Không Cho Máy Bay Mỹ đậu ở Thái Nữa, đặc Công Việt Nam đến Rồi

+Aa- like comment Quân sự Không cho máy bay Mỹ đậu ở Thái nữa, đặc công Việt Nam đến rồi 25/02/2021 10:18

Sau sân bay Utapao, liên tiếp hai sân bay khác của Mỹ ở Thái Lan bị đặc công Việt Nam tấn công, truyền thông Thái Lan thậm chí còn đánh tiếng cho chính phủ từ chối để Mỹ đậu B-52 ở đất Thái, do sợ bị… vạ lây.

Để thực hiện mục tiêu đánh B-52 trên đất Thái Lan, Tháng 7/1972, Đoàn A54 cử 23 cán bộ, chiến sĩ biên chế thành một tổ soi đường và một tổ bảo đảm hậu cần, vượt Trường Sơn hành quân đến khu rừng nguyên sinh Đôn Ka Thom, nằm ở ngã ba biên giới 3 nước Thái Lan-Lào-Campuchia, lập một trạm chỉ huy nghiên cứu tình hình, mở hành lang vào khu vực sân bay Udon.
Cuối tháng 7, tổ soi đường bí mật vượt sông, luồn rừng nhằm hướng sân bay để đi. Đi được 15 ngày, hết lương thực, các anh đành phải quay về căn cứ. Ngay sau đó một sáng kiến được đưa ra, đó là dùng kỹ thuật ém lương thực theo kiểu “sâu đo”, dọc tuyến đường hành lang vào đến sân bay quân sự Udon.
Ba chiến sĩ của đội, mỗi người mang hơn 30kg lương thực, đến vị trí A để lại 10kg, chôn kỹ và đánh dấu rồi quay về. Cứ thế từng chuyến lương thực được chuyển đến vị trí B, C, D… trên suốt chặng đường dài. Tháng 8/1972, đã liên lạc được với cơ sở của ta trên đất Thái Lan, các anh đóng giả thành người bản địa, để trinh sát khu vực sân bay.
Tuy hành lang vừa mới được hình thành, nhưng với ý chí quyết tâm phá hủy máy bay B-52 tại sân bay Udon, nên Đoàn A54 thực hiện kế hoạch vừa trinh sát mục tiêu, vừa đưa đội hình chiến đấu đi theo, trinh sát tới đâu, hoàn chỉnh phương án chiến đấu đến đó, nếu thời cơ cho phép sẽ tiến hành đánh ngay.
Cuối tháng 8/1972, đội hình chiến đấu gồm 10 người được thành lập, do đồng chí Đào Đức Hạnh-Đoàn trưởng Đoàn A54 chỉ huy, vượt biên giới, luồn rừng tới căn cứ cách mạng của ta ở Thái Lan. Tháng 9/1972, đội thực hiện nhiệm vụ trinh sát, tạo hành lang từ căn cứ đến sân bay Udon, xác định vị trí tập kết, đường hướng đột nhập vào sân bay.
Đêm ngày 1/10, đội hình chiến đấu bắt đầu cơ động vào sát khu vực sân bay Udon. Lúc này trời mưa to, gió lớn, phải đến gần sáng ngày mùng 2, đội mới tới được gần sân bay. Trời sắp sáng, sợ lộ bí mật, mọi người phải phân tán ẩn nấp chờ đến khi trời tối để vào trinh sát mục tiêu.
Phương án đánh B-52 lần này là dùng mìn nổ chậm, nếu bị lộ thì chuyển sang đánh nổ ngay. 8 đồng chí trong đội hình chiến đấu chia làm 3 tổ, trong đó 2 đồng chí có nhiệm vụ mở cửa và bảo vệ cửa mở; 4 đồng chí đánh phá máy bay, 2 đồng chí đánh phá kho xăng trong sân bay.
Tối ngày 2/10/1972, hai tổ chiến đấu tiềm nhập vào sân bay, tổ mở cửa triển khai bảo vệ đầu cầu. Theo hiệp đồng chiến đấu, sau khi cài đặt lượng nổ, mìn hẹn giờ vào mục tiêu, cả 2 tổ phải rút ngay để kịp rời sân bay trước khi trời sáng. Nhưng đã quá giờ hiệp đồng, trời sắp sáng mà tổ mở cửa vẫn không thấy 2 tổ chiến đấu quay trở lại.
Tại vị trí tập kết, chỉ huy trận đánh nóng lòng nghe tiếng nổ vọng ra từ khu vực sân bay, nhưng không gian bốn bề vẫn tĩnh lặng. Cho tới 10 giờ sáng ngày mùng 3/10/1972, khi nghe những tiếng nổ liên hồi từ phía sân bay, tổ đánh kho xăng và tổ mở cửa mới gặp được nhau, 4 người còn lại của tổ đánh B-52 vẫn chưa thể thoát ra được.
Tất cả những thông tin về sân bay Udon bị đặc công Việt Nam tấn công, phía Mỹ đã ém nhẹm, không một phương tiện truyền thông nào đưa tin. Sau một thời gian dài, ta mới biết tin 23 máy bay B-52 của Mỹ, 1 trạm điện, 1 kho xăng đã bị phá hủy trong trận đánh này qua các thông tin mù mờ, ít ỏi trên báo chí quốc tế.
Căn cứ thứ ba là Ubon, trước năm 1972, sân bay Ubon đã 6 lần bị đặc công Việt Nam gài mìn phá hủy nên địch tăng cường bảo vệ an ninh. Trong thời gian này, để đột nhập vào sân bay như những trận đánh trước đây, đối với lực lượng đặc công của ta là rất khó khăn. Và đặc công ta sử dụng cách đánh tập kích hỏa lực.
Khó khăn nhất đặt ra trong thời gian này với lực lượng của ta là thiếu vũ khí, ta chỉ có một số súng bộ binh, mìn, thủ pháo, mà không có bất kỳ loại vũ khí nào thích hợp với một trận đánh tập kích hỏa lực. Đặc công ta đã bí mật sang Campuchia, gặp Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam đề nghị chi viện vũ khí.
Đồng chí Đồng Văn Cống, Tư lệnh mặt trận, một người rất tâm huyết với bộ đội đặc công, đã quyết định cấp ngay vũ khí theo đề nghị của đội đặc công đặc nhiệm. Và thế là “tài sản” của Tiểu đoàn 1A đã có thêm 2 súng cối 82mm, 2 cơ số đạn, 200 thủ pháo tay cùng một số vật chất chiến đấu.
Ngày 2/10/1972, một đội hình chiến đấu gồm 27 người của tiểu đoàn Đặc công biệt động 1A được thành lập. Đội được tổ chức thành 2 bộ phận, trong đó bộ phận trực tiếp chiến đấu gồm 13 người trang bị 1 súng cối 82mm, 40 quả đạn, do đồng chí Nguyễn Công Mùi chỉ huy.
Lúc này đang là mùa mưa, hành quân mang vác nặng qua mọi địa hình phức tạp đã là vất vả, do yếu tố bí mật, đội lại phải luồn lách qua các tuyến bố trí của địch. Nhiều đoạn đường ngập sâu trong nước, anh em chỉ lo cho đạn dược không bị ẩm ướt, bảo quản được vũ khí, không ai còn tâm trí lo đến miếng ăn.
Dù gạo rang đã thiu mốc, quần áo ẩm ướt cả ngày không được thay, nước uống cặn đục, nằm bờ ngủ bụi, nhưng những chiến sĩ đặc công vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Gần đến khu vực sân bay thì đồng chí Hồi, khẩu đội trưởng bị sốt cao, không thể tiếp tục đi. Để lại 2 chiến sĩ ở lại trông nom, đội hình chiến đấu vẫn quyết tâm lên đường.
Cơ động đến vị trí sân bay, bí mật triển khai trận địa, đội hình chiến đấu nổ súng theo đúng kế hoạch đã định. 40 quả đạn mang theo, 5 quả không nổ do ảnh hưởng thời tiết mưa gió ẩm ướt, 35 quả đạn còn lại đã nổ trúng mục tiêu phá hủy đài chỉ huy sân bay, xưởng sửa chữa và một số thiết bị sân bay.
Hoàn thành trận đánh bí mật, nhanh gọn, bất ngờ, đội hình chiến đấu nhanh chóng rời trận địa, chôn súng tại một địa điểm bí mật trên đường lui quân. Khi về tới gần biên giới, đội đã bị lọt vào ổ phục kích của địch, nhưng những người lính đặc công đã chiến đấu anh dũng và mở đường rút về an toàn.
Hàng chục máy bay ném bom chiến lược B-52 vừa bị phá hủy tại sân bay Utapao, Udon, tiếp đến sân bay Ubon lại bị đánh phá chỉ trong thời gian vài tháng đã khiến cho người Mỹ hoang mang về cách đánh đặc công của ta. Những trận đánh này đã diễn ra đúng thời điểm, đúng ý định của Bộ Tư lệnh Binh chủng là đánh trúng các mục tiêu quan trọng có ý nghĩa chiến lược.
Và phương pháp đánh địch ngay tại sào huyệt của địch của quân đội Việt Nam thêm một lần nữa, được thực hiện và hoàn thành bởi lực lượng đặc công tinh nhuệ, anh dũng. Nguồn ảnh: TL.

Thái Hòa

Tags: quân sự việt nam Bài mới Đọc nhiều

Từ khóa » đặc Công Việt Nam đánh Sân Bay Utapao