Không Khai Báo Hoặc Khai Báo Không Kịp Thời Trường Hợp Mắc Bệnh ...

Không khai báo hoặc khai báo không kịp thời trường hợp mắc bệnh Covid-19 của bản thân hoặc của người khác bị xử lý như thế nào?

09/11/2021

Hỏi. Khi địa phương đang bùng phát dịch bệnh Covid-19, do cảm thấy mệt mỏi, khó thở nên chị Phương đặt mua bộ kit test nhanh COVID-19 tại nhà và cho kết quả dương tính. Vì quá hoảng sợ, chị Phương đã không dám khai báo với cơ quan y tế mà tự điều trị tại nhà. Hành vi không khai báo của chị Phương có vi phạm pháp luật không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 47 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì khi có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch.

Bên cạnh đó, căn cứ Khoản 3 Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì hành vi “Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật” thuộc một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

Theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi “Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A” bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Như vậy, nếu người mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch không tuân thủ việc khai báo y tế theo các quy định trên thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 20 triệu đồng.

Ngoài ra, hành vi không khai báo y tế dẫn đến gây hậu quả làm lây lan dịch bệnh có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người (Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017))./.

PHÒNG PHỔ BIỀN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Từ khóa » Tội Lây Lan Dịch Bệnh Cho Người Khác