Không Phải Tốn Nhiều Tiền Mới Chơi được Tennis

(SGTT) - Tennis có tiếng là bộ môn thể thao kén người chơi, bởi nó đòi hỏi họ phải có nền tảng thể lực tốt để vận động cũng như phải có nhiều tiền vì chi phí mua dụng cụ, thiết bị khá mắc. Tuy nhiên, một số huấn luyện viên tennis và chủ cửa hàng kinh doanh chuyên về tennis cho rằng bộ môn này không còn khó tiếp cận như trước nữa.

Ngoài việc tìm thầy để học, tìm sân để chơi, người chơi tennis cần sắm sửa cho mình bộ đồ chơi tennis với những món gồm bộ trang phục, bộ vợt, bóng cũng như một chiếc túi đựng các vật dụng cá nhân.

Vợt cũ quen tay

Không chỉ những người mới chơi tennis muốn tiết kiệm chi phí, kể cả những người chơi lâu năm muốn tìm một cây vợt quen tay, phù hợp với lối đánh của mình cũng có nhu cầu tìm mua vợt cũ.

Khi mua vợt, người mua cần lưu ý những điểm sau: vợt vẫn còn tem, nước sơn đều, không lồi lõm, khung vợt không bị nứt, gãy, ron vợt đều, bằng nhau. Ngoài ra, đối với người mới chơi tennis, có thể nhờ huấn luyện viên tư vấn chọn vợt sao cho các thông số của vợt như trợ lực, chiều dài, độ căng dây, mặt vợt phù hợp với thể lực của mình hoặc tìm mua vợt tại những của hàng uy tín để được nhân viên tại đó tư vấn.

Giá bán vợt cũ được giảm khoảng 30-40% so với giá vợt mới tùy theo năm sản xuất của vợt. Giá dao động từ 500.000 đồng đến ba triệu đồng mỗi cây vợt. Ngoài ra, nếu muốn mua vợt mới, người chơi vẫn có thể tiết kiệm nếu không chạy theo xu hướng. Trên thị trường, những hãng vợt được các tay vợt nổi tiếng thế giới lựa chọn như Wilson, Bapolat, Head, Yonex… có giá bán trung bình khoảng bốn triệu đồng mỗi cây vợt. Vì vậy, người mới chơi tennis có thể lựa chọn các hãng vợt ít tên tuổi hơn để tiết kiệm chi phí mua vợt.

Sau 3 – 4 tháng, người chơi cần đan lại mặt vợt. Khi mới tập nên đan chùng, khi đã chơi thành thạo có thể đan căng hơn để thay đổi khả năng kiểm soát bóng. Các loại cước đan vợt trên thị trường rất đa dạng về thương hiệu và chủng loại như dây cứng, dây mềm, dây kẽm, kẽm xoắn tùy theo lối đánh của người chơi. Giá cước đan vợt dao động từ 70.000 đồng đến một triệu đồng một bộ.

Đừng chọn trang phục theo hãng

Thời trang tennis bao gồm quần áo, vớ, nón… với nhiều hãng cho người chơi lựa chọn như Adidas, Nike, Under Amour, Uniqlo… Đặc biệt, Uniqlo hiện được yêu thích bởi sự xuất hiện của các tay vợt thế giới như Roger Federer và Nishikori Kei trong trang phục của hãng này. Mỗi món đồ thời trang có giá tương đối cao, từ 500.000 đồng/món trở lên tùy theo hãng. Vì thế, để tiết kiệm chi phí, người chơi có thể lựa chọn trang phục rộng rãi, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt thay vì trang phục từ các thương hiệu lớn.

Giày: đúng loại, chỉ một đôi

Người chơi cần chú ý mang giày chính hãng dành riêng cho môn tennis vì giày sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến xương khớp, nếu chọn sai giày sẽ làm tăng nguy cơ bị chấn thương. Thị trường hiện có các thương hiệu giày tennis như Nike, Adidas, Bapolat… với giá bán dao động từ hai đến ba triệu đồng tùy theo dòng và đời giày.

Để tiết kiệm chi phí, người chơi có thể chọn mua giày vào dịp cuối năm, khi có đợt giảm giá khoảng 20% cho các mẫu cũ từ năm 2018 trở về trước, và nên mua giày tại các cửa hàng đồ tennis hoặc cửa hàng giày của hãng.

Ngoài ra, người chơi cần lưu ý, chỉ nên mua một đôi giày trong suốt quá trình chơi vì khi không được sử dụng, giày sẽ bị oxy hóa, mục chất liệu và mất độ êm. Sau 3 – 6 tháng, khi đế giày bị mòn, người chơi cần đem đến các cửa hàng để dán lại. Cần chú ý lựa chọn những cửa tiệm chuyên dán giày vì nếu đế bị dán lệch dù chỉ là một cm cũng sẽ làm ảnh hưởng đến vận động, có thể gây chấn thương. Dán một cặp đế giày giá khoảng 100.000 đồng.

Để vệ sinh giày, không nên giặt nhiều mà chỉ nên lau bên ngoài hoặc giặt khô, đồng thời không phơi nắng để tránh giày bị bung keo và bảo quản nơi thoáng mát.

Túi xách - balo

Túi hay balo dùng đựng vợt, giày và vật dụng cá nhân khi ra sân. Cả balo và túi đều có nhiều hãng cho người chơi lựa chọn như Head, Bapolat, Yonex, Prince… Túi cho phép người chơi xách hoặc đeo lên vai với nhiều ngăn, thuận tiện để nhiều hơn hai cây vợt, laptop và phụ kiện với chất liệu chống thấm. Đặc biệt, nhiều loại túi có thiết kế sang trọng và được quảng cáo là dành riêng cho các tay vợt thế giới như Maria Sharapova hay được Roger Federer sử dụng tại giải Wimbledon 2019. Túi có giá từ một triệu đồng đến trên hai triệu đồng tùy theo thương hiệu, kích thước và chất liệu.

Balo có kích thước nhỏ hơn túi và chứa được tối đa hai cây vợt song cũng có nhiều ngăn để đựng chai nước, quần áo và phụ kiện tương tự như túi. So với túi, balo có giá mềm hơn, dao động từ 1,5 triệu đồng đến trên dưới 2 triệu đồng tùy theo hãng. Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí, người chơi có thể sử dụng bao vợt có sẵn khi mua hoặc đựng vợt và vật dụng cá nhân trong một chiếc balo đủ lớn.

Sân tennis

Khi mới bắt đầu chơi, người chơi cần tập những động tác kỹ thuật và phát bóng. Những hoạt động này không yêu cầu sân tập rộng lớn, do đó, người chơi có thể tập phát trong chuồng, nơi được thiết kế để bóng va vào tường và dội lại, thuận lợi cho việc tập. Giá thuê chuồng cũng rẻ hơn sân. Cụ thể, giá thuê chuồng tính theo giờ như sau: vào ban ngày khoảng 30.000 đồng, buổi tối: 60.000 đồng; tương tự giá thuê sân (chưa kể dịch vụ nhặt banh) buổi sáng: 130.000 đồng (trước 9 giờ sáng) và 120.000 đồng (sau 9 giờ sáng); buổi trưa: 100.000 đồng; buổi tối: 300.000 đồng. Vì thế, các nhóm chơi tennis muốn tiết kiệm chi phí, có thể thuê sân chơi buổi trưa.

Bóng tennis – cũ người mới ta

Những người mới chơi tennis cần chuẩn bị một số lượng bóng để tập giao bóng. Để tiết kiệm chi phí, người chơi có thể tìm mua bóng cũ có giá 10.000 đồng/bóng (khi mua với số lượng ít hơn 50 bóng) và 8.000 đồng/bóng (khi mua với số lượng nhiều hơn 50 bóng). Mức giá này rẻ hơn rất nhiều khi mua bóng mới có giá 100.000 đồng/hộp 3 trái. Tuy nhiên, người mua nên nắn bóp từng trái bóng để tránh mua phải bóng mềm, ảnh hưởng tới độ nảy của bóng.

Một số phụ kiện khácBên cạnh các vật dụng không thể thiếu khi chơi tennis, trên thị trường cũng có nhiều loại phụ kiện hỗ trợ người chơi như:Đĩa tập tennis: Đĩa có cấu tạo gồm phần đế nhựa kết nối với một banh tennis bằng một sợi dây đàn hồi, cho phép quả banh tự động trở lại sau khi được phát, dùng để luyện tập đỡ banh. Giá khoảng 100.000 đồng.Dây quấn cán: Dùng quấn cán vợt, giúp tăng độ bám tay, tránh trơn tuột trong quá trình tập do mồ hôi tay. Có nhiều chất liệu như cao su, vải cotton, da PU… Giá từ 10.000 đồng trở lên tùy theo thương hiệu, kích thước cuộn và chất liệu.Giảm chấn: Miếng giảm chấn được lắp trên mặt vợt nhằm giảm chấn động truyền vào cổ tay, giúp bảo vệ người chơi khỏi chấn thương, đặc biệt là phụ nữ. Giá các miếng giảm chấn từ 35.000 đồng tùy hãng.

Địa chỉ cửa hàng bán đồ thể thao tennis

eTennis Địa chỉ: 662 Phan Văn Trị, phường 10, quận Gò Vấp, TPHCM.Điện thoại: (028)3894.0178

Lan Anh SportĐịa chỉ: 362 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM.Điện thoại: (028) 3844.8609

Thanh Phương Địa chỉ: Huyền Trân Công Chúa, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM.Điện thoại: 0903.699.989

Tâm Lê

Từ khóa » Thuê Sân Tennis Tphcm