Không Cần “chồng Giỏ - Vợ Hom”? - Gia đình

Trước khi cưới, một đôi tình nhân ngọt ngào nói với nhau rằng “tiền của anh cũng là tiền của em”. Nhưng chỉ sau đó ít ngày, tưởng hai người đã thành một, nhưng câu nói ngọt ngào kia đã mang màu sắc khác.

Những câu nói khó nghe hơn, kiểu như: “Tiền của tôi làm ra, tôi phải được giữ, sao cô lại tra khảo tôi”, hay “sao anh chỉ đưa có ngần này tiền? Cất giữ riêng làm gì? Để bao gái à?”… Việc chi tiêu, quản lý tiền bạc trong gia đình chẳng phải chuyện khó khăn, nếu hai vợ chồng cùng bàn bạc và thống nhất cách thức. Ngày nay cũng chẳng nhất thiết phải tuân theo nguyên tắc “chồng như cái giỏ, vợ như cái hom”.

Cũng không cần thiết phải để cho vợ là người quản hết tiền mới là “người quân tử”. Mỗi gia đình có thể phù hợp với cách quản lý chi tiêu khác nhau, miễn sao hai vợ chồng đều thấy hài lòng với chuyện đó.

Vợ chồng anh Hoàng ở Trung Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội từ trước đến nay vẫn theo nguyên tắc dân chủ, cùng làm cùng hưởng. Nghĩa là anh chị có một cái hộp, vợ chồng ai kiếm được bao nhiêu thì bỏ hết vào đó. Ai cần tiêu gì cũng tự giác lấy ở đó ra. Anh chị tin tưởng nhau, vả lại mức thu nhập của anh chị cũng khá, nên ít khi bị “thụt két”.

Gia đình anh Toàn ở Giảng Võ, Ba Đình thì khác. Anh được phép giữ lại cho mình ba mươi phần trăm thu nhập để chi tiêu, còn lại anh đưa cho vợ. Mọi chi tiêu trong gia đình như ăn uống, tiền điện, nước, học hành cho con cái thì anh khoán gọn cho chị, chị phải cân đối cho hợp lý trong số tiền mà gia đình có. Nghe thì không dân chủ lắm, chị vất vả hơn trong việc chi tiêu, nhưng chị được chủ động.
Phương thức quản lý… mới

Cuộc sống có nhiều thay đổi. Chuyện một gia đình có hai vợ chồng đều làm ra tiền ngày càng nhiều. Những đôi vợ chồng không phải quá lo toan cho ngày ba bữa ăn cũng càng ngày càng tăng lên. Thế là có những cách thức quản lý tiền bạc mới ra đời.

Phương thức “khoán gọn đến từng người” là một cách phân bố chi tiêu được nhiều đôi vợ chồng trẻ hưởng ứng.

Có gia đình, người vợ bảo đảm hoàn toàn chuyện ăn uống hàng ngày. Còn người chồng lo các món lớn như tiền điện, tiền nước, tiền học cho con và mua sắm vật dụng trong nhà, tiền ngoại giao, và tiền chi tiêu đột xuất. Chẳng bên nào phải gộp tiền cho bên nào, cả hai đều là giỏ, đều là hom. Để làm được việc này hai vợ chồng đều phải “thành khẩn khai báo” thu nhập cố định của mình và tự giác “hoàn thành nhiệm vụ được phân công”.

Có không ít đôi vợ chồng khá giả, không đếm xỉa gì tới chuyện vợ hay chồng mình kiếm được bao nhiêu. Chuyện ăn uống, mua sắm, chi tiêu, tiện ai người nấy trả.

Tiền lương, thu nhập hiện nay được trả qua thẻ ATM, nên chẳng bên nào kiểm tra ví của bên nào được. Nhìn thấy cái thẻ ATM của chồng lăn lóc trên bàn người vợ cũng dửng dưng, bởi có cầm ra máy rút tiền cũng không biết “mã số bí mật” của chồng. Vậy phải tin nhau là chính!

Cuộc sống rất cần có tiền nhưng chi tiêu ra sao, phân công trách nhiệm giữa vợ và chồng thế nào để thể hiện sự tin tưởng nhau, tôn trọng nhau, có trách nhiệm với gia đình.

Những gia đình chỉ có một người đi làm, vợ chồng có thể cùng nhau bàn bạc cách chi tiêu sao cho vừa có tiền tích lũy, vừa bảo đảm cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt nên chú ý đừng để người không đi làm cảm thấy bị “lép vế”, và rơi vào thế bí khi trong tay “một đồng chẳng có”. Theo Phụ Nữ Việt Nam

Từ khóa » Cái Hom Giỏ