Khu Vực Nào đang Sốt đất? - Toàn Cảnh Bất Động Sản

Bảo Lộc (Lâm Đồng) - Cơn sốt ‘bánh vẽ’

Bảo Lộc nổi tiếng là nơi mát mẻ, mùa mưa kéo dài khiến sương giăng quanh năm tạo nên vẻ đẹp độc đáo của vùng đất. Nhờ vậy, Bảo Lộc cũng trở thành một trong những điểm đón sóng xu hướng second home. Thêm vào đó, những thông tin tích cực về quy hoạch mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại II và triển khai hạ tầng giao thông trọng yếu giúp Bảo Lộc nằm trong tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư.

Đầu năm 2018 là thời điểm Bảo Lộc bắt đầu nhen nhóm những cơn sốt đất đầu tiên. Đặc biệt là khi có thông tin tỉnh Lâm Đồng sẽ xây dựng công trình hạ tầng lớn gồm sân bay Lộc Phát tại TP. Bảo Lộc và đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, giá bất động sản tại khu vực tăng chóng mặt. Trước miếng bánh lợi nhuận đang nở nhanh chóng, nhiều cá nhân và hộ gia đình không quản ngại săn đón các lô đất nền lớn, đồi trọc để làm giàu.

sot-dat-bao-loc-1638406887.jpg

Theo thông tin từ Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, các cơn sốt đất trong những năm gần đây bắt nguồn từ một số cá nhân, hộ gia đình. Họ tự đầu tư mở đường xá khang trang, dựng thêm các cột điện, lấy cớ hiến đất để phân lô, tách thửa trên địa bàn tỉnh. Sau đó tự gọi các khu đất này là “dự án”, gây hiểu nhầm cho nhà đầu tư và khiến cơn sốt đất ngày càng diễn biến phức tạp.

Cam Lâm (Khánh Hòa) – Sốt đất vì… tin đồn

Chỉ vừa kết thúc đợt giãn cách, hàng trăm nhà đầu tư lại đổ xô đến huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa khiến cho giá đất tại khu vực này trở nên sôi động. Theo ghi nhận, từ đầu tháng 10/2021, các trang cộng đồng mua bán bất động sản cũng như môi giới đều đưa tin rầm rộ về các tập đoàn lớn đang có ý định đầu tư dự án khủng tại Cam Lâm. Hàng loạt các dự án mọc lên như nấm, chủ đầu tư cho đổ đất làm đường, phân lô để hình thức hóa thành dự án rao bán công khai. Từ đó, giao dịch mua bán đất cũng diễn ra liên tục khiến giá đất tăng vọt từng ngày.

sot-dat-cam-lam-1638406887.jpg

Tuy nhiên, các cấp quản lý huyện cho biết hiện nay tại Cam Lâm xuất hiện rất nhiều dự án “ma”. Một số cái tên rất mỹ miều như Golden Lake, Cam Lâm Future City, Cam Lâm Central Park,… thực chất đều là những dự án không có thật, không được cấp hồ sơ pháp lý. Dù thông tin đã được thông báo đại chúng và tốn không ít không gian mạng của báo chí nhưng vẫn không ngăn được chí làm giàu của các nhà đầu tư khắp mọi miền, đặc biệt là Hà Nội và Sài Gòn. Không chỉ vậy một số người dân địa phương sẵn sàng trở thành cò đất để săn hàng giùm gia đình và bạn bè.

Quy Nhơn (Bình Định) – Du lịch tạo đà, ‘ông lớn về làng’

Theo một cuộc khảo sát giá tại cho biết trước năm 2015 giá đất ngay trung tâm TP. Quy Nhơn chỉ rơi vào khoảng 10 – 30 triệu đồng/m2. Thậm chí những lô đất “vàng” trên tuyến đường Nguyễn Thị Định cao lắm cũng ở mức 15 triệu đồng/m2. Trong giai đoạn 2016 – 2017, sốt đất tại Quy Nhơn diễn ra mạnh mẽ, giá tại khu vực nội thành tăng mạnh gấp 2 – 7 lần so với trước, khu đất trên Nguyễn Thị Định cũng vọt lên 80 triệu đồng/m2. Bước qua năm 2019, giá đất vẫn tiếp tục tăng phi mã, một số khu vực mặt tiền khu vực nội thành vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2, có nơi lên đến 200 triệu đồng/m2. Không chỉ đất nội thành tăng trưởng mạnh, những nơi xa trung tâm thành phố nhưng có hạ tầng đồng bộ cũng “leo thang” nhanh chóng.

sot-dat-quy-nhon-binh-dinh-1638406888.jpg

Lý giải cho hiện tượng tăng nhiệt nguồn cầu, một chuyên gia đầu tư bất động sản cho biết tại thời điểm kể trên Quy Nhơn vẫn là thị trường mới nổi và còn nhiều dư địa tăng trưởng. Ngoài ra, việc tăng trưởng mạnh còn do 4 nguyên nhân chính. Thứ nhất là nội lực tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển nhiều loại hình du lịch. Thứ hai là hoàn thiện hạ tầng, kết nối giao thông thuận tiện. Thứ ba là tận dụng lợi thế vị trí địa lý để hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và hệ thống cảng biển hiện đại thu hút lượng lớn cư dân đổ về. Thứ tư là sự đổ bộ của các ‘ông lớn’, mở rộng các dự án khu đô thị, bất động sản nghỉ dưỡng quy mô hàng tỷ đô như Takashi Ocean Suite Kỳ Co, Hải Giang Merry Land, Laimian Quy Nhơn,…

Song do ảnh hưởng từ dịch bệnh, bắt đầu từ năm 2020, các giao dịch mua bán đất thị trường Quy Nhơn kém sôi động hẳn. Một số nhà đầu cơ cố gắng thoát hàng với mức chiết khấu “khủng” lên đến 25%, nhờ vậy mà thị trường bất động sản Quy Nhơn phần nào được quay về giá trị thực.

Cần Giờ (TPHCM) - Đón 'sóng' hạ tầng

Từ trước đến nay, mỗi khi có tin về các dự án hay công trình lớn xây dựng, giao dịch đất tại khu vực đó lại trở nên sôi động hơn bao giờ. Cần Giờ cũng không ngoại lệ, nguồn cơn sốt đất tại huyện được cho rằng xuất phát từ việc thông tin TP.HCM có phương án xây cầu Cần Giờ nối huyện đảo này với khu vực Nhà Bè. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của đại dự án đô thị du lịch lấn biển Vinhomes Long Beach Cần Giờ do Vingroup đầu tư đã khiến giao dịch mua bán đất càng thêm nhộn nhịp.

Không chỉ các nhà đầu tư tại TPHCM săn đất, mà người dân Vũng Tàu cũng dễ dàng tiếp cận huyện Cần Giờ thông qua 30 phút di chuyển trên bến phà cao tốc Cần Giờ - Vũng Tàu, đua nhau đến thị trường này để đón sóng.

sot-dat-can-gio-1638414362.jpg

Bình Chánh (TPHCM) - Sốt đất trước tin lên quận

Từ năm 2019, khi có thông tin các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn,… nằm trong đề án triển khai chuyển đổi từ huyện lên quận, toàn bộ các phân khúc nhà đất tại huyện Bình Chánh đều được các nhà đầu tư hồ hởi săn đón. Nhiều môi giới cũng tận dụng tình hình, đẩy giá đất tại các khu vực này tăng liên tục để kiếm lời.

sot-dat-binh-chanh-1638415687.jpg

Sau một thời gian hạ nhiệt, gần đây huyện Bình Chánh vừa công bố quy hoạch mới của vùng khiến giá đất lại được phiên sốt nóng. Hiện nay giá đất tại Bình Chánh nếu so với khu vực trung tâm vẫn còn mềm, dao động ở mức 35 – 200 triệu đồng/m2 tùy khu vực. Đối với các dự án căn hộ, giá bình quân rơi vào khoảng 37 – 45 triệu đồng/m2.

Tà Đùng (Đắk Nông) – ‘vịnh Hạ Long trên cạn’ hút khách

Theo quy hoạch, Khu Du lịch sinh thái - văn hóa Tà Đùng sẽ được thực hiện trên tổng diện tích hơn 225ha. Trong đó, hơn 208ha được đầu tư hơn 174 tỷ đồng để khai thác 3 loại hình gồm du lịch vui chơi giải trí, du lịch thể thao mạo hiểm và du lịch tín ngưỡng.

Dẫu được xem là “nàng thơ” quyến rũ nhiều du khách ghé thăm, Tà Đùng đến nay vẫn giữ nguyên nét hoang sơ vốn có. Với khung cảnh thiên nhiên gồm 36 hòn đảo lớn nhỏ ngập nước vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng mà dân phượt, trekking đến đây đã ưu ái gọi Tà Đùng là “vịnh Hạ Long thu nhỏ” giữa cao nguyên.

ta-dung-vinh-ha-long-min-1638407308.jpg

Trước định hướng trở thành nền kinh tế mũi nhọn của tỉnh Đắk Nông, nhiều nhà đầu tư bắt đầu rục rịch đến “chinh phục” vùng đất này. Ghi nhận thông tin từ các môi giới tại khu vực địa phương cho biết lượng nhà đầu tư đến Tà Đùng tăng đáng kể từ đầu tháng 10/2021. Hầu hết là khách từ Sài Gòn và Hà Nội quan tâm đến việc tìm kiếm nơi yên bình, xây second home để nghỉ dưỡng.

sot-dat-ta-dung-1638406888.jpg

Tuy vậy theo anh Hiệp - môi giới lâu năm cho biết “đường lên Tà Đùng khá khó khăn. Nếu đi xe cá nhân từ Sài Gòn cũng phải mất 6 tiếng di chuyển. Bên cạnh đó, vùng đất vẫn còn hoang sơ, hệ thống điện đường chưa đầy đủ nên chỉ phù hợp với khách thích phượt trải nghiệm hoặc nếu đầu tư sinh lời có thể suy nghĩ đến hình thức kinh doanh khu du lịch, homestay,…”

Từ khóa » đất ở đâu đang Sốt