Không Muốn Bị Cúm, Sởi, Thủy đậu… Hãy Trữ Sẵn Bồ Kết Trong Nhà

Không muốn bị cúm, sởi, thủy đậu… hãy trữ sẵn bồ kết trong nhà Cập nhật ngày: 07/04/2016 04:22:13

Xưa ông bà ta đốt bồ kết để trừ tà, còn nay khoa học đã cho thấy tính năng diệt vi rút tuyệt vời của nó …

Thời tiết nồm ẩm của những ngày tháng 3, tháng 4 là điều kiện tốt nhất để vi khuẩn sinh sôi nẩy nở. Hơi nước từ dưới thì cống rãnh bốc lên, trên thì độ ẩm nén xuống, nên trong không gian sống của chúng ta chứa đầy vi khuẩn.

Khói bồ kết có tác dụng diệt vi rút trong không gian nhà bạn. Ảnh minh họa

Nấm mốc do nồm ẩm ngoài những vết rêu mốc trên tường, sân nhà... còn là các vi nấm lơ lửng trong không khí, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu... mà mắt thường không thấy.

Nếu không biết làm giảm độ ẩm trong nhà, sớm dọn sạch đồ vật bị nấm mốc thì những người trong nhà rất dễ bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp. Đặc biệt, với người bị bệnh hen suyễn rất dễ bị lên cơn nếu dị ứng với bụi nhà.

Một mẹo làm sạch vi khuẩn trong nhà bằng phương pháp hết sức đơn giản mà tiết kiệm là đốt bồ kết. Đây là phương pháp dân gian mà các cụ xưa sử dụng để “trừ tà” trong những ngày cuối năm và những ngày ảm đạm của nồm ẩm.

Nhìn theo cách nhìn của khoa học thì việc “trừ tà”, hay đuổi tà khí theo quan niệm của các cụ xưa chính là diệt sạch virus trong không gian sống.

Nông dân thường dùng bồ kết chữa bệnh cho vật nuôi. Khi trâu, bò, gà, lợn chết hàng loạt, bà con đã xông khói bồ kết liên tục nhiều ngày đêm, bằng cách đốt các đống trấu lớn, thỉnh thoảng ném vài quả bồ kết vào, bồ kết cháy âm ỉ, khói tỏa ra, bay vào chuồng nuôi, gia cầm gia súc hít thở khói đó sẽ phòng được bệnh dịch.

Hiện phương pháp này không mấy ai biết. Cây bồ kết cũng vắng bóng tại các vùng quê bởi sự thay thế của các loại hóa chất diệt khuẩn. Nhiều người đã không biết rằng, quả bồ kết có công năng tuyệt vời để hạn chế, loại trừ vi rút, vi khuẩn trong không gian ngôi nhà bạn.

Bồ kết có tên khoa học là Fructus Gleditschiae, và có các tên gọi khác là chùm kết, tạo giác, tạo giáp, trư nha tạo giác.

Bồ kết mọc hoang và được trồng khắp nơi ở nước ta. Bộ phận dùng: quả bồ kết gọi là tạo giác. Gai bồ kết gọi là tạo giác thích. Hạt bồ kết gọi là tạo giác tử. Chất saponin có trong vỏ quả bồ kết có tác dụng, ức chế virus, kháng khuẩn, kháng nấm. Chính vì vậy khói bồ kết không chỉ diệt sạch vi khuẩn nấm, các loại virus làm sạch môi trường mà còn có tác dụng chữa bệnh cả ở người và vật nuôi.

Từ kinh nghiệm cổ truyền của nhân dân ta và những kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Bồ kết và các hoạt chất của nó có tác dụng chống vi khuẩn, virus ngay trên cửa ngõ xâm nhập vào đường hô hấp. Phương pháp đốt bồ kết xông khói âm ỉ, liên tục, giúp saponin và các hợp chất khác thăng hoa, lẫn trong khói, lan tỏa vào đường hô hấp, bám đọng vào niêm mạc và phát huy tác dụng chống mầm bệnh.

Khói bồ kết giúp chống suy giảm hô hấp, thở khó, đây là dấu hiệu bệnh lý trầm trọng nhất của căn bệnh viêm phổi cấp tính do vi-rus. Các nhóm flavonozid có trong bồ kết tham gia bảo vệ thành mao mạch, duy trì sự bền vững của mao mạch, hạn chế xuất huyết...

Theo phó giáo sư Phạm Khắc Kiều và tiến sĩ Bùi Thị Tho, bộ môn Dược lý trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội: Bồ kết và các loại hoạt chất của nó có tác dụng, chống suy giảm hô hấp, khó thở - đây là dấu hiệu bệnh lý trầm trọng nhất của căn bệnh viêm phổi cấp tính do virus H5N1 (cúm gia cầm) gây nên và làm gia cầm mắc bệnh chết nhanh vì suy hô hấp.

Nên tích trữ bồ kết để đốt lên mỗi ngày xua tan bệnh tật mùa nồm. Ảnh minh họa

Theo Đông y, quả bồ kết có vị cay, mặn, tính ôn, hơi có độc,vào kinh phế, đại tràng, có tác dụng thông khiếu, khử đờm, tiêu thũng, gây hắt hơi, dùng làm thuốc tiêu đờm, thông đại tiện, sát trùng…

Lương y Nguyễn Thị Thúy Hằng - Nhà thuốc Phúc Hưng Đường, Nguyễn Quý Đức, Hà Nội cho biết: “Quả bồ kết được dùng để thông khiếu chữa cảm cúm, ngạt mũi, sổ mũi cho những người bị trúng gió hoặc trúng phong. Cách dùng là có thể sấy khô hoặc đốt thành than, tán bột rồi pha nước uống, đắp ngoài da hoặc xông hơi.

Chất saponin trong vỏ quả bồ kết cũng có tác dụng chữa long đờm, chữa ho…

Bồ kết có nhiều công năng tuyệt vời nhưng nó cũng có tính độc nên các bác sĩ đông y khuyến cáo không nên quá lạm dụng.

Theo GS Bùi Công Hiển, khoa Sinh, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, có thể sử dụng bồ kết phơi khô, cây hương nhu, cây gỗ thơm, vỏ bưởi, bã mía… đốt tạo khói trong nhà. Lưu ý chỉ đốt với số lượng vừa phải để tạo ra một làn khói thoang thoảng trong nhà, tránh bị ngạt. Có thể đốt vào thời điểm buổi chiều tối hoặc trước khi đi ngủ. Nhà sẽ có mùi thơm của tự nhiên, đồng thời ruồi, muỗi, gián, kiến cũng như các loại côn trùng sẽ không có chỗ ẩn náu và buộc phải bay ra khỏi nhà.

Việc đốt bồ kết để xông mũi khi ngạt mũi, mắc bệnh cúm cũng cần lưu ý không được đốt quá liều lượng cho phép.

Theo lương y Nguyễn Thị Thúy Hằng, đối với những người khỏe mạnh mỗi lần có thể dùng 3-4 quả bồ kết đốt lên rồi cho khói xông mũi, 1 lát sau sẽ thông thoáng, dễ thở. Còn đối với trẻ nhỏ mỗi lần chỉ nên sử dụng từ 1-2 quả.

Ngoài ra, bồ kết cũng được chống chỉ định cho một số đối tượng sau:

- Những người ho ra máu, nôn ra máu và phụ nữ có thai cần tuyệt đối không nên dùng bồ kết.

- Những người mắc chứng hen suyễn, người yếu hoặc đang đói cũng không được dùng.

- Người bị dị ứng với tinh dầu bồ kết cũng không nên dùng cách này để chữa vì nó rất dễ gây ra dị ứng, ngạt thở nguy hiểm cho tính mạng.

Ngân Khánh / GiadinhNet

Từ khóa » Khói Quả Bồ Kết