Khu Vực Miền Núi Phía Bắc: Tập Trung Nâng Cao đời Sống đồng Bào ...

Vùng trung du du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh, chiếm 1/3 diện tích của cả nước là nơi sinh sống của hơn 13 triệu người. Trong đó, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, ví dụ, vùng Đông Bắc là nơi cư trú của người Tày, Dao, Mường, Nùng…; vùng Tây Bắc là nơi cư trú của người Thái, Mông, Dao…

Khu vực miền núi phía Bắc: Tập trung nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Cần hỗ trợ người dân các tỉnh miền núi các mô hình phát triển sinh kế để vươn lên thoát nghèo

Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 689,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,71 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, nhìn chung quy mô GRDP của vùng tương đối nhỏ, khoảng cách giữa vùng với các vùng khác trong cả nước, đã có dấu hiệu ngày càng xa. GRDP bình quân đầu người của vùng ở mức thấp so với cả nước, năm 2020 đạt 54,2 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo của vùng cao nhất cả nước chiếm tới 17%; mật độ doanh nghiệp đạt 2,7 doanh nghiệp/1.000 dân trong độ tuổi lao động, là mật độ thấp nhất so với các vùng khác trên cả nước. Có tới 5 tỉnh trong khu vực đứng trong nhóm 10 địa phương có chỉ số PCI thấp nhất cả nước. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp chứng chỉ cũng ở mức thấp.

Bà Triệu Thị Huyền, Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, thời gian qua cùng với cả nước, các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, trong đó có Yên Bái đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

“Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn nằm trong nhóm cao nhất của cả nước. Một bộ phận các hộ đã thoát nghèo, nhưng ở những nơi thường xuyên chịu tác động của thiên tai vẫn có nguy cơ cao tái nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn ở mức cao và thu nhập bình quân đầu người thấp” - bà Triệu Thị Huyền nêu

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng trên, là do khu vực miền núi phía Bắc có địa hình đồi núi chia cắt mạnh lại thường xuyên chịu tác động của thiên tai. Hơn nữa, hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn, diện tích đất canh tác hạn chế, người dân còn thiếu tư liệu sản xuất. Trình độ dân trí chưa đồng đều, chất lượng nhân lực thấp.

Ở một số nơi đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tập quán canh tác lạc hậu, thiếu kiến thức về khoa học, kỹ thuật. Một số thể chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến khu vực này vẫn còn bất cập, thiếu đồng bộ, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo đó, bà Triệu Thị Huyền đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể về nội dung, đối tượng, nguyên tắc hỗ trợ, các tiêu chí, định mức, kế hoạch phân bổ nguồn lực để các địa phương chủ động trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cùng với hai chương trình mục tiêu quốc gia còn lại (chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) theo hướng lồng ghép, tích hợp cả 3 chương trình nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo các mục tiêu và yêu cầu đã đề ra.

“Trong việc thiết kế chính sách giảm nghèo cần cân đối hợp lý giữa các chính sách hỗ trợ có điều kiện và hỗ trợ cho không, giữa hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ gián tiếp. Mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhằm đảm bảo thoát nghèo bền vững” - bà Triệu Thị Huyền nói.

Nêu dẫn chứng cụ thể, bà Triệu Thị Huyền cho rằng, khu vực miền núi phía Bắc là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và là địa bàn có tỷ lệ che phủ rừng cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước. Với nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở đây cũng cao nhất cả nước.

Lý do là thu nhập của một bộ phận người dân nơi đây chủ yếu từ nhận khoán bảo vệ rừng, trong khi đó chính sách khoán bảo vệ rừng quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ có định mức khoán là 400.000 đồng/1ha/1 năm, hạn mức khoán tối đa là 30 ha/hộ/năm. Với mức khoán này thu nhập bình quân của một hộ 4 người sẽ rơi vào khoảng từ 250.000 - 500.000 đồng/người/tháng còn thấp hơn so với mức chuẩn nghèo thu nhập giai đoạn 2021-2025.

Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm khẩn trương rà soát, điều chỉnh chính sách khoán bảo vệ rừng tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng thời sửa đổi, bổ sung chính sách cho thuê dịch vụ môi trường rừng theo hướng thông thoáng hơn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận để phát triển kinh tế dưới tán rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Qua đó, để đồng bào yên tâm phấn đấu thoát nghèo và có thể vươn lên làm giàu từ rừng.

Từ khóa » Các Tỉnh Miền Núi Phía Bắc Nghèo