Không Thể Xuyên Tạc Những Giá Trị Cốt Lõi Trong Học Thuyết Giá Trị ...

1. Phải chăng lý luận hàng hóa sức lao động của C.Mác đã lỗi thời? 

Khi phân tích sự chuyển hóa của T (tiền) thành TB (tư bản) C.Mác nhận thấy, trên thị trường, tư bản mua được một thứ hàng hóa đặc biệt là sức lao động. Lý luận về hàng hóa sức lao động được C.Mác trình bày rất khoa học, khái quát và thuyết phục: bắt đầu từ sự phân biệt về khái niệm sức lao động với lao động, điều kiện để sức lao động trở thành hàng hóa, hai thuộc tính của hàng hóa sức lao động và quan trọng nhất là giá trị sử dụng của hàng hóa sức lao động thể hiện ra trong quá trình tiêu dùng hàng hóa sức lao động, tức là quá trình lao động để sản xuất ra một hàng hóa nào đó. Trong quá trình lao động, sức lao động đã tạo ra một giá trị mới (v + m) lớn hơn bản thân nó. Phần dôi ra ngoài giá trị sức lao động chính là giá trị thặng dư ( m). Giá trị sử dụng của hàng hóa sức lao động, như vậy, là một giá trị sử dụng đặc biệt. Chính giá trị sử dụng đặc biệt này của hàng hóa sức lao động là chìa khóa để giải quyết mâu thuẫn công thức chung của tư bản.

Tuy nhiên, một số phần tử thù địch đã xuyên tạc, viện dẫn rằng lý luận hàng hóa sức lao động mà C.Mác trình bày từ giữa thế kỷ XIX đã lạc hậu, thí dụ câu C.Mác viết: “Chúng tôi hiểu sức lao động hay năng lực lao động là toàn bộ những năng lực thể chất và tinh thần tồn tại trong một cơ thể, trong một con người đang sống và được người đó đem ra vận dụng mỗi khi sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó”(1). Theo họ mặc dù đã chỉ ra được “năng lực thể chất và tinh thần” nhưng trong toàn bộ học thuyết, C.Mác chủ yếu đề cao vai trò của năng lực thể chất (sức cơ bắp) mà chưa thấy được vai trò vô cùng quan trọng của năng lực tinh thần (sức thần kinh) trong việc tạo ra giá trị và giá trị thặng dư. Vì vậy, lý luận giá trị thặng dư của C.Mác đã trở lên lạc hậu trong bối cảnh nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội văn minh với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng KH - CN hiện đại và CMCN 4.0.

Trên thực tế, C.Mác đã đề cập tới “năng lực tinh thần” và vai trò của nó trong quá trình tạo ra giá trị thặng dư, cụ thể:

Một là, khi nói về mối liên hệ giữa tính chất hai mặt của lao động biểu hiện trong hàng hóa với lao động giản đơn và lao động phức tạp, C.Mác cho rằng, lao động giản đơn trong nền kinh tế hàng hóa là một sự tiêu phí sức lao động giản đơn mà trung bình một con người bình thường, một con người không có một sự phát triển đặc biệt nào, cũng đều có trong cơ thể của họ. Lao động phức tạp là lao động giản đơn được nâng lên lũy thừa, hay nói đúng hơn, lao động giản đơn được nâng lên. Như vậy, lao động phức tạp và lao động giản đơn chẳng qua là sự thể hiện của lao động với các trình độ khác nhau, xuất phát từ việc sử dụng những sức lao động với chất lượng khác nhau. Lao động giản đơn là biểu hiện của sự tiêu phí sức lao động có trình độ phổ biến, thường là trình độ trung bình, bình thường trong điều kiện lịch sử cụ thể của xã hội, trong khi lao động phức tạp thể hiện sự tiêu phí những sức lao động có trình độ cao hơn mức trung bình đó.

Trong nền kinh tế hàng hóa, lao động sản xuất hàng hóa cũng có thể phân biệt theo những mức độ khác nhau và được phân thành lao động giản đơn và lao động phức tạp. Tuy nhiên, ngoài lao động sản xuất hàng hóa với tư cách là hình thái biểu hiện xã hội của lao động sản xuất vật chất, trong nền kinh tế hàng hóa vẫn tồn tại và phát triển các hình thái của lao động phi sản xuất vật chất mà có thể phân biệt thành lao động giản đơn hay phức tạp. Do vậy, khi bàn về vai trò của lao động giản đơn và lao động phức tạp trong quá trình hình thành giá trị cũng như giá trị thặng dư, cần phải giới hạn nghiên cứu trong phạm vi lao động sản xuất hàng hóa và hình thái đặc thù của nó là lao động làm thuê không công. Nói cách khác, nếu lao động giản đơn hay lao động phức tạp là hình thái cụ thể của lao động trừu tượng với tư cách là một mặt của lao động sản xuất hàng hóa thì chúng là yếu tố hình thành giá trị; và nếu chúng là hình thái cụ thể của lao động trừu tượng không công của công nhân làm thuê thì chúng có vai trò tạo ra giá trị thặng dư. Từ đó, không thể nhầm lẫn cho rằng mọi lao động giản đơn hay phức tạp đều tạo ra giá trị cũng như giá trị thặng dư. Sự nhầm lẫn đó thể hiện sự nhận thức không đầy đủ, sâu sắc về bản chất của giá trị cũng như giá trị thặng dư.

Hai là, khi nói về vai trò của lao động quản lý, lao động khoa học - công nghệ và mối quan hệ với tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa trong việc tạo ra giá trị và giá trị thặng dư. C.Mác đã chỉ ra: Mọi lao động xã hội trực tiếp, hay lao động chung nào tiến hành trên một quy mô tương đối lớn thì ít nhiều cũng cần đến một sự chỉ đạo để điều hòa những hoạt động cá nhân và thực hiện những chức năng chung. Hiện nay, cùng với sự phát triển của sản xuất và các mối liên hệ kinh tế trong xã hội, thì quản lý có vai trò ngày càng quan trọng, làm chức năng hướng dẫn, điều hòa, phối hợp hoạt động sản xuất nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Hơn nữa, bản thân lao động quản lý đã trở nên hết sức phức tạp, cũng đòi hỏi sự phân công thành các chức năng, nhiệm vụ riêng có tính chất chuyên môn hóa nhằm phục vụ và bảo đảm chức năng quản lý chung. C.Mác viết: “Nếu nền sản xuất xã hội ví như một dàn hợp xướng, nếu dàn hợp xướng cần phải có vai trò điều khiển của người nhạc trưởng thì trong công nghiệp phải có những sĩ quan công nghiệp và những hạ sĩ quan”(2). Tuy nhiên, không được nhầm lẫn khoản thu nhập của nhà tư bản với tư cách là nhà quản lý với thu nhập của nhà tư bản với tư cách là chủ sở hữu. Sự nhầm lẫn này dẫn đến quan niệm thu nhập của nhà tư bản, sự giàu có của họ là do lao động quản lý đem lại. Cần phân biệt nếu tư bản là nhà quản lý, lao động trực tiếp tạo ra giá trị thặng dư thì thu nhập của họ là tiền công. Lao động quản lý là lao động phức tạp, do đó thu nhập cao hơn lao động giản đơn. Phần tư bản mà nhà tư bản bỏ ra để nô dịch lao động của người khác mới là bóc lột lao động làm thuê. Như vậy, C.Mác đã cho rằng: Lao động trí tuệ, lao động phức tạp, lao động quản lý đều tạo ra tiền công, cũng mang lại thu nhập cho nhà tư bản, là thu nhập chính đáng. Và dự báo các loại lao động này có xu hướng ngày càng chiếm một tỷ lệ lớn trong giá trị sản phẩm. Điều này được biểu hiện rất rõ trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển như hiện nay.

Về vai trò của lao động khoa học - công nghệ C.Mác đã dự báo “Khoa học sẽ ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp”. Điều này đã được chứng minh bằng những thành tựu của khoa học được vật chất hóa trong tư liệu sản xuất hoặc thông qua kỹ năng, trình độ lao động có hiệu suất cao hơn. Trên thực tế, có nhiều tiêu chí đánh giá, trong đó quan trọng nhất là xem xét khoảng thời gian từ phát minh khoa học đến sản xuất sản phẩm.Tại Hội thảo Kinh tế tri thức, một cơ hội mới cho nước ta sau hai thập kỷ (tháng 6.2000), GS Chu Hảo đã thống kê (xem bảng).

Ngày nay, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, người kỹ sư lập trình phát minh khoa học, đồng thời, hoạt động sản xuất phần mềm diễn ra cùng lúc, dường như không còn khoảng cách về thời gian. Có thể thấy, dự báo của C.Mác đã trở thành hiện thực trong xã hội hiện đại.

Về mối quan hệ giữa lao động trí óc, lao động quản lý, lao động khoa học - công nghệ với lượng giá trị hàng hóa cũng có biểu hiện tương tự như tác động của lao động phức tạp, tức là các chủ thể của chúng có thể nhận được những lượng giá trị lớn hơn so với chủ thể của lao động sản xuất hàng hóa giản đơn. Tuy nhiên, nếu lao động phức tạp là phạm trù trực tiếp thể hiện trình độ phát triển của lao động sản xuất hàng hóa, thì các lao động như lao động trí óc, lao động quản lý, lao động khoa học - công nghệ lại có quan hệ gián tiếp tới lao động sản xuất hàng hóa. Sự hình thành của các loại lao động này là kết quả của sự phát triển của lao động sản xuất hàng hóa tới một trình độ nhất định đã được C.Mác trình bày trong lý luận giá trị. Tuy nhiên, cần nhận thức rõ, sự phát triển của các loại hình lao động này lại có tác động hết sức to lớn tới lượng giá trị của hàng hóa. Sản phẩm của các loại hình lao động này là tri thức. Thông qua việc áp dụng các tri thức về tổ chức quản lý, khoa học - công nghệ,... nền tảng công nghệ của các lĩnh vực sản xuất vật chất truyền thống đã thay đổi căn bản về chất. Ngày nay, sự phát triển của CMCN 4.0, hệ thống máy vi tính và công nghệ cao... đã làm thay đổi căn bản và toàn diện các phương tiện thu nhận, xử lý và sản xuất. Không chỉ các hoạt động sản xuất vật chất trực tiếp mà các hoạt động trí óc cũng được công nghệ hóa, thí dụ như tự động hóa quá trình thiết kế và chế tạo công nghệ cho sản xuất, tự động hóa công tác kiểm tra, kiểm soát quá trình sản xuất, tự động hóa hoạt động tài chính kế toán và quản lý, tự động hóa công tác dịch thuật với nhiều ngôn ngữ khác nhau... Sự hình thành và phát triển của các loại hình lao động kể trên được thực hiện trong điều kiện của kinh tế thị trường hiện đại, vì vậy, sự vận động của chúng cũng chịu sự tác động của các quy luật thị trường trên các phương diện khác nhau... Điều này đã được C.Mác nhìn thấy từ hơn 150 năm trước. 

2. Phải chăng địa vị phụ thuộc của giai cấp công nhân đối với giai cấp tư sản trong thế giới hiện đại đã thay đổi?  

 Khi trình bày về bản chất của tích lũy tư bản, nói về địa vị phụ thuộc của giai cấp công nhân đối với giai cấp tư sản, C.Mác đã chỉ rõ người công nhân phụ thuộc vào nhà tư bản trong cả tiêu dùng sản xuất và tiêu dùng cá nhân: “Trong tiêu dùng sản xuất, người công nhân hoạt động với tư cách là một động lực của tư bản và thuộc về nhà tư bản; trong tiêu dùng cá nhân, anh ta thuộc về bản thân mình và thực hiện những chức năng sinh hoạt ở bên ngoài quá trình sản xuất. Kết quả của tiêu dùng thứ nhất là sự sinh tồn của nhà tư bản, kết quả của tiêu dùng thứ hai là sự sinh tồn của bản thân người công nhân”. Phân tích sâu hơn về tiêu dùng cá nhân của người công nhân, C.Mác đi đến kết luận: “người công nhân dùng các tư liệu sinh hoạt chỉ là để giữ cho sức lao động của mình “chạy” được mà thôi,cũng như máy hơi nước ăn than và nước, như bánh xe ăn dầu mỡ. Khi đó, tư liệu tiêu dùng của người công nhân là tư liệu tiêu dùng của một trong những tư liệu sản xuất, sự tiêu dùng cá nhân của anh ta cũng trực tiếp là tiêu dùng sản xuất”(3). C.Mác cũng khẳng định địa vị phụ thuộc của giai cấp công nhân đối với giai cấp các nhà tư bản: “vậy, quá trình sản xuất TBCN, xét trong một liên hệ chung, hay coi như quá trình tái sản xuất, thì không chỉ sản xuất ra hàng hóa, không phải chỉ sản xuất ra giá trị thặng dư, mà còn sản xuất và tái sản xuất ra bản thân quan hệ TBCN - một bên nhà tư bản và bên kia là công nhân làm thuê”(4). Công nhân hoàn toàn lệ thuộc vào giai cấp tư sản cả ở trong và ngoài sản xuất.

Trong thế giới hiện đại, dưới sự tác động của CMCN 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, sự chi phối của một bộ phận công nhân tri thức, thậm chí một số ít công nhân 4.0 có thể mang tính quyết định đến sự thành bại của một số tập đoàn công nghệ cao tại các nước tư bản phát triển. Đội ngũ này có cơ sở để gây sức ép đến giới chủ cả trong sản xuất và tiêu dùng, buộc giới chủ phải nhượng bộ trên nhiều phương diện. Dựa vào những hiện tượng đang diễn ra đó, một số người đã tìm cách tấn công, phản bác lý luận tích lũy của C.Mác dưới nhiều hình thức khác nhau.   

Không thể phủ nhận hiện tượng công nhân công nghệ cao ở một số tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới gây sức ép với giới chủ trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường hiện đại dưới sự tác động trực tiếp của cuộc CMCN 4.0. Bởi lẽ, CMCN 4.0 được hình thành trên nền tảng cải tiến của cuộc cách mạng số, với những công nghệ mới như: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động và phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... đã làm thay đổi cách thức kinh doanh truyền thống, chuyển từ trạng thái ảo sang sát đúng với trạng thái thực... Điều này khiến cho sự tương tác giữa chủ và thợ thay đổi: giới chủ phải lắng nghe ý kiến từ người làm thuê, bới chính họ mới là người làm chủ tri thức, công nghệ. Nhưng điều này cũng không phủ nhận được luận điểm mà C.Mác đã nêu trong lý luận tích lũy tư bản về địa vị phụ thuộc của giai cấp công nhân đối với giai cấp tư sản đến nay vẫn không hề thay đổi về bản chất. Lập luận ở đây là:

Thứ nhất, giả định những đòi hỏi của công nhân được chấp thuận sẽ có hai tình huống: Một là, những đề xuất của họ sẽ mang lại lợi ích cho tập đoàn khi đó cả chủ và thợ đều có lợi. Hai là, những đề xuất của họ chỉ có lợi cho công nhân, tất nhiên nhà tư bản phải cân nhắc về việc phân chia lại m, nhưng điều này đã được C.Mác khẳng định: sản xuất giá trị thặng dư là quy luật kinh tế tuyệt đối của CNTB.

Thứ hai, những đòi hỏi của công nhân không được chấp nhận, khi đó họ sẽ bỏ việc. Trường hợp này cũng có hai tình huống: Một là, khi bỏ việc ở tập đoàn này họ sẽ tiếp tục làm việc cho tập đoàn khác và như vậy họ chỉ đổi chủ mà thôi. Hai là, họ tự lập công ty, tức là tham gia vào giới chủ. Khi trở thành người chủ, tất yếu phải có lao động làm thuê, bản chất của mối quan hệ vẫn không thay đổi - trường hợp này rất hiếm. Bởi vì, khi phân tích điều kiện thứ hai để sức lao động trở thành hàng hóa C.Mác đã chỉ ra: “...người chủ sức lao động phải không còn có khả năng bán những hàng hóa trong đó lao động của anh ta được vật hóa”(5) nghĩa là chưa đủ các điều kiện sản xuất cần thiết để sức lao động của anh ta được vật hóa.

Thứ ba, hiện tượng trên không phải là phổ biến, chủ yếu chỉ xuất hiện trong các tập đoàn công nghệ cao, và diễn ra ở một số nước tư bản phát triển.

Tóm lại, không thể nhìn vào một số hiện tượng để rút ra những kết luận không thuyết phục.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2020

(1), (2), (3), (4), (5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.251, 480, 807, 816, 252-253.

Tài liệu tham khảo:

 1. Chương trình KX08: Xu thế chủ yếu của sự phát triển khoa học và công nghệ, sự hình thành và vai trò của kinh tế tri thức trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, 2001 - 2004.

2. Vũ Đình Cự, Trần Xuân Sầm: Lực lượng sản xuất mới và kinh tế tri thức, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

3. Phạm Tất Dong: Tác động của kinh tế tri thức và sự phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam, Hội thảo khoa học: “Kinh tế tri thức và công nghiệp hóa, hiện đại hóa rút ngắn ở Việt Nam”, Hà Nội, 2003.

4. Đặng Hữu: Kinh tế tri thức - thời cơ và thách thức đối với sự phát triển của Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.

PGS, TS Nguyễn Minh Quang

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Từ khóa » Giá Trị Thặng Dư Trong Nền Kinh Tế Nối Kết