“Không Gian Văn Hoá Dân Tộc Dao” Giữa Lòng Hà Nội

Tuần văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội khai mạc tối ngày 15/4, diễn ra tới ngày 17/4 tại vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội.

Dân tộc Dao có các tên gọi khác như: Đông, Trại, Dìu Miền, Kim Miền… Đồng bào Dao là dân tộc có số dân đứng thứ 9 trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, với gần 1 triệu người. Người Dao cư trú chủ yếu tại các tỉnh như: Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang…

Dân tộc Dao có đời sống văn hóa, tinh thần phong phú thể hiện qua các lễ hội cổ truyền, các phong tục tập quán, nghi lễ lâu đời. Nền văn hóa có ngôn ngữ, chữ viết, truyện, thơ, tục ngữ, dân ca, dân vũ, mỹ thuật... trong đó có nhiều lễ tục, diễn xướng dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tiêu biểu như: Lễ cúng Bàn Vương, Lễ cấp sắc, Tết Nhảy...

Người Dao ở Hà Giang với các nhóm Dao đỏ, Dao trắng, Dao tiền, Dao áo dài, Dao lô giang sinh sống chủ yếu bằng canh tác nông nghiệp trên các thửa ruộng bậc thang. Nhà ở bao gồm nhà sàn, nhà đất, hoặc nửa đẩt, nửa sàn. Người Dao được đánh giá là dân tộc bảo tồn và lưu giữ nhiều loại hình văn hóa mang đậm nét đặc trưng riêng biệt nhất trong 19 dân tộc sinh sống tại Hà Giang.

Trong chương trình nghệ thuật mở màn Tuần văn hoá du lịch 6 tỉnh Việt Bắc, không gian văn hoá dân tộc Dao mang tới công chúng Thủ đô các tác phẩm dân ca, dân vũ đặc sắc gắn liền với con người, đời sống văn hóa, bản sắc của đồng bào dân tộc Dao do Đoàn nghệ thuật các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Học viện múa Việt Nam, Nghệ nhân dân tộc Dao huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang biểu diễn.

Màn hát múa “Lời ru chiều vàng” của đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang mở màn Chương trình.
Tiếp nối Chương trình là màn múa Mầm Xanh (dân tộc Dao) của Trung tâm Văn hoá nghệ thuật (VHNT) tỉnh Thái Nguyên.
“Tôi xưa nay Hà Nội” do tập thể nghệ sỹ Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long biểu diễn.
Tuyên Quang - vùng đất sơn thuỷ hữu tình, nơi sinh sống của 9 ngành Dao sinh sống, cây gậy Tiền và những quả chuông trên trang phục mùa lễ hội là những đặc trưng văn hoá, mang đậm nét tín ngưỡng, tâm linh của những chàng trai cô gái người Dao.
Điệu múa “Trên đỉnh Phja oắc” của dân tộc Dao tiền, tỉnh Cao Bằng.
Người Dao tiền ở Cao Bằng có đời sống tinh thần phong phú qua nhiều giai đoạn lịch sử, đến nay còn lưu giữ, trong đó có nhiều tập tục, trang phục truyền thống nghi lễ đặc sắc. Những tập tục, nghi lễ đó đều hướng tới ý nghĩa giáo dục con cháu hướng về cội nguồn, lịch sử dân tộc.
"Nhớ ngày gặp lại” của đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn.
Điệu múa “Vọng núi” Hà Giang.
Đời sống tinh thần người Dao phong phú thể hiện qua các Lễ hội cổ truyền, lễ tục, nghệ thuật diễn xướng dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ như Lễ cúng Bàn Vương, Lễ Cấp sắc, Tết Nhảy…
Trong đời sống tín ngưỡng các ngành Dao đều có phong tục thờ cúng Bàn Vương (ông Tổ của người Dao).
Trong đêm nghệ thuật, Lễ cúng Bàn Vương được tái hiện trích đoạn giúp công chúng hiểu hơn về đời sống, tín ngưỡng của đồng bào Dao.
Nghi thức trong lễ cúng Bàn Vương của người Dao đỏ biểu đạt qua ngôn ngữ nghệ thuật múa.
Lễ cúng Bàn Vương là một nghi lễ phản ánh đậm nét tính nhân văn, hướng con người luôn nhớ đến nguồn cội tổ tiên của người Dao. Nghi lễ lâu đời này còn là sợi dây kết nối cộng đồng, giúp tăng cường tình đoàn kết gắn bó trong cộng đồng người Dao ở vùng Việt Bắc
Du khách đến với Tuần văn hoá du lịch 6 tỉnh Việt Bắc. Tại không gian trưng bày các gian hàng giới thiệu sản phẩm được thưởng thức những đặc sản vùng miền, chiêm ngưỡng và trải nghiệm các sản phẩm du lịch tiêu biểu ở các địa phương tham dự Tuần văn hoá giới thiệu. Trong tuần văn hóa cũng tổ chức triển lãm ảnh với 120 bức ảnh phong cảnh đẹp của 6 tỉnh Việt Bắc.

Từ khóa » Dân Tộc Dao ở Hà Giang