không
-
Thông Tin Về Liên Minh Châu Âu - Endevio
-
Các Nước Thành Viên Liên Minh Châu Âu – Wikipedia Tiếng Việt
-
Slovenia – Wikipedia Tiếng Việt
-
Khối Schengen Gồm Những Nước Nào?
-
Các Quốc Gia Trong EU Và Khu Vực Kinh Tế Châu Âu (EEA)
-
Thông Tin Về Cộng Hòa Slovenia
-
Sức Mạnh Của Visa Schengen - Di Trú & Quốc Tịch
-
Đức Muốn EU Nhận Vào Sáu Nước Balkans Gồm Cả Serbia, Albania ...
-
Các Thủ Tục Lãnh Sự
-
Liên Minh Châu Âu EU Là Gì? Lợi ích Công Dân Các Nước Thuộc EU
-
Phân Biệt EU, EUROZONE Và SCHENGEN Trước Khi định Cư Síp
-
EU Chưa Thống Nhất Về Thời Hạn Kết Nạp Thành Viên Mới Vùng Balkan
-
Slovenia | Vietnam+ (VietnamPlus)