Không Biết Bây Chừ Mẹ ở Nơi Mô?

Một đứa con lai bị bỏ rơi giờ đã là ca sĩ nổi tiếng. Tiền tài, danh vọng vẫn không thể khỏa lấp được câu hỏi đeo đẳng suốt cuộc đời. Hành trình đi tìm câu trả lời “mẹ mình là ai và đang ở đâu” của ca sĩ hải ngoại Randy chẳng khác nào tiểu thuyết. Như chính câu hát của anh: Không biết bây chừ mẹ ở nơi mô?

Đứa con lai trị giá 3 cây vàng

Randy trò chuyện về tuổi thơ dữ dội
Chẳng biết mình là ai từ khi đang đỏ hỏn. Tuổi thơ của đứa con lai ấy là đói, là những trận đòn, thậm chí bị đem bán như một món hàng. Nhiều người đã hỏi, làm sao Randy có thể vượt qua? 

Bị bỏ rơi khi mới lọt lòng 

Tôi gặp Randy trong thời gian anh tham gia diễn tại tour xuyên Việt của ca sĩ hải ngoại Quang Lê. Trong cuộc trò chuyện suốt buổi trưa ở nhà một người bạn của anh có khá nhiều tiếng cười. Anh bảo dù muốn hay không cũng phải cười. Cười để bù đắp một quãng đời chứa quá nhiều nước mắt. Một thước phim bất cứ đạo diễn nào cũng sẽ thành công nếu muốn lấy nước mắt khán giả. 

Mọi chuyện bắt đầu vào mùa đông năm 1971. Các bà sơ ở Cô nhi viện Thánh Tâm ở Đà Nẵng phát hiện một đứa bé còn đỏ hỏn bị bỏ rơi ngay trước cổng. Một thằng bé chỉ mới lọt lòng được vài ngày. “Lúc phát hiện các sơ bảo rằng người tôi đã tím tái đi rồi, may sao còn sống được...”. Randy lật lại thước phim về cuộc đời bằng câu nói bỏ lửng chẳng biết vui hay buồn. 

Mà lúc ấy đứa con lai bị bỏ rơi chưa có tên là Randy như bây giờ. Nó không tên, không cha mẹ, không gốc gác. Mảnh giấy gửi kèm nó trước cổng Cô nhi viện chỉ vỏn vẹn thông tin quê ở Quảng Bình. Nó là kết quả của một cô gái Việt và một lính Mỹ da màu. Các bà sơ đặt cho nó một cái tên rất Việt: Trần Quốc Tuấn. Randy gọi cái tên ấy là thằng Tuấn. Gọi bằng thằng để chia sẻ với chính tuổi thơ của mình để cố xem đấy là nỗi đau của một con người khác. Cái tên mà ở tuổi 40 anh mới nhớ nổi. Không biết quên vì những trận đòn nhừ tử hay anh cố quên đi quá khứ tủi nhục của mình? 

Sống trong sự đùm bọc của các sơ ở Cô nhi viện đến khoảng 5 tuổi thì thằng Tuấn được một phụ nữ ở Cẩm Hà (nay là Thanh Hà, Quảng Nam) xin về làm con nuôi. Cứ tưởng cuộc đời đứa trẻ bị bỏ rơi cuối cùng cũng được trời thương mà cho một tổ ấm. Nhưng không, đó khởi nguồn cho một chuỗi ngày mà giờ đây, khi đã là người đàn ông ngoài 40 thì thằng Tuấn ngày nào vẫn không thể cầm được nước mắt.  

"Tất cả đều là quá khứ, nhắc lại không còn thấy đau nhiều như trước nữa bởi tôi đã học được cách tha thứ. Phận mồ côi vốn dĩ đã đầy tủi cực, lại thêm bị đối xử không như một con người... thử hỏi không đau đớn sao được. Tôi rất cố gắng để quên, những lúc tỉnh táo không sao cứ nhắm mắt là ác mộng lại ùa về", Randy bùi ngùi. Cơn ác mộng mà Randy nói ấy kéo dài gần trọn tuổi thơ của anh. Tám năm ở với người má nuôi ở Cẩm Hà, đứa con lai tên Tuấn đã phải chịu không biết bao nhiêu trận đòn thừa sống thiếu chết, có những trận đòn vẫn còn hằn in trên thân thể mà dấu vết không thể xóa mờ. 

 Randy ngước mặt cho tôi xem vết sẹo vẫn con in bên má phải. Đó là hậu quả của một lần bà má nuôi mà anh xem như ân nhân phang cả chiếc dép nhựa vào mặt chảy máu. Lại một lần khác khi đang đun bếp nấu cơm, mệt quá ngủ gục thằng Tuấn bị má nuôi dí chiếc đũa bếp đã được cho vào lò lửa đỏ rực vào mang tai. Còn chuyện bị đổ dầu lên đầu châm lửa đòi giết thì anh không nhớ hết. 

"Con lạy mẹ. Mẹ ơi! Mẹ đừng giết con mà tội". Không biết bao nhiêu lần thằng Tuấn đã phải quỳ xuống khóc lóc như thế nhưng những lời cầu xin thống thiết ấy không thể làm giảm mật độ của những trận đòn liên tiếp giáng xuống. Tôi đếm ít nhất trên khuôn mặt Randy bây giờ vẫn còn ít nhất 5 vết sẹo từ những trận đòn ấy. Nặng nhất là một vết dài dọc sống mũi mà anh bảo bị má nuôi đánh gẫy sau một lần bỏ nhà ra đi bị bắt đem về.

Bị hành hạ theo kiểu “không xem như một con người” Tuấn buộc phải bỏ nhà đi lang thang. Những ngày tháng lang thang, lúc đói lòng nó phải ra ruộng đào trộm khoai lang hoặc vào rừng vặt ổi ăn trừ cơm, tối lại chui vào trong các miếu hoang để ngủ. Bất cứ nơi nào thằng Tuấn đi qua từ lũ trẻ tới người lớn đều nhìn nó với ánh mắt khinh khỉnh: Đồ con lai. Trong lòng nó dường như cuộc đời quá chật hẹp chẳng có chốn nào để dung thân. Số phận quả trớ trêu. “Thằng con lai” ấy bỗng nhiên có giá. Mà giá cao hẳn hoi. Một người Hoa ở Hội An đã mua lại thằng Tuấn từ tay má nuôi với giá lên đến 3 cây vàng.

“Họ mua tôi để làm con nhưng lại đối xử như một tên nô lệ. Mua để phục vụ cho một âm mưu chứ hoàn toàn không có tình thương”. Tuổi thơ đầy tủi nhục của thằng Tuấn lại tiếp tục.

Món hàng cay đắng

Thì ra đến Mỹ, tiếng là "trở về đất cha" nhưng cũng như những đứa con lai đầy rẫy nước Mỹ thời điểm ấy, Tuấn chỉ được cấp thẻ tị nạn xanh. Cái thẻ để phân biệt và nhận tiền trợ cấp hàng tháng. Tuổi thơ quá cơ cực cộng với cuộc sống hoàn toàn mới khiến Tuấn ốm lên ốm xuống. Những lúc như thế những người trong gia đình người Hoa không hề có một lời hỏi thăm. Nước mắt rơi trong căn phòng chật chội. Tương lai chỉ một màu xám ngắt.

Đó là khoảng thời gian từ năm 12 tuổi đến 17 tuổi. Khi có chính sách "Những đứa trẻ lai được trở về đất cha", gia đình người Hoa ở Hội An mua thằng Tuấn với giá 3 cây vàng để đầu tư với hi vọng nếu thằng con lai ấy được trở về Mỹ thì họ sẽ có một món hời lớn- để được theo nó sang đất Mỹ đầy ảo vọng. Chính vì mưu đồ đó cho nên gia đình này mua nó về nhưng ăn uống chẳng ngồi chung. Đến bữa chẳng được ngồi cùng bàn. Bà vợ cho cái gì ăn cái nấy chẳng khác nào phận tôi tớ trong nhà. Có lẽ cũng vì âm mưu đi Mỹ mà gia đình ấy cho nó đến trường. Cho nó được học chữ. 

Randy kể tiếp rằng, mặc dù trong suốt 3 năm đi học Tuấn luôn dẫn đầu lớp về thành tích học tập nhưng bạn bè trong lớp vẫn không thôi trêu chọc anh là một đứa con lai. Hết lớp 3, gia đình người Hoa bắt Tuấn phải ở nhà vì việc học hành của anh chỉ đổ lên đầu họ thêm gánh nặng. Đến năm nó 17 tuổi vẫn không có tin tức gì về việc xuất ngoại nên gia đình người Hoa đã bỏ mặc. Cuộc đời Tuấn lại trở về như một đứa con rơi.

"Nhiều lúc bưng bát cơm họ cho mà nghẹn lòng không nuốt nổi vì thấy thân phận mình sao rẻ rúng, đắng cay quá. Mình chẳng khác gì một món hàng, một dụng cụ... mà lúc thích thì họ dùng lúc chán họ vứt đi. Ánh mắt họ nhìn khi tôi bưng bát cơm đeo bám tôi mãi về sau này". Sống trong tủi nhục nhưng cũng có lúc Tuấn được kỳ vọng. Đó là khi nó được xét đi Mỹ vào năm 1990. Nhưng khi đã “về đất cha” sự tủi nhục vẫn chẳng buông tha chàng trai 20 tuổi. Chàng thanh niên mang phận con lai tiếp tục trải qua những tháng ngày cay đắng, tủi hờn. (Còn nữa)

Từ khóa » Không Biết Bây Giờ Mẹ ở Nơi Mô