Không Có Tiêu đề

Hồi ký ngày giải phóng Miền Nam thống nhât đất nước của Trung Đoàn 24 thuộc sư đoàn 304.

Nhân kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975 – 30/4/2018. Bác Lê Đình Cống – cựu chiến binh thôn Thiết Đinh xã Định Tường phản ánh Hồi ký ngày giải phóng Miền Nam thống nhât đất nước của Trung Đoàn 24 thuộc sư đoàn 304

Bác Lê Đình Cống - Cựu Chiến Binh Thôn Thiết Đinh xã Định Tường

 

Trung đoàn 24 mang tên người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo thành lập ngày 22/8/1945, là đơn vị cấp trung đoàn thành lập sớm nhất của quân đội ta. Cùng với trung đoàn 9, 66, 68 trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Ngày 17/5/1974 trung đoàn 24 thuộc sư đoàn 304 Quân Đoàn 2 mang tên là Binh Đoàn Hương Giang. Ngày 29/3/1975, Đà Nẵng được giải phóng. Ngày 31/3/1975 thay mặt bộ chính trị đồng chí Lê Duẩn – Bí thư thứ nhất của trung ương đảng chỉ thị cho quân ủy trung ương và bộ tổng tư lệnh “ Thời cơ chiến lược đã tới, thực hiện ngay phương châm: Thần tốc táo bạo, bất ngờ chắc thắng. Kết thúc chiến tranh giải phóng trong thời gian  ngắn nhất”. Ngày 7/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tư lệnh Quân Đội Nhân Dân Việt Nam ra lệnh cho các đơn vị toàn miền Nam và các đơn vị từ miền Bắc bổ sung cho miền Nam với tinh thần :“ Thần tốc thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc”. Các chỉ thị từ Trung Ương, mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư Lệnh là vô cùng sáng suốt, kịp thời nhậy bén của Bộ chỉ huy tối cao của dân tộc Việt Nam trong việc tổ chức điều hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lệnh thần tốc của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp được truyền đi theo đường vô tuyến điện. Đặc biệt một bức thư viết tay có chữ ký của Đại Tướng được chuyển bằng đường hàng không vào Đà Nẵng trực tiếp giao cho Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2. Sau khi sư đoàn 304 cùng quân đoàn 2 và quân khu 5  giải phóng Đà Nẵng, các trung đoàn lần lược lên đường giải phóng các tỉnh miền Trung, chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Trung Đoàn 24 do thiếu hụt quân số qua các trận giữ Thượng Đức, vùng B Đại Lộc, giải phóng Đà Nẵng, được dừng lại ít ngày để bổ sung đủ quân số. Ngày 12/4/1975 trung đoàn 24 chúng tôi lên xe ô tô đi chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Ngày 14/4/1975 đồng chí Lê Duẩn gửi bức điện số 37 B trả lời tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn: “ Bộ chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn, lấy tên là chiến Dịch Hồ Chí Minh”. Trung Đoàn chúng tôi đi suốt ngày đêm theo tinh thần “ Thần Tốc”., mỗi ngày nghỉ 2 lần để nấu cơm ăn, ăn xong lại tiếp tục đi. Hai bên thành xe và cabin có dán khẩu hiệu “ tất cả cho chiến dịch 19/5 toàn thắng”. Tôi nghĩ đến ngày  sinh nhật Bác Hồ và nói to lên: “ Các cậu ơi! Đây là chiến Dịch Hồ Chí Minh”. Thế rồi các “tham mưu con” đóan rằng ngày kết thúc chiến dịch trên dự kiến là ngày 7/5 nhất định không để đến ngày 19/5. Đêm 23/4, trung đoàn tôi đã đi qua Thị Xã Xuân Lộc mới giải phóng. Chúng tôi đi tiếp vào rừng ở đây chúng tôi làm công tác chuẩn bị. Khác với các lần trước, chiến dịch này chúng tôi phải chuẩn bị một bộ áo sạch sẽ để vào thành phố, đặc biệt là mỗi người một băng đỏ đeo ở cánh tay bên trái, trên mũ cứng một khẩu hiệu bướm “ tất cả cho chiến dịch 19/5 toàn thắng” ( Chiếc băng đỏ ngày ấy Tôi vẫn còn giữ như vật kỷ niệm của một chiến dịch lịch sử). Đêm 25/4, trung đoàn hành quân vào chiếm lĩnh trận địa. Đơn vị được lệnh bỏ qua các vị trí thứ yếu, luồn sâu vào khu vực có các căn cứ quan trọng của địch. Vì vậy nơi ém quân của ta xung quanh đều có địch. Sáng ngày 26/4 chúng tôi vào đến vị trí xuấtt phát tấn công, bi đông nước đã hết nhẵn vì từ nửa đêm đơn vị đi qua một con suối có nước cuối cùng, sau gặp toàn suối cạn, trời lại nắng to. Khoan hãy nói đến chiến sự, trước hết là khát, còn đói thì lương khô cũng không dám ăn. Đã 21 giờ đồng hồ chịu khát, mãi 3 giờ sáng ngày 27/4 mới lấy được nước. Sáng ngày 26/4 bộ phận cảnh giới gặp địch, hai bên cách nhau chừng 100 m, súng nổ, cối 120 li của đại đội 14 cũng đã phát hỏa, địch phản pháo. Đạn pháo địch rơi vào nơi đóng quân của đại đội quân y 24 quá nhiều. Trong ngày đã có vài chục thương binh đưa về phẫu. 17 h ngày 26/4 toàn mặt trận mới nổ súng, tiếng pháo lớn, pháo nhỏ của cả hai phía trộn lẫn vào nhau, mặt đất rung chuyển, trên không đạn pháo cao xạ của ta và khói từ máy bay địch làm cho bầu trời xám xịt. Đến nửa đêm thì tiếng súng thưa dần. Ngày 27 – 28 – 29/4 địch thường xuyên pháo kích, đạn pháo địch rơi nhiều vào trung đoàn bộ và đại đội quân y. Mật độ dày đặc cả theo đơn vị diện tích và đơn vị thời gian. Sáng ngày 29/4 pháo địch bắn hỏng xoong nhỏ, bắn thủng nồi lớn của anh nuôi, không có nồi để nấu cơm. Những chiến sĩ gùi nước qua đại đội 24 có người bị mảnh pháo làm bị thương, có người hy sinh. Cả vùng có một giếng nước của dân. Đêm 26/4, đại đội thủy quân lục chiến ngụy rút lui, ta mới đi lấy được nước. Anh, em dã dùng phương pháp thử đơn giản để đề phòng địch bỏ thuốc độc, thấy an toàn chúng tôi mới dám lấy về uống. Nước dùng đục lẫn bùn, cát non bơi lơ lửng trong nước, tắt đèn pin, uống luôn, mát hơn bất cứ một thứ nước đời thường nào. Mỗi người nửa bát nước mà chưa bõ bèn gì, nhưng như thế là quý rồi. Vùng này không có cây to như rừng Qảng Trị và rừng Quảng Đà nên không thể làm hầm chữ A, thường là hầm không có nắp hoặc nắp bằng phẳng sơ sài. Địch không dùng pháo nổ trên không, nếu dùng thì chúng ta sẽ bị thương vong nhiều hơn.Tôi nói: “Chắc bọn pháo binh ngụy cuống rồi, có gì bắn nấy, chẳng còn hồn vía đâu mà nghĩ đạn nổ trên không để ở chỗ nào”. Theo lệnh của sư đoàn, trung đoàn 9 đánh chiếm căn cứ Nước Trong. Trung Đoàn 66 đánh chiếm Vũng Tàu, thốc lên đường 51. Một bộ phận cùng trung đoàn 9 giải quyết dứt điểm Nước Trong. Bộ phận thọc sâu nhanh chóng tiến lên ngã ba Xa Lộ Biên Hòa – Sài Gòn. Trung Đoàn 24 đánh chiếm Trảng Bom, theo Quốc Lộ số 1 đánh chiếm các vị trí Hố Nai, Hố Bò, khi đến ngã ba Tam Điệp, qua Quốc lộ 1 rẽ trái đánh chiếm tổng kho Long Bình. Cả 3 trung đoàn đều có nhiệm vụ vượt cầu xa lộ đánh thẳng vào trung tâm Sài Gòn. Trung Đoàn nào đến trước thì tiến trước.

Lữ Đoàn tăng 203 cùng sư đoàn bộ binh 304, Quân Đoàn 2 đánh địch trên Xa Lộ Biên Hòa Sài Gòn, tiến vào giải phóng thành phố Sài Gòn

 

Lữ Đoàn xe tăng 203 của trung đoàn, mỗi tiểu đoàn phối thuộc với một sư đoàn, mỗi đại đội phối thuộc với một trung đoàn. Mỗi xe tăng là một lô cốt và một mũi khoan thép di động. Các sư đoàn có một trung đoàn pháo, quân đoàn lại có một lữ đoàn pháo tầm xa với đại pháo 130 li tầm bắn 2,73 km. Có lẽ cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chưa lúc nào quân ta hùng mạnh như bây giờ, sinh lực cũng dồi dào. Quân số của 5 quân đoàn, các sư đoàn thuộc bộ tư lệnh miền của Trung Ương Cục, 6 tỉnh đội, 1 thành đội, tổng số lên đến gần 35 vạn người. Vì thế chỉ trong 4 ngày chúng ta đã chiếm được sào huyệt cuối cùng của địch. 10 giờ sáng ngày 29/4/1975, Đồng chí Lê Duẩn điện gửi các Đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng; Văn Tiến Dũng; Lê Tự Đồng, Lê Trọng Tấn; Bộ chính trị và quân ủy trung ương chỉ thị: “Một là: Lệnh cho quân ta tiếp tục tấn công vào Sài Gòn theo kế hoạch, tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan mọi sự chống cự của chúng. Hai là: Công bố đặt thành phồ Sài Gòn – Gia Định dưới quyền của ủy ban quân quản do tướng Trần Văn Trà làm chủ tịch; Ba là: Sẽ có điện tiếp, nhận được trả lời ngay”. Sáng ngày 30/04/1975, trung đoàn bộ trung đoàn hành quân ra đường 1; 10h 30 phút đến thị trấn Tam Điệp ( Nay là Phường Tam Hiệp thành phố Biên Hòa), chiếc đài bán dẫn Sony của đại úy Lê Xuân Triết, chủ nhiệm hậu cần trung đoàn thu được sóng của đài Sài Gòn, tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Sau đó một Đồng chí giọng Nam Bộ thay mặt quân giải phóng chấp nhận Dương Văn Minh đầu hàng. Khoảng 9 giờ, xe tăng lữ đoàn 203 quân đoàn phối thuộc mũi của trung đoàn 66 sư đoàn 304 húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Bùi Quang Thận từ xe tăng xuống và tổ xung kích của trung đoàn 66 từ xe Jeep xuống đều mang theo cờ giải phóng tiến vào Dinh để cắm cờ, cùng lúc đó Anh Thận cắm cờ trên đỉnh cột của Dinh. Trong phòng khánh tiết, đại úy Phạm Xuân Thệ - Phó trung đoàn trưởng trung đoàn 66 làm thủ tục cho Dương Văn Minh và chính phủ Ngụy đầu hàng. Sau đó áp giải Dương Văn Minh đến đài phát thanh viết tuyên bố đầu hàng, ghi băng và phát trên Đài phát thanh lúc 10 giờ 30 phút. Dương Văn Minh và nội các bị bắt lúc 9 giờ 30 phút.

Tổng Thống Dương VĂn Minh đọc lời đầu hàng vô điều kiện trước máy ghi âm

 

Sau đó Đồng chí Lê Trọng Tấn Phó tư lệnh mặt trận kiêm tư lệnh cánh Đông điện về Hà Nội “ Kính gửi tổng  hành dinh, quân đoàn 2 chiếm và làm chủ Dinh Độc Lập lúc 2 giờ 30 phút giờ Quốc Tế”. Ngày đó Sài Gòn theo muối giờ thứ 8 miền Đông nên cả thế giới đều biết 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 chế độ tay sai Mỹ ở Miền Nam Việt Nam hoàn toàn sụp đổ. Trung đoàn bộ trung đoàn 24 đến cầu Xa Lộ thì quay lại Long Bình đóng quân. Lúc ấy ở đầu cầu Xa Lộ, anh hùng Lê Mã Lương – Đại úy – Phó chủ nhiệm chính trị trung đoàn trong sở chỉ huy tiền phương của trung đoàn cho biết: “Sở chỉ huy cùng mũi thọc sâu của trung đoàn đã có mặt vào thời điểm đầu tiên quân ta chiếm Dinh Độc Lập”. Đồng chí Lê Hữu Vạn quê Yên Thái Huyện Yên Định là một trong số ít cán bộ cấp trung đoàn có mặt đầu tiên ở Dinh Độc Lập. Trung đoàn 24 được tuyên dương Anh Hùng, sư đoàn 304 được tuyên dương Anh Hùng. Tôi luôn tự hào Về truyền thống của đơn vị, đơn vị mà mình đã góp phần xương máu, trí tuệ, sức lực để có một truyền thống tốt đẹp. Sau 7 năm 3 tháng kể từ ngày nhập ngũ và 8 năm 8 tháng kể từ ngày rời quê hương ra đi, tôi đã đến được Sài Gòn. Một chặng đường đầy gian nan, xếp bút nghiên, cầm súng, cống hiến hết sức trẻ để giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Sau nhiều năm chiến đấu đến được Sài Gòn là một sự may mắn ngẫu nhiên, đồng thời là điều tất yếu của lớp lớp thanh niên thế hệ Cụ Hồ. Như bao người còn sống khác, sau 34 năm độc lập, mỗi lần nhớ về trung đoàn, sư đoàn trong lòng tôi lại reo lên “ Ba Linh Tư Sư Đoàn Thép”.

Thực Hiện: Ban biên tập  Đài TT– TH Yên Định Biên Soạn

 

Từ khóa » Sư 304