Không Nên Gọi “hoa” Lạ Là Hoa ưu đàm

HỎI: Gần đây, trên các phương tiện truyền thông có đăng tải những tin tức và hình ảnh về “hoa ưu đàm”. Theo đó thì “hoa ưu đàm” này rất lạ, mọc bất cứ nơi đâu như lá cây, ngọn cỏ, kim loại, kính và ngay cả trên mặt tượng Phật. Nhiều người đưa ra các giả thiết khác nhau như có thể là một loài nấm nhầy, hay trứng của bọ lacewing, và không ít người tin đó là hoa ưu đàm trong kinh Phật có nhắc đến là 3.000 năm mới nở một lần. Vậy theo quý Báo, đó có phải hoa ưu đàm không?

(TRÍ VIỆT, PhuongVan@gmx.de; THANH MINH, Đà Lạt, Lâm Đồng)

Bạn Trí Việt và Thanh Minh thân mến!

Ưu đàm, Phạn ngữ là udumbara, Hán phiên âm ưu đàm ba la, ô đàm bát la, uất đàm v.v… Hán dịch nghĩa là linh thụy hoa, thụy ứng hoa, không khởi hoa. Theo một số kinh điển Phật giáo Bắc truyền, ưu đàm là một loại cây thiêng, ba ngàn năm mới nở một lần, mỗi lần hoa nở báo hiệu điềm lành Phật ra đời hay Chuyển luân Thánh vương xuất hiện (Kinh Vô lượng thọ, Pháp hoa văn cú, Huệ Lâm âm nghĩa…).

Từ điển Phật học Huệ Quang (tập VII, tr.5943) ghi: “Ưu đàm, tên khoa học Ficus Glomerata, thực vật ẩn hoa thuộc họ Cây dâu. Thân cây cao hơn 3 mét”. Từ điển Phật học Hán Việt (Nxb KHXH) ghi: “Cây ưu đàm mọc ở các nơi như núi Himalaya, cao nguyên Deccan và nước Sri Lanka v.v… Thân cây cao hơn một trượng, lá có hai thứ: một thứ phẳng trơn, một thứ thô nhám, cả hai thứ đều dài khoảng 4,5 tấc, nhọn đầu. Hoa lưỡng tính rất bé, mọc kín ở lõm sâu trong đài hoa, nên thường nhầm là loại cây không hoa. Hoa xếp như nắm tay hoặc như ngón tay cái, thành chùm hơn chục đóa, ăn được nhưng vị không ngon”.

Bọ Lacewing và trứng khá giống với "hoa" lạ

Bọ Lacewing và trứng khá giống với "hoa" lạ

Ưu đàm trong Kinh tạng Pàli, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch và chú giải là cây sung (tên khoa học là Ficus Glomerata): “Ví như cây bồ-đề, cây bàng, cây sanh (pilakka), cây sung (udumbara)…; những cây lớn này, này các Tỷ-kheo, sanh từ hột giống nhỏ, có thân cây lớn, lớn lên bao trùm các cây khác”. (Kinh Tương ưng bộ V, chương 2, phẩm Triền cái, phần Cây, Nxb Tôn Giáo, 2000, tr.153). “Ví như, một người đem củi khô từ cây saka lại và nhen lửa, lửa sẽ hiện ra. Và một người khác đem củi khô từ cây sala lại và nhen lửa, lửa sẽ hiện ra. Rồi có một người khác đem cây củi khô từ cây xoài lại và nhen lửa, lửa sẽ hiện ra. Rồi có một người khác đem cây củi khô từ cây udumbara (cây sung)lại và nhen lửa, lửa sẽ hiện ra” (Kinh Trung bộ II, kinh Kannakatthala, số 90, Viện NCPHVN ấn hành năm 1992, tr.635).

Rõ ràng, xét theo kinh điển Phật giáo thì ưu đàm là một loài cây lớn, có cành lá xanh tốt. Chính cây ưu đàm đã che mát cho Phật Câu Na Hàm Mâu Ni trong khi Ngài tọa thiền và chứng đạt giác ngộ tối thượng. “Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Konagamana (Phật Câu Na Hàm Mâu Ni) bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ dưới gốc cây udumbara (ô-tam-bà-la)” (Trường bộ kinh, kinh Đại Bổn, Viện Nghiên cứu Phật học VN ấn hành năm 1991, tr.436).

Mặc dù kinh điển Phật giáo không mô tả hình dáng cụ thể của hoa ưu đàm nhưng trong chừng mực nào đó chúng ta đã xác định được cây ưu đàm là loài cây cao lớn (nói theo Hòa thượng Thích Minh Châu là cây sung). Nên những cái gọi là “hoa ưu đàm” mọc khắp nơi hiện nay chắc chắn không phải là hoa ưu đàm theo như kinh Phật đã nói. Thiết nghĩ, khi các nhà khoa học chưa nghiên cứu và định danh “hoa” lạ thì chúng ta cũng không nên tùy tiện gọi chúng là hoa ưu đàm, một biểu tượng thiêng liêng trong Phật giáo.

Chúc các bạn tinh tấn!

Từ khóa » Hoa đàm ưu