Không Có Tiêu đề
Có thể bạn quan tâm
Quyền con người cơ bản nhất là quyền sống. Hòa bình là điều kiện tiên quyết để con người có thể sống, mưu cầu hạnh phúc, xây dựng đất nước, hợp tác quốc tế để cùng nhau phát triển. Chiến tranh là chết chóc và tàn phá. Thế kỷ XX vừa qua chứng kiến hai cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu nhất lịch sử loài người. Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918) lôi cuốn gần 40 nước tham gia, làm chết hơn 8 triệu người. Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945) lôi cuốn hơn 80 nước tham gia, làm chết hơn 50 triệu người, đẩy lùi kinh tế thế giới 10 năm.
Liên hợp quốc thành lập trên đóng tro tàn của chiến tranh thế giới thứ hai (ngày 24/10/1945) là cơ cấu tổ chức thế giới hậu chiến thể hiện ý chí của các dân tộc “quyết tâm phòng ngừa cho các thế hệ tương lai khỏi thảm họa chiến tranh đã hai lần trong một đời người gây cho nhân loại đau thương không kể xiết” (phần mở đầu Hiến chương Liên hợp quốc), nhằm mục đích:
Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế
Phát triển quan hệ hữu nghị trên cơ sở tôn trọng quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc.
Hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo…
Những nội dung ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc là kết quả của sự hợp tác và đấu tranh giữa hai hệ thống pháp lý quốc tế xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Việc thực hiện những điều đó lại là một quá trình tiếp tục hợp tác và đấu tranh giữa một bên là Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa, các nước dân tộc độc lập với một bên là Mỹ và các nước phương Tây.
Liên Xô có công đầu trong việc tiêu diệt phát xít, sau chiến tranh uy tín quốc tế của Liên Xô lên cao hơn bao giờ hết, tuy nhiên bị thiệt hại rất nặng trong chiến tranh với gần 30 triệu người chết, hàng ngàn thành phố, thị trấn, làng mạc bị san bằng. Ngược lại, Mỹ lại được lợi nhiều nhờ chiến tranh. Chiến sự không diễn ra trên đất Mỹ. Hệ thống tài chính - tiền tệ Bretton Woods tháng 7/1944 (IMF, WB, GATT) đảm bảo thế độc tôn của đồng đôla Mỹ trong thanh toán quốc tế. Hơn thế nữa, lúc đó Mỹ độc quyền về vũ khí hạt nhân (Mỹ là nước đầu tiên và duy nhất sử dụng loại vũ khí này khi ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki làm chết ngay lập tức mấy trăm ngàn thường dân Nhật).
Tận dụng lợi thế kinh tế - quân sự nói trên, ngay từ đầu năm 1946, Mỹ cùng một số nước đồng minh phương Tây, phát động “chiến tranh lạnh” nhằm mục đích chống Liên Xô, “đẩy lùi chủ nghĩa cộng sản phương Đông”, đồng thời tiến hành nhiều cuộc “chiến tranh nóng” chống phong trào giải phóng của các dân tộc, đặc biệt là cuộc chiến tranh “bẩn thỉu” của Pháp – được Mỹ giúp đỡ, hòng áp đặt trở lại ách thống trị thực dân đối với dân tộc Việt Nam.
Tình hình đó đưa đến cuộc chạy đua vũ trang vô cùng nguy hiểm, nhất là về vũ khí nguyên tử - hạt nhân. Tháng 9/1949 Liên Xô thử thànhcông vũ khí hạt nhân, chấm dứt độc quyền của Mỹ. Các cường quốc khác cũng lần lượt sản xuất được loại vũ khí giết người hàng loạt này như Anh (tháng 10/1952), Pháp (tháng 3/1960), Trung Quốc (tháng 10/1961). Thêm vào đó, Mỹ xây dựng hàng trăm căn cứ quân sự bao vây Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác, thành lập khối quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO (tháng 4/1949) gồm 16 nước tư bản Bắc Mỹ và Tây Âu (nay lên đến 28 nước). Chỉ một tháng sau (tháng 5/1949) Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu thành lập khối Varsava để làm đối trọng. Ở châu Á, Mỹ thành lập khối quân sự Đông Nam Á (SEATO), chủ yếu gồm các nước phương Tây vào tháng 9/1954 nhằm phá hoại Hiệp định Geneve về Việt Nam chỉ 2 tháng sau khi hiệp định này được kí kết vào tháng 7 năm đó.
Những sự kiện kể trên làm cho tình hình thế giới những năm cuối thập niên 1940 trở nên vô cùng căng thẳng, có thể dẫn đến chiến tranh thế giới mới bất kỳ lúc nào. Trong bối cảnh ngày càng có thêm nhiều nước có vũ khí hạt nhân, nếu chiến tranh thế giới thứ ba xảy ra thì nguy cơ sử dụng loại vũ khí có sức tàn phá kinh khủng đó là hiện thực, còn hậu quả thì khôn lường, bởi vì kho vũ khí của các cường quốc hạt nhân ngày càng tăng với sức hủy diệt gấp ngàn lần hai quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki hồi cuối chiến tranh thế giới thứ hai, có thể hủy diệt toàn thể loài người.
Những người có lương tri trên thế giới kiên quyết đấu tranh chặn đứng bàn tay tội ác của những kẻ hiếu chiến, bảo vệ hòa bình, bảo vệ quyền sống của mình. Khắp nơi diễn ra nhiều cuộc hội họp, mít tinh quần chúng, hình thành nhiều tổ chức quốc gia và quốc tế bảo vệ hòa bình. Đỉnh cao của phong trào là Đại hội hòa bình thế giới, khai mạc ngày 26/4/1949 tại Paris với thành phần tham dự gồm hàng ngàn chiến sĩ hòa bình khắp thế giới, đại diện cho nhiều tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, đảng phái chính trị, nhiều văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học nổi tiếng như: các nhà bác học Jolio Curie, và Bertrand Russell, nhà vật lí học Albert Einstein, danh họa Picasso v.v… Đại hội bầu ra Hội đồng hòa bình thế giới (HĐHBTG) do nhà bác học Jolio Curie làm chủ tịch. Bức tranh Chim bồ câu ngậm cành olive của danh họa Picasso được chọn làm biểu tượng của hòa bình.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân ta chẳng những nhằm đem lại hòa bình trong độc lập, tự do cho dân tộc, mà còn là một cống hiến vô giá đối với hòa bình thế giới. Xuất phát từ nhận thức đó, lúc bấy giờ tuy phải tập trung mọi nỗ lực để kháng chiến thắng lợi, nước ta đã cử một đoàn đại biểu nhân dân gồm 11 người, trong đó có nhiều tri thức tiêu biểu, tham dự đại hội hòa bình thế giới và nước ta trở thành thành viên sáng lập HĐHBTG. Chỉ một năm sau, theo sáng kiến của Hồ chủ tịch, vào tháng 11/1950, nước ta tổ chức tại căn cứ địa cách mạng Việt Bắc Đại hội thành lập “Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam”, về sau đổi tên thành Ủy ban hòa bình Việt Nam.
Khẩu hiệu tập hợp quần chúng và đấu tranh xuyên suốt của HĐHBTG là bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh, chống chạy đua vũ trang, đòi giải trừ quân bị toàn diện và triệt để, trước hết về vũ khí hạt nhân, ủng hộ phong trào giải phóng của các dân tộc…
HĐHBTG đã ra nhiều lời kêu gọi khẩn thiết bảo vệ hòa bình, được sự hưởng ứng nhiệt liệt của hàng trăm triệu người không phân biệt giới tính, màu da, sắc tộc, chính kiến, tín ngưỡng. Hai lời kêu gọi hòa bình Stockholm đòi cấm vũ khí nguyên tử (tháng 3/1950 và tháng 6/1975) được 1,2 tỷ người kí tên hưởng ứng. Lời kêu gọi 5 cường quốc kí công ước hòa bình (tháng 2/1955) thu được 612 triệu chữ kí. Riêng nước ta, bất chấp nguy hiểm của thời chiến, Ủy ban hòa bình Việt Nam đã vận động được hơn 500 triệu chữ kí hưởng ứng mạnh mẽ những lời kêu gọi của HĐHBTG.
Thành tích lớn nhất của phong trào hòa bình trong 60 năm qua là đã góp phần xứng đáng vào việc ngăn ngừa chiến tranh thế giới thứ ba, buộc các cường quốc hạt nhân phải kí một số thỏa thuận về kiểm soát vũ trang hạt nhân, đồng thời đã ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Mọi cuộc đấu tranh yêu nước, chống xâm lược của nhân dân các nước Á, Phi, Mỹ Latinh đều được sự đồng tình, ủng hộ kiên trì của HĐHBTG. Trong thời gian nhân dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là chống đế quốc Mỹ xâm lược, HĐHBTG luôn coi hoạt động đoàn kết với Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu của mình, và đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành trên thực tế mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.
Sau khi Liên Xô tan rã, tình hình thế giới diễn biến bất lợi đối với phong trào hòa bình thế giới. HĐHBTG gặp khá nhiều khó khăn về chính trị và tài chính. Tuy nhiên, HĐHBTG đã khẳng định mục tiêu ban đầu, đồng thời đổi mới nội dung và phương thức hoạt động cho phù hợp tình hình mới, nhờ vậy đã đứng vững và từng bước phát triển hoạt động. HĐHBTG tự đề ra cho mình những nhiệm vụ trước mắt hiện nay như sau: tiếp tục chống chiến tranh xâm lược, đòi giải quyết các cuộc tranh chấp quốc tế bằng thương lượng hòa bình, đòi giải trừ quân bị, trước hết về vũ khí hạt nhân, chống chính sách cường quyền và áp đặt từ bên ngoài. Mặt khác tham gia các hoạt động xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sống, chống các bệnh dịch thế kỷ, chống hậu quả tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, xây dựng quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Chiến tranh và hòa bình là hệ quả tất yếu của của hai thái độ ứng xử khác nhau của con người trước những hiện tượng xã hội. Nếu dùng vũ lực, sức mạnh quân sự để giải quyết bất đồng, hòng áp đặt ý chí bên này đối với bên kia, thì sẽ dẫn đến chiến tranh. Ngược lại, nếu dùng nói chuyện, thương lượng để giải quyết bất đồng, tìm giải pháp mà các bên đều có thể chấp nhận, thì sẽ có hòa bình. Điều đó đúng trong quan hệ quốc tế giữa các quốc gia dân tộc, cũng như trong quan hệ nội bộ giữa những tập thể và cá nhân trong nước, thậm chí giữa các thành viên trong gia đình. Vì vậy giáo dục hòa bình cho nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ là biện pháp cần thiết và hữu hiệu để góp phần ngăn ngừa chiến tranh.
Liên hợp quốc rất quan tâm vấn đề giáo dục hòa bình và văn hóa hòa bình. Ngay từ năm 1945 Công ước thành lập Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) nêu rõ: “Xét vì chiến tranh nảy sinh trong tâm trí con người, nên thành trì bảo vệ hòa bình phải được xây dựng chính trong tâm trí con người”.
Đại hội đồng LHQ khóa 52 (1992) thông qua Nghị quyết định nghĩa “Văn hóa hòa bình là tổng thể những giá trị, thái độ, phong cách ứng xử và lối sống loại trừ bạo lực và ngăn ngừa tận gốc các cuộc xung đột, giải quyết mọi vấn đề bằng đối thoại và đàm phán giữa các cá nhân, tập thể và quốc gia”.
Một năm sau, Đại hội đồng LHQ khóa 53 thông qua tuyên bố và Chương trình hành động về văn hóa hòa bình trong đó nhấn mạnh: Để cho hòa bình và không sử dụng vũ lực được lan tỏa, cần xúc tiến văn hóa hòa bình thông qua giáo dục, đưa vào chương trình giảng dạy về cách ứng xử phù hợp văn hóa hòa bình, bao gồm việc giải quyết hòa bình các cuộc xung đột, đối thoại, xây dựng đồng thuận, tích cực chống bạo lực…
Là một dân tộc chịu nhiều đau khổ của chiến tranh xâm lược, đồng thời là một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, nước ta cần sớm có chủ trương và biện pháp cụ thể để đưa nội dung giáo dục về văn hóa hòa bình vào trường học các cấp. Nếu được vậy, các thế hệ trẻ sẽ tiếp thu truyền thống hòa hiếu của ông cha ta, học tập cách ứng xử phù hợp những tiêu chí của văn hóa hòa bình trong quan hệ gia đình, xã hội và quốc tế.
Võ Anh Tuấn
Chủ tịch Ủy ban hòa bình,
Chủ tịch Quỹ hòa bình và Phát triển TPHCM
Từ khóa » để Bảo Vệ được Hoà Bình Thì Trước Tiên Phải
-
Câu 9 : Để Bảo Vệ được Hòa Bình Thì Trước Tiên Phải.A .Hiểu ... - Hoc24
-
Câu 9 : Để Bảo Vệ được Hòa Bình Thì Trước Tiên Phải.A .Hiểu Biết Lẫn ...
-
Top 15 để Bảo Vệ được Hoà Bình Trước Tiên Phải
-
Để Bảo Vệ Hòa Bình Trước Tiên Chúng Ta Cần Làm Gì? A) Hiểu Biết Lẫn ...
-
Để Bảo Vệ Hòa Bình Chúng Ta Cần Phải Làm Gì? - HOC247
-
Giải Bài Tập Giáo Dục Công Dân 9 - Bài 4: Bảo Vệ Hòa Bình
-
Để Bảo Vệ Hòa Bình Chúng Ta Cần Phải Làm Gì? Xây Dựng Mối Quan Hệ
-
Văn Hóa Hòa Bình Trong Tư Tưởng Hồ Chí Minh - ý Nghĩa Dân Tộc Và ...
-
Học Sinh Cần Làm Gì để Bảo Vệ Tổ Quốc Hiện Nay? - Luật Sư X
-
Vì Sao Phải Bảo Vệ Hòa Bình Cho Ví Dụ
-
[PDF] Trách Nhiệm Bảo Vệ: Vài Nét Về Nguyên Tắc Và Các Bước Thực Hiện
-
Nhận Diện Chiến Lược “diễn Biến Hòa Bình” Của Các Thế Lực Thù Trong ...
-
Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về Hòa Bình - Báo Sơn La
-
Bảo Vệ Tổ Quốc Bằng Phương Pháp Hòa Bình-chủ Trương Nhất Quán ...
-
Giá Và Vô Giá Của Hòa Bình - Báo Người Lao động
-
Hồ Chí Minh Và Cương Lĩnh Xây Dựng đất Nước Thời Hậu Chiến
-
Bài 4: Bảo Vệ Hòa Bình - Sbt - Bất Động Sản ABC Land