Khơi Thông Mọi Nguồn Lực để đất Nước Phát Triển Bền Vững
Có thể bạn quan tâm
KTXH đạt được nhiều kết quả nổi bật, đáng mừng
Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm do Bộ Tài chính tổ chức (chiều 7/7), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đã có nhiều chuyển biến tích cực trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát, tạo điều kiện phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương vừa được tổ chức, Chính phủ đã thống nhất đánh giá các kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được là rất tích cực. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục, vượt 76,2 nghìn (13,6%) so với cùng kỳ; xuất khẩu tăng 17,3%; GDP quý II tăng 7,72% - mức tăng cao nhất kể từ 10 năm trở lại đây, GDP 6 tháng tăng 6,42%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (2,04%); lãi suất, tỷ giá cơ bản ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; thu ngân sách nhà nước đạt 66,7% dự toán, tăng 19,9% so cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 371 tỷ USD; an ninh, quốc phòng được giữ vững; các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm lo, bảo vệ sức khỏe người dân được quan tâm thực hiện tốt.
Nhờ các kết quả đạt được trong quá trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã trở thành 1 trong 2 nền kinh tế trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được Tổ chức S&P nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ "Triển vọng Ổn định"; chỉ số chất lượng sống của người Việt Nam năm 2022 tăng 39 bậc so với năm 2021.
Theo Phó Thủ tướng, đây là những thành tích cơ bản, rất nổi bật và đáng mừng chúng ta đã đạt được. Trong thành tích chung đó có đóng góp rất lớn của ngành tài chính.
Sự chủ động của ngành tài chính đã góp phần tạo niềm tin cho nhân dân, doanh nghiệp
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, chưa bao giờ chỉ trong trong 6 tháng đầu năm ngành tài chính triển khai nhiều chính sách tài khóa đến vậy. Bộ Tài chính đã vào cuộc rất chủ động, tích cực, dành nhiều thời gian để nghiên cứu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, cũng như thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế đất nước.
Nhiều chính sách do Bộ Tài chính tham mưu, ban hành đã phát huy hiệu lực hiệu quả, được dư luận đánh giá tốt như: Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội; Nghị định số 34 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022; trình Chính phủ trình UBTVQH ban hành Nghị quyết số 18 giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; ban hành Thông tư giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022...
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác quản lý thu – chi ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cũng đã kịp thời có giải pháp chấn chỉnh, tăng cường quản lý nhà nước để ổn định, phát triển đồng bộ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; ban hành các chính sách giảm thuế, phí để góp phần kìm hãm đà tăng và bình ổn giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, kiểm soát lạm phát....
Ngoài những nhiệm vụ thường xuyên, Bộ Tài chính đã chủ động tham gia cùng các bộ ngành xử lý các tồn tại, vướng mắc, những điểm nghẽn của nền kinh tế.
Phó Thủ tướng khẳng định, sự chủ động đó của ngành tài chính đã góp phần tạo niềm tin của nhân dân, của doanh nghiệp vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự điều hành của Chính phủ.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực, sáng tạo, phấn đấu, sự cố gắng của các bộ, ngành và địa phương, cũng như toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Ngành tài chính trong nửa năm qua.
Theo dõi chặt chẽ tình hình, sẵn sàng các giải pháp "chống sốc" cho nền kinh tế
Phó Thủ tướng lưu ý, mặc dù các kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2022 là rất tích cực, đất nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên trong lẫn bên ngoài, đòi hòi chúng ta phải tập trung theo dõi, đánh giá, để có những giải pháp ứng phó phù hợp.
Mục tiêu nhất quán là phải đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, không để xảy ra những cú sốc cho nền kinh tế, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập và đời sống người dân.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta không được chủ quan với những kết quả đạt được, mà tất cả các cấp, các ngành, trong đó có ngành tài chính, các bộ ngành, địa phương phải theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời ứng phó với những diễn biến rất nhanh chóng, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã được Quốc hội đề ra như: Tăng trưởng kinh tế năm 2022 trên 6,5%, kiểm soát lạm phát trong phạm vi 4%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo tiền đề thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn sắp tới.
Bày tỏ thống nhất với đánh giá của các đại biểu về những tồn tại, hạn chế nhận diện tình hình và cơ bản nhất trí với kế hoạch triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm và nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện từ nay đến cuối năm như sau:
Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khóa, thuế, phí để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Một là, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khóa, các giải pháp về thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, kịp thời tham mưu, tăng cường phân tích, dự báo; rà soát kỹ, cập nhật các kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng được giao; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền các nhiệm vụ, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tập trung triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đã đề ra.
Cho biết, Chính phủ vừa trình UBTVQH vừa thông qua Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu xuống mức sàn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nhanh chóng hoàn thành các thủ tục để triển khai kịp thời trong kỳ điều hành sắp tới (11/7). Đối với những sắc thuế khác đối với xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tối huệ quốc), Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá tác động để đề xuất giải pháp phù hợp.
Khơi thông mọi nguồn lực để đất nước phát triển bền vững
Thứ hai, đối với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Bộ Tài chính cần sớm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Đề án huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.
Tập trung rà soát những điểm chồng chéo, rào cản cho sản xuất – kinh doanh, huy động và khơi thông mọi nguồn lực để đất nước phát triển bền vững. Tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan.
Đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động đầu tư; hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh mới, ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử.
Mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng số hóa trong cung cấp dịch vụ công, xử lý hồ sơ nghiệp vụ, thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Định kỳ đối thoại với doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Hiện đại hóa phương thức quản lý thuế, tiết giảm hơn nữa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính thuế
Thứ ba, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương để làm tốt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; rà soát, nắm chắc nguồn thu; tiếp tục mở rộng cơ sở thuế (cả đối tượng và địa bàn); chủ động đề ra các giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu.
Giảm bớt phạm vi và tỷ lệ quản lý thuế theo phương pháp khoán; rà soát và xác định lại các mức thuế khoán để phù hợp với tình hình thực tế; chống thất thu thuế, chống chuyển giá.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa phương thức quản lý thuế, tiết giảm hơn nữa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính thuế.
Chủ động đề xuất ban hành hoặc thí điểm thực hiện các thể chế, chính sách để đáp ứng yêu cầu phát sinh của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư như kinh tế số, các mô hình kinh doanh mới, mô hình thanh toán mới, giao dịch không dùng tiền mặt, giao dịch xuyên biên giới...
Phó Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND, các đồng chí lãnh đạo các cấp ở địa phương vào cuộc, chỉ đạo sát sao thực hiện các giải pháp về tài chính ngân sách đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan, tăng cường quản lý thu; chống thất thu, chống chuyển giá; quản lý chặt chẽ hoàn thuế, xử lý, thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn; có giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, đối tượng thu.
Triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên
Thứ tư, về chi ngân sách, trong phạm vi dự toán được giao. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường phối hợp, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; linh hoạt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính…
Rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm tối đa các khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách theo đúng quy định; triển khai thực hiện tốt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước và toàn xã hội; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo.
Triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, cấp bách, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, nhất là phòng, chống dịch COVID-19, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội.
Quyết tâm điều hành giá theo đúng mục tiêu đề ra
Thứ năm, tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường nhất là các mặt hàng quan trọng thiết yếu, nguyên nhiên phụ liệu đầu vào đã tăng giá mạnh trong các tháng đầu năm, để kịp thời đề xuất các giải pháp cân đối cung – cầu, bình ổn giá cả thị trường, nhất là giá các mặt hàng xăng dầu.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá để phát hiện, xử lý những trường hợp sai phạm. Bộ Tài chính, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo giá cần quán triệt tinh thần là chúng ta quyết tâm thực hiện điều hành giá theo đúng mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.
Tăng cường quản lý, giám sát chứng khoán, có giải pháp dự báo và kiểm soát tốt dòng tiền nóng, đảm bảo phát triển ổn định thị trường.
Chú trọng công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, minh bạch, nhất là trong việc thực hiện các chính sách lớn của Chính phủ để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 153/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ tiếp tục bám sát quá trình xử lý để kịp thời tiếp thu, hoàn chỉnh để sớm ban hành, để thị trường trái phiếu hoạt động minh bạch, hiệu quả.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ
Thứ sáu, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết số 18 và 19 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII); tạo cơ sở để thực hiện các mục tiêu về cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội theo các Nghị quyết số 27, 28 của hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) và kết luận của Bộ Chính trị; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, bảo đảm dự toán thu và giảm áp lực chi ngân sách nhà nước.
Thứ bẩy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên,..; thực hiện các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán.
Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại của Ban chỉ đạo 389 quốc gia để chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Chuyển đổi cơ chế kiểm tra, giám sát từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với trách nhiệm giải trình và minh bạch hóa các chế tài xử lý có đủ mức độ răn đe. Kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm.
Đối với các kiến nghị, đề nghị của các địa phương, nhất là những nội dung liên quan đến thể chế, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính và các bộ ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình nghiên cứu tiếp thu, sớm xử lý theo quy định./.
Trần Mạnh
Từ khóa » đất Nước Phát Triển Bền Vững
-
Phát Triển Bền Vững Là Xu Thế Tất Yếu Trong Tiến Trình Phát Triển Của ...
-
Phát Triển Bền Vững Là Gì? Các Nguyên Tắc Và Tiêu Chí đánh Giá
-
Quan điểm, Chiến Lược Phát Triển Bền Vững Của Việt Nam
-
Phát Triển Bền Vững Là Gì? Tiêu Chí, Nguyên Tắc Và Nội Dung?
-
Các Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững | Liên Hợp Quốc Tại Việt Nam
-
Phát Triển Bền Vững – Wikipedia Tiếng Việt
-
Định Hướng Về Sự Phát Triển đất Nước Nhanh Và Bền Vững
-
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG - Health Việt Nam
-
Phát Triển Hệ Thống đô Thị Quốc Gia Bền Vững Trong Thời Kỳ Vông ...
-
Kinh Tế - Quan điểm, Chủ Trương, Chính Sách Lớn Về...
-
Tăng Trưởng Xanh Là Yêu Cầu Cấp Thiết để Phát Triển Bền Vững đất Nước
-
Đảng Vững Mạnh, đất Nước Phát Triển Bền Vững - Phóng Sự - Ký Sự
-
Phát Triển Bền Vững Là Gì? Vì Sao Phải Phát Triển Bền Vững?