Khu Di Tích Lăng Mạc Cửu - Điểm đến - Tổng Cục Du Lịch

Mạc Cửu là người Quảng Đông, Trung Quốc, vì không chịu để tóc và theo một số tập tục của nhà Thanh nên đã rời bỏ đất nước để ra đi buôn bán thương mại ở một số nước Đông Nam Á. Năm 1680, khi đến Hà Tiên, ông đã dừng lại ở đây để xây dựng và phát triển vùng đất này. Đến 8/1708, nhận thấy vị thế rất mạnh của nhà Nguyễn trong cuộc chiến mở mang bờ cõi phía Nam, Mạc Cửu đã dâng vùng đất Hà Tiên cho nhà Nguyễn và được Chúa Nguyễn là Phúc Chu chấp thuận và phong làm “Tổng trấn Hà Tiên”. Mặc dù đã dâng Hà Tiên cho nhà Nguyễn, nhưng chúa Nguyễn Phúc Chu vẫn cho Mạc Cửu quyền tự chủ tại vùng đất này, duy trì truyền thống cha truyền con nối như một tiểu vương và 7 đời dòng họ Mạc đã đem hết công sức của mình để biến Hà Tiên thành một đầu mối giao thương của nước Đại Việt xưa với các nước trong vùng.

Khu di tích gồm phần đền thờ dòng họ Mạc và phần lăng mộ. Đền thờ nằm ở chân núi Bình San, được nhà Nguyễn cho xây dựng để tưởng nhớ công ơn khai phá mảnh đất Hà Tiên của dòng họ Mạc. Trước đền thờ là 2 ao lớn nở đầy hoa sen mà trước kia Mạc Cửu đã cho đào để lấy nước ngọt cho dân trong vùng dùng trong mùa khô hạn. Ở hai bên cổng đền thờ là 2 câu đối bằng chữ Hán Nôm do nhà Nguyễn ban tặng:

Nhất môn trung nghĩa gia thinh trọng Thất diệp phiên hàn quốc sủng vinh

Tạm dịch:

Một nhà trung nghĩa danh thơm cả họ Bảy lá giậu che, cả nước mến yêu

Bên trong cổng là một khoảng sân rộng cùng nhiều cây xanh quanh năm xào xạc tạo cho không gian đền thờ lúc nào cũng yên tĩnh và trầm mặc. Nằm bên phải đền thờ là nhà tiền hiền thờ những người trước ông Mạc Cửu đã đến Hà Tiên, bên trái là nhà hậu hiền thờ những người đến sau ông. Bên trongchính điện, bàn thờ ở giữa thờ ngai vị của ông Mạc Cửu và các hậu duệ của ông do những người dòng họ Mạc được coi như những tiểu vương tại Hà Tiên. Bên phải là bàn thờ các quan văn, quan võ dưới thời họ Mạc, bên trái là bàn thờ các phu nhân của dòng họ.

Đi theo một con đường bậc thang lên núi Bình San, du khách sẽ tới phần lăng mộ với hơn 60 ngôi mộ cổ được chia thành 4 khu riêng biệt: khu 1 là lăng mộ các tiểu vương dòng họ Mạc, khu 2 là lăng mộ các phu nhân, khu 3 là lăng mộ các quan và khu 4 là lăng mộ các thành viên khác của dòng họ Mạc. Lăng mộ ông Mạc Cửu nằm ở vị trí cao nhất trong khu 1, có hình bán nguyệt và được khoét sâu vào núi. Mộ được xây theo thuật phong thủy, lưng tựa vào núi, mặt quay ra biển và ở 2 bên mộ có 2 vị tướng bằng đá đứng canh giữ. Khi xây lăng mộ cho cha, con trai trưởng của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tích đã mang đá ở bên Malaixia về để lát.

Nằm trên đỉnh núi Bình San là đàn xã tắc, nơi hành lễ cúng tế trời đất của Hà Tiên xưa và nay. Nền đàn xã tắc có hình bát quái lớn màu đỏ, ở giữa màu đen, tâm vàng, trên đặt 1 lư hương lớn bằng đồng. Vào ngày 15/1 âm lịch hàng năm, các đàn cúng sẽ được lập nhưng mỗi năm lại khác nhau về giờ cúng.

Núi Bình San đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là thắng cảnh quốc gia vào 21/1/1989. Và để ghi nhận công lao của ông Mạc Cửu trong việc khai phá Hà Tiên cũng như kỷ niệm 300 năm vùng đất này được thành lập, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lễ khánh thành tượng đài danh nhân Mạc Cửu cao 10m vào ngày 7/9/2008 tại quảng trường cạnh cầu Tô Châu - thị xã Hà Tiên.

Từ khóa » đền Mạc Cửu