Không được Phép Chủ Quan Với Dịch Bệnh COVID-19

Tuy nhiên, dịch bệnh cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phục hồi kinh tế-xã hội của thành phố, các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều suy giảm và đạt thấp so với kế hoạch; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động, giải thể (từ đầu năm đến tháng 9/2021 đã có 542 doanh nghiệp giải thể, 2.297 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động); tỷ lệ thất nghiệp, mất việc làm tăng nhiều vấn đề về an sinh xã hội phát sinh.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm xã hội GRDP của thành phố tăng trưởng âm 1,25% so với cùng kỳ năm 2020, nhất là khu vực dịch vụ. Trong đó, du lịch là một trong những ngành bị tác động nặng nề nhất, lượng khách du lịch sụt giảm nghiêm trọng, doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành giảm 36,9%. Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thương mại thế giới giảm mạnh và thị trường nội địa yếu. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 4,16% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 15.049,8 tỷ đồng, bằng 69,1% dự toán HĐND thành phố giao.

Thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho hơn 34.000 học sinh lớp 8, 9

Tuy tăng trưởng kinh tế giảm sút, thu ngân sách bị ảnh hưởng, nhưng thành phố đã chú trọng thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tính đến ngày 06/11/2021, Đà Nẵng đã chi trả, hỗ trợ cho 150.905 hộ/156.852 hộ với tổng kinh phí hơn 155 tỷ đồng.

Tính đến ngày 18/11, cả nước đã tiêm trên 103.683.045 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó Đà Nẵng là 18/63 địa phương có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine cho trên 95% dân số từ 18 tuổi trở lên; 23/63 địa phương có tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều vaccine cho 50% dân số từ 18 tuổi trở lên và là 1 trong 17 địa phương đang triển khai tiêm vaccine cho trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi.

Thế nhưng, trong những ngày gần đây, thành phố liên tục phát hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng. Điều đó cho thấy nguy cơ vẫn luôn hiện hữu với những biến thể mới, diễn biến khó lường của dịch COVID-19 có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Theo quan sát hiện nay, người dân thành phố đã bắt đầu có sự chủ quan khi đã tiêm đủ liều vaccine nên có nơi, có lúc còn lơ là, không tuân thủ trong thực hiện quy định 5K cũng như các khuyến cáo an toàn, xem nhẹ các biện pháp phòng chống dịch hay tâm lý “xả hơi”, “tranh thủ” sau các đợt giãn cách xã hội. Có thể dễ dàng thấy tại nhiều quán ăn, quán café, nhất là nhà hàng, quán nhậu… việc khách hàng không đảm bảo khoảng cách, không đeo khẩu trang, thậm chí không khai báo y tế, không quét mã QR là khá phổ biến.

Thời gian qua, Đà Nẵng đã kiểm soát tốt dịch bệnh và bắt đầu nới lỏng các hoạt động kinh tế-xã hội nhờ tinh thần dập dịch quyết liệt, không chủ quan, luôn chủ động khoanh vùng, cách ly kịp thời. Nhưng việc ghi nhận trở lại các ca bệnh trong cộng đồng mà nguyên nhân chủ yếu do người về từ vùng có dịch. Những trường hợp này đa số xuất phát từ việc chủ quan, không khai báo, không tuân thủ việc cách ly y tế tại nhà, bởi cho rằng bản thân đã được tiêm đủ 02 liều vaccine phòng COVID-19.

Khi cuộc sống bình thường mới, mỗi người dân đều phải thực hiện tốt, xuyên suốt quy định 5K và các nguyên tắc an toàn, không để dịch bệnh có cơ hội bùng phát trở lại

Việc bao phủ vaccine và thuốc điều trị chỉ có thể giúp làm giảm số ca nặng và tử vong chứ không chấm dứt được dịch bệnh. Do đó, trong công tác phòng chống dịch COVID-19 phải lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài và để duy trì thành quả của công tác phòng chống dịch phụ thuộc vào sự chung sức của các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp và cả cộng đồng. Trong đó, vai trò của từng người dân, doanh nghiệp trong phòng chống dịch vừa là chủ thể, vừa là trung tâm là hết sức quan trọng.

Trong bối cảnh hiện nay, việc loại trừ, xóa sổ virus SARS-CoV2 có thể là bất khả thi thì việc xác định và xây dựng các phương án “sống chung với dịch” là điều tất yếu. Sống chung với dịch không có nghĩa là đầu hàng, mà phải xem đây là một sự thay đổi về chiến lược để từng bước làm chủ tình hình và tiến đến kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh.

Theo đó, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ đã ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” với những thay đổi về quan điểm và giải pháp trong phòng chống dịch COVID-19. Mở cửa – không có nghĩa là không tiếp tục phòng chống dịch mà chuyển sang phòng chống dịch với tinh thần, tâm thế mới. Chống dịch nhưng không “khóa chặt”, “chôn chân” người dân một chỗ mà kiểm soát một cách khoa học, linh hoạt và tạo điều kiện cho người dân mưu sinh.

Chính vì vậy, khi cuộc sống bình thường mới dần trở lại thì các biện pháp phòng dịch tại nơi kinh doanh, sản xuất, nơi làm việc… càng phải tiếp tục được duy trì. Cần xác định dù đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 nhưng mỗi người dân đều phải thực hiện tốt, xuyên suốt quy định 5K và các nguyên tắc an toàn, không để dịch bệnh có cơ hội bùng phát trở lại.

HÀ NGUYÊN

Từ khóa » đà Nẵng Nới Lỏng Giãn Cách Xã Hội 2021