Không Tái Khám Sau Phẫu Thuật U Tuyến Giáp, Bệnh Thêm Trầm Trọng

Bệnh trở nặng do không tái khám sau phẫu thuật

Bệnh nhân T.M.M, 49 tuổi (Nguyên Bình, Cao Bằng), đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng trong tình trạng người mệt mỏi nhiều, run tay, đau tức ngực, khó thở nhẹ khi gắng sức, đánh trống ngực, phù 2 chân, bướu giáp độ I.

Được biết, bệnh nhân đã mổ cắt u tuyến giáp bán phần 10 năm. Sau mổ được bác sĩ hẹn khám lại nhưng do nhà xa, điều kiện kinh tế khó khăn lại không biết tiếng Kinh, do vậy dù thấy người mệt mỏi nhưng vẫn đi lại, làm việc được nên ngại không đi khám và không dùng thuốc gì.

Thời gian gần đây, người mệt mỏi nhiều hơn, sức khoẻ giảm sút nhiều, bệnh nhân được người nhà đưa đến viện khám.

Sau thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm độc giáp, suy tim, rối loạn giấc ngủ và được các bác sĩ khoa Nội tiết tích cực điều trị. Sau 14 ngày điều trị bệnh dần ổn định và được chuyển điều trị ngoại trú.

Sau phẫu thuật u tuyến giáp, cần làm gì để tránh biến chứng? - Ảnh 1.

Bệnh nhân M. biến chứng trở nặng do không tái khám sau phẫu thuật tuyến giáp.

Phòng bệnh tái phát sau phẫu thuật

Dùng thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ

BSCKI Đàm Minh Chung - Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện đa khoa Cao Bằng cho biết, tuyến giáp trạng là tuyến nội tiết lớn nhất của cơ thể, có chức năng tạo ra hormone tuyến giáp, điều chỉnh nhiệt độ cơ thể phù hợp với môi trường, giữ cho não luôn minh mẫn, điều hoà huyết áp, nhịp tim đều...

Người bệnh sau khi cắt bỏ tuyến giáp, ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ, đặc biệt có nguy cơ tái lại bệnh cường giáp trong trường hợp cắt tuyến giáp bán phần và suy giáp đối với phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp. Do vậy, sau phẫu thuật cần được theo dõi điều trị nội khoa để bù hormone tuyến giáp tránh bệnh tái phát.

Bệnh nhân u tuyến giáp sau phẫu thuật phải dùng thuốc thay thế hormon tuyến giáp trong suốt phần đời còn lại. Nếu không có thuốc thay thế, người bệnh sẽ bị mệt mỏi, trầm cảm, khó tập trung, trí nhớ kém, tăng cân, da khô, tóc khô gãy rụng, hay cảm thấy lạnh, táo bón, đau cơ, đau khớp, giảm ham muốn tình dục...

Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý tăng giảm liều hoặc bỏ thuốc sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Sau phẫu thuật u tuyến giáp, cần làm gì để tránh biến chứng? - Ảnh 2.

Sử dụng các thuốc thay thế hormon tuyến giáp phải được sự chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.

Tái khám định kỳ

Các bệnh tuyến giáp có thể hoàn toàn chữa khỏi nếu được phát hiện kịp thời. Vì vậy, mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần, cần coi khám sức khoẻ định kỳ như là một tiêu chuẩn cần thiết để bảo vệ sức khoẻ. Với mỗi giai đoạn bệnh khác nhau sẽ có các giải pháp điều trị khác nhau và điều trị càng sớm tiên lượng chữa khỏi càng cao.

Đặc biệt những trường hợp đã từng phẫu thuật tuyến giáp cần thường xuyên tái khám để kiểm tra tình trạng sức khỏe và mức độ hormone để điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp, tránh bệnh tái lại.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Để phòng bệnh tái phát sau phẫu thuật ngoài dùng thuốc đều đặn, tái khám định kỳ, người bệnh cần luôn giữ tâm lý thoải mái, không nên căng thẳng lo âu, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, không để bản thân quá béo hoặc quá gầy, tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất trong chế độ ăn.

Tuyến giáp sử dụng i-ốt có trong khẩu phần ăn hàng ngày để tạo ra hormon tuyến giáp, vì vậy biện pháp phòng ngừa tốt nhất đối với bướu giáp đơn thuần là ăn muối i-ốt, ăn đồ biển.

Ngoài ra, người bệnh cũng nên duy trì lối sống lành mạnh như tập luyện thường xuyên, không hút thuốc, uống rượu bia... để tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây bệnh từ bên trong cũng như bên ngoài cơ thể.

  • Tham khảo thêm

    Có được sử dụng hormone tuyến giáp khi mang thai không?

Từ khóa » Cắt Bỏ Tuyến Giáp