Khủng Hoảng Tuổi Trung Niên - VnExpress Đời Sống

Khủng hoảng tuổi trung niên cũng giống như khủng hoảng tuổi dậy thì, nó đến dù bạn muốn hay không. Nhiều người đối diện giai đoạn này với sự hài hước, vui vẻ, một số khác lại lo lắng đến suy sụp tinh thần.

Thay vì đứng ngoài cuộc trong khi bạn đời của bạn vật lộn với giai đoạn khủng hoảng, nên đồng hành cùng bạn đời vượt qua nó. Trước hết, bạn cần hiểu đúng về khủng hoảng tuổi trung niên và những hậu quả nó gây ra là gì.

Theo các chuyên gia, khủng hoảng tuổi trung niên là sự mất tự tin và cảm giác lo lắng hoặc thất vọng có thể xảy ra ở độ tuổi từ 35 đến 50. Điều này liên quan đến nhận thức về việc bản thân ngày càng già đi, đời sống tình dục suy giảm, thành tựu của bản thân chưa bằng người khác đồng trang lứa...

Khủng hoảng tuổi trung niên là sự mất tự tin và cảm giác lo lắng hoặc thất vọng có thể xảy ra ở độ tuổi từ 35 đến 50. Ảnh minh họa: Addcounsel.

Khủng hoảng tuổi trung niên là sự mất tự tin và cảm giác lo lắng hoặc thất vọng có thể xảy ra ở độ tuổi từ 35 đến 50. Ảnh minh họa: Addcounsel.

Những dấu hiệu cho thấy bạn đời của bạn đang trải qua khủng hoảng tuổi trung niên.

Day dứt vì những mục tiêu chưa hoàn thành

"Hồi trẻ tôi rất nhiều mơ ước, tham vọng, nhưng giờ đây, tôi thấy mình chưa làm được gì. Tôi đã bỏ lỡ quá nhiều thứ... ". Nếu bạn thấy bạn đời của mình nói những điều này liên tục thì đây là một trong những triệu chứng của khủng hoảng tuổi trung niên phổ biến nhất.

Tuổi trung niên là giai đoạn mọi người bắt đầu đặt câu hỏi liệu những quyết định nghề nghiệp họ đưa ra trong cuộc đời là đúng hay sai, hoặc họ bắt đầu so sánh mình với những người bạn đồng trang lứa...

Thay đổi ngoại hình

Đừng ngạc nhiên khi bạn đời của bạn bắt đầu cố gắng thay đổi phong cách ăn mặc, làm tóc, hoặc tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để căng da, nâng mũi, giảm cân trong khi nam giới tập thể dục nhiều hơn...

Sự thay đổi rõ rệt về ngoại hình là một triệu chứng rõ ràng của một cuộc khủng hoảng tuổi trung niên.

Hội chứng tìm kiếm sự chú ý

Nếu bạn thấy rằng bạn đời của mình cố gắng thu hút sự chú ý của mọi người, thích thú với những lời khen và có biểu cảm bực dọc với những lời nhận xét tiêu cực thì rõ ràng họ đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng tuổi trung niên. Họ rất mong đợi sự quan tâm của mọi người.

Ham muốn tình dục thay đổi

Thay đổi ham muốn tình dục là một triệu chứng của khủng hoảng tuổi trung niên. Giai đoạn này, nhiều cặp vợ chồng cảm thấy "lệch pha" trong ham muốn tình dục, thậm chí có người tìm kiếm sự thỏa mãn ngoài hôn nhân. Đại học New Hampshire, Mỹ từng thực hiện một nghiên cứu cho thấy khoảng 55 tuổi là thời kỳ "nguy cơ cao nhất có thể xảy ra ngoại tình".

Thay đổi thói quen ngủ và sinh hoạt

Bạn có thể nhận thấy dấu hiệu điển hình của khủng hoảng tuổi trung niên ở người phối ngẫu là ít ngủ. Họ thức khuya đọc sách, xem tivi... Sự thay đổi thói quen và cách ngủ là một dấu hiệu cho thấy một cuộc khủng hoảng khi bước vào ngưỡng xế chiều.

Thêm vào đó, bạn cũng thấy rằng bạn đời bắt đầu thích tách biệt, trong khi từng đồng hành với bạn trong rất nhiều hoạt động, thời còn trẻ. Anh ấy/cô ấy thích gặp gỡ bạn bè, đặc biệt những người bạn thời đại học, bạn cũ... Việc gặp gỡ những người bạn khiến họ hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn.

Cảm giác mắc kẹt

Nhiều người rơi vào trạng thái thiếu tích cực ở tuổi trung niên, khi đối mặt với những trách nhiệm phải gánh vác như chăm sóc cha mẹ già, tài trợ cho việc học hành của con cái... Trong khi đó, nhiều phụ nữ rơi vào tình trạng cô đơn vì con cái bắt đầu rời khỏi nhà, khiến họ không còn có mối quan tâm thiết yếu nào trong gia đình và rơi vào cảm giác vô dụng.

Làm thế nào cùng bạn đời vượt qua khủng hoảng trung niên?

Nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu khủng hoảng tuổi trung niên này ở vợ / chồng mình, hãy giải quyết nó bằng sự kiên nhẫn, hiểu biết và hài hước. Các bước thực hiện bao gồm:

Cùng nhau chấp nhận những thay đổi

Bước đầu tiên để đối phó với khủng hoảng tuổi trung niên là chấp nhận thay đổi đang xảy ra, bởi chống lại sự thay đổi đó cũng không ích gì.

Đừng đổ lỗi

Khi bước vào khủng hoảng tuổi trung niên, nhiều người có xu hướng đổ lỗi cho bạn đời, con cái... Điều này có thể tạo ra sự căng thẳng trong gia đình, nhưng nếu bạn đời của bạn làm như vậy, nên cố gắng tìm hiểu xem vì sao cô ấy/anh ấy nói vậy. Giả sử vì gia đình, cô ấy từng hy sinh sự nghiệp, đam mê và giờ đây thấy tiếc nuối thì đó cũng là điều hết sức dễ hiểu. Trong tình huống đó, nên bình tĩnh giải thích với họ, cảm ơn và xoa dịu họ, phân tích cho họ hiểu bạn và con cái trân trọng họ thế nào.

Khuyến khích bạn đời làm những điều khiến họ cảm thấy thoải mái hơn

Hãy dựa trên sở thích, mong muốn của bạn đời để khuyến khích họ tìm kiếm niềm vui cho mình, ví dụ tập môn thể dục yêu thích (yoga, đi bộ) hay làm bánh, may đồ... Bạn cũng nên khuyến khích họ thực hiện những mục tiêu, tham vọng mà vì một lý do nào đó, ở tuổi còn trẻ, họ chưa thực hiện được. Đừng bao giờ nói câu: "Anh/em già rồi". Trong thâm thâm, họ rất sợ câu đó.

Không chế giễu, không phán xét

Khi bạn đời của bạn bước vào tuổi trung niên và cố gắng thay đổi bản thân bằng các kiểu tóc mới, chiếc váy phong cách khác biệt... thì cũng đừng chế giễu họ. Đừng quên rằng những thay đổi đó đang giúp ích tích cực cho đối phương, thế nên bạn càng nên khuyến khích điều đó. Hãy để họ làm điều mình muốn.

Giao tiếp

Trong bất cứ quan hệ nào, giao tiếp là điều quan trọng hàng đầu. Hãy nói cho họ biết những cảm xúc của bạn và ngược lại, lắng nghe họ. Hôn nhân là mối quan hệ gắn bó giữa hai người, do đó, hãy hỗ trợ nhau đi qua khủng hoảng để hướng tới hạnh phúc trọn vẹn.

Thùy Linh (Theo Bonology)

  • Những định kiến về lao động lớn tuổi
  • Phụ nữ cần gì ở tuổi 40?
  • 6 điều thiết thực nên làm sau tuổi 60
  • Ba kiểu hôn nhân của vợ chồng trung niên
  • 5 điều đàn ông trung niên nên từ bỏ
  • 4 'quý nhân' của tuổi trung niên
  • Những sai lầm dễ mắc ở tuổi trung niên
  • 3 gánh nặng nhiều người tuổi trung niên phải đối mặt
  • Bi kịch khủng hoảng tuổi trung niên từ vụ nhảy lầu của kỹ sư 42 tuổi

Từ khóa » độ Tuổi Trung Niên