Không Chủ Quan Với Bệnh Sởi ở Người Lớn

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 3 tháng đầu năm 2019 có 112.000 ca mắc sởi tại 170 quốc gia, tăng 300% so với cùng kỳ năm 2018. Bệnh sởi không chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ, mà người lớn cũng có nguy cơ mắc sởi. Việc chủ động phòng chống bệnh sởi đóng một vai trò hết sức quan trọng, góp phần giảm biến chứng cho người bệnh và hạn chế lây lan ra cộng đồng.

Bệnh sởi có lây không? Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Paramyxoviridae gây ra. Những người chưa có miễn dịch với bệnh sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Vi rút sởi có trong mũi và cổ họng của người bị nhiễm bệnh. Nếu tiếp xúc trực tiếp với chất nhầy từ mũi/cổ họng hoặc tiếp xúc với cơn ho, hắt hơi của người bệnh có nguy cơ bị lây nhiễm. Người bị mắc sởi thường dễ lây bệnh cho người khác từ 7 ngày trước cho đến 7 ngày sau khi khởi phát ban đỏ. Ngoài ra, bệnh sởi còn có thể lây từ mẹ sang con qua đường máu trong quá trình mang thai.

Bệnh sởi ở người lớn nguy hiểm hơn bạn tưởng

Biểu hiện của bệnh sởi ở người lớn Người lớn hiếm khi mắc sởi vì đa số đã nhiễm bệnh từ khi còn nhỏ và miễn dịch với bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp người lớn vẫn mắc sởi do chưa có miễn dịch. Khi nhiễm bệnh, người bệnh sẽ có thời gian ủ bệnh từ 7-21 ngày (trung bình 10 ngày), sau đó bệnh mới phát tán thành các biểu hiện bệnh cụ thể. Những dấu hiệu của bệnh sởi bao gồm: - Sốt cao, mệt mỏi, chán ăn, đau đầu. - Viêm long đường hô hấp trên (ho khan, ngạt mũi, sổ mũi chảy nước mũi). - Mắt đỏ, cộm, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, sưng nề mi mắt. - Trong khoang miệng trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên) có thể thấy hạt nhỏ có kích thước 0,5-1 mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên. - Phát ban sau sốt cao 3-4 ngày, ban hồng nổi cộm lên mặt da, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi ở người lớn Khác với trẻ nhỏ, bệnh sởi ở người lớn sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, liệt, động kinh,… Phụ nữ đang mang thai cũng có nguy cơ mắc sởi nếu tiếp xúc với nguồn bệnh. Vi rút sởi sẽ gây ra tình trạng sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, trẻ bị nhẹ cân, dị tật thai nhi hoặc thai nhiễm sởi tiên phát. Những di chứng của bệnh sởi ở người lớn thường không được nhận biết để ngăn chặn kịp thời. Thông thường sau khi hết sốt và hết phát ban, một số bệnh nhân tưởng đã khỏi hẳn, nhưng sau đó tình trạng sốt cao trở lại gây đau đầu, co giật, thay đổi ý thức từ lú lẫn dẫn tới hôn mê. Bệnh nhân có thể bị liệt tứ chi, rối loạn cơ tròn xuất hiện, đó là khi bệnh đã biến chứng sang viêm màng não hoặc viêm tủy. Các biến chứng nặng khác có thể xảy ra khi mắc sởi như viêm phổi, viêm phế quản phổi, viêm kết – giác mạc dẫn tới loét giác mạc, mù lòa. Ngoài ra, do quan niệm bệnh sởi chỉ có thể xuất hiện ở trẻ em, người lớn thường chủ quan không có những biện pháp cách ly, các chế độ chăm sóc dinh dưỡng cũng như vệ sinh tốt. Đây là nguyên nhân khiến bệnh dễ dàng lây lan trong cộng đồng và có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề. Điều trị bệnh sởi ở người lớn Nguyên tắc điều trị: - Điều trị các triệu chứng xảy ra, kết hợp chế độ chăm sóc người bệnh bao gồm vệ sinh cá nhân và dinh dưỡng qua ăn uống. - Phát hiện kịp thời khi các biến chứng xảy ra để tiến hành điều trị. Đối với bệnh sởi, nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, người bệnh có thể được điều trị tại nhà. Người bệnh cần được vệ sinh, chăm sóc răng miệng, vệ sinh mắt và vệ sinh cơ thể. Bên cạnh đó, trong chế độ ăn uống của người bệnh cần bổ sung vitamin A. Theo nghiên cứu, việc bổ sung vitamin A có tác dụng làm giảm 50% trường hợp tử vong do bệnh sởi gây ra và phòng, chống các biến chứng như viêm loét giác mạc, mù lòa. Khi bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, cần có các biện pháp để giảm sốt như dùng thuốc hạ sốt với liều lượng theo chỉ định của bác sĩ, để người bệnh nằm ở nơi thoáng mát, tránh gió lùa, cho uống đủ nước và dùng thêm nước hoa quả. - Cách ly bệnh nhân nhiễm bệnh sởi: Nên hạn chế tối đa việc gặp gỡ, tiếp xúc với người khác, kể cả thành viên trong gia đình. Trường hợp cần người chăm sóc, nên đeo khẩu trang thường xuyên để tránh lây lan bệnh. Để phòng tránh biến chứng của bệnh sởi, cần lưu ý và theo dõi các biểu hiện sau ở bệnh nhân: - Theo dõi nhiệt độ của bệnh nhân trong 2 trường hợp: bệnh nhân không còn những chấm đỏ trên da nhưng còn sốt và bệnh nhân đã hạ sốt nhưng sau đó lại lên cơn sốt trở lại. - Bệnh nhân bị ho đột ngột, mỗi lúc lại thấy tần suất ho tăng lên, người bắt đầu thấy mệt hơn. - Bệnh nhân hô hấp bất thường, nhịp tim nhanh, ngủ li bì. Với những trường hợp như vậy, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Tiêm phòng vắc xin là cách hữu hiệu để ngăn ngừa bệnh sởi

Cách phòng, chống bệnh sởi Tiêm vắc xin là cách duy nhất để ngăn ngừa bệnh sởi. Vắc xin phòng sởi thường được tiêm cho trẻ từ 12 đến 15 tháng tuổi và tiêm lại vào lúc 4-6 tuổi. Người trưởng thành và trẻ lớn chưa miễn dịch cũng cần phải tiêm vắc xin, đặc biệt những phụ nữ dự định có thai cần tiêm vắc xin phòng sởi ít nhất 1 tháng trước khi có thai. Để chủ động phòng, chống bệnh sởi khi đang mùa dịch, chúng ta nên đeo khẩu trang khi ra đường, thường xuyên sát trùng mũi họng, rửa tay bằng xà phòng và nước ấm, che miệng khi ho và hắt hơi. Cần giữ cho môi trường sống trong lành, thoáng khí, sạch sẽ; ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng. Hạn chế đến những nơi đông người để tránh lây nhiễm bệnh. Với những người nghi mắc sởi cần cách ly để tránh lây nhiễm cho người khác.

Từ khóa » Hiện Tượng Lên Sởi ở Người Lớn