“Không Giẫm Chân Lên Cỏ”, Sao Khó Vậy!

Riêng ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vẫn còn bên hồ Văn những thảm cỏ giữ được để hoa hồng ta còn có chỗ mà thơm với đất nâu. Những tấm biển ở Văn Miếu, trong công viên, trong những điểm du lịch quanh hồ Tây bên chùa Võng Thị hay đến chùa Sài, đền Trấn Vũ đều có biển: “Không giẫm lên cỏ”. Nhưng rồi những ngày chủ nhật, lễ hội diễn ra khắp mùa xuân, rồi khách thập phương vẫn nhón gót giày cao gót giẫm lên cỏ chụp ảnh tự sướng. Họ thi nhau chụp ảnh, không cần biết ai nhắc và cứ hồn nhiên vô cảm như vậy. Trong Văn Miếu vẫn có những người lặng lẽ quét lá khô trên cỏ, người vẫn giữ cho cái thảm xanh dịu mát kia giúp cho ta nhìn cỏ mà yên lòng. Có lẽ Văn Miếu có nhiều cỏ xanh nhất trong các đền đài sau tôn tạo luôn luôn co hẹp lại sân cỏ. Trong mắt người Hà Nội xưa như bà Ánh Nga đi lễ chùa nuối tiếc: “Chùa nào cũng có sân sau, toàn là đất xôi đất thịt trồng hoa hồng ta và hoa mộc, hoa ngâu. Giờ thì sân sau cũng lát bê-tông, lát gạch hết cả. Hơi thở của đất đai cũng không có chỗ cho con người tìm về với xưa cũ”.

Ngay cả chùa Tảo Sách cũng vậy, sân sau chùa cũng lát gạch và đổ bê-tông, chùa tôn tạo và đang dỡ đi ký ức, những sơn thếp mới, những tượng phật mới, cảm giác thì lạ lẫm và không còn thấm tháp đất đai như xưa. Sân trước, sân sau chùa, đều mất dần đất vườn. Thay thế là gạch và bê-tông. Ký ức như chết đuối trong đất nâu sân chùa, sân đền.

Ai đó kia vẫn nhảy qua tường rào, vẫn giẫm chân lên cỏ để chụp ảnh. Người người đi chơi trong Công viên Thống Nhất vẫn giẫm lên cỏ, đi tắt như một lẽ đương nhiên và họ sẵn lòng vứt rác lên cỏ dù thùng rác cách đó không bao xa.

Ý thức công dân của người dân bốn phương đổ về Hà Nội, họ mang theo lối sống của quê mùa, có người còn mang theo sự ồn ã của xới vật. Và khắp nơi nơi, chỗ nào cũng trèo lên, giang tay ra chụp ảnh, giẫm nát lên hoa, lên cỏ để thỏa mãn sự vui thích cá nhân. Không cần biết sau đó những người âm thầm lặng lẽ đi trồng lại hoa và, trồng lại cỏ.

Tôi nhìn cỏ thường tự hỏi: Đến bao giờ trong mỗi con người chúng ta biết trân trọng cỏ cây, hoa lá, cho cỏ đỡ đau, cho lá đỡ nhàu, và bạn ơi, biển kia đã nhắc xin đừng giẫm lên cỏ!

Từ khóa » Giẫm Chân Lên Cỏ