Không Thể Bác Bỏ Học Thuyết Kinh Tế Mác – Lê-nin

Tiếp theo*

II. Không thể bác bỏ học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác

Trước sự biến động nhanh của tình hình kinh tế và chính trị thế giới những thập kỷ gần đây, cộng với sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, một số người, nhất là học giả phương Tây cho rằng, Học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác không còn đúng nữa, đã lỗi thời và chủ nghĩa tư bản hiện đại đã thay đổi bản chất. Có đúng vậy không? Hay họ đã nhầm có dụng ý.

1. Giá trị lý luận Học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác

Học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác là nội dung cơ bản của học thuyết kinh tế Mác – Lê-nin và là "hòn đá tảng" trong học thuyết kinh tế của C. Mác. Nghiên cứu sự sản xuất ra giá trị thặng dư, nhằm vạch rõ nguồn gốc và bản chất của nó, từ đó vạch rõ bản chất bóc lột tư bản chủ nghĩa, v.v. Trước C. Mác, ngay cả những nhà kinh tế học lỗi lạc, như A.Đ.Smith (1723 - 1770) và Đ.V.Ricardo (1772 - 1823) đã không giải thích nổi vì sao trao đổi hàng hóa đúng giá trị mà các nhà tư bản vẫn thu được giá trị thặng dư.

Nhờ phân biệt được phạm trù sức lao động và lao động; nhờ phát hiện ra tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa (lao động cụ thể và lao động trừu tượng), nên C. Mác đã giải thích được làm thế nào mà trong quá trình lao động vừa sản xuất được giá trị mới (sáng tạo, nhập thêm), lại vừa bảo toàn được giá trị cũ (chuyển, làm tái hiện) vào sản phẩm mới. Nhờ phát hiện ra giá trị sử dụng đặc biệt của hàng hóa sức lao động có đặc tính sản sinh ra giá trị lớn hơn giá trị của chính nó và nhờ phân biệt được quá trình lao động và quá trình làm tăng giá trị (quá trình sản xuất giá trị thặng dư), C. Mác đã vạch rõ bản chất của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, thực chất của quá trình sản xuất giá trị thặng dư. Qua đó, đã làm rõ giá trị thặng dư được tạo ra trong sản xuất, chứ không phải là trong lĩnh vực lưu thông; lưu thông rất cần cho quá trình sản xuất và thực hiện giá trị thặng dư.

Nguồn gốc tạo ra giá trị thặng dư là sức lao động của công nhân làm thuê, chỉ có lao động sống (sức lao động đang hoạt động) mới tạo ra giá trị, trong đó có giá trị thặng dư. Nguồn gốc của giá trị thặng dư là sự tiêu dùng sức lao động kéo dài ngoài thời gian tái sản xuất ra giá trị của nó.

Cần lưu ý rằng: C. Mác không phải là người đầu tiên phát hiện ra lao động thặng dư; nhiều nhà kinh tế trước Ông đã bàn luận khá nhiều về nó (phái trọng nông). C. Mác đã kế thừa quan điểm của phái này, không những phát hiện ra giá trị thặng dư (lao động thặng dư kết tinh dưới hình thái giá trị) mà còn vạch rõ mối quan hệ giữa năng suất lao động, lao động thặng dư và giá trị thặng dư.

Nói về quá trình sản xuất ra của cải vật chất, ra hàng hóa, giá trị, giá trị thặng dư, C. Mác đã tính đến vai trò của các yếu tố lao động sống, máy móc, các tư liệu sản xuất khác, tài nguyên, điều kiện thiên nhiên, v.v. Ông hiểu, máy móc càng hiện đại, càng tinh xảo thì năng suất lao động càng cao. Ngoài ra, còn vô số các yếu tố khác mà không có chúng thì không thể sản xuất được. Mặc dù vậy, C. Mác đã chứng minh rằng, trong tổng số giá trị do một quá trình sản xuất nhất định tạo ra, thì máy móc (tức lao động quá khứ) không tạo ra giá trị mới, chỉ có lao động sống mới tạo ra giá trị mới: [v (tiền công) + m (giá trị thặng dư)].

C. Mác đã trình bày rõ sản xuất tư bản chủ nghĩa là sự thống nhất, đối lập giữa quá trình lao động và quá trình làm tăng giá trị (quá trình sản xuất giá trị thặng dư) nên đã vạch rõ thực chất của giá trị thặng dư. Ông khẳng định sản xuất giá trị thặng dư là quy luật tuyệt đối của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, quy luật giá trị thặng dư có tác dụng quyết định đối với sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng. Do sản xuất giá trị thặng dư là nội dung đặc biệt và là mục đích của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, cho nên, quy luật giá trị thặng dư là quy luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản, giữ vị trí chủ đạo và đóng vai trò quyết định trong hệ thống các quy luật kinh tế của chủ nghĩa tư bản.

Từ đó, thấy rõ bản chất và đặc điểm bóc lột của tư bản chủ nghĩa: kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa là sự phát triển của kinh tế hàng hóa giản đơn. Nhưng kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa khác với kinh tế hàng hóa giản đơn không những về lượng, tức là không phải chỉ khác ở số lượng lớn sản phẩm bị thu hút vào chu chuyển hàng hóa và hình thái hàng hóa của sản phẩm trở thành hình thái thống trị, mà còn khác về chất nữa. Trên vũ đài hàng hóa xuất hiện một loại hàng hóa mới là sức lao động, do đó, thị trường hàng hóa (nói chung) được bổ sung bằng một bộ phận đặc biệt là thị trường sức lao động. Tất nhiên, thị trường sức lao động không phải do C. Mác khám phá ra, vì ai cũng biết đến sự tồn tại của lao động làm thuê trong các xã hội trước tư bản chủ nghĩa. Nhưng điểm nhấn là ở chỗ, chỉ có C. Mác mới nhìn thấy lao động làm thuê (hàng hóa sức lao động và chỉ trên cơ sở sản xuất hàng hóa, lao động bị tách khỏi tư liệu sản xuất mới trở thành lao động làm thuê) là một nhân tố cơ bản làm cho tiền chuyển hóa thành tư bản và kinh tế hàng hóa giản đơn chuyển hóa thành kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa - thời đại mới của quá trình sản xuất xã hội, thời đại của tư bản công nghiệp. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được xây dựng trên cơ sở của một hình thức bóc lột đặc biệt, tức là hình thức chiếm đoạt lao động của người khác (lao động thặng dư) dưới hình thái giá trị thặng dư. Khác với phạm trù "lợi nhuận", giá trị thặng dư biểu hiện một cách chính xác như sau: (1) - Là giá trị, tức lao động vật hóa; (2) - Là lao động thặng dư vật hóa, là phần giá trị dôi ra ngoài giá trị sức lao động và bị nhà tư bản chiếm dụng. Từ đó, đặc điểm bóc lột của chủ nghĩa tư bản không phải là ở sự tồn tại lao động thặng dư, mặc dù dưới sự thống trị của tư bản, trình độ bóc lột được nâng lên rất cao, mà đặc điểm của nó là lao động thặng dư đã hao phí mang hình thái giá trị thặng dư, còn tỷ lệ giữa thời gian lao động thặng dư và thời gian lao động cần thiết thì mang hình thái tỷ lệ giữa giá trị thặng dư và tư bản khả biến. Quan hệ bóc lộc bị vật hóa, bị che lấp đằng sau quan hệ giữa vật với vật. Vì thế, sự bóc lột trong chủ nghĩa tư bản là rất tinh vi và không có giới hạn.

Học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác với những nội dung cốt lõi nêu trên, ngay từ khi mới ra đời đã vấp phải sự phê phán, phủ nhận từ phía những người biện hộ và bảo vệ chủ nghĩa tư bản.

Chủ nghĩa tư bản đương đại, mặc dù có những bước phát triển mới, có sự điều chỉnh ở mức độ nào đó về chế độ sở hữu, quản lý và phân phối, về kiến trúc thượng tầng, nhất là về hệ thống pháp luật và sự điều tiết kinh tế của nhà nước tư sản độc quyền,… để tồn tại và thích nghi với bối cảnh mới, nhưng học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác vẫn còn nguyên giá trị, bởi bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản vẫn hiện hữu, không hề thay đổi.

2. Sẽ thiếu sót nếu không xem xét các hiện tượng gọi là "mới" trong vấn đề bóc lột của chủ nghĩa tư bản ngày nay

Trong thời đại ngày nay, do sự tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, một số nền kinh tế phát triển đang chuyển sang phát triển kinh tế tri thức. Những nhân tố chủ yếu trong sản xuất của xã hội công nghiệp (đất đai, lao động, nguyên liệu, vốn) trở thành thứ yếu, tri thức trở thành yếu tố quyết định nhất trong nền sản xuất hiện đại. Từ đó, người ta cho rằng, trước kia chỉ có công nhân "sản xuất" mới tạo ra giá trị gia tăng, bây giờ "chính tri thức chứ không phải lao động mới là nguồn gốc của giá trị thặng dư".

Thời đại "hậu công nghiệp" hay "xã hội thông tin" ngày nay, thì lý lẽ bác bỏ lý luận giá trị thặng dư có vẻ "thuyết phục" hơn. Người ta cho rằng, chủ nghĩa tư bản nếu còn bóc lột thì chỉ bóc lột "người máy". Vì trong các xí nghiệp hiện đại, tự động hóa, quá trình sản xuất ra sản phẩm không cần hoặc cần rất ít lao động sống, nhưng giá trị do các xí nghiệp này tạo ra tăng gấp bội so với các xí nghiệp cổ điển dùng rất nhiều công nhân, v.v.

Ngày nay, ở các nước tư bản phát triển, mức sống của đại đa số công nhân được nâng cao hơn trước rất nhiều, một số công nhân đã có cổ phiếu trong các xí nghiệp, công ty tư bản, xuất hiện tầng lớp trung lưu đông đảo. Vì thế, nảy sinh luận điệu: không còn có sự "phân biệt tư bản và lao động", "không ai bóc lột ai", v.v.

Những luận điểm ''tân kỳ'' ấy quả thật cũng có sự hấp dẫn, nhưng chúng không bác bỏ được sự thật. Mặc dù có những bước phát triển mới, biến đổi về mặt lượng và chất cục bộ, như nhiều người thường diễn tả "nó vừa là nó, vừa không phải là nó", nhưng bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản không hề thay đổi.

Thứ nhất, chúng ta đều biết, sự bóc lột đã từng tồn tại trong các xã hội trước chủ nghĩa tư bản, đó là: chiếm hữu nô lệ, phong kiến. Trong xã hội có giai cấp đối kháng, bóc lột là hành vi của một số người hoặc tập đoàn người trong xã hội dựa vào sự độc quyền sở hữu tư liệu sản xuất của họ để chiếm hữu lao động không công (lao động thặng dư), thậm chí cả lao động tất yếu của một bộ phận hoặc tập đoàn người khác. Vậy là, điểm chính yếu và thực chất của sự bóc lột là chiếm hữu không hoàn trả lao động, hoặc tài sản của người khác. Đây là nghĩa gốc của sự bóc lột.

Điểm cần lưu ý, xem xét quan hệ bóc lột của chủ nghĩa tư bản ngày nay không chỉ bó hẹp trong quan hệ giữa nhà tư bản và người lao động làm thuê ở các nước tư bản chủ nghĩa, mà phải xem xét cả quan hệ thống trị, bóc lột của các nước phát triển với các nước kém và đang phát triển, thể hiện ở sự phân hóa 2 cực: giàu, nghèo của thế giới. Bởi vì, sự bóc lột giá trị thặng dư của chủ nghĩa tư bản đã mang "tính quốc tế". Ngày nay, trong điều kiện quốc tế hóa sản xuất và đời sống; chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước quốc tế, thông qua các hình thức như: xuất khẩu tư bản, di chuyển lao động từ nước này sang nước khác, việc bành trướng của các công ty xuyên quốc gia, tình trạng bất bình đẳng trong các quan hệ thương mại quốc tế, sự xuất hiện cái gọi là chủ nghĩa thực dân kinh tế, sự áp đặt chính sách giữa Đông và Tây, giữa các nước giàu với các nước nghèo,… khiến cho việc sản xuất giá trị thặng dư mang tính quốc tế, được tư bản hóa, được xuất khẩu để quốc tế hóa tư bản với sự đa dạng của các hình thức sản xuất ra nó.

Thứ hai, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đã làm thay đổi rất nhiều bộ mặt của thế giới. Các nền kinh tế phát triển trên thế giới chuyển sang phát triển kinh tế tri thức, làm thay đổi sâu sắc về cách thức hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổ chức quản lý, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, vị trí con người trong sản xuất, v.v. Kinh tế tri thức xuất hiện, là sự thừa nhận vai trò của tri thức trong nền kinh tế của các nước phát triển - tri thức là một trong những yếu tố quan trọng của sản xuất (lao động, vốn, tri thức).

Hơn nữa, nhà tư bản thông qua sử dụng ồ ạt các thiết bị tự động hóa, đem khoa học kỹ thuật hiện đại ứng dụng với quy mô lớn vào sản xuất, đã nâng cao rất nhiều lần năng suất lao động. Vì thế, họ thuê ít công nhân hoặc không thuê công nhân điều khiển máy móc mà vẫn có thể giành được giá trị thặng dư nhiều hơn. Sự thực đó cũng không thể phủ định lý luận giá trị lao động và nguyên lý cơ bản của lý luận giá trị thặng dư, tức là giá trị và giá trị thặng dư đều do lao động sống của người lao động sáng tạo ra, lao động sống là nguồn gốc duy nhất của giá trị và giá trị thặng dư. Các yếu tố sản xuất khác (máy móc, thiết bị, kỹ thuật, công nghệ,… kể cả người máy) đều không tạo ra giá trị và giá trị thặng dư. Trong nền công nghiệp trước đây đã như thế, thì ngày nay, trong điều kiện kinh tế tri thức cũng như vậy. Ai cũng biết, khoa học, kỹ thuật và thiết bị tự động hóa, cùng yếu tố sản xuất khác đều là sản phẩm lao động và có giá trị, đều thuộc về tư liệu sản xuất và điều kiện vật chất không thể thiếu trong quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa. C. Mác chưa bao giờ phủ định "tác dụng quan trọng" của tư liệu lao động trong quá trình sản xuất. Khi trình bày sự hình thành giá trị và làm tăng thêm giá trị, C. Mác nhấn mạnh tiền đề của nó là tư liệu sản xuất (nguyên liệu và tư liệu lao động) không thể thiếu của sản xuất giá trị thặng dư.

Dù máy móc tự động hóa đã thay thế lao động trực tiếp và một bộ phận lao động trí óc của con người, nhưng không thay thế được địa vị lao động của con người, càng không thể thay đổi địa vị chủ thể của con người trong quá trình sản xuất. Thiên nhiên không tạo ra máy móc, kể cả người máy dù tiên tiến, hiện đại đến đâu đi nữa vẫn do con người chế tạo, lắp đặt, vận hành, điều khiển, bảo dưỡng và sửa chữa. Việc chế tạo, điều khiển người máy chính là sự kết tinh lao động sống của con người, dĩ nhiên là lao động phức tạp, chứ không phải là lao động giản đơn. Tách rời lao động sống thì người máy cũng chỉ là vật chết, như một đống phế thải. Hệ thống máy móc tự động có thể làm cho lao động trực tiếp giảm xuống tới mức tối thiểu về mặt lượng, song vẫn là một yếu tố cần thiết, nhưng trở thành thứ yếu so với lao động trí tuệ, nhưng lao động sẽ biểu hiện ra là một loại lao động, trong đó con người kiểm soát, điều tiết bản thân quá trình sản xuất và đứng bên cạnh quá trình ấy.

Bất cứ lao động nào, dù là lao động giản đơn hay lao động trí tuệ mà không được trả công tương xứng với giá trị mà lao động đó sáng tạo ra (sau khi trừ các khoản chi phí cần thiết) trong tư bản chủ nghĩa đều bị bóc lột giá trị thặng dư.

Như vậy, dưới chủ nghĩa tư bản đương đại, mặc dù khoa học - công nghệ phát triển mạnh và hình thành kinh tế tri thức, nhưng không thể làm thay đổi nguồn gốc của giá trị thặng dư, không thể làm thay đổi thực chất nhà tư bản bóc lột giá trị thặng dư của người lao động làm thuê.

Thứ ba, không phủ nhận chủ nghĩa tư bản hiện nay có những hiện tượng mới, điểm mới trong sự bóc lột so với C. Mác nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản cổ điển. Đó là: tư bản không chỉ bóc lột công nhân lao động cơ bắp mà chủ yếu là bóc lột "công nhân trí thức". Bởi lẽ, dưới sự tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, một số nước có nền kinh tế phát triển thì "công nhân trí thức" đã và đang có xu hướng tăng lên, chiếm tỷ trọng lớn trong lực lượng lao động. Tỷ suất giá trị thặng dư ngày càng cao và bóc lột rất tinh vi, bằng phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tương đối là chủ yếu, đồng thời với việc nâng cao thu nhập, mức sống của người lao động cả về vật chất và tinh thần.

Sự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước và của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước quốc tế đã làm cho sự bóc lột giá trị thặng dư mang tính hai mặt: vừa tăng cường, vừa hạn chế. Tăng cường vì có môi trường đầu tư thuận lợi: cung cấp tư liệu sản xuất, chỉ dẫn và định hướng quá trình sản xuất giá trị thặng dư; điều chỉnh dòng chảy giá trị thặng dư tư bản hóa, v.v. Hạn chế vì sử dụng các luật lệ, chính sách để điều chỉnh khi sự bóc lột của các công ty tư bản "quá ngưỡng" có thể xảy ra nguy cơ xung đột về chính trị và xã hội. Ngày nay, sự điều tiết phân phối giá trị thặng dư của các nhà tư bản qua thuế, quỹ phúc lợi xã hội, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp,… cũng tạo nên một số thu nhập nào đó cho người lao động.

Tính phức tạp và "đa dạng" của quan hệ phân phối giá trị thặng dư thời C. Mác chưa xuất hiện. Đó là: (i) Xuất hiện tầng lớp trung lưu (một bộ phận công chức, lao động có tay nghề cao có mức sống khá); (ii) Một bộ phận công nhân có cổ phần, là cổ đông trong các công ty cổ phần; (iii) Người lao động đầu tư dưới hình thức mua cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi tiết kiệm mà thu được lợi tức cổ phần, lợi tức trái phiếu và lãi suất tiền gửi.

Như vậy, họ cũng là người góp phần tham dự vào việc phân phối lại giá trị thặng dư trong xã hội tư bản, nhưng không lớn. Thu nhập nói trên của một bộ phận công nhân chẳng qua chỉ là họ lấy lại một phần rất nhỏ trong khối lượng lớn giá trị thặng dư mà mình sáng tạo ra.

Với sự xuất hiện những hiện tượng này, lý thuyết phân phối giá trị thặng dư trong xã hội tư bản không vì thế mà giảm đi ý nghĩa của nó, nếu xét thực chất và theo quy luật số lớn chiếm trong số giá trị thặng dư. Hơn nữa, họ chỉ là một bộ phận dân cư rất nhỏ, không thể "cùng hội", "cùng thuyền" với các nhà tư bản tài phiệt và chúng ta thấy rằng, những khoản lợi nhuận khổng lồ gắn với tài sản rất cao trong xã hội tư bản, một nhóm nhỏ các nhà tư bản chiếm hữu phần lớn của cải, tài sản xã hội và những nhà tư bản trục lợi nắm trong tay một khối lượng lớn cổ phần, trái phiếu, bất động sản và các khoản tài chính khác. Báo cáo mới nhất của tổ chức chống nghèo đói thế giới Oxfam International cho thấy, 8 người giàu nhất thế giới1 đang nắm 1/2 tài sản của thế giới và tương đương với tổng tài sản của 3,6 tỷ người nghèo nhất cộng lại. Báo cáo trên còn cho biết, ước tính 1% người giàu nhất thế giới đang nắm giữ 42% tài sản của thế giới; trong khi đó, 99% dân số còn lại chỉ nắm giữ 58% tài sản thế giới. Thế mới biết, sự phân hóa giàu nghèo trên thế giới đã khủng khiếp biết chừng nào!

Tóm lại, những ''hiện tượng mới'', "điểm mới" về bóc lột giá trị thặng dư trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, không thể bác bỏ được những luận điểm về bản chất bóc lột tư bản chủ nghĩa, mà trái lại, nó càng làm phong phú và sâu sắc hơn những luận điểm của C. Mác về sự bóc lột giá trị thặng dư trong điều kiện lịch sử cụ thể.

Điều đó càng khẳng định sức sống của Học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác được thể hiện ở những dự báo khoa học có ý nghĩa thời đại của Ông. Đó là dự báo về xu hướng toàn cầu hóa kinh tế; về khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và về kinh tế tri thức. Những dự báo đó phù hợp với diễn biến hiện nay của các nước trên thế giới. Nhưng không vì thế mà làm thay đổi bản chất bóc lột giá trị thặng dư của chủ nghĩa tư bản.

GS, TS. CHU VĂN CẤP

____________

* - Xem Tạp chí Quốc phòng toàn dân từ số 5-2017.

1 - Gồm: 6 doanh nhân Mỹ, 01 doanh nhân Tây Ban Nha và 01 doanh nhân Mê-hi-cô.

(Số tiếp: Không thể phủ nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam).

Từ khóa » Giá Trị Thặng Dư Trong Nền Kinh Tế Tri Thức