Khuynh Hướng Sử Thi Và Cảm Hứng Lãng Mạn Trong Bài Thơ Việt Bắc

Tố Hữu được tôn vinh là “nhà thơ của cách mạng”, “nhà thơ của nhân dân”, “ngọn cờ chiến đấu của thơ ca cách mạng Việt Nam”, “người có công đầu xây dựng nền thơ ca cách mạng Việt Nam”,”một cuộc đời trọn vẹn với Cách mạng - Nghệ thuật - Tình yêu”, “một viên ngọc trong nền văn hóa Việt Nam”, “nhà thơ của chủ nghĩa nhân văn cách mạng”. Ông là một trong số ít những nhà thơ sớm được giác ngộ cách mạng và tìm được con đường đúng đắn trong khi những nhà thơ khác còn đang loay hoay thoát lên tiên, hay khép mình trong cái tôi tuyệt đối. Là một người nghệ sĩ, đồng thời là một nhà cách mạng tài năng, ông dùng ngòi bút của mình để chiến đấu và ca ngợi cuộc chiến anh hùng. Điều này được thể hiện rất rõ qua tác phẩm Việt Bắc, một tác phẩm thấm nhuần hơi thở của thời đại, với âm vang của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.

  • Những tác phẩm văn học hay nhất thời kỳ 1945-1975
  • Đôi nét về phong trào thơ mới - Thời kỳ đỉnh cao của văn học việt nam
  • Hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa nhan đề bài thơ Từ ấy của Tố Hữu

Khuynh hướng sử thi & cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Việt Bắc - Tố Hữu

Khuynh hướng sử thi trong tác phẩm

Tác phẩm viết theo huynh hướng sử thi là những tác phẩm đề cập đến những đề tài có ý nghĩa lịch sử và mang tính dân tộc. Nhân vật chính thường tiêu biểu cho lí tưởng, khát vọng, luôn hướng tới ánh sáng, luôn gắn số phận của cá nhân và số phận của cộng đồng, là kết tinh những phẩm chất tốt đẹp của một tập thể, cộng đồng. Lời văn sử thi thường mang vẻ đẹp ngợi ca, trang trọng, ngôn từ mang tính cách điệu, hào hùng. Là một trong những tác phẩm xuất sắc trong văn học cách mạng, hiển nhiên “ Việt Bắc” cũng mang đậm tính sử thi.

* Đề cập đến những vấn đề có tính lịch sử, tính dân tộc

Việt Bắc được cho là cái nôi của cách mạng, nơi bắt đầu cho cuộc chiến anh hùng của dân tộc. Tác phẩm Việt Bắc ra đời khi nhà thơ phải rời chiến khu Việt Bắc, để về dưới xuôi, vì vậy có thể nói “Việt Bắc” có tính lịch sử trọng đại chứ không đơn thuần mang tính nghệ thuật. “Việt Bắc” trước hết viết về cuộc chiến đấu giành độc lập của dân tộc:

Mình về, còn nhớ núi non

Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh

Mình đi, mình có nhớ mình

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?

Đoạn thơ đã liệt kê những sự kiện lịch sử và những địa danh gắn liền với cách mạng, Việt Bắc nơi đã chứng kiến những bước đi đầu tiên của cách mạng, có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng. Đình Hồng Thái và cây đa Tân Trào là những di tích lịch sử, đình Hồng Thái còn mang nhiều giá trị lịch sử. Đây là điểm dừng chân đầu tiên của Hồ Chí Minh khi từ Pắc Pó (Cao Bằng) về căn cứ địa cách mạng Tân Trào ngày 21/5/1945. Cây đa Tân Trào, nằm ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, được coi là một biểu tượng cách mạng. Cây đa chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, đặc biệt trong thời kỳ tiền cách mạng tháng Tám năm 1945. Viết về những địa danh này, nhà thơ muốn nhắc nhở về những năm tháng chiến đấu với giặc ngoại xâm, khoảng thời gian hành quân vất vả, nhưng trong tim luôn rạo rực tinh thần quyết thắng.

Giữa bức tranh đó nổi bật nhất chính là cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu hết sức gian lao, khổ cực nhưng vô cùng gắn bó, đoàn kết, thắm tình nghĩa như những người con cùng chung một dòng máu giữa cán bộ kháng chiến và nhân dân Việt Bắc. Cuộc sống chiến đấu tuy vất vả và khó khăn nhưng có sự ủng hộ và nâng đỡ tinh thần của những con người chân chất nơi núi rừng đại ngàn:

Nhớ khi giặc đến giặc lùng

Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây.

Núi giăng thành luỹ sắt dày

Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù

Mênh mông bốn mặt sương mù

Đất trời ta cả chiến khu một lòng.

Hình ảnh của những khu rừng đã ăn sâu trong tiềm thức của những nhà thơ khi còn hoạt động cách mạng ở đây. Khung cảnh sử thi âm vang tiếng nói của đạt ngàn, thiên nhiên và con người như hòa làm một, cùng chung một lý tưởng chiến đấu, chung một mối thù. Đây là đoạn thơ thể hiện rất rõ khuynh hướng sử thi cách mạng, tràn ngập khí thế. Rừng trở thành một người bạn, một người mẹ bảo vệ lấy dân tộc. Đặc biệt ở câu thơ cuối, tác giả khẳng định tinh thần đoàn kết đấu tranh dành độc lập của cả thiên nhiên và con người.

* Hình ảnh ra trận của những dân quân Việt Bắc

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan.

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

Đại từ sở hữu “của ta” được vang lên một cách dõng dạc khẳng định niềm tự hào của những con người ở vị thế làm chủ đất nước. Hai chữ “rầm rập” vừa gợi âm thanh, vừa tạo hình ảnh, gợi sức mạnh của đoàn quân trong kháng chiến. Các từ láy “rầm rập”, “điệp điệp” và “trùng trùng” và hình ảnh so sánh “như là đất rung”: vừa tái hiện không khí sôi nổi trong những ngày chiến dịch của cuộc kháng chiến, vừa gợi lên sự đông đảo, vừa gợi lên sức mạnh, khí thế hào hùng của đoàn quân ra trận. Nổi bật lên là hình ảnh quân đội nhân dân Việt Nam, ý thơ phô trương sức mạnh hùng hậu của Quân đội ta: “Quân đi điệp điệp trùng trùng / Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”. Hình ảnh những người lính được hình tượng hóa, mang trong mình sức mạnh có thể đánh tan mọi kẻ thù, đất trời thiên nhiên cũng phải khiếp sợ.

Cảm hứng lãng mạn trong Việt Bắc

* Tình cảm giữa người đi và kẻ ở

Biểu hiện rõ ràng nhất ở cảm hứng lãng mạn chính là cái tôi đầy cảm xúc của nhân vật trữ tình và của chính tác giả. “Việt Bắc ra đời trong hoàn cảnh chia ly, hiển nhiên khơi gợi nhiều cảm xúc cho cả người đi lẫn kẻ ở. Cảm xúc chủ đạo của tác phẩm là nỗi nhớ, dạt dào trong những kỉ niệm được đánh thức vào giây phút bịn rịn nhất:

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

Tác giả ví nỗi nhớ của những người cán bộ dành cho những người dân Việt Bắc sâu sắc và da diết không thua kém gì nỗi nhớ người yêu. Trong nỗi nhớ ấy, ánh trăng hiền hòa, nắng chiều dịu mát, sương khói bao trùm, bếp lửa và người quấn quýt bên nhau. Một khung cảnh vô cùng lãng mạn, từ cảnh vật đến tình cảm con người, vang vọng trong tâm hồn của người đi là kỉ niệm, của kẻ ở là nỗi nhớ:

Thương nhau, chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.

Chân bước đi mà lòng còn ở lại…trái tim gắn bó hơn mười năm giờ đây một phần đã thuộc về đất, về người, về núi rừng nơi đây giờ phải chia xa làm sao cho nỡ. Người chiến sĩ bước đi trong ngậm ngùi thương nhớ. Những câu hỏi của đồng bào Việt Bắc không chỉ thể hiện được sự lưu luyến nuối tiếc mà còn như muốn khắc sâu hơn nữa những ngày tháng kỉ niệm đó. Bởi vậy, tình cảm trong tác phẩm dạt dào cảm xúc, tính trữ tình lãng mạn song hành cùng tính sử thi hào hùng, hoàn toàn không đối lập nhau mà hài hòa, cùng nhau làm nên chất thơ của tác phẩm.

* Khung cảnh Việt Bắc đẹp lãng mạn

Cảm hứng lãng mạn trong tác phẩm còn được thể hiện qua các nhà thơ miêu tả Việt Bắc đấm chất nhạc và họa:

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hoà bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

Thiên nhiên Việt Bắc được thể hiện qua bốn mùa xuân - hạ - thu – đông, Mùa đông được đưa lên đầu tiên thay vì tuân theo thứ tự như bình thường xuân – hạ - thu – đông, bởi đây là mùa mà nhà thơ phải rời ra mảnh đất Việt Bắc đã gắn bó với ông suốt bao nhiêu năm tháng. Mùa xuân hiện lên tràn ngập sức sống, Bao trùm lên cảnh vật mùa xuân là màu trắng dịu dàng trong trẻo tinh khiết của hoa mơ nở khắp rừng: "Ngày xuân mơ nở trắng rừng". Cụm từ "trắng rừng" được viết theo phép đảo ngữ và từ "trắng" được dùng như động từ có tác dụng nhấn mạnh vào màu sắc màu trắng dường như lấn át tất cả mọi màu xanh của lá và làm bừng sáng cả khu rừng bởi sắc trắng mơ màng bâng khuâng dịu mát của hoa mơ. Mùa hạ với đầy cái mãnh liệt và sức nóng lan tỏa. Mùa thu đẹp nao lòng với ánh trăng, Tố Hữu một lần nữa miểu tả mùa thu hòa bình với hình ảnh của vầng trăng soi sáng. Không gian bao la được mở rộng, dát vàng ánh sáng của trăng. Người với người cùng nhau tận hưởng hòa bình mà phải mất bao nhiêu xương máu mới có được. Cảnh thiên nhiên Việt Bắc lãng mạn và đầy tính trữ tình.

* Niềm tin tất thắng vào cuộc chiến đấu

Tin vui chiến thắng trăm miền

Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

Vui từ Đồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc đèo De, núi Hồng

Niềm vui chiến thắng của dân tộc tràn ngập những câu thơ, tràn vào tâm tư người đọc niềm vui chiến thắng bất tận của chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Tác phẩm thể hiện niềm tin mãnh liệt vào một kỉ nguyên độc lập của dân tộc, không còn áp bức, chỉ còn niềm vui chiến thắng. Điệp từ “vui” được lặp đi lặp lại nhiều lần gợi lên những đợt sóng tình cảm trào dâng, đợt sóng này kế tiếp đợt sóng kia cứ dâng lên, dâng lên mãi, tràn ngập tâm hồn nhà thơ, trong lòng quân dân cả nước. Đó cũng là niềm vui chung của dân tộc, của đất nước. Dù có trải qua bao nhiêu gian khổ, có nghìn đêm đi trong “thăm thẳm sương dày” nhưng niềm lạc quan tin tưởng vào ngày mai thắng lợi vẫn sáng ngời. Như “ngọn đèn pha bật sáng” giữa cái “nghìn đêm thăm thẳm sương dày” ấy, mang một ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, đó chính là ánh sáng của lí tưởng cách mạng soi đường cho dân tộc:

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên

Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn được sử dụng trong bài thơ rất tài tình và hài hòa, để qua đó vừa thể hiện được sức mạnh mãnh liệt của quân và dân ta, vừa thể hiện được khía cạnh tình cảm trữ tình của những con người bình thường.

Thảo Nguyên

Từ khóa » Tính Sử Thi Trong Tây Tiến