Khu Vực Donbass đòi độc Lập Nằm ở đâu?

Vùng Donbass nằm ở miền Đông Nam Ukraine, bao gồm hai tỉnh Donetsk và Luhansk với thủ phủ là hai thành phố cùng tên. Đây là khu vực nổi tiếng bởi trữ lượng than lớn. TP Donetsk được xem là thủ phủ không chính thức của cả vùng Donbass chứ không chỉ riêng tỉnh Donetsk. Thành phố 2 triệu dân này còn là một trong số những trung tâm sản xuất thép chính của Ukraine. Trong khi đó, Luhansk là thành phố công nghiệp với 1,5 triệu dân. Phần lớn những người sống ở Donetsk và Luhansk là người Ukraine nói tiếng Nga và người Nga. 

Năm 2014, sau những biến động chính trị ở Ukraine với việc Tổng thống Yanukovych thân Nga bị lật đổ, các lực lượng chính trị có xu hướng thân phương Tây lên nắm quyền. Người dân ở Donbass từ chối công nhận chính phủ mới. Căng thẳng với chính quyền ở Kiev đã dẫn tới việc Donbass thành lập Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng. Trong bối cảnh các cuộc đụng độ nổ ra giữa những người ủng hộ DPR và LPR với lực lượng Chính phủ Ukraine, hai nước cộng hòa tự xưng đã tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân về quyền tự quyết vào ngày 11-5-2014 và tuyên bố độc lập một ngày sau đó.

leftcenterrightdel
 Bản đồ vùng Donbass.

 

Để đối phó, Kiev tiến hành chiến dịch quân sự dưới khẩu hiệu “chống khủng bố” nhằm ngăn chặn các nỗ lực ly khai của Donetsk và Luhansk. Chính phủ Ukraine đã hai lần phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giành lại quyền kiểm soát Donbass nhưng đều không thành công. Mặc dù được đánh giá yếu thế hơn về số lượng cũng như trang bị, các lực lượng DPR và LPR đã kháng cự quyết liệt, đẩy đối đầu vào thế giằng co. Hiện DPR và LPR kiểm soát khoảng 1/3 vùng Donbass, phần còn lại vẫn nằm trong quyền kiểm soát của Chính phủ Ukraine.

Tháng 9-2014, nhóm tiếp xúc 3 bên về Ukraine (gồm Ukraine, Nga, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu) cùng những người đứng đầu DPR và LPR đã ký Thỏa thuận Minsk tại thủ đô Belarus nhằm thực hiện lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, thỏa thuận này không ngăn được các cuộc giao tranh trong khu vực.

Tháng 2-2015, một lệnh ngừng bắn toàn diện và thỏa thuận hòa bình được ký tại Minsk giữa Ukraine và 3 nước bảo trợ gồm Nga, Đức và Pháp. Thỏa thuận này gồm 13 điểm, thường được gọi là Thỏa thuận Minsk II, trong đó có điểm Chính phủ Ukraine nhất trí cải cách hiến pháp nhằm cấp quyền tự trị lớn hơn cho vùng Donbass vốn đã không còn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương.

Tuy nhiên, thỏa thuận hòa bình liên tục bị các bên vi phạm, xung đột thỉnh thoảng lại bùng lên. Ukraine nhiều lần cáo buộc Nga hỗ trợ quân sự cho các lực lượng dân quân DPR và LPR, thậm chí tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột. Nga bác bỏ các cáo buộc này và Kiev cũng không đưa ra được bằng chứng cụ thể. Hiện Kiev từ chối thực hiện nghĩa vụ chính trị trong thỏa thuận, trong đó có việc cải cách hiến pháp nhằm trao quyền tự trị lớn hơn cho các nước cộng hòa tự xưng DPR và LPR. Kiev cũng từ chối đàm phán trực tiếp với DPR và LPR. 

Trong bối cảnh đối đầu căng thẳng với chính quyền Ukraine, giới chức ở DPR và LPR đã chính thức đề nghị Nga công nhận độc lập và Nga đã đáp lại đề nghị của hai nước cộng hòa này. Ngày 21-2, Nga công nhận nền độc lập, đồng thời ký kết các hiệp ước hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ với hai nước cộng hòa tự xưng DPR và LPR. 

HOÀNG SƠN 

 

 

Từ khóa » Bản đồ Vùng Donbass Ukraine