'Không Thể Thần Thoại Hóa Rùa Hồ Gươm để Tôn Là Bảo Vật' - Tạp Chí ...

Đầu tháng 3, nhà nghiên cứu rùa hồ Gươm, PGS Hà Đình Đức đề nghị lãnh đạo TP Hà Nội xem xét trình lên Chính phủ phê duyệt việc công nhận cá thể rùa hồ Gươm (còn sống), tiêu bản rùa hồ Gươm lưu tại đền Ngọc Sơn và bộ xương rùa lưu trong Bảo tàng Hà Nội làm bảo vật quốc gia.

Theo ông Hà Đình Đức, ngoài ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, rùa hồ Gươm còn có ý nghĩa về mặt tâm linh. Hình ảnh rùa còn được gắn liền với truyền thuyết hồ Gươm. Vì thế việc đưa rùa vào danh sách bảo vật quốc gia là cần thiết.

“Rùa đã gắn bó với hồ Gươm hàng trăm năm, nhắc đến rùa là nhớ đến lịch sử oai hùng của dân tộc nên có thể nói rùa là báu vật vô giá, là di sản văn hóa lịch sử và phi vật thể“, ông Hà Đình Đức bày tỏ.

“Các nhà văn hóa, khoa học cần ngồi lại xem xét các yếu tố văn hóa, lịch sử để đánh giá toàn diện giá trị của rùa hồ Gươm. Tiêu chí về bảo vật quốc gia cũng cần vận dụng linh hoạt chứ không nên cứng nhắc. Không có gì là tuyệt đối, là chân lý”, PGS Hà Đình Đức đề xuất.

Rùa hồ Gươm được chữa bệnh năm 2011. Ảnh: Hà Đình Đức.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền cho rằng, trong văn hóa, rùa, rắn là thủy quái, là kẻ thù của người dân. Nếu đưa con vật này lên thờ là đề cao thủy quái, rất không ổn. Hình tượng vua Lê Lợi cầm kiếm chém xuống hồ Gươm là hành động chống lũ lụt. Bởi xưa kia khu vực hồ Gươm trũng, nhiều ao hồ. Tại khu vực đền Ngọc Sơn còn có trấn Ba Đình để trấn sóng độc của văn hóa cũng như sóng nước, lũ lụt từ sông Hồng.

“Rùa là con vật phá đê, nó chỉ có giá trị trong tâm linh khi được coi là một trong tứ linh. Câu chuyện trả gươm cho rùa của Lê Lợi được nhân dân hư cấu, là truyền thuyết sau này mới có”, ông Trần Lâm Biền cho biết.

Theo nhà nghiên cứu này, rùa hồ Gươm có giá trị khoa học, là loài rùa hiếm còn sót lại chứ không có giá trị văn hóa lịch sử. “Rùa hồ Gươm không có giá trị phi vật thể, không thể thần thoại hóa con rùa để tôn nó là bảo vật quốc gia”, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền khẳng định.

Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, GS.TS Lưu Trần Tiêu cho biết, ông không đồng tình với đề xuất của PGS Hà Đình Đức.

“Ông Đức là người tâm huyết, nhiệt tình bảo vệ rùa hồ Gươm, song chưa nắm chắc các tiêu chí xét duyệt bảo vật quốc gia. Xét theo tiêu chí thì rùa hồ Gươm không phù hợp. Chúng ta đã quy định tiêu chí về bảo vật nên không thể tùy tiện chỉnh sửa”, GS.TS Lưu Trần Tiêu khẳng định.

Tiêu chí của bảo vật quốc gia: là hiện vật gốc độc bản; là hiện vật có hình thức độc đáo; là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên.

Theo VnE

Từ khóa » Bộ Xương Rùa Hồ Gươm